Thông tư liên tịch 771/1998/TTLT-UBDTMN-TCCP hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cơ quan công tác dân tộc - miền núi ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban Dân tộc và Miền núi - Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 771/1998/TTLT-UBDTMN-TCCP | Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi | Người ký: | Đỗ Quang Trung, Hoàng Đức Nghi |
Ngày ban hành: | 20/10/1998 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Dân tộc, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI - |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 771/1998/TTLT-UBDTMN-TCCP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 1998 |
Thi hành Điều 5 Nghị định số 59/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và quy trình thành lập cơ quan công tác dân tộc và miền núi ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) như sau:
I. CĂN CỨ VÀ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CƠ QUAN CÔNG TÁC DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI Ở CÁC TỈNH.
Cơ quan công tác dân tộc và miền núi được thành lập ở các tỉnh dựa trên căn cứ đặc điểm, khối lượng công việc và tính chất công tác cần có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân cùng cấp về lĩnh vực dân tộc và miền núi.
- Các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc lớn hơn 100.000 người lập Ban Dân tộc.
- Các tỉnh đồng bằng có miền núi và có đồng bào dân tộc thiểu số lớn hơn 50.000 người lập Ban Dân tộc và Miền núi.
- Ở các tỉnh có ít đồng bào dân tộc thiểu số ít hơn quy định nêu trên thì tuỳ theo tình hình thực tế lập Phòng Dân tộc (Phòng Dân tộc và Miền núi) hoặc bố trí cán bộ, công chức để thực hiện công tác dân tộc và miền núi đặt trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA BAN DÂN TỘC (BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI).
a/ Về vị trí và chức năng:
Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi) là cơ quan của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi: đồng thời là cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ về chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi trên địa bàn tỉnh. Ban chịu sự chủ đạo về tổ chức, biên chế và chương trình công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự hướng dẫn kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
b/ Về nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Căn cứ vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt, Ban xây dựng kế hoạch, chương trình công tác về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi ở địa phương trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch đó.
2. Dự thảo hoặc tham gia dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi tỉnh.
4. Tham gia công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số của địa phương. Tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cán bộ dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương.
5. Tham gia với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về những vấn đề có liên quan đến dân tộc và miền núi; tham gia thẩm định về quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương; phối hợp với các ngành, các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi.
6. Tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án, mô hình điểm trên địa bàn dân tộc và miền núi do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi giao.
7. Tiếp đón, thăm hỏi, nắm yêu cầu, nguyện vọng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan của tỉnh giải quyết nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban theo qui định của pháp luật.
8. Quản lý tổ chức cán bộ, công chức, tài sản, tài chính của Ban theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh và qui định của pháp luật.
9. Thực hiện báo cáo định kỳ, 3 tháng, 6 tháng, năm và báo cáo đột suất về tình hình dân tộc và miền núi của địa phương và hoạt động của Ban cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
10. Thực hiện nhiệm vụ, chương trình kế hoạch công tác khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
c/ Về tổ chức của Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi).
+ Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi) có Trưởng ban lãnh đạo và một đến hai Phó trưởng ban giúp Trưởng ban phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Trưởng ban phân công. Trưởng ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ qui định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó trưởng Ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Trưởng ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi).
+ Tuỳ theo khối lượng, tính chất công việc và tổng biên chế được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao. Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi) có các phòng trực thuộc hoặc bố trí cán bộ, công chức làm việc theo chế độ chuyên viên. Trường hợp cần thiết lập phòng thì Ban có 2 phòng là phòng Hành chính - Tổ chức và phòng Chính sách Dân tộc (phòng Chính sách Dân tộc và Miền núi).
+ Việc thành lập phòng trực thuộc Ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi) và ý kiến thẩm định của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
a/ Đối với những tỉnh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi) và các Ban Dân tộc của Tỉnh uỷ chuyển sang cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý theo thông báo số 110/CV- VPTW ngày 18/2/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì không phải làm thủ tục thành lập lại, những qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban theo qui định của Thông tư này.
b/ Những tỉnh còn lại, cần thành lập Ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi) trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh phải tiến hành các bước như sau:
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ qui định tại mục I của Thông tư này lập tờ trình kèm theo đề án thành lập Ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi) trình Thủ tướng Chính phủ và gửi Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
+ Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
+ Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chức danh công chức của Ban Dân tộc (Ban Dân tộc và Miền núi) theo hướng dẫn của Thông tư này (quyết định này gửi về Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi và tổng hợp).
c/ Trường hợp lập Phòng Dân tộc (hoặc Phòng Dân tộc và Miền núi)
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định thành lập Phòng Dân tộc (hoặc Phòng Dân tộc và Miền núi).
- Phòng Dân tộc (hoặc Phòng Dân tộc và Miền núi) được đặt trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Nội dung chương trình công tác của phòng do Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, còn công tác quản trị Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đảm nhận (Phòng không có con dấu và tài khoản riêng).
IV. CÔNG TÁC DÂN TỘC Ở CẤP HUYỆN VÀ XÃ.
a/ Cấp huyện: Huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bố trí cán bộ, công chức chuyên trách trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để giúp Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đề xuất và phối hợp với các cơ quan khác của huyện trong việc thực hiện công tác dân tộc và miền núi.
b/ Cấp xã: Xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phân công một đồng chí thành viên Uỷ ban nhân dân xã kiêm nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện công tác dân tộc và miền núi.
- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Chậm nhất sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành thì Uỷ ban nhân dân tỉnh kiện toàn xong các cơ quan công tác dân tộc và miền núi theo hướng dẫn của Thông tư này và gửi về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
- Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để xem xét, giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN |
BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM |
Nghị định 59/1998/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi Ban hành: 13/08/1998 | Cập nhật: 09/12/2009