Kế hoạch 04/KH-UBND năm 2018 về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 04/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành: 03/01/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/KH-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN GIAO, ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY SẢN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018-2020

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 655/QĐ-BNN-TCTS ngày 09/3/2017), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018-2020 như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện Kế hoạch

- Phạm vi thực hiện: Tại các huyện trên địa bàn Thành phố có vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đến năm 2020 theo quy hoạch: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn; 03 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn Thành phố và 30 cơ sở kinh doanh thủy sản (tại chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai và một số địa điểm khác) đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thủy sản.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến hết năm 2020.

2. Mc tiêu Kế hoạch

a) Mục tiêu chung

Thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tạo được kênh thông tin kết nối, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phát triển thị trường khoa học công nghệ, thực hiện giao dịch, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành thủy sản.

- Xây dựng được 03 mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình nuôi trồng thủy sản (mô hình: cá - lúa; tôm - lúa; nuôi nước chảy).

- Xây dựng được 03 mô hình sản xuất thủy sản theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (chuỗi cá rô phi trong ao, chuỗi cá rô phi trong lồng, chuỗi cá chép trong ao).

- Có trên 2.000 tổ chức, cá nhân được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng để ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nuôi trồng thủy sản với các đối tượng chủ lực, đặc sản.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ và chính sách của Nhà nước về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ

- Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tại các xã thuộc vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn Thành phố. Xây dựng các phóng sự truyền hình, bài phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã để giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ về sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản.

- In ấn tờ rơi về ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy sản; cập nhật, đăng tải kịp thời các tiến bộ khoa học công nghệ, mô hình sản xuất tiên tiến trên trang tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân trao đổi, giao dịch, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

- Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn Thành phố tham khảo, ứng dụng.

2. Xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ

a) Năm 2018

- Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi: 02 ha tại huyện Thanh Trì và 03 ha tại huyện Ba Vì.

- Xây dựng mô hình nuôi cá chép lai, ứng dụng công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao: 01 ha tại huyện Ứng Hòa và 01 ha tại huyện Mỹ Đức.

- Xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp cá - lúa: 25 ha tại huyện Ứng Hòa, 25 ha tại huyện Ba Vì và 15 ha tại huyện Phú Xuyên.

b) Năm 2019

- Xây dựng mô hình nuôi tôm - lúa kết hợp: 02 ha tại huyện Phú Xuyên và 02 ha tại huyện Ứng Hòa.

- Xây dựng mô hình nuôi cá chép kết hợp cá trắm theo công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao 01 ha tại huyện Mỹ Đức.

- Xây dựng mô hình nuôi kết hợp cá - lúa: 30 ha tại huyện Ứng Hòa và 25 ha tại huyện Phú Xuyên.

c) Năm 2020

- Xây dựng mô hình nuôi tôm - lúa: 01 ha tại huyện Phú Xuyên và 02 ha tại huyện Ba Vì.

- Xây dựng mô hình nuôi xen canh cá - lúa: 25 ha tại huyện Mỹ Đức, 20 ha tại huyện Chương Mỹ và 10 ha tại huyện Thường Tín.

- Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao: 01 ha tại huyện Ứng Hòa.

3. Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết

a) Năm 2018

- Xây dựng mô hình theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cá rô phi: 01 mô hình nuôi trồng, sơ chế, bảo quản tại huyện Ba Vì; 01 mô hình sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tại 01 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn Thành phố; 10 cơ sở kinh doanh thủy sản (tại chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai và một số địa điểm khác) đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Ứng Hòa.

b) Năm 2019

- Tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cá rô phi đã xây dựng năm 2018.

- Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Phú Xuyên.

c) Năm 2020

- Xây dựng mô hình chuỗi tiêu thụ nuôi cá rô phi trong lồng tại 01 hồ chứa có mặt nước lớn (số lượng sản xuất 10 lồng nuôi, 100 m3/lồng).

- Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Ba Vì.

4. Tập huấn, tham quan mô hình ứng dụng khoa học công nghệ

- Phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật (năm 2018: 15 lớp; năm 2019: 15 lớp; năm 2020: 10 lớp) cho các tổ chức, cơ sở nuôi trồng thủy sản tham gia xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và các hộ trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

- Tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tiên tiến về khoa học công nghệ trong nước để từng bước áp dụng vào thực tế sản xuất.

5. Sản phẩm dự kiến

- Mô hình ứng dụng công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao cho năng suất khoảng 30 tấn cá/ha/01 mô hình (tăng 2,5 lần với nuôi thâm canh).

- Mô hình sản xuất cá - lúa hữu cơ cho năng suất sản phẩm chính khoảng 3.6 tấn cá/ha và các sản phẩm khác như: Tôm, cá tự nhiên, ốc vặn, thóc.

- Mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa đạt khoảng 600kg/ha, ngoài ra cho thu nhập từ các nguồn khác như: Tôm, cá tự nhiên, ốc, thóc.

- Xây dựng được 03 quy trình nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định (quy trình ứng dụng công nghệ nuôi nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao, quy trình nuôi tôm - lúa, quy trình nuôi cá - lúa).

- Xây dựng được 03 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đảm bảo truy suất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

- Có trên 2.000 tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn tiếp thu kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

- Tạo ra các sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người dân Thành phố; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân trong việc tham gia sản xuất, kinh doanh thủy sản.

6. Kinh phí thực hiện Kế hoạch

- Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2018-2020 là: 45.860.532.000 đồng (bn mươi lăm tỷ, tám trăm sáu mươi triệu, năm trăm ba mươi hai nghìn đồng). Trong đó:

+ Ngân sách Thành phố: 17.106.000.000 đồng;

+ Nguồn vốn khác (đối ứng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân): 28.754.532.000 đồng.

- Tổng kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Thành phố năm 2018 là: 6.708.000.000 (đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 của thành phố Hà Nội).

7. Giải pháp thực hiện Kế hoạch

- Tập trung nguồn lực cho chuyển giao khoa học công nghệ trọng yếu gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản và xây dựng nông thôn mới thông qua việc sắp xếp, điều phối các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Thành phố, dự án thủy sản, chương trình xây dựng nông thôn mới,... do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý.

- Các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ theo quy định, phù hợp tình hình thực tế đtập trung nguồn lực triển khai thực hiện.

- Tổ chức các diễn đàn có sự tham gia của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức liên quan để thu hút sự quan tâm, nguồn lực cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản;

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án nhập công nghệ tiên tiến về sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản; xây dựng các mô hình trình diễn để các tổ chức, cá nhân tham quan, học tập, nhân rộng trong thực tế sản xuất.

- Phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức đoàn tham quan học tập ở nước ngoài hoặc mời các tổ chức, cá nhân nước ngoài trình diễn mô hình khoa học công nghệ tại thành phố Hà Nội để các tổ chức, cá nhân liên quan tham quan, học tập.

- Tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy thị trường đầu ra là trọng tâm, với quy mô phù hợp theo hướng liên kết chuỗi để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nội dung Kế hoạch đúng quy định.

- Hàng năm, căn cứ dự toán kinh phí tổng thể và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, lập dự toán chi tiết, tổng hợp cùng dự toán kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Sở Tài chính làm cơ sở bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Sở Tài chính

Cân đối nguồn vốn thực hiện Kế hoạch; báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định khi giao kế hoạch hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác thanh, quyết toán nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành.

3. S Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy; báo cáo)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; báo cáo)
- Chủ tịch UBND thành phố; báo cáo)
- Các PCT UBND thành phố: Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Doãn Ton;
- Các Sở: NN& PTNT TC, KH&ĐT, KH&CN; CT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP; KT, KTBT;
- Lưu VT, KT
Quang, Túy

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.