Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2016 rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: 03/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Nguyễn Đình Quang
Ngày ban hành: 09/01/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tài nguyên, Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 09 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT DIỆN TÍCH RỪNG PHÒNG HỘ ÍT XUNG YẾU ĐIỀU CHỈNH SANG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN RỪNG SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;

Căn cứ Thông tư số 24/2009/TT-BNN ngày 05/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, đặc dụng, được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch sang rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy định về tiêu chí phân cấp loại rừng phòng hộ;

Căn cứ Kế hoạch số 8418/KH-BNN-TCLN ngày 13/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất;

Căn cứ Quyết định số 1770/QĐ-CT ngày 31/12/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu (bao gồm đất có rừng phòng hộ, đất trống quy hoạch trồng rừng phòng hộ) để xác định diện tích điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết của Chính phủ; và Kế hoạch số 8418/KH-BNN-TCLN ngày 13/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển đổi một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu trên địa bàn tỉnh sang rừng sản xuất gắn với việc sắp xếp lại các nông, lâm trường để kinh doanh rừng đảm bảo hiệu quả kinh tế và sử dụng tổng hợp các nguồn lợi khác của rừng một cách bền vững theo đúng quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu:

- Rà soát chuyển đổi một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất phải phục vụ cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Việc rà soát, chuyển đổi phải đảm bảo phát triển lâm nghiệp bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức rà soát, chuyển đổi gắn với kiểm kê rừng, đồng thời gắn với rà soát quy hoạch 3 loại rừng và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Việc rà soát, chuyển đổi phải thực hiện đồng thời với giao đất, giao rừng hoặc cho thuê đất, thuê rừng đối với các chủ rừng, ưu tiên giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ.

- Việc rà soát, chuyển đổi phải thực theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Đối tượng rà soát, chuyển đổi:

Là diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu; trong đó ưu tiên rà soát diện tích đất chưa có rừng nhưng có khả năng để phát triển trồng rừng sản xuất, đất có rừng trồng và rừng tự nhiên nghèo kiệt.

2. Tiêu chí rừng phòng hộ ít xung yếu rà soát điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất:

Căn cứ tiêu chí rừng phòng hộ ít xung yếu (theo Văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xác định quy mô diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu được phép chuyển đổi.

3. Tổ chức rà soát:

3.1. Các chủ rừng là tổ chức nhà nước (Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ): Chịu trách nhiệm thực hiện rà soát trên diện tích được giao, được thuê; báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.2. Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trên địa hạt được giao quản lý; thống kê và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Nội dung và thời gian thực hiện:

TT

Nội dung kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Tổ chức thực hiện rà soát rừng phòng hộ ít xung yếu

- Các chủ rừng là các tổ chức nhà nước;

- Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố.

- Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại;

- Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; phòng Kinh tế thành phố;

- Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

Từ tháng 01 đến tháng 6 năm 2016

2

Xây dựng phương án chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư;

- UBND các huyện, thành phố;

- Các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tháng 7 năm 2016

3

Phê duyệt phương án chuyển đổi

Ủy ban nhân dân tỉnh

 

Tháng 10 đến tháng 11 năm 2016

5. Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức nhà nước, các Hạt Kiểm lâm rà soát, xác định diện tích quy hoạch rừng phòng hộ ít xung yếu theo tiêu chí rừng phòng hộ ít xung yếu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành có thể chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất.

- Xây dựng Đề cương kỹ thuật và lập dự toán kinh phí rà soát, gửi Sở Tài chính thẩm định; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Xong trong Quý I/2016.

- Xây dựng phương án chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh (theo mẫu phụ lục I, II đính kèm Kế hoạch số 8418/KH-BNN-TCLN ngày 13/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25/7/2016 để gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

- Tham mưu Quyết định chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổng hợp kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng sau khi đã điều chỉnh rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu, đề xuất thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích được chuyển đổi theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức nhà nước, Hạt kiểm lâm trên địa bàn thực hiện việc rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng là tổ chức nhà nước; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích được chuyển đổi theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính:

Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; dự toán kinh phí thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích được chuyển đổi; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Thẩm định Đề cương kỹ thuật rà soát; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. Xong trong Quý I/2016.

6. Các Sở, ban, ngành có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp để thực hiện rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu điều chỉnh sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch; trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và MT;
- PCVP UBND tỉnh - Nguyễn Thanh;
- UBND huyện, thành phố;
- Chuyên viên NLN, TC, TH
- Lưu VT (Hòa 25).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đình Quang