Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2015 về nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: 06/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng Người ký: Trần Thành Nghiệp
Ngày ban hành: 22/01/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 22 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA VÀ KẾT NỐI CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020, TỈNH SÓC TRĂNG

Thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Công văn số 9324/BGTVT-VT ngày 31/7/2014 của Bộ giao thông vận tải về việc nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế hoạch nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Quản lý, theo dõi chặt chẽ các điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông tại các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

- Tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

- Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.

- Khai thác có hiệu quả việc kết nối giữa các phương thức vận tải và kết nối giao thông vận tải giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải thủy nội địa triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa.

- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải thủy nội địa nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy nội địa.

- Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đường bộ do các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, đặc biệt là dự án nạo vét luồng từ Đại Ngãi đi Bạc Liêu bằng nguồn vốn WB5. Tăng cường thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đối với hành lang an toàn đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các tuyến sông chính kết nối giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả đường bộ và đường thủy nội địa. Đặc biệt chú trọng công tác giám sát, chống tiêu cực nhũng nhiễu trong thực thi công vụ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe; vận động doanh nghiệp, người dân tiếp tục ủng hộ và cùng tham gia giám sát chống tiêu cực để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cơ bản giải quyết được vấn đề xe quá tải trọng trên đường bộ vào cuối năm 2014.

3. Khẩn trương, rà soát, điều chỉnh lại các biển báo hiệu trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa luôn được thuận lợi.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về tiềm năng, lợi thế của vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, sự cần thiết phải kết nối các phương thức vận tải để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật về vận tải đường thủy nội địa cho doanh nghiệp và người dân.

III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải:

- Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vận tải.

- Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh về tiềm năng, lợi thế của vận tải thủy nội địa, sự cần thiết phải kết nối các phương thức vận tải để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

- Chủ động phối hợp với UBND huyện Trần Đề tham mưu UBND tỉnh kêu gọi xã hội hóa công tác nạo vét luồng Trần Đề để phục vụ hoạt động của Cảng cá và khu neo đậu Trần Đề cũng như phục vụ công tác vận tải ven biển;

- Tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đối với hành lang an toàn đường thủy nội địa.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, điều chỉnh các biển báo hiệu giao thông không còn phù hợp để thay thế theo đúng quy định;

- Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng thường xuyên kiểm soát tải trọng xe tại Trạm cân trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, đặc biệt là các tuyến sông chính có lưu lượng phương tiện vận tải cao;

- Tập trung kiểm tra các phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa có dấu hiệu vi phạm tại các khu vực cảng, bến thủy nội địa nơi tập trung neo đậu phương tiện; nhất là kiểm tra an toàn các cảng, bến thủy nội địa kinh doanh vận tải hanh khách và hàng hóa, các công trình vượt sông vượt ngầm ngang sông; kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có công trình, chướng ngại vật lấn chiếm luồng chạy tàu và hành lang bảo vệ luồng như: nuôi trồng, khai thác nguồn thủy, hải sản bằng bè, đăng đáy cá, nó, vó không phép, nhằm đảm bảo luồng tuyến thông thoáng, an toàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

- Tăng thời lượng tuyên truyền các quy định của Nhà nước về kinh doanh vận tải bằng phương tiện thủy nội địa; phối hợp các ngành liên quan xây dựng nội dung tuyên truyền hiệu quả, cụ thể phù hợp với từng đối tượng, chú trọng tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Có kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cá nhân vận tải về tiềm năng, lợi thế của vận tải thủy nội địa và sự cần thiết kết nối các phương thức vận tải để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương rà soát khả năng kết hợp giữa giao thông đường bộ và tuyến đê nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thông của đường ven sông biển, đê sông biển thích ứng với vận tải bằng đường thủy nội địa.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chuyên trang, chuyên mục đăng tải những nội dung về lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa;

- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài, hệ thống đài truyền thanh cơ sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, giảm tải đường bộ, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông;

- Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và đường bộ;

- Tập trung vận động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và hàng hải theo đúng quy hoạch, chiến lược đã được phê duyệt.

IV. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được phân bổ hàng năm.

Thời gian: Từ năm 2015 đến năm 2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, cấp mình để tổ chức thực hiện.

2. Giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu gặp khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- CT và các Phó CT UBND tỉnh;
-
Sở Giao thông vận tải;
-
Sở Thông tin và Truyền thông;
-
Sở Nông nghiệp và PTNT;
-
Công an tỉnh;
-
Đài Phát thanh - Truyền hình;
-
UBND các huyện, thị xã, thành phố;
-
Cổng thông tin điện tử tỉnh;
-
Lưu: TH, NC, XD, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH

PHÓ
CHỦ TỊCH





Trần Thành Nghiệp