Kế hoạch 112/KH-UBND thực hiện Đề án “nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, giai đoạn 2016–2021” năm 2017
Số hiệu: | 112/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn | Người ký: | Phạm Ngọc Thưởng |
Ngày ban hành: | 14/06/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 14 tháng 6 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI, GIAI ĐOẠN 2016 – 2021”, NĂM 2017
Để triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, giai đoạn 2016 – 2021” ban hành theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 16/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2017 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xây dựng lực lượng Công an xã đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, là nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở cơ sở.
2. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, chính trị, pháp luật; trang bị phương tiện, điều kiện làm việc cần thiết cho lực lượng Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở.
3. Việc thực hiện nội dung của Đề án phải đảm bảo tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM
1. Công tác quy hoạch, củng cố, kiện toàn tổ chức
a) Thực hiện quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sử dụng các chức danh Công an xã đảm bảo tính ổn định lâu dài, phục vụ tốt yêu cầu mục tiêu theo hướng Công an xã là lực lượng Công an chính quy; rà soát về trình độ năng lực, sức khỏe... để xem xét chuyển công tác khác hoặc cho thôi việc đối với các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu; tính toán tuyển dụng người có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn và có nguyện vọng tham gia công tác Công an xã.
b) Bố trí thí điểm 75 Công an viên thường trực (mỗi địa bàn 03 người) tại 25 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, gồm các thị trấn: Cao Lộc, Đồng Đăng, Lộc Bình, Na Dương, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Hữu Lũng, Na Sầm, Thất Khê, Đình Lập, nông trường Thái Bình và 09 xã thuộc các huyện: Cao Lộc (02 xã), Văn Lãng (02 xã), Tràng Định (02 xã), Lộc Bình (02 xã), thành phố Lạng Sơn (02 xã); Đình Lập (01 xã), việc lựa chọn xã để bố trí Công an viên thường trực do UBND huyện, thành phố xem xét quyết định.
c) Bố trí đủ 02 Phó trưởng Công an xã tại các xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, xã loại I, loại II.
2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện
a) Về đào tạo: Phối hợp với Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I- Bộ Công an, tổ chức lớp đào tạo Trung cấp nghiệp vụ Công an xã Khóa III (2017-2019).
b) Công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ: Giao Công an tỉnh phối hợp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện, nhằm trang bị kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã. Trước mắt mở lớp bồi dưỡng huấn luyện cho 75 công an viên thường trực (sau khi kiện toàn đầy đủ tổ chức, biên chế).
3. Về trụ sở, nơi làm việc
- Các huyện, thành phố trong quy hoạch dài hạn, cần tính toán địa điểm xây trụ sở làm việc cho lực lượng Công an xã, phù hợp với tình hình thực tế.
- Đối với những địa bàn quy hoạch và xây dựng trụ sở UBND xã năm 2017, tính toán bố trí cho lực lượng Công an xã từ 02 phòng làm việc trở lên.
- Đối với các xã, thị trấn đã xây dựng trụ sở UBND xã mới, phải bố trí phòng làm việc riêng cho lực lượng Công an xã để bảo quản vũ khí; tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm; giải quyết các vụ việc liên quan ANTT tại cơ sở…
4. Về trang bị phương tiện, điều kiện làm việc:
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát tính toán bố trí đầy đủ cho lực lượng Công an xã phương tiện, điều kiện làm việc, như: Bàn làm việc, máy vi tính, giường ngủ trực chiến… cho phù hợp với thực tế tình hình. Bố trí điện thoại bàn phục vụ việc cung cấp, tiếp nhận thông tin về tội phạm và vi phạm pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp khảo sát việc thực hiện bố trí Công an viên thường trực và Phó trưởng Công an xã, thị trấn tại các xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về ANTT và xã loại I, loại II.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức mở lớp đào tạo trung cấp nghiệp vụ Công an xã khóa III. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện cho lực lượng Công an xã năm 2017.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, trang phục, phương tiện cho lực lượng Công an xã năm 2017 trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
d) Rà soát các tiêu chuẩn, định mức về công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cho lực lượng Công an xã do ngân sách Bộ Công an cấp, đề nghị Bộ Công an trang cấp.
đ) Là cơ quan Thường trực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành thực hiện chức năng nhiệm vụ được phân công. Giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình kết quả thực hiện báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh theo quy định.
2. Sở Nội vụ
a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm đối với chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã. Phối hợp mở lớp đào tạo Trung cấp nghiệp vụ Công an xã Khóa III (2017-2018); đồng thời phối hợp xây dựng dự toán kinh phí đào tạo.
b) Phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã theo đúng quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh tổng hợp cân đối các nguồn kinh phí để phấn đấu đến năm 2021 được bố trí phòng làm việc riêng (từ 01 đến 02 phòng) cho Công an xã và các nội dung của Đề án có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Tài chính:
Chủ trì thẩm định, báo cáo đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, mua sắm trang bị, phương tiện… cho lực lượng Công an xã; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đảm bảo theo đúng quy định.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh:
Rà soát, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách về thương binh, liệt sỹ, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, chế độ khám chữa bệnh, hưởng 1 lần phụ cấp thôi việc… cho lực lượng Công an xã theo đúng quy định.
6. UBND huyện, thành phố
a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, bố trí, sử dụng lực lượng Công an xã, thị trấn đảm bảo tính ổn định, lâu dài và kế thừa, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Tiến hành kiểm tra, rà soát lại lực lượng Công an xã, đối với những đồng chí trình độ văn hóa, năng lực hạn chế, sức khỏe yếu… không đáp ứng được yêu cầu công tác để xem xét bố trí công tác khác hoặc tinh giản biên chế; rà soát nhân sự bổ sung thay thế đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
b) Chỉ đạo lựa chọn địa bàn bố trí thí điểm Công an viên thường trực; bố trí đủ 02 Phó trưởng Công an xã tại các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã loại I, loại II.
c) Chỉ đạo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bổ sung quy hoạch đối với trụ sở Ban Công an xã; bố trí nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Công an xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở...
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án năm 2017: 755.000.000 đồng (bảy trăm năm mươi năm triệu đồng chẵn), trong đó:
1. Kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện cho lực lượng Công an xã (03 lớp) 675.000.000đ (sáu trăm, bảy mươi năm triệu đồng) từ nguồn ngân sách của tỉnh.
2. Kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện cho 75 đồng chí Công an viên thường trực khoảng 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng) từ nguồn ngân sách của tỉnh.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Công an tỉnh là cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện và thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch này; giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình kết quả thực hiện để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai thực thực hiện nghiêm túc kế hoạch này và báo cáo kết quả tiến độ thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 31/12/2017 để tổng hợp./.
|
CHỦ TỊCH |