Kế hoạch 1009/KH-UBND năm 2016 cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020
Số hiệu: | 1009/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Nguyễn Hòa Hiệp |
Ngày ban hành: | 03/02/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1009/KH-UBND |
Đồng Nai, ngày 03 tháng 02 năm 2016 |
CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY, QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hanh Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015; Kế hoạch số 2529/KH-UBND ngày 12/4/2012 của UBND tỉnh về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2012-2015.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của cấp ủy Đảng chính quyền các cấp và việc triển khai của các sở, ban, ngành, UBND cac huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, công tác phòng chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện phục hồi nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định như: Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy, cai nghiện phục hồi được thực hiện thường xuyên, thiết thực nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, ngày càng có nhiều người tham gia phát hiện tố giác, đấu tranh phòng, chống bài trừ tệ nạn ma túy. Công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện được các ngành chức năng, chính quyền địa phượng các cấp quan tâm tạo điều kiện cho đối tượng sau cai nghiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2011 - 2015, kết quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện như sau:
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện mới cho 4.341 lượt người, tăng 1.622 người so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó:
a) Các cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận cai nghiện mới cho 2.921/2.500 lượt người, đạt 116,84% kế hoạch, tăng 811 người so với giai đoạn 2006 - 2010.
b) Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mới cho 1.420/500 lượt người, đạt 284% kế hoạch, tăng 741 người so với giai đoạn 2006 - 2010.
2. Kết quả quản lý sau cai nghiện
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức quản lý sau cai tại nơi cư trú cho 1.447 người (chưa tính số năm trước 2011 chuyển qua); hỗ trợ, cho vay vốn 163 người với số tiền 1.865.000.000 đồng (trong đó quỹ doanh nhân với an ninh trật tự cho vay vốn 28 người tù tha về tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy với số tiền là 580.000.000 đông); tạo việc làm cho 876 người. Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Đồng Nai đã tổ chức dạy văn hóa cho 120 học viên, dạy nghề cho 971 học viên.
II. TÌNH HÌNH NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY HIỆN NAY VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2020
1. Tình hình người nghiện ma túy
Tính đến ngày 15/7/2015, toàn tỉnh có 2.898 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. So với cuối năm 2010, số người nghiện ma túy đã tăng 173,63% (2898/1.669). Có 11/11 (100%) huyện, thị xã, thành phố và 158/171 (92,39%) xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy; trong đó: số đang ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ do Công an quản lý là 284 người; số đang cai nghiện tại các Trung tâm là: 363 người, số đang ở ngoài cộng đồng là 2.251 người.
a) Tình hình sử dụng ma túy có nhiều phát sinh mới về loại ma túy và hình thức sử dụng. Thay cho vai trò của cần sa, thuốc phiện, á phiện trong những năm trước đây, hiện nay có tới 78,14% người nghiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng heroin. Mặc dù tỷ lệ người nghiện cần sa, các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS hay ma túy tổng hợp) và các dạng ma túy khác là 21,86%. Nhưng theo đánh giá, việc lạm dụng ATS, đặc biệt là Methamphetamine, đang có xu hướng gia tăng trong người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, nhất là giới trẻ. Việc gia tăng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy này gặp rất nhiều khó khăn;
b) Cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi. Từ hình thức hút, nuốt sang hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích với việc dùng chung bơm kim tiêm đã dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm HIV cao trong nhóm người nghiện chích ma túy. Ngoài ra, nghiện ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân tiềm tàng phát sinh nhiều tội phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội như giết người, cướp của trộm cắp, cố ý gây thương tích, bạo lực gia đình...;
Như vậy, có thể thấy tình hình lạm dụng ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với sự xuất hiện nhiều loại ma túy mới, hình thức sử dụng ma túy không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo và không có việc làm ổn định, thường gặp các vấn đề về sức khỏe, kinh tế khó khăn, nhiều người không được người thân, gia đình quan tâm, chăm sóc. Do vậy, việc tổ chức cai nghiện ma túy là cần thiết nhằm giúp họ từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động để đảm bảo thực hiện đầy đủ các vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
2. Dự báo người nghiện ma túy đến năm 2020
Trong 5 năm qua (2011-2015), bình quân số người nghiện ma túy tăng đều theo từng năm (trung bình số người nghiện mới và nghiện lâu nay mới phát hiện là 502 người/năm). Dự báo với tốc độ tăng như hiện nay (502 người/năm) số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng đến cuối năm 2020 có khoảng 5.400 người có hồ sơ quản lý. Đặc biệt trong xu hướng tăng đó, tình trạng nghiện ma túy tổng hợp sẽ tăng lên đáng kể và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng trên 900 người nghiện ma túy tổng hợp, vì:
a) Một bộ phận người nghiện ma túy nhóm thuốc phiện (chủ yếu heroin) đã nhận biết rõ tác hại của việc sử dụng loại ma túy này, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nên đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt ma túy tổng hợp dễ sử dụng, cất giấu, vận chuyển...;
b) Ma túy tổng hợp được cung cấp từ nguồn vận chuyển từ nước ngoài vào và sản xuất trong nước; trong khi heroin phải vận chuyển từ nước ngoài vào.
KẾ HOẠCH CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy và quản lý sau cai, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Kế hoạch được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên và tăng cường hỗ trợ cho các địa bàn có nhiều người nghiện ma túy.
2. Đối tượng áp dụng
a) Người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
b) Công chức, viên chức làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy; công chức, viên chức làm công tác quản lý sau cai nghiện gia đình người nghiện ma túy các cơ sở cai nghiện tự nguyện và cơ sở tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Mục tiêu chung
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy thông qua việc thực hiện các biện pháp, mô hình đa dạng, toàn diện, liên tục tăng cường chất lượng công tác điều trị, tư vấn, xã hội, việc làm, kết hợp với các biện pháp giảm tác hại của sử dụng ma túy và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp nhất là cấp cơ sở trong việc lãnh đạo chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng, cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS tội phạm và tệ nạn xã hội trong việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy sự ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân và gia đình người nghiện trong việc vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện theo các hình thức cai nghiện tại gia đình cộng đồng, các Cơ sở cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện phòng chống tái nghiện.
c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp từ huyện thị xã thành phố đến xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
d) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chữa bệnh và giáo dục dạy nghề, công tác phòng, chống thẩm lậu, tiêu cực, chống người thi hành công vụ, gây rối, bạo loạn trong Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai.
đ) Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề, lao động sản xuất, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của học viên trong Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai với mục đích trang bị, đào tạo nghề cho học viên có cơ hội tìm được việc làm khi về cộng đồng.
e) Đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, thông qua việc tăng cường số người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nâng cao chất lượng các hoạt động cắt cơn, giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề tạo việc làm và quản lý, hỗ trợ sau cai tại cộng đồng.
g) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý sau cai. Chú trọng thực hiện các biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú; tiếp tục duy trì hoạt động mô hình Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã
h) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại Cơ sở cai nghiện ma túy, Cơ sở quản lý sau cai nghiện, tại gia đình và cộng đồng.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Phấn đấu đến cuối năm 2020, tổ chức cai nghiện mới cho 3.000 người nghiện ma túy với các biện pháp, hình thức phù hợp (cụ thể: Cai nghiện bắt buộc cho 1.500 người, cai tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 750 người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 750 người). Tổ chức điều trị duy trì và điều trị mới nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 2.000 người.
b) 100% học viên hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai được quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp. Hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho 500 người sau cai nghiện ma túy.
c) 50% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm và tạo việc làm; cụ thể: Dạy nghề cho 1.500 người đang cai nghiện tại các Trung tâm và cộng đồng (trong đó dạy nghề tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 700 người, cộng đồng 500 người, gia đình và cơ sở tự nguyện dân lập 300 người). Các địa phương hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 1.500 người. Hỗ trợ cho 100 người vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, người bán dâm hoàn lương.
d) 100% cán bộ làm công tác quản lý, trực tiếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các Trung tâm và tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.
đ) Phấn đấu duy trì 80% (137/171) xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm được cấp bằng công nhận.
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác cai nghiện phục hồi.
3. Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng. Phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai, lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - hội khác như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết: Xây dựng các cơ sở dữ liệu về người nghiện ma túy, các chỉ số giám sát, đánh giá, các chỉ tiêu báo cáo về công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; định kỳ đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện, điều chỉnh nội dung, biện pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao kết quả, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy
a) Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền bề rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh trên đài truyền hình, sử dụng có hiệu quả loa, đài truyền thanh, bảng tin, trạm tin xã, phường, thị trấn... đẩy mạnh tuyên truyền chiều sâu và tuyên truyền trực tiếp thông qua các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức xã hội trong việc tổ chức như tọa đàm, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề ...
b) Tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, trong các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn,...chú trọng cho những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp. Phối hợp với các đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ quản lý người sau cai nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện.
c) Nội dung tuyên truyền: Phổ biến các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tỉnh về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
2. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh
a) Tiếp tục thực hiện các hình thức và biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định tại Điều 26 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
b) Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Công an, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ chuyển Tòa án xét xử đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục về hồ sơ và đạt chỉ tiêu được giao. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện.
c) Các cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng công an, gia đình có thân nhân cai nghiện ma túy tự nguyện bàn giao học viên, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.
d) Tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục, dạy nghề, lao động sản xuất cho học viên vào cai nghiện ma túy ở các Cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn; tăng cường công tác chống trốn, chống đánh nhau, chống thẩm lậu, chống tiêu cực trong quản lý học viên, tạo môi trường tốt để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện và tự nguyện xin vào cai nghiện.
đ) Xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện bắt buộc và tự nguyện; hoàn thiện các chương trình chữa trị, giáo dục cho học viên tại các Cơ sở theo hướng dành không dưới 70% thời gian cho các hoạt động tư vấn học văn hóa, học nghề.
e) Tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về công tác cai nghiện phục hồi tại các Cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh
3. Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ.
- Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai bắt buộc tại cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
- Xây dựng các văn bản triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở địa phương.
- Tiếp tục triển khai thực hiện nhân rộng các điểm điều trị methadone cho người nghiện ma túy tại các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả Đề án.
4. Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng
a) Triển khai có hiệu quả Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ về quản lý sau cai tại nơi cư trú.
b) Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, xét duyệt, bàn giao đúng trình tự, thủ tục, đúng đối tượng trong diện quản lý sau cai tại nơi cư trú.
c) Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác quản lý sau cai, đảm bảo 100% số người đã cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai trở về cộng đồng hàng năm được quản lý sau cai tại nơi cư trú. Phân công cho hội viên và các đoàn thể, tình nguyện viên, thanh niên tình nguyện tư vấn quản lý, giúp đỡ, nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.
d) Tăng cường hỗ trợ công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Tổ chức tạo việc làm cho người sau cai nghiện dưới nhiều hình thức như giúp người sau cai nghiện tham gia lao động sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.
đ) Duy trì và phát triển các mô hình tình nguyện viên tiếp nhận, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Tổng kết, nhân rộng mô hình có hiệu quả tại cộng đồng.
5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai
a) Xây dựng kế hoạch tiếp tục mở các lớp đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, điều trị cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại cộng đồng.
b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Đội hoạt động xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tại các Cơ sở và tại cộng đồng.
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành và của các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động các nguồn lực xã hội và các nguồn hợp pháp khác.
2. Người tham gia điều trị chi trả một phần phí dịch vụ điều trị theo quy định. Tỉnh có chính sách hỗ trợ cho những người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm về cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp quản lý chỉ đạo, điều hành hệ thống cơ sở điều trị nghiện ma túy hoạt động có hiệu quả.
b) Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội rà soát các văn bản pháp quy về cai nghiện và quản lý sau cai của tỉnh đã ban hành để tham mưu xây dựng, ban hành văn bản mới cho phù hợp. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thông tư, nghị định về công tác cai nghiện và quản lý sau cai theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy đến các huyện, thị xã, thành phố.
c) Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động cai nghiện phục hồi theo kế hoạch được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội phê duyệt hàng năm.
d) Phối hợp các ngành chức năng, chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ các đơn vị cơ sở trực thuộc
đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch liên tịch số 178/KHLT ngày 30/12/2009 về phát động toàn dân tham gia vận động người nghiện đi cai nghiện, quản lý giúp đỡ người sau cai tại nơi cư trú đến các xã, phường, thị trấn để tổ chức thực hiện.
e) Phối hợp các ngành chức năng triển khai có hiệu quả Quy chế quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, Quy chế về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng, Quy chế phối hợp tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng Quy chế phối hợp lập hồ sơ và quản lý người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
g) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh.
h) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Đồng Nai thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 2714/QĐ-UBND ngày 09/9/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai.
i) Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai.
2. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt vai trò chức năng của cơ quan Thường trực về phòng, chống ma túy. Hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức đảm bảo đúng thủ tục, hoàn thành và vượt chỉ tiêu cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
b) Chỉ đạo Công an cơ sở truy tìm và bắt đưa đối tượng trốn không thi hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc. Đồng thời phối hợp với Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai truy tìm, đưa đối tượng bỏ trốn quay trở lại Cơ sở chấp hành quyết định.
c) Nâng cao hiệu quả quản lý người nghiện ma túy, thường xuyên rà soát, thống kê, kiểm danh, kiểm diện người nghiện ma túy trên địa bàn. Chỉ đạo Công an các cấp thường xuyên thống kê, rà soát về số người nghiện ma túy trên địa bàn để có biện pháp xử lý phù hợp.
d) Chỉ đạo Công an huyện Xuân Lộc nơi có Cơ sở điều trị nghiện ma túy đóng trên địa bàn, phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong khu vực; phòng, chống bạo loạn, trốn tập thể, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra tại Cơ sở. Đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch liên ngành số 03/KHLN ngày 14/01/2014 của Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Công an tỉnh Đồng Nai về hoạt động định kỳ với Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Đồng Nai trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chữa bệnh, phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.
đ) Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp các Ban, ngành ở địa phương quản lý tốt người sau cai nghiện tại nơi cư trú.
e) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và xã hội kiểm tra, giám sát nắm chắc tình hình công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai trên toàn tỉnh.
3. Sở Y tế
a) Chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện tổ chức tập huấn hỗ trợ cán bộ, chuyên môn kỹ thuật cho việc tổ chức điều trị cắt cơn, cấp cứu cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Hướng dẫn, chỉ đạo tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế cấp xã xét nghiệm tìm chất ma túy để xác định người nghiện ma túy lập hồ sơ bệnh án quy trình điều trị cắt cơn cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Kiểm tra việc tuân thủ phác đồ điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại các cơ sở tổ chức cai nghiện. Chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy về tư vấn cho người sau cai nghiện các thuốc hỗ trợ điều trị chống tái nghiện.
b) Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa huyện hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân vượt qua khả năng của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai và cac cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện dân lập.
c) Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh triển khai đề án hỗ trợ điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh. Tổng kết, nhân rộng thực hiện tại các địa phương khác.
d) Tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phác đồ, các thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy được phép lưu hành của Bộ Y tế cho các Cơ sở và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thanh phố; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ y tế các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
đ) Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở tổ chức tốt việc phối hợp các ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức xét nghiệm tìm chất gây nghiện để xác định người nghiện ma túy, người nghi tái nghiện.
e) Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn nghiệp vụ phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị ARV cho người nhiễm HIV đang chữa trị giáo dục tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai.
g) Chỉ đạo các bệnh viện phối hợp Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai làm tốt công tác chữa bệnh, quản lý học viên theo đúng quy chế bệnh viện; khi học viên đã điều trị bệnh ổn định thông báo với Cơ sở đón học viên về tiếp tục quản lý.
h) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh thực hiện việc kiểm tra đột xuất, hướng dẫn các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện tư nhân hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
i) Duy trì kiểm tra quy chế chuyên môn, nghiệp vụ; định kỳ hàng quý tổ chức các đoàn bác sĩ khám chữa bệnh cho các học viên vượt quá khả năng của Cơ sở điều trị nghiện ma túy.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các sở, ban, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế và Công an tỉnh trong việc cân đối nguồn lực, phân bổ kế hoạch kinh phí để triển khai thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện hàng năm theo quy định.
5. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí phục vụ công tác cai nghiện và quản lý sau cai hàng năm. Hướng dẫn các cấp, các ngành sử dụng kinh phí có hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng quy định.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tỉnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cai nghiện và quản lý sau cai với các hình thức: Cai nghiện tập trung tại cơ sở, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quản lý sau cai tại nơi cư trú phòng, chống tái nghiện.
7. Sở Tư pháp
Thực hiện chức năng về lĩnh vực được giao có liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc phối hợp với cơ quan báo, đài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.
8. Sở Công Thương
Định kỳ hàng năm phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức hội nghị các doanh nghiệp và tham quan, khảo sát tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai để trao đổi, xúc tiến cơ hội hợp tác đặt hàng, gia công một số sản phẩm trên cơ sở Cơ sở có thế mạnh nhân công, có sẵn mặt bằng sản xuất, gia công sản phẩm; tạo ra nhiều việc làm cho học viên có thêm thu nhập cải thiện đời sống.
9. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các thành viên của mặt trận tham gia phát hiện, phát giác, vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy tự nguyện và cung cấp tài liệu tham gia lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc. Vận động gia đình, họ hàng, làng xóm, đoàn thể phụ trách Đội hoạt động xã hội tình nguyện, các thành phần kinh tế ở địa phương tham gia giúp đỡ, hỗ trợ tạo việc làm cho người thực hiện biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú.
10. Đề nghị Tỉnh Đoàn Đồng Nai
a) Chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh niên đi cai nghiện ma túy. Phân công đoàn viên, đội viên thanh niên tình nguyện xã, phường, thị trấn đảm nhận quản lý, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, người sau cai nghiện ở cộng đồng phòng ngừa, hạn chế tái nghiện.
b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cho đoàn viên là sinh viên các trường đại học tham gia các hoạt động giao lưu với học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
12. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy, nâng cao trách nhiệm của gia đình người nghiện trong việc vận động người nghiện đi cai nghiện với các hình thức phù hợp. Phân công cho hội viên hoặc tổ phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn đảm nhận quản lý, giúp đỡ trực tiếp từ 1 - 2 người nghiện sau cai ở cộng đồng quản lý thời gian từ 1 - 2 năm không tái nghiện.
13. UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Kiện toàn bộ máy cán bộ, bán chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội cấp huyện và cộng tác viên truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã. Tổ chức tốt Đội hoạt động xã hội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
b) Tổ chức rà soát theo dõi người đi biến động, lập danh sách người nghiện ma túy của địa phương, xây dựng kế hoạch cai nghiện phù hợp với từng loại đối tượng theo diện áp dụng quản lý tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP; đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc tại cộng đồng; cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở; đối tượng áp dụng biện pháp điều trị thay thế Methadone.
c) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ học viên hết thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại tại nơi cư trú đối với người hết thời hạn cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định tại Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009.
d) Chỉ đạo Công an, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác xét duyệt hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010.
đ) Chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin và hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cai nghiện và quản lý sau cai với các hình thức: Cai nghiện tập trung tại cơ sở, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quản lý sau cai tại nơi cư trú, phòng, chống tái nghiện.
e) Chỉ đạo UBND cấp xã và lực lượng tình nguyện viên nắm vững nhân thân và hoàn cảnh của từng người nghiện ma túy, phối hợp chặt chẽ Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, phân loại xử lý chính xác với người nghiện khi họ hết hạn cai nghiện ở Cơ sở bước vào giai đoạn quản lý sau cai.
g) Tổ chức tiếp nhận học viên hết hạn cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai về địa phương. Phân công các tổ chức, cá nhân quản lý, giúp đỡ phòng, chống tái nghiện; theo dõi, đánh giá tình hình tái nghiện của học viên quản lý sau cai tại nơi cư trú; tạo điều kiện thuận lợi về sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất thuộc các tổ chức, cá nhân có tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Vận động các tổ chức, đơn vị kinh doanh sản xuất trên địa bàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết tổ chức sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Đội hoạt động xã hội tình nguyện tích cực quản lý, hỗ trợ giải quyết tốt việc làm cho học viên sau cai.
Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và đơn vị mình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội (Công an tỉnh) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1203/QĐ-TTg năm 2018 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Ban hành: 18/09/2018 | Cập nhật: 02/10/2018
Quyết định 1001/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2020 Ban hành: 10/07/2017 | Cập nhật: 11/07/2017
Quyết định 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương Ban hành: 26/04/2014 | Cập nhật: 29/04/2014
Quyết định 1203/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 Ban hành: 19/07/2013 | Cập nhật: 25/07/2013
Quyết định 1203/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 Ban hành: 31/08/2012 | Cập nhật: 16/10/2012
Quyết định 1001/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 Ban hành: 27/06/2011 | Cập nhật: 30/06/2011
Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng Ban hành: 09/09/2010 | Cập nhật: 13/09/2010
Quyết định 1001/QĐ-TTg năm 2010 bổ nhiệm ông Nguyễn Thái Bình, giữ chức Thứ trưởng, kiêm Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ Ban hành: 30/06/2010 | Cập nhật: 06/07/2010
Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy Ban hành: 26/10/2009 | Cập nhật: 28/10/2009
Quyết định 1001/QĐ-TTg năm 2007 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc giải thể Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan thực hiện Ban hành: 08/08/2007 | Cập nhật: 24/08/2007