Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2020 về nâng cao năng lực quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi
Số hiệu: | 122/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn | Người ký: | Hồ Tiến Thiệu |
Ngày ban hành: | 18/07/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 18 tháng 7 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO NĂNG LỰC QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG TRONG LĨNH VỰC THỦY LỢI
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu nâng cao năng lực quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 117/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Huy động, lồng ghép, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc các đập, hồ chứa nước được phê duyệt danh mục và từng bước nâng cấp để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành, ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và sản xuất hợp lý, hiệu quả.
2. Yêu cầu
- Xây dựng, lắp đặt thiết bị quan trắc cho các đập, hồ chứa nước thực hiện từng bước, phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực đầu tư; khuyến khích đa dạng hóa hình thức đầu tư, hợp tác công tư giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tư nhân.
- Xây dựng hệ thống khí tượng thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi đến năm 2030 bảo đảm đủ công cụ, thiết bị quan trắc theo quy định hiện hành, từng bước nâng cấp tự động hóa, bảo đảm phục vụ công tác quản lý, vận hành, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, giám sát chất lượng nước trong công trình thủy lợi đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ
1.1. Tổ chức thu thập số liệu, quan trắc đầy đủ các yếu tố yêu cầu:
- Đối với công trình đầu mối: thu thập số liệu, quan trắc về lượng mưa tại công trình, mực nước thượng lưu công trình.
- Đối với hồ chứa nước: thu thập số liệu, quan trắc về lượng mưa tại công trình đầu mối và trên lưu vực; mực nước hồ, tràn xả lũ.
- Đối với khu tưới, tiêu và các khu vực khô hạn ngoài phạm vi công trình thủy lợi: thu thập số liệu, quan trắc lượng mưa.
- Khuyến khích quan trắc lượng mưa và các yếu tố khí tượng tại mặt ruộng của các vùng khô hạn và các khu vực canh tác nông nghiệp ngoài phạm vi công trình thủy lợi.
1.2. Xây dựng, lắp đặt thiết bị quan trắc
a) Giai đoạn 2021-2025:
Xây dựng, lắp đặt thiết bị quan trắc cho các đập, hồ chứa nước được phê duyệt danh mục tại Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:
- Đối với 53 hồ chứa lớn: xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa trên lưu vực, trạm đo mực nước tại thượng lưu đập, tràn xả lũ.
- Đối với 40 hồ chứa vừa: xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa trên lưu vực, trạm đo mực nước tại thượng lưu đập, tràn xả lũ.
- Đối với 39 hồ chứa nhỏ: xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa, trạm đo mực nước tại thượng lưu đập, tràn xả lũ.
- Đối với 11 hồ, đập dâng có chiều cao trên 5m: xây dựng, lắp đặt trạm đo mưa, trạm đo mực nước thượng hạ lưu tại đập tràn thuộc.
(Có danh mục các hồ chứa kèm theo).
b) Giai đoạn 2026-2030:
Từng bước hoàn thành trang bị hệ thống giám sát, đo đạc tự động bảo đảm đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
2. Giải pháp và nguồn vốn thực hiện
2.1. Giải pháp chủ yếu
- Xây dựng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng, trạm đo mực nước, thực hiện việc ghi chép, lưu trữ số liệu theo quy định.
- Xây dựng các trạm đo thủ công cho tất cả các công trình thủy lợi có yêu cầu phải quan trắc các chỉ tiêu về khí tượng, thủy văn chuyên dùng.
- Lắp đặt các trạm quan trắc tự động hoặc thuê dịch vụ quan trắc, cung cấp dữ liệu khí tượng thủy văn, chuyên dùng.
2.2. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí ngân sách địa phương (tỉnh, huyện):
- Đầu tư xây dựng, lắp đặt trạm đo mực nước, đo mưa cho 143 hồ, đập được phê duyệt danh mục tại Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh, với nhu cầu kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.
- Chi phí vận hành, duy trì hoạt động của các trạm đo mực nước, đo mưa hàng năm, dự kiến khoảng 500 triệu đồng/năm.
b) Kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi:
- Đầu tư trang bị hệ thống giám sát, đo đạc tự động, với nhu cầu kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.
- Chi phí vận hành, duy trì hoạt động của các trạm đo mực nước, đo mưa từ chi phí phòng, chống thiên tai, quản lý, vận hành công trình thủy lợi.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo lộ trình đề ra; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí ngân sách hàng năm, trung hạn để thực nhiệm vụ kế hoạch theo lộ trình đề ra.
3. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước...): phối hợp xây dựng, tổ chức quan trắc, thuê dịch vụ cung cấp khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định hiện hành.
Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả thiết thực./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |