Kế hoạch 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021
Số hiệu: 02/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Trần Song Tùng
Ngày ban hành: 05/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 05 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2021

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện một số dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm và dịch bệnh thủy sản đã gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi như: Bệnh Cúm gia cầm (CGC) xuất hiện rải rác trong năm và gây bệnh trên đàn gia cầm của 43 hộ tại 9 xã, thị trấn của 6 huyện, thành phố với tổng số gia cầm ốm chết, buộc phải tiêu hủy trên 52.000 con; bệnh Lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò xuất hiện tại 6 hộ trên địa bàn xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp với 10 con mắc bệnh; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đến tháng 5/2020 bệnh được khống chế, toàn bộ 142/142 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố đã công bố hết dịch. Từ tháng 8/2020 đến nay, bệnh DTLCP tái phát trở lại và có diễn biết rất phức tạp, dịch đã tiếp tục xảy ra tại 3.260 hộ ở 105 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố, tổng số lợn chết và tiêu hủy bắt buộc trên 17.000 con, trọng lượng tiêu hủy gần 1,2 nghìn tấn; bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ngày 22/12/2020 tại 3 hộ ở Thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô làm chết và tiêu hủy bắt buộc 04 con bò, bê.

Trước diễn biến bất thuận của thời tiết, chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ còn tồn tại, đặc biệt là sự biến đổi nhanh và khó lường của các vi khuẩn, vi rút gây bệnh, vì vậy năm 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình một số dịch bệnh đã xảy ra như CGC, LMLM, DTLCP, VDNC và có nguy cơ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nhất là các dịch bệnh mới xuất hiện và chưa có vắc xin để tiêm phòng.

Thực hiện Văn bản số 4757/BNN-TY ngày 16/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 351/TTr-SNN ngày 20/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh súc, gia cầm và thuỷ sản.

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và thủy sản với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật trong diện hẹp, ngăn chặn dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, kinh tế và môi trường khi dịch bệnh xảy ra; đảm bảo sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Yêu cầu

- Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đồng bộ, có hiệu quả, đúng thời gian, tiến độ của Kế hoạch và theo quy định của Luật thú y, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản kịp thời, có hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư. Quản lý chăn nuôi, giết mổ và giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, đặc biệt là những bệnh nguy hiểm như: bệnh CGC, Dại, LMLM, Tai xanh, DTLCP, VDNC ở trâu, bò... nhất là tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao. Đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, tập huấn

- Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y, thủy sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; thông tin kịp thời chính xác về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, những ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất, sức khỏe; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tổ chức tuyên truyền về công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người; các quy định trong hoạt động giết mổ và định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát về chất lượng.

- Xây dựng phóng sự, in ấn tờ rơi, tài liệu, tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, các biện pháp để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh và quản lý chó nuôi để tiến tới xây dựng các huyện, thành phố trở thành vùng an toàn bệnh đối với bệnh Dại.

- Tập huấn cho nhân viên thú y cơ sở về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh nhất là các bệnh mới xuất hiện gần đây; kỹ thuật tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm cho các thành viên của tổ tiêm phòng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn người dân chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh kịp thời hiệu quả, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo sản phẩm an toàn cong cấp cho người tiêu dùng và khách du lịch.

2. Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm

2.1. Đối tượng tiêm phòng:

2.1. Đối tượng tiêm phòng:

a) Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh nằm trong độ tuổi tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhung hết thời hạn miễn dịch đang chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin gồm:

- Bệnh ở trâu, bò: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng;

- Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;

- Bệnh ở dê: Lở mồm long móng;

- Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm, Niu cát xơn;

- Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm, Dịch tả vịt;

- Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật;

b) Chủ động phòng bệnh tiêm bổ sung bằng vắc xin cho gia súc, gia cầm đối với một số bệnh nguy hiểm sau:

- Bệnh trên trâu bò: Viêm da nổi cục.

- Bệnh ở lợn: Tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn) đối với lợn nái và đực giống. Dịch tả lợn Châu Phi (khi có vắc xin)

- Bệnh ở gà: Tụ huyết trùng gia cầm, Gumboro (đối với gà đẻ)

- Bệnh ở vịt: Tụ huyết trùng gia cầm

2.2. Phạm vi tiêm phòng: Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

2.3. Thời gian tiêm phòng:

a) Đợt 1, tiêm phòng vụ Xuân Hè: Từ ngày 15/3/2021 đến ngày 30/4/2021.

b) Đợt 2, tiêm phòng vụ Thu Đông: Từ ngày 15/9/2021 đến ngày 30/10/2021.

c) Trong quá trình chăn nuôi, người dân cần chủ động thực hiện tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Tổ chức tiêm phòng bổ sung trong các tháng còn lại cho gia súc, gia cầm mới sinh đến độ tuổi tiêm phòng hoặc gia súc, gia cầm mới nhập đàn chưa được tiêm phòng hoặc gia súc, gia cầm có tiêm phòng nhưng đã hết thời gian miễn dịch.

Khi có ổ dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia súc, gia cầm tại các xã có dịch và các xã xung quanh ổ dịch (đối với những bệnh đã có vắc xin để tiêm phòng).

d) Các loại vắc xin sử dụng: Sử dụng các loại vắc xin đã được cấp phép lưu hành, sử dụng; tuân thủ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Thú y, cơ quan chuyên môn và của nhà sản xuất.

3. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch

3.1. Tổ chức hệ thống giám sát

a) Tổ chức hệ thống giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Giám sát chủ động:

+ Tổ chức hệ thống giám sát: Hình thành hệ thống giám sát phát hiện, thông báo, quản lý, khống chế dịch bệnh từ người chăn nuôi ở thôn, xóm, xã, phường, thị trấn đến hệ thống ngành thú y và UBND các huyện, thành phố.

+ Tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm để đánh giá sự lưu hành mầm bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (TLCP, VDNC, CGC...). Đánh giá hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng đối với gia súc, gia cầm được tiêm phòng đối với một số loại vắc xin (LMLM, CGC, VDNC...), thực hiện 02 lần trong năm, sau mỗi đợt tiêm phòng định kỳ.

- Giám sát bị động: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm khi nghi ngờ xuất hiện dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để chẩn đoán, phát hiện sớm dịch bệnh và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan gây thiệt hại kinh tế, môi trường cho người dân và cộng đồng.

b) Tổ chức hệ thống giám sát dịch bệnh thủy sản:

- Các chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát các đối tượng nuôi, kịp thời phát hiện dịch bệnh xảy ra.

- Công tác giám sát, xử lý dịch bệnh: Các chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát các đối tượng nuôi, kịp thời phát hiện dịch bệnh xảy ra nhằm triển khai các biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho chủ cơ sở nuôi, thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản nuôi, theo đúng quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

- Lấy mẫu giám sát dịch bệnh: Định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành của bệnh Đốm trắng (WSSV), Hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi (AHPND) vào tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 9. Tổ chức kiểm tra, phát hiện dịch bệnh và xử lý dịch bệnh kịp thời tại các vùng nuôi thủy sản một lúa, một cá.

3.2. Công tác khử trùng tiêu độc

a) Khử trùng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm:

- Người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại, khu vực chăn nuôi trong nông hộ.

- Triển khai đợt cao điểm thực hiện tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh.

b) Khử trùng ao, đầm phòng, chống dịch bệnh thủy sản:

- Hướng dẫn cho các chủ cơ sở, hộ nuôi trồng sử dụng hóa chất, vôi bột cải tạo ao đầm, ruộng để diệt mầm bệnh trước khi thả con giống.

- Định kỳ hàng tháng (2 lần/tháng) hoặc sử dụng đột xuất khi xuất hiện dịch bệnh thực hiện khử trùng môi trường vùng nuôi thủy sản bằng các loại chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất tiêu độc khử trùng (nằm trong danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam), vôi bột.

3.3. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, động vật thủy sản.

Tăng cường công tác quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản; làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm và thủy sản.

a) Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.

- Tổ chức kiểm dịch gia súc, gia cầm giống; gia súc, gia cầm giết mổ vận chuyển. Kiểm soát các địa điểm thu gom tập kết gia súc, gia cầm trên địa bàn.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cơ sở giết mổ đáp ứng đủ điều kiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

b) Kiểm dịch động vật thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản dùng để làm giống, thả nuôi: Không để động vật thuỷ sản từ ngoài tỉnh dùng để làm giống, thả nuôi chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thuỷ sản lưu thông ra vào địa bàn theo quy định. Các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán ra khỏi địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

3.4. Điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng như tiêu hủy động vật mắc bệnh, tiêm phòng bao vây, vệ sinh khử trùng, tiêu độc khu vực có dịch; kiểm soát vận chuyển động vật cảm nhiễm và các sản phẩm động vật ra, vào khu vực có dịch; xử lý động vật mẫn cảm trong ổ dịch. Điều tra nguồn gốc phát sinh đối với các ổ dịch để dự báo chiều hướng phát triển, lây lan, nhằm chủ động khoanh vùng, khống chế dịch bệnh kịp thời. Khi nghi ngờ có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm phải thực hiện lấy mẫu gửi cơ quan xét nghiệm có thẩm quyền để xác định nguyên nhân gây bệnh, chủng, độc lực và tính chất khác của mầm bệnh giúp dự tính, dự báo và xử lý ổ dịch có hiệu quả.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh CGC, Dại, LMLM, DTLCP, VDNC tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ công tác đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là chăn nuôi lợn của các tổ chức, cá nhân. Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định về công tác phòng chống dịch bệnh như: Chăn nuôi không theo quy hoạch của địa phương, không tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, nhập gia súc, gia cầm làm giống không có nguồn gốc rõ ràng, không có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhập gia súc, gia cầm từ tỉnh ngoài không có giấy kiểm dịch, không khai báo theo quy định, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh dịch... Ở những nơi bị dịch bệnh cố tình tái đàn gia súc, gia cầm khi chưa được cho phép.

3.5. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

4. Công tác kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý hành nghề thú y; quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, đảm bảo việc hành nghề đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép, không hợp tác với chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, động vật thủy sản.

- Thực hiện công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo các quy định của pháp luật. Tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và đánh giá phân loại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất và kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hành nghề thú y theo phân công, phân cấp. Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

6. Kinh phí thực hiện

6.1. Kinh phí do Ngân sách tỉnh hỗ trợ

a) Hỗ trợ vắc xin để phòng bệnh bằng biện pháp tiêm phòng bắt buộc đối với một số dịch bệnh nguy hiểm:

- Vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho đàn vịt (chỉ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; không hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi có quy mô trang trại trở lên theo thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020) và tiêm phòng cho đàn gia cầm trong vùng dịch khi dịch bệnh xảy ra.

- Vắc xin lở mồm long móng để tiêm phòng cho đàn trâu bò.

- Vắc xin Dại để tiêm phòng cho đàn chó.

b) Hỗ trợ hoá chất khử trùng tiêu độc môi trường để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh thủy sản khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh và thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động.

c) Kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho các chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm, thủy sản bị bệnh ốm, chết, phải tiêu hủy do dịch bệnh (những bệnh nằm trong danh mục được Nhà nước hỗ trợ), hỗ trợ cho các lực lượng tham gia chống dịch theo quy định của Trung ương và của tỉnh, do ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ.

d) Kinh phí phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo và cơ quan cấp tỉnh.

- Trên cơ sở ngân sách cấp và căn cứ tình hình thực tế Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện phù hợp, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Trong quá trình triển khai thực hiện khi có phát sinh trên địa bàn tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kinh phí phát sinh báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

6.2. Kinh phí do Ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ

- Kinh phí triển khai phục vụ công tác tiêm phòng theo Kế hoạch của địa phương.

- Hỗ trợ kinh phí xử lý, khống chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

- Kinh phí hỗ trợ công tiêm cho người tham gia tiêm phòng bao vây chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra, cho các lực lượng tham gia chống dịch bệnh thực hiện theo quy định. Hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia chống dịch, tham gia chốt kiểm dịch tạm thời. Hỗ trợ mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

Khi phát sinh kinh phí, vượt quá khả năng hỗ trợ của cấp huyện thì UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

6.3. Kinh phí do Ngân sách cấp xã hỗ trợ

- Ngân sách cấp xã đảm bảo kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, giám sát, hội nghị tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh ở cấp xã.

- Hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia chống dịch, tham gia chốt kiểm dịch tạm thời. Hỗ trợ mua vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

Khi phát sinh kinh phí, vượt quá khả năng hỗ trợ của cấp xã thì UBND cấp xã tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện xem xét quyết định.

6.4. Kinh phí của người chăn nuôi

Ngoài các nội dung được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi có trách nhiệm chủ động, tự bố trí kinh phí triển khai, mua vật tư, mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định chi trả công tiêm phòng vắc xin định kỳ cho người đi tiêm. Có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; mua hóa chất, vôi bột để vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi; trong quá trình sản xuất cần bố trí kinh phí mua vật tư, hóa chất, vôi bột để phục vụ cải tạo, xử lý ao, đầm, khu vực nuôi trồng thủy sản.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đúng thời gian, đúng tiến độ; đảm bảo hiệu quả, đúng quy định;

- Phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí xử lý các vấn đề phát sinh.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương tổ chức giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/01/2013 của liên Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tham mưu đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ về tài chính, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, vắc xin, kỹ thuật, để tổ chức xử lý ổ dịch, phòng chống dịch bệnh lây lan.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh; các chủ trương, chính sách cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và thực hiện.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Chủ động bố trí vật tư, bảo hộ lao động, dụng cụ, trang bị và các điều kiện để thực hiện Kế hoạch hiệu quả.

+ Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột; Tập trung hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở, trang trại chăn nuôi quy mô lớn để làm tiền đề hạt nhân quan trọng cung cấp con giống an toàn dịch bệnh phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong tỉnh.

+ Theo dõi quản lý cấp giấy chứng nhận tiêm phòng và thực hiện thanh quyết toán vắc xin tiêm phòng, hóa chất hỗ trợ theo quy định.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch bệnh. Tổ chức bao vây, khống chế dịch bệnh kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi; xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do dịch bệnh và hoạt động chăn nuôi gây ra.

+ Rà soát xây dựng 05 cơ sở an toàn dịch bệnh.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021 theo đúng quy định hiện hành.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ tài chính và các Bộ có liên quan xem xét bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

3. Các Sở: Y tế, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, đảm bảo khống chế, dập dịch có hiệu quả, không đdịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng.

- Xây dựng, triển khai, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch tại địa phương; Phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản tại cơ sở, tổng hợp kết quả thực hiện, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi tự giác, tích cực tham gia thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

5. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình

Chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, biểu dương các đơn vị cá nhân làm tốt; phê bình các địa phương, đơn vị cá nhân chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Khi chưa có dịch xảy ra

UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch này định kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của đơn vị về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp báo cáo.

2. Khi có dịch xảy ra

UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành báo cáo bằng điện thoại, thư điện tử trước 16 giờ hàng ngày và bằng văn bản trước 15h thứ 3 hàng tuần về Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- CT, các phó CT UBND tỉnh;
- Cục Thú y;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Lưu: VT, VP3, VP5.
Kh.bh17

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Song Tùng