Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2013 thực hiện Kết luận 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Số hiệu: 119/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đình Xứng
Ngày ban hành: 06/11/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 06 tháng 11 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 56-KL/TW NGÀY 21/02/2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA IX VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ

Triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu.

- Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

- Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, vùng miền; rà soát các hợp tác xã đã đăng ký và đang hoạt động, hỗ trợ các hợp tác xã tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Luật khác có liên quan, đảm bảo hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, tự chủ, chịu trách nhiệm, tạo việc làm, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi.

- Tiếp tục khắc phục những yếu kém, đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của các hợp tác xã theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng tốt hơn lợi ích của các thành viên, nâng cao tốc độ tăng trưởng của hợp tác xã và mức đóng góp vào GDP của tỉnh.

- Xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã theo các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

2. Yêu cầu.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều

hành của chính quyền các cấp, các ngành, sự phối hợp của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế tập thể.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định, Thông tư hướng dẫn về phát triển kinh tế tập thể và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và xã hội về phát triển kinh tế tập thể.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, nhằm nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, nhất là tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/3/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

2. Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tăng cường công tác, vận động, hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia thành lập, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã theo hướng củng cố các hợp tác xã hiện có, tập trung phát triển các hợp tác xã mới; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã yếu kém vươn lên hoạt động có hiệu quả.

- Phát triển kinh tế tập thể gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển hợp tác xã theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2020 nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, định hướng hoạt động của các tổ hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác liên kết phát triển thành hợp tác xã, các hợp tác xã liên kết thành liên hiệp hợp tác xã.

3. Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tăng cường hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng phương án đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở khoa học nhằm gắn sản xuất với ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

- Xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến để nhân rộng, chú trọng phát triển các mô hình trong lĩnh vực nông lâm nghiệp ở các xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo điều kiện giúp các hợp tác xã chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý điều hành để hoạt động có hiệu quả.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý hợp tác xã, đối với các huyện, thị xã, thành phố, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác xã phải thống nhất một đầu mối (Phòng Tài chính - Kế hoạch), đảm bảo có cán bộ chuyên trách theo dõi và quản lý hợp tác xã.

- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong phát triển kinh tế tập thể; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

5. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể.

- Tập trung củng cố, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả của Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhằm làm tốt hơn chức năng tham mưu, đề xuất; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể; thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, là cầu nối hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

- Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, hội, hiệp hội trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

6. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

- Tổ chức phổ biến, nghiên cứu, quán triệt nội dung Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương tới toàn thể các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

- Nghiên cứu cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và các đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm và hàng năm; hướng dẫn thực hiện tốt công tác cấp đăng ký kinh doanh, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính.

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh; phối hợp với đơn vị liên quan hàng năm cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hướng dẫn các đơn vị thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.

3. Sở Nội vụ.

Chủ trì phối hợp với các ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh củng cố, đổi mới, nêu cao vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; kiện toàn, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở các ngành, các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn, tư vấn thành lập phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; tham mưu, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản hàng hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và nông thôn;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển kinh tế tập thể; tổng hợp, báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo định kỳ hàng năm.

5. Sở Khoa học và Công nghệ.

Tổ chức hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác; hướng dẫn, đề xuất và triển khai thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chủ trì, hướng dẫn, thực hiện công tác đào tạo nghề cho xã viên, người lao động trong hợp tác xã, tổ hợp tác; thực hiện các chế độ, chính sách đối với xã viên, người lao động.

8. Các Sở: Công thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Theo chức năng nhiệm vụ có kế hoạch hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển theo lĩnh vực quản lý của ngành; tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải...; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

9. Sở Thông tin và Truyền thông.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã năm 2012, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể.

10. Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức hội, hiệp hội.

Phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng, đoàn viên, hội viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể.

11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển kinh tế tập thể; tổng hợp, báo cáo kết quả phát triển kinh tế tập thể theo định kỳ sáu tháng, cả năm và theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX).

- Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hóa thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, về bản chất và vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến, nhằm cung cấp kịp thời mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả để nhân rộng, học tập.

- Hướng dẫn, tư vấn thành lập phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; thực hiện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn.

12. Cục Thuế Thanh Hóa.

Chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và các đơn vị liên quan triển khai thực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế, công tác kế toán, hạch toán đối với hợp tác xã theo hướng tạo thuận lợi cho các hợp tác xã.

13. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa.

- Tổ chức hướng dẫn thành lập, kiểm tra, giám sát hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về lãi suất cho vay theo quy định; ưu tiên vốn vay cho các hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và điều kiện cho vay để các hợp tác xã đang gặp khó khăn nhưng có kế hoạch, phương án kinh doanh hiệu quả được vay vốn.

14. UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố giao đơn vị đầu mối (Phòng Tài chính - Kế hoạch) xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm và hàng năm tại địa phương; bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động kinh tế tập thể tại địa bàn mình quản lý.

- Tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã theo hướng củng cố các hợp tác xã hiện có, tập trung phát triển các hợp tác xã mới có nhiều lợi thế với điều kiện của địa phương; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của hợp tác xã.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Kế hoạch này, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng Kế hoạch của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện; định kỳ sáu tháng, cả năm (trước ngày 15/6 và ngày 15/11) báo cáo kết quả thực hiện về tình hình phát triển kinh tế tập thể gửi về: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đình Xứng

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.