Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP; 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP và 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Số hiệu: 01/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Lâm Minh Thành
Ngày ban hành: 04/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 04 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 107/2020/NĐ-CP NGÀY 14/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 24/2014/NĐ-CP ; NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2020/NĐ-CP NGÀY 14/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2014/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 120/2020/NĐ-CP NGÀY 07/10/2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Tỉnh ủy Kiên Giang về thực hiện Kết luận số 74-KL/TW của Bộ Chính trị về kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và Kế hoạch số 07-KH/TU; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp trong các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội trong việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và Kế hoạch số 07-KH/TU; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh không đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP .

2. Yêu cầu:

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và Kế hoạch số 07-KH/TU phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhưng không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị được giao.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và Kế hoạch số 07-KH/TU.

- Thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Về sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Cấp tỉnh:

- Sắp xếp phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, ban, ngành tỉnh (viết tắt là Sở) có khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức. Đối với Văn phòng thuộc Sở có khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức; trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc Sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của văn phòng.

- Chi cục và tương đương thuộc Sở có khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức; trường hợp không đủ biên chế công chức để bố trí theo quy định thì chuyển thành phòng chuyên môn trực thuộc Sở hoặc giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chi cục và tương đương.

- Đối với phòng và tương đương thuộc Chi cục và tương đương có khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

b) Cấp huyện:

- Căn cứ Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập hoặc không thành lập và kiện toàn tổ chức các phòng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương, bảo đảm không tăng số lượng phòng theo quy định.

- Đối với Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải và thành phố Phú Quốc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn trực thuộc, đảm bảo không quá 10 phòng (đối với huyện Kiên Hải) và 12 phòng (đối với thành phố Phú Quốc).

- Trường hợp cơ cấu, tổ chức phòng chuyên môn cấp huyện đã ổn định, thì giữ nguyên, không thực hiện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

- Các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (viết tắt là phòng) thuộc đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải từ 02 mảng công tác trở lên và có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng yêu cầu phải bố trí từ đủ 07 người làm việc là viên chức trở lên.

3. Về khung số lượng lãnh đạo, quản lý các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Cấp tỉnh:

- Bình quân mỗi Sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng Sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc Sở.

- Phòng thuộc Sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng; có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.

- Văn phòng thuộc Sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Văn phòng; có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Chánh Văn phòng; có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.

- Thanh tra Sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Thanh tra; có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.

- Chi cục có từ 01 đến 03 phòng và tương đương được bố trí 01 Phó Chi cục trưởng; Chi cục không có phòng hoặc có từ 04 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chi cục trưởng.

- Phòng thuộc Chi cục có dưới 07 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 07 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.

b) Cấp huyện:

Bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

4. Về khung số lượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Số lượng cấp phó được thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Số lượng cấp phó được bố trí không quá 03 người.

c) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

- Đơn vị sự nghiệp công lập có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc Sở, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được bố trí không quá 02 cấp phó.

d) Khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.

- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với các Sở:

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng, thanh tra thuộc Sở và chi cục, ban và các tổ chức tương đương trực thuộc Sở; số lượng cấp phó theo quy định; trong đó cần rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các phòng, đơn vị trực thuộc không đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP .

- Trường hợp có thay đổi về cơ cấu tổ chức (chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể) hoặc đề xuất tăng thêm số lượng Phó Giám đốc Sở, đề nghị các Sở xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét.

Thời gian thực hiện: Các đơn vị triển khai xây dựng đề án và gửi về Sở Nội vụ thẩm định chậm nhất là ngày 30/01/2021, trong đề án cần nêu rõ phương án hợp nhất, sáp nhập, giải thể các phòng, ban, chi cục trực thuộc.

- Đối với các Sở có các phòng, đơn vị trực thuộc đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Kế hoạch này không tiến hành sắp xếp, tổ chức lại phải có văn bản báo cáo gửi Sở Nội vụ để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ. Thời gian gửi báo cáo chậm nhất là ngày 30/01/2021.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở; hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (thực hiện sau khi có thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương).

2. Đối với Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh: Ngoài việc thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Mục III Kế hoạch này, phải rà soát các tiêu chí quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để báo cáo Bộ Nội vụ (kèm theo tài liệu để chứng minh).

3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh:

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các phòng và số lượng lãnh đạo quản lý đảm bảo đúng theo quy định, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) chậm nhất là ngày 30/01/2021.

- Đơn vị nào đủ điều kiện theo quy định, không tiến hành sắp xếp, tổ chức lại phải có văn bản báo cáo gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ. Thời gian gửi báo cáo chậm nhất là ngày 30/01/2021.

4. Sở Nội vụ:

- Phối hợp với các Sở, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định Đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lại cơ cấu tổ chức và số lượng Phó Giám đốc các Sở và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo đề nghị của các Sở và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở; chi cục thuộc Sở, sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

- Có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng tiến độ quy định; tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP, P. NC, P. HCTC;
- Lưu: VT, ntden.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành