Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT Hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng
Số hiệu: 02/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế Người ký: Lê Quý Vương, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thành Cung
Ngày ban hành: 22/01/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 27/04/2015 Số công báo: Từ số 527 đến số 528
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2015

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CHĂM SÓC, TƯ VẤN, ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI NHIỄM HIV VÀ DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV TẠI TRẠI GIAM, TRẠI TẠM GIAM, NHÀ TẠM GIỮ, CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC, TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;

Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 20014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (gọi tắt là điều trị thay thế) cho phạm nhân, người bị tạm giam, người bị tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng (gọi tắt là đối tượng quản lý) và dự phòng lây nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (gọi tắt là cơ sở quản lý).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ sở quản lý; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh); cơ sở điều trị bằng thuốc kháng HIV, cơ sở điều trị thay thế (gọi tắt là cơ sở điều trị).

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV tại cơ sở quản lý

1. Không bố trí đối tượng nhiễm HIV thành đội hoặc tổ riêng để học tập, lao động, sinh hoạt, chữa bệnh, trừ trường hợp mắc các bệnh phải thực hiện điều trị cách ly theo quy định của pháp luật.

2. Bố trí công việc, lao động phù hợp với tình hình sức khỏe của đối tượng nhiễm HIV; không bố trí đối tượng nhiễm HIV làm công việc dễ bị nhiễm trùng, dễ xây xước da hoặc có khả năng lây truyền HIV cho người khác.

3. Tập trung việc tư vấn và xét nghiệm HIV cho các đối tượng là những trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 6 Điều 5 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

4. Việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của đối tượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BYT ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định trách nhiệm, trình tự thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện, nội dung và mức chi, việc lập, phân bổ dự toán, hạch toán và quyết toán kinh phí thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị bằng thuốc thay thế cho đối tượng và dự phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 125/2007/TT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2007 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Khám, phân loại sức khỏe

1. Sau khi tiếp nhận đối tượng quản lý, cơ sở quản lý thực hiện việc khám sức khỏe theo các nội dung sau đây:

a) Khai thác tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng ma túy của đối tượng quản lý, trong đó cần chú trọng khai thác thông tin về tình trạng nhiễm HIV và tiền sử điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị bằng thuốc thay thế;

b) Khám đánh giá, phân loại tình trạng sức khỏe của đối tượng;

c) Sau khi phân loại tình trạng sức khỏe của đối tượng, cơ sở quản lý triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng quản lý theo các nội dung sau đây:

- Trường hợp đối tượng quản lý đã điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này;

- Trường hợp đối tượng quản lý đã biết tình trạng nhiễm HIV nhưng chưa được điều trị HIV/AIDS: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

- Trường hợp đối tượng quản lý có hành vi nguy cơ cao chưa biết tình trạng nhiễm HIV: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp đối tượng quản lý đang điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng, việc điều trị cho đối tượng quản lý được thực hiện như sau:

a) Cơ sở quản lý có công văn kèm theo danh sách đối tượng quản lý đã điều trị HIV/AIDS, điều trị thay thế ngoài cộng đồng gửi cơ sở điều trị, nơi đối tượng quản lý đang điều trị đề nghị dừng cấp thuốc kháng HIV, thuốc điều trị thay thế và gửi phiếu chuyển tiếp điều trị, phiếu chuyển gửi (gọi tắt là phiếu chuyển tiếp điều trị) của đối tượng cho cơ sở quản lý;

b) Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý (ngày nhận được công văn được tính theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ sở điều trị) (gọi tắt là kể từ ngày nhận được công văn), cơ sở điều trị có trách nhiệm gửi cho cơ sở quản lý phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 32/2013/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV (gọi tắt là Thông tư số 32/2013/TT-BYT), phiếu chuyển gửi của đối tượng theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12 tháng 04 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (gọi tắt là Thông tư số 12/2013/TT-BYT);

c) Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phiếu chuyển tiếp điều trị của cơ sở điều trị, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này;

- Lập hồ sơ điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 và điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.

3. Trường hợp đối tượng quản lý thông báo đã nhiễm HIV nhưng chưa được điều trị HIV/AIDS:

a) Cơ sở quản lý có công văn gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi đối tượng quản lý đăng ký thường trú để đề nghị xác định tình trạng nhiễm HIV của đối tượng quản lý;

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm gửi cơ sở quản lý công văn xác định tình trạng nhiễm HIV của đối tượng quản lý;

c) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn trả lời của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý đủ tiêu chuẩn điều trị theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này;

- Quản lý điều trị cho đối tượng quản lý nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 32/2013/TT-BYT;

- Tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này đối với các trường hợp Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh không xác định được tình trạng nhiễm HIV.

4. Trường hợp đối tượng quản lý có hành vi nguy cơ cao chưa biết tình trạng nhiễm HIV, cơ sở quản lý có trách nhiệm thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này. Sau khi có kết quả xét nghiệm HIV của đối tượng quản lý, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

a) Tiến hành việc quản lý, chăm sóc và điều trị cho đối tượng quản lý theo quy định tại tiết thứ nhất và tiết thứ hai Điểm c Khoản 3 Điều này đối với trường hợp đối tượng quản lý có kết quả xét nghiệm HIV dương tính;

b) Tiến hành lại việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này đối với các trường hợp đối tượng quản lý có kết quả xét nghiệm HIV âm tính sau 3 tháng tính từ thời điểm được làm xét nghiệm khi mới vào cơ sở quản lý.

Điều 6. Tuyên truyền, giáo dục và tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV

1. Biện pháp truyền thông:

a) Thực hiện truyền thông nhóm về phòng, chống HIV/AIDS mỗi năm 02 lần cho các đối tượng do cơ sở quản lý đang quản lý. Trường hợp cơ sở quản lý có nhiều phân trại, phân khu thì mỗi phân trại, phân khu phải tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tối thiểu mỗi năm 01 lần;

b) Phát thanh thông tin về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống truyền thanh của cơ sở quản lý theo định kỳ 02 tuần/lần;

c) Đưa nội dung kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở quản lý;

d) Cơ sở quản lý có thể thành lập các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS với nòng cốt là các đối tượng quản lý được lựa chọn, đào tạo để tham gia tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng quản lý khác về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các nội dung phòng, chống HIV/AIDS khác liên quan;

đ) Các biện pháp truyền thông khác phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ sở quản lý.

2. Nội dung truyền thông: Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

3. Tổ chức hoạt động tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV:

a) Định kỳ mỗi năm một lần, cơ sở quản lý phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở thực hiện tư vấn cho các đối tượng quản lý thuộc cơ sở quản lý theo hình thức tư vấn nhóm (không áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm giam ở trại tạm giam, nhà tạm giữ). Trường hợp cơ sở quản lý có nhiều phân trại, phân khu thì mỗi phân trại, phân khu phải tổ chức tư vấn nhóm thành một lần riêng biệt;

b) Trong quá trình quản lý đối tượng quản lý, cán bộ y tế của cơ sở quản lý có trách nhiệm tổ chức hoạt động tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cho đối tượng quản lý phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ sở quản lý.

4. Nội dung tư vấn: Thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 06/2012/TT-BYT ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện thành lập và nội dung hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 7. Tư vấn, xét nghiệm HIV

1. Trường hợp cơ sở quản lý đáp ứng đủ điều kiện thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quyết định số 647/QĐ-BYT ngày 22 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện (gọi tắt là Quyết định số 647/QĐ-BYT) thì việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Quyết định số 647/QĐ-BYT.

2. Trường hợp cơ sở quản lý đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 9 nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 10 Quyết định số 647/QĐ-BYT thì việc xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý được thực hiện như sau:

a) Gửi công văn kèm theo danh sách đối tượng quản lý cần được xét nghiệm HIV đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở đề nghị phối hợp xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý;

b) Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở quản lý, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ sở quản lý trong việc lập kế hoạch lấy mẫu và làm xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý.

3. Trường hợp cơ sở quản lý chưa đủ điều kiện thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quyết định số 647/QĐ-BYT, việc tư vấn và xét nghiệm HIV cho đối tượng thực hiện như sau:

a) Gửi công văn kèm theo danh sách đối tượng quản lý cần được tư vấn, xét nghiệm HIV đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở đề nghị phối hợp tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý;

b) Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở quản lý, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ sở quản lý trong việc lập kế hoạch tư vấn, lấy mẫu và làm xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý.

Điều 8. Lập hồ sơ điều trị

1. Hồ sơ quản lý sức khỏe khi đối tượng quản lý mới được đưa vào cơ sở quản lý được lập theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Hồ sơ điều trị bằng thuốc kháng HIV của đối tượng quản lý nhiễm HIV được lập theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-BYT. Thẩm quyền lập hồ sơ điều trị như sau:

a) Trường hợp cơ sở quản lý chưa đủ điều kiện thực hiện việc điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn điều kiện và phạm vi chuyên môn của cơ sở y tế điều trị bằng thuốc kháng HIV (gọi tắt là Thông tư số 09/2011/TT-BYT):

- Cơ sở điều trị được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) hoặc Cục Quân y - Bộ Quốc phòng chỉ định (gọi tắt là cơ sở điều trị được chỉ định) điều trị HIV/AIDS cho đối tượng tại cơ sở quản lý có trách nhiệm lập hồ sơ bệnh án và chỉ định điều trị cho đối tượng quản lý;

- Cơ sở quản lý có trách nhiệm quản lý hồ sơ điều trị và quản lý việc sử dụng thuốc của đối tượng quản lý.

b) Trường hợp cơ sở quản lý đủ điều kiện thực hiện việc điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT thì cơ sở quản lý lập hồ sơ điều trị, quản lý hồ sơ điều trị và quản lý việc sử dụng thuốc của đối tượng quản lý.

3. Hồ sơ điều trị bằng thuốc thay thế cho đối tượng quản lý được lập theo hướng dẫn chuyên môn về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cụ thể như sau:

a) Trường hợp cơ sở quản lý không đủ điều kiện là cơ sở điều trị nhưng đủ điều kiện là cơ sở cấp phát thuốc theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BYT thực hiện như sau:

- Cơ sở điều trị được Sở Y tế tỉnh hoặc Cục Quân y - Bộ Quốc phòng chỉ định điều trị thay thế cho đối tượng tại cơ sở quản lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 có trách nhiệm lập hồ sơ bệnh án và điều trị cho đối tượng quản lý;

- Cơ sở quản lý có trách nhiệm quản lý hồ sơ điều trị và quản lý việc sử dụng thuốc thay thế của đối tượng quản lý.

b) Trường hợp cơ sở quản lý đủ điều kiện là cơ sở điều trị theo quy định Thông tư số 12/2013/TT-BYT thì cơ sở quản lý lập hồ sơ điều trị, quản lý hồ sơ điều trị và quản lý việc sử dụng thuốc điều trị thay thế của đối tượng quản lý theo quy định.

Điều 9. Điều trị bằng thuốc kháng HIV

1. Điều trị bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý nhiễm HIV tại các cơ sở quản lý chưa đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT:

a) Trường hợp đối tượng chưa được điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội hoặc chưa được điều trị bằng thuốc kháng HIV thực hiện như sau:

- Cơ sở quản lý phối hợp với cơ sở điều trị được chỉ định thực hiện việc đánh giá sức khỏe của đối tượng quản lý và xử lý sau đánh giá sức khỏe theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 32/2013/TT-BYT;

- Trường hợp đối tượng quản lý chưa đủ tiêu chuẩn điều trị thì việc quản lý, theo dõi đối tượng quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 32/2013/TT-BYT;

- Trường hợp đối tượng quản lý đủ tiêu chuẩn điều trị thì việc quản lý, theo dõi đối tượng quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2013/TT-BYT.

b) Trường hợp đối tượng quản lý đang điều trị bằng thuốc kháng HIV ngoài cộng đồng bị đưa vào cơ sở quản lý hoặc đang điều trị bằng thuốc kháng HIV tại cơ sở quản lý khác chuyển đến thực hiện như sau:

- Cơ sở quản lý lập danh sách đối tượng quản lý gửi cơ sở điều trị được chỉ định kèm theo bản sao phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý do cơ sở điều trị ngoài cộng đồng, cơ sở quản lý nơi đối tượng quản lý chuyển đi gửi cho cơ sở quản lý chuyển đến để đề nghị cấp thuốc kháng HIV;

- Thực hiện việc quản lý, theo dõi việc điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Thông tư số 32/2013/TT-BYT.

2. Việc điều trị bằng thuốc kháng HIV tại các cơ sở quản lý đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2013/TT-BYT .

3. Trường hợp đối tượng quản lý chuyển đến cơ sở quản lý khác hoặc đối tượng quản lý được trả về cộng đồng thì việc đánh giá sức khỏe của đối tượng và xử lý sau đánh giá sức khỏe cho đối tượng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch này.

4. Cơ sở quản lý liên hệ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở để được hướng dẫn, hỗ trợ về thực hiện xét nghiệm tế bào CD4.

Điều 10. Điều trị bằng thuốc thay thế

1. Việc điều trị bằng thuốc thay thế tại cơ sở quản lý không đủ điều kiện là cơ sở điều trị nhưng đủ điều kiện là cơ sở cấp phát thuốc theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BYT thực hiện như sau:

a) Cơ sở quản lý lập danh sách đối tượng quản lý gửi cơ sở điều trị thay thế được chỉ định kèm theo bản sao phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý do cơ sở điều trị được chỉ định hoặc cơ sở quản lý nơi đối tượng quản lý chuyển đi gửi cho cơ sở quản lý nơi chuyển đến để đề nghị cấp thuốc điều trị thay thế;

Trường hợp đối tượng quản lý đã bỏ điều trị từ 06 ngày trở lên hoặc tình trạng sức khỏe yếu thì phải thực hiện lại việc đánh giá sức khỏe cho đối tượng quản lý và xử lý sau đánh giá sức khỏe theo quy định tại Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2010 hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (sau đây gọi tắt là Quyết định số 3140/QĐ-BYT).

b) Cơ sở quản lý thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị thay thế và theo dõi việc sử dụng thuốc điều trị thay thế của đối tượng quản lý.

2. Việc điều trị bằng thuốc thay thế tại cơ sở quản lý đủ điều kiện là cơ sở điều trị theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BYT thì thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3140/QĐ-BYT.

3. Trường hợp chuyển đối tượng đến cơ sở quản lý khác hoặc đối tượng được trả về cộng đồng: Thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 12/2013/TT-BYT.

Điều 11. Dự trù, phân phối, quản lý và cấp phát thuốc kháng HIV miễn phí, thuốc điều trị thay thế miễn phí tại cơ sở quản lý

1. Duyệt dự trù sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí và thuốc điều trị thay thế miễn phí tại cơ sở quản lý:

a) Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) duyệt dự trù sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí và thuốc điều trị thay thế miễn phí tại cơ sở quản lý từ nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Quy trình dự trù, phê duyệt dự trù, phân phối, quản lý và cấp phát thuốc miễn phí thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều này;

b) Sở Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS) duyệt dự trù sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí và thuốc điều trị thay thế miễn phí tại cơ sở quản lý từ nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế. Quy trình dự trù và phê duyệt dự trù sử dụng thuốc miễn phí thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế thực hiện theo quy định hiện hành;

c) Cục Quân Y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an duyệt dự trù sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí và thuốc điều trị thay thế miễn phí tại cơ sở quản lý từ nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình. Quy trình dự trù và phê duyệt dự trù sử dụng thuốc miễn phí thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Quy trình dự trù, phân phối, quản lý và cấp phát sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí tại cơ sở quản lý từ nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:

a) Trường hợp cơ sở quản lý đủ điều kiện thực hiện việc điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT , việc dự trù, phân phối, quản lý và sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí thực hiện như sau:

- Hàng năm, cơ sở quản lý lập dự trù thuốc kháng HIV cho các đối tượng được quản lý tại cơ sở quản lý và gửi về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để phê duyệt dự trù thuốc kháng HIV hàng năm;

- Việc phân phối thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý thực hiện như sau:

+ Cơ sở quản lý có công văn gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh;

+ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu thuốc kháng HIV và có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đề nghị cấp thuốc kháng HIV;

+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có công văn gửi đơn vị phân phối chuyển thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý.

- Cơ sở quản lý chịu trách nhiệm cấp phát thuốc kháng vi rút hàng ngày theo phác đồ điều trị và thời gian phù hợp với cơ sở quản lý, đồng thời hàng tháng báo cáo tình hình sử dụng thuốc HIV về Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh;

- Cơ sở quản lý có đối tượng quản lý chuyển đi cấp 02 tháng thuốc điều trị kháng HIV cho đối tượng trong thời gian chuyển từ cơ sở quản lý này đến cơ sở quản lý khác hoặc từ cơ sở quản lý ra ngoài cộng đồng.

b) Trường hợp cơ sở quản lý chưa đủ điều kiện thực hiện việc điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BYT , việc dự trù, phân phối, quản lý và sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí thực hiện như sau:

- Hàng năm, cơ sở điều trị được chỉ định lập dự trù thuốc kháng HIV cho các đối tượng được quản lý tại cơ sở quản lý và gửi về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để phê duyệt dự trù thuốc kháng HIV hàng năm;

- Việc phân phối thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý thực hiện như sau:

+ Cơ sở điều trị được chỉ định có công văn gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh để đề nghị cấp thuốc;

+ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu thuốc kháng HIV và có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đề nghị cấp thuốc kháng HIV;

+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có công văn gửi đơn vị phân phối chuyển thuốc kháng HIV cho cơ sở điều trị được chỉ định;

+ Cơ sở điều trị được chỉ định tiếp nhận thuốc kháng HIV do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cấp và chuyển thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý.

- Cơ sở quản lý chịu trách nhiệm cấp phát thuốc kháng HIV hàng ngày theo phác đồ điều trị và thời gian phù hợp với cơ sở quản lý đồng thời báo cáo tình hình sử dụng thuốc kháng HIV về cơ sở điều trị;

- Cơ sở quản lý có đối tượng quản lý chuyển đi cấp 02 tháng thuốc điều trị kháng HIV cho đối tượng trong thời gian chuyển từ cơ sở quản lý này đến cơ sở quản lý khác hoặc từ cơ sở quản lý ra ngoài cộng đồng.

c) Việc điều phối nhu cầu sử dụng thuốc kháng vi rút HIV miễn phí của cơ sở quản lý đã được duyệt dự trù trong năm do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở hoặc Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phối hợp với cơ sở quản lý hoặc cơ sở điều trị thực hiện.

3. Quy trình dự trù, phân phối, quản lý, sử dụng thuốc điều trị thay thế miễn phí từ nguồn thuốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:

a) Hàng năm, cơ sở quản lý lập dự trù thuốc điều trị thay thế cho các đối tượng được quản lý tại cơ sở quản lý và gửi về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở hoặc cơ sở điều trị thay thế được chỉ định theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này để tổng hợp gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu thuốc điều trị thay thế của tỉnh trình Sở Y tế để đề nghị Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phê duyệt dự trù;

b) Việc phân phối thuốc điều trị thay thế cho cơ sở quản lý thực hiện như sau:

- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để đề nghị cấp thuốc;

- Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có công văn gửi đơn vị phân phối chuyển thuốc điều trị thay thế cho cơ sở quản lý.

c) Việc quản lý, sử dụng thuốc điều trị thay thế tại cơ sở quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;

d) Việc điều phối nhu cầu sử dụng thuốc điều trị thay thế của cơ sở quản lý đã được duyệt dự trù trong năm do cơ sở quản lý và đơn vị phân phối thuốc thống nhất thực hiện.

4. Quy trình dự trù, phân phối, quản lý, sử dụng thuốc kháng HIV, thuốc điều trị thay thế miễn phí từ nguồn thuốc thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế đối với các cơ sở quản lý thuộc Bộ Quốc phòng:

a) Dự trù, phân phối, quản lý và sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí

- Hàng năm, bệnh viện quân đội theo phân cấp của Bộ Quốc phòng (gọi tắt là bệnh viện) lập dự trù thuốc kháng HIV cho các đối tượng được quản lý tại cơ sở quản lý và gửi Cục Quân y - Bộ Quốc phòng. Cục Quân y - Bộ Quốc phòng tổng hợp nhu cầu thuốc kháng HIV và có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để phê duyệt dự trù thuốc kháng HIV hàng năm;

- Việc phân phối thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý thực hiện như sau:

+ Bệnh viện có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đề nghị cấp thuốc kháng HIV;

+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có công văn gửi đơn vị phân phối chuyển thuốc kháng HIV cho bệnh viện;

+ Bệnh viện tiếp nhận thuốc kháng HIV do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cấp và chuyển thuốc kháng HIV cho cơ sở quản lý.

- Cơ sở quản lý chịu trách nhiệm cấp phát thuốc kháng HIV hàng ngày theo phác đồ điều trị và thời gian phù hợp với cơ sở quản lý đồng thời báo cáo tình hình sử dụng thuốc kháng HIV về Bệnh viện. Bệnh viện chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế theo quy định;

- Cơ sở quản lý có đối tượng quản lý chuyển đi cấp 02 tháng thuốc điều trị kháng HIV cho đối tượng trong thời gian chuyển từ cơ sở quản lý này đến cơ sở quản lý khác hoặc từ cơ sở quản lý ra ngoài cộng đồng;

- Việc điều phối nhu cầu sử dụng thuốc kháng HIV miễn phí của bệnh viện đã được duyệt dự trù trong năm do Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, bệnh viện và đơn vị phân phối thống nhất thực hiện.

b) Dự trù, phân phối, quản lý và sử dụng thuốc điều trị thay thế miễn phí:

- Hàng năm, bệnh viện lập dự trù thuốc điều trị thay thế cho các đối tượng được quản lý tại cơ sở quản lý và gửi về Cục Quân y - Bộ Quốc phòng. Cục Quân y - Bộ Quốc phòng tổng hợp nhu cầu thuốc điều trị thay thế và có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để phê duyệt dự trù thuốc điều trị thay thế hàng năm;

- Việc phân phối thuốc điều trị thay thế cho cơ sở quản lý thực hiện như sau:

+ Bệnh viện có công văn gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để đề nghị cấp thuốc;

+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế có công văn gửi đơn vị phân phối chuyển thuốc điều trị thay thế cho bệnh viện;

+ Bệnh viện tiếp nhận thuốc điều trị thay thế do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cấp và chuyển cho cơ sở quản lý;

- Việc quản lý, sử dụng thuốc điều trị thay thế tại cơ sở quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Việc điều phối nhu cầu sử dụng thuốc điều trị thay thế của bệnh viện đã được duyệt dự trù trong năm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, bệnh viện và đơn vị phân phối thống nhất thực hiện.

Điều 12. Thủ tục chuyển tiếp điều trị cho đối tượng quản lý

1. Thủ tục chuyển tiếp điều trị cho đối tượng quản lý từ cơ sở quản lý này đến cơ sở quản lý khác:

a) Trong thời gian 15 ngày làm việc, trước ngày đối tượng quản lý chuyển đến cơ sở quản lý khác, cơ sở quản lý nơi đối tượng quản lý chuyển đi có trách nhiệm:

- Gửi công văn đề nghị cơ sở điều trị được chỉ định theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điểm a, Khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch này lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý. Quy trình lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý thực hiện theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;

- Lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý trong trường hợp cơ sở quản lý đủ điều kiện thực hiện điều trị bằng thuốc kháng HIV.

b) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý, cơ sở điều trị được chỉ định có trách nhiệm lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng và gửi cho cơ sở quản lý;

c) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn kèm theo phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng, cơ sở quản lý nơi đối tượng chuyển đi có trách nhiệm:

- Gửi công văn kèm theo phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng để đề nghị cơ sở quản lý nơi đối tượng chuyển đến tiếp tục điều trị cho đối tượng;

- Gửi công văn thông báo cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở đề nghị dừng cấp thuốc điều trị cho đối tượng quản lý.

d) Cơ sở quản lý nơi đối tượng quản lý chuyển đến có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch này;

- Thực hiện việc điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị thay thế cho đối tượng quản lý theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư liên tịch này.

2. Thủ tục chuyển tiếp điều trị cho đối tượng quản lý được tạm đình chỉ, miễn hoặc hết thời hạn chấp hành án phạt tù, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc được đặc xá:

a) Trong thời gian 10 ngày làm việc, trước ngày đối tượng quản lý được tạm đình chỉ, miễn hoặc hết thời hạn chấp hành án phạt tù, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc được đặc xá, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Gửi công văn đề nghị cơ sở điều trị được chỉ định theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điểm a, Khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch này lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý. Quy trình lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý thực hiện theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;

- Lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng quản lý trong trường hợp cơ sở quản lý đủ điều kiện thực hiện điều trị bằng thuốc kháng HIV.

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở quản lý, cơ sở điều trị được chỉ định có trách nhiệm lập phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng và gửi cho cơ sở quản lý;

c) Trong thời gian 15 ngày làm việc, trước ngày đối tượng được tạm đình chỉ, miễn hoặc hết thời hạn chấp hành án phạt tù, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc được đặc xá, cơ sở quản lý có trách nhiệm:

- Gửi công văn thông báo cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh nơi cơ sở quản lý đặt trụ sở để đề nghị dừng cấp thuốc điều trị cho đối tượng quản lý;

- Gửi công văn kèm theo phiếu chuyển tiếp điều trị của đối tượng để đề nghị Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nơi đối tượng đăng ký tiếp tục điều trị sau khi trở về cộng đồng liên hệ, giới thiệu cho đối tượng đến các cơ sở điều trị phù hợp.

Điều 13. Kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở quản lý

1. Cán bộ, nhân viên của cơ sở quản lý và đối tượng phải tuân thủ việc rửa tay đúng chỉ định và đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Thực hiện quy định về vô khuẩn theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 18/2009/TT-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt là Thông tư số 18/2009/TT-BYT).

3. Làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 18/2009/TT-BYT .

4. Cán bộ, nhân viên của cơ sở quản lý phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn khi tiếp xúc với máu, dịch sinh học khi chăm sóc, điều trị với mọi người bệnh không phân biệt bệnh được chẩn đoán và áp dụng các dự phòng bổ sung theo đường lây.

5. Đối tượng nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng thuốc phải được áp dụng biện pháp phòng ngừa cách ly phù hợp với đường lây truyền của bệnh.

6. Cơ sở quản lý tổ chức, giám sát, phát hiện và thông báo, báo cáo các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Có quy định và thực hiện vệ sinh tẩy uế buồng bệnh và các phương tiện chăm sóc liên quan ngay sau khi đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch được chuyển đi hoặc tử vong.

8. Các đồ vải nhiễm khuẩn, đồ vải có máu và dịch tiết sinh học phải thu gom, vận chuyển và xử lý riêng bảo đảm an toàn.

Điều 14. Xử lý mẫu vật và mai táng đối tượng quản lý nhiễm HIV chết

1. Việc xử lý mẫu vật của đối tượng quản lý nhiễm HIV chết được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.

2. Việc bảo quản, ướp, mai táng, di chuyển thi hài của đối tượng nhiễm HIV/AIDS chết thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 3 năm 2015 và thay thế các văn bản dưới đây:

a) Quyết định số 511/1999/QĐ-BCA(V26) của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 03 tháng 9 năm 1999 về việc ban hành quy chế về phòng, chống HIV/AIDS trong trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng;

b) Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT-BCA-BTC-BYT ngày 24 tháng 02 năm 2003 của liên bộ Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý;

c) Thông tư liên tịch số 100/2003/TTLT-BQP-BTC-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2003 của liên bộ Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, tư vấn người bị tạm giam, phạm nhân nhiễm HIV/AIDS trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý;

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong văn bản này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Công an, Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước; các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế để có hướng dẫn kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thanh Long

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng
Nguyễn Thành Cung

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng
Lê Quý Vương

 

Điều 5. Đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV

Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng sau:

1. Người mua dâm, bán dâm;

2. Người nghiện chất dạng thuốc phiện;

...

4. Người có quan hệ tình dục đồng giới;

5. Người thuộc nhóm người di biến động;

6. Người có quan hệ tình dục với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này

Xem nội dung VB
Điều 8. Quản lý, theo dõi điều trị đối với người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV

1. Tư vấn tuân thủ điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, dự phòng mắc lao và lợi ích của tái khám đúng hẹn.

2. Đánh giá tình trạng sức khỏe người nhiễm HIV khi tái khám:

a) Đối với người nhiễm HIV đến tái khám theo lịch hẹn: thực hiện các nội dung đánh giá theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 5 Thông tư này;

b) Đối với người nhiễm HIV đến tái khám do có các biểu hiện lâm sàng bất thường: căn cứ vào tình trạng bệnh lý người nhiễm HIV, cơ sở điều trị quyết định cách xử trí phù hợp.

3. Điều trị dự phòng mắc bệnh lao khi người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn.

4. Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các triệu chứng bệnh lý khác (nếu có).

5. Đánh giá tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV trong tất cả các lần tái khám:

a) Nếu người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị: Tiếp tục quản lý theo dõi điều trị theo các nội dung quy định tại Điều này;

b) Nếu người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị: Thông báo cho người nhiễm HIV về việc đã đủ tiêu chuẩn điều trị và thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư này.

6. Ghi chép đầy đủ thông tin của người nhiễm HIV vào Sổ đăng ký trước điều trị bằng thuốc kháng HIV theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Xét nghiệm CD4 theo định kỳ 06 tháng/lần hoặc sớm hơn tùy thuộc tình trạng cụ thể của người bệnh.

8. Hẹn tái khám theo định kỳ: 03 tháng/lần.

9. Trường hợp tình trạng bệnh của người nhiễm HIV vượt quá khả năng điều trị của cơ sở điều trị thì phải thực hiện việc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị.

10. Cấp Phiếu chuyển tiếp điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp người bệnh chuyển sang điều trị tại cơ sở điều trị khác

Xem nội dung VB
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...

2. Tuyên truyền viên đồng đẳng là người tự nguyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ cho các đối tượng có cùng cảnh ngộ, lối sống như mình hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS

Xem nội dung VB
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

2. Đe dọa truyền HIV cho người khác.

3. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

4. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

5. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.

6. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

7. Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.

8. Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

9. Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

10. Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

11. Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật

Xem nội dung VB
Điều 5. Nội dung tư vấn chung về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS

1. Cung cấp các thông tin cơ bản về HIV/AIDS bao gồm đường lây truyền và các biện pháp phòng lây truyền HIV.

2. Hành vi nguy cơ có khả năng bị lây nhiễm HIV của người được tư vấn.

3. Các lợi ích và sự cần thiết của việc xét nghiệm HIV cho dự phòng và điều trị của người bệnh.

4. Hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người được tư vấn.

5. Hướng dẫn, trao đổi các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người được tư vấn.

6. Xác định, giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ về tinh thần, tâm lý, xã hội và chăm sóc y tế như xét nghiệm HIV, khám, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc sức khỏe sinh sản; dự phòng, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các dịch vụ hỗ trợ về tinh thần, tâm lý và xã hội khác.

7. Hướng dẫn người được tư vấn cách tiết lộ tình trạng nhiễm HIV với vợ, chồng, người thân trong gia đình hoặc người chuẩn bị kết hôn

8. Tư vấn về phơi nhiễm HIV và dự phòng phơi nhiễm với HIV.

9. Cung cấp các thông tin về pháp luật, chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 6. Nội dung tư vấn dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS cho một số đối tượng cụ thể

Ngoài các nội dung tư vấn chung về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS quy định tại Điều 5 của Thông tư này, nội dung tư vấn về dự phòng trong phòng, chống HIV/AIDS cho một số đối tượng cụ thể được quy định như sau:

1. Nội dung tư vấn cho người nghiện ma túy:

a) Khả năng lây nhiễm HIV khi dùng chung dụng cụ tiêm chích và quan hệ tình dục không an toàn;

b) Các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm tích ma túy và quan hệ tình dục;

c) Các biện pháp cai nghiện, dự phòng tái nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

d) Cung cấp thông tin và hướng dẫn các dịch vụ can thiệp giảm tác hại hiện có trên địa bàn;

đ) Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm phù hợp và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

2. Nội dung tư vấn cho người có hành vi mua dâm, bán dâm:

a) Nguy cơ lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ tình dục không an toàn;

b) Nguy cơ lây nhiễm HIV khi có sử dụng ma túy, đặc biệt trong trường hợp sử dụng ma túy qua đường tiêm chích;

c) Các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy;

d) Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận các hoạt động giảm tác giải hiện có trên địa bàn;

đ) Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

3. Nội dung tư vấn cho nam có quan hệ tình dục với nam:

a) Nguy cơ lây nhiễm HIV qua các hình thức quan hệ tình dục đồng giới nam;

b) Các cách thức quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV;

c) Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam có quan hệ tình dục với nam trên địa bàn.

4. Nội dung tư vấn cho người nhiễm HIV;

a) Cách tiết lộ trình trạng nhiễm HIV cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn;

b) Nguy cơ nhiễm thêm HIV khi tiếp tục sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn và cách tự phòng tránh;

c) Hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho người thân trong gia đình và cộng đồng;

d) Hướng dẫn về lối sống tích cực cho người được tư vấn;

đ) Hướng dẫn người được tư vấn đến các cơ sở y tế và các cơ sở chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và chuyển tiếp, chuyển tuyến khi cần thiết;

e) Cung cấp thông tin và hướng dẫn người được tư vấn tiếp cận các hoạt động của các nhóm chăm sóc tại nhà hiện có tại địa phương;

5. Nội dung tư vấn cho người thân của người nhiễm HIV:

a) Phương pháp chăm sóc hiệu quả, hợp lý cho người nhiễm HIV và người bị bệnh AIDS;

b) Hướng dẫn cách phòng lây nhiễm HIV trong gia đình, cách chăm sóc người nhiễm HIV và xử lý một số bệnh lý thường gặp;

c) Hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh suy sụp tinh thần trong quá trình chăm sóc người bệnh, không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV;

d) Vai trò của các thành viên gia đình trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng cho người nhiễm HIV;

đ) Cung cấp thông tin và hướng dẫn người nhiễm HIV tiếp cận các câu lạc bộ, nhóm tự lực và các cơ sở cung cấp dịch vụ giảm tác hại trên địa bàn.

6. Nội dung tư vấn cho phụ nữ mang thai:

a) Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;

b) Lợi ích, sự cần thiết của việc làm xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai;

c) Khả năng lây truyền HIV cho con và các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;

d) Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong trường hợp mẹ nhiễm HIV;

đ) Sự cần thiết phải tiếp cận sớm với các cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ đẻ, khi đẻ và chăm sóc sau sinh;

e) Giới thiệu các dịch vụ chăm sóc điều trị, hỗ trợ cho mẹ và trẻ sau sinh.

7. Nội dung tư vấn cho người bệnh mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:

a) Khả năng lây nhiễm HIV đối với người bệnh mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và khuyến khích bệnh nhân mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục xét nghiệm HIV;

b) Các cách thức quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV;

c) Cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận sớm các dịch vụ khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Xem nội dung VB
Điều 9. Tiêu chuẩn nhân sự của cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

1. Nhân sự: Mỗi cơ sở TVXNTN cần bảo đảm có đủ các vị trí nhân sự sau:

a) Cán bộ phụ trách

- Tiêu chuẩn lựa chọn

+ Có trình độ đại học chuyên ngành y tế hoặc xã hội;

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về TVXNTN;

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về giám sát hoạt động TVXNTN;

+ Có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm công tác TVXNTN.

- Số lượng: 01 người.

b) Tư vấn viên:

- Tiêu chuẩn lựa chọn

+ Có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y tế hoặc xã hội trở lên và có kiến thức về HIV/AIDS.

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về TVXNTN;

- Số lượng: Có ít nhất 2 tư vấn viên kiêm nhiệm hoặc 01 tư vấn viên chuyên trách.

c) Kỹ thuật viên lấy máu:

- Tiêu chuẩn lựa chọn: Điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm.

- Số lượng: Ít nhất 01 kỹ thuật viên lấy máu chuyên trách hoặc 02 kỹ thuật viên lấy máu làm kiêm nhiệm.

d) Nhân viên hành chính:

- Tiêu chuẩn: Tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên.

- Số lượng: 01 nhân viên hành chính chuyên trách

Điều 10. Tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

Một cơ sở TVXNTN phải có ít nhất 3 phòng bố trí theo nguyên tắc di chuyển một chiều, bắt đầu vào là phòng đón tiếp, tiếp đến phòng tư vấn và cuối cùng là phòng lấy máu xét nghiệm. Cụ thể như sau:

1. Phòng đón tiếp

a) Có diện tích tối thiểu 10m2, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng.

b) Trang thiết bị

- Có ít nhất 05 ghế cho đối tượng tư vấn ngồi đợi (tùy vào số lượng đối tượng tư vấn có thể trang bị thêm);

- Bàn, ghế làm việc cho nhân viên hành chính, tủ đựng tài liệu có khóa;

- Điện thoại để bàn;

- Bảng phân công lịch làm việc của cơ sở TVXNTN;

- Giá đựng tài liệu và tài liệu truyền thông;

- Thiết bị truyền hình để truyền thông;

- Các trang bị cụ thể khác tùy theo nhu cầu.

2. Phòng tư vấn:

a) Có diện tích tối thiểu của phòng tư vấn là 07m2, bảo đảm kín đáo, thông thoáng và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- 01 bàn làm việc (kích thước tối thiểu 0,8m x 1m) và 3 ghế;

- Tủ đựng tài liệu;

- Các vật dụng liên quan khác phục vụ việc tư vấn của tư vấn viên.

3. Phòng lấy máu

a) Có diện tích tối thiểu 7m2, bảo đảm thông thoáng, khô ráo và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- Một bộ bàn ghế làm việc (1 bàn, 2 ghế);

- Tủ đựng tài liệu (có khóa);

- Áo choàng (blouse) và mũ cho kỹ thuật viên;

- Bàn đá hoặc Inox để lấy máu;

- Tường ốp gạch men trắng cao ít nhất là 150cm tính từ mặt sàn;

- Bồn rửa có đường cung cấp nước sạch và dẫn nước thải trực tiếp;

- Các trang thiết bị, vật dụng phục vụ việc lấy máu gồm: bơm kim tiêm, găng tay, bông, cồn, đầu côn, ống lấy máu, giá đựng mẫu huyết thanh;

- Tủ đựng vật dụng lấy máu xét nghiệm;

- Tủ lạnh bảo mẫu máu, phích, bình lạnh để vận chuyển mẫu máu;

- Hộp cứng đựng các vật dụng sắc nhọn đã sử dụng để loại bỏ;

- Thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác sinh hoạt;

- Nội quy về an toàn phòng xét nghiệm và hướng dẫn xử trí khi bị phơi nhiễm nghề nghiệp treo lên tường;

- Các vật dụng cần thiết khác theo yêu cầu

Xem nội dung VB
Điều 7. Nội dung tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho một số đối tượng cụ thể

Việc tư vấn cho các đối tượng cụ thể phải theo đúng nội dung quy định tại Điều 6 của Hướng dẫn này. Ngoài ra cần bổ sung các nội dung cụ thể phù hợp với từng đối tượng như sau:

1. TVXNTN cho phụ nữ mang thai:

a) Tư vấn trước xét nghiệm (Các cơ sở sản khoa có thể tổ chức tư vấn nhóm cho các thai phụ):

- Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- Lợi ích, sự cần thiết của việc làm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai;

- Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong trường hợp mẹ nhiễm HIV;

b) Tư vấn sau xét nghiệm: Nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính, thực hiện việc tư vấn theo nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 của Hướng dẫn này. Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV dương tính cần nhấn mạnh thêm các vấn đề sau:

- Khả năng lây truyền HIV cho con và các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- Lợi ích và sử dụng thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- Sự cần thiết phải tiếp cận các cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ đẻ và chăm sóc sau sinh;

- Lợi ích và sự cần thiết để trẻ sơ sinh uống thuốc dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp theo dõi chăm sóc sau sinh;

- Giới thiệu các dịch vụ chăm sóc điều trị, hỗ trợ cho mẹ và trẻ sau sinh.

2. TVXNTN cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao

a) Đối tượng nghiện ma túy

- Tư vấn về khả năng lây nhiễm HIV khi dùng chung dụng cụ tiêm chích;

- Tư vấn về các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục;

- Tư vấn về cai nghiện và dự phòng tái nghiện;

- Tư vấn về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

b) Đối tượng mại dâm

- Tư vấn về nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt khi có các nhiễm trùng đường sinh dục;

- Tư vấn về các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục;

- Tư vấn về lây nhiễm HIV khi có sử dụng ma túy, đặc biệt trong trường hợp sử dụng ma túy qua đường tiêm chích;

- Tư vấn về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

c) Đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam

- Nguy cơ lây nhiễm HIV qua các hình thức quan hệ tình dục đồng giới nam;

- Các hình thức tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm dùng bao cao su và sử dụng chất bôi trơn.

3. Bệnh nhân trong các cơ sở phòng chống lao, khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục và các cơ sở y tế khác

a) Đối với bệnh nhân lao: Tư vấn về nguy cơ mắc lao, điều trị lao đối với người nhiễm HIV, khuyến khích bệnh nhân lao xét nghiệm HIV;

b) Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Tư vấn về khả năng lây nhiễm HIV đối với bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và khuyến khích bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục xét nghiệm HIV;

c) Đối với các bệnh nhân trong các cơ sở y tế khác: Ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 28 của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm HIV, thầy thuốc cần khuyến cáo bệnh nhân đến các cơ sở TVXNTN để được tư vấn và xét nghiệm HIV.

Chương III.

QUY TRÌNH TƯ VẤN, XÉT NGHIỆM HIV TỰ NGUYỆN

Điều 8. Quy trình tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

1. Tư vấn trước xét nghiệm

a) Bước 1. Giới thiệu và định hướng buổi tư vấn:

- Giúp đối tượng tư vấn bớt lo lắng và tạo không khí thân mật cho buổi tư vấn, trong đó cần nhấn mạnh tính bí mật và các lợi ích của dịch vụ;

- Trao đổi với đối tượng tư vấn các mục tiêu của buổi tư vấn và nhấn mạnh trọng tâm của buổi tư vấn là trao đổi về nguy cơ nhiễm HIV;

- Giới thiệu cho đối tượng tư vấn biết về các thủ tục tiến hành TVXNTN.

b) Bước 2. Đánh giá nguy cơ:

- Giúp cho đối tượng tư vấn xác định và hiểu được các yếu tố nguy cơ dẫn đến lây nhiễm HIV;

- Xác định hành vi nguy cơ, hoàn cảnh dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV.

c) Bước 3. Tìm hiểu các biện pháp giảm nguy cơ:

- Phát hiện những khả năng, những khó khăn trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV của đối tượng tư vấn;

- Xác định cùng với đối tượng tư vấn các phương án thực tiễn, phù hợp cho việc giảm nguy cơ nhiễm HIV;

- Xây dựng kỹ năng, cải thiện kỹ năng giao tiếp, quan hệ tình dục an toàn, tiêm chích an toàn giúp cho đối tượng tư vấn bảo vệ bản thân và những người khác tránh lây nhiễm HIV.

d) Bước 4. Lập kế hoạch giảm nguy cơ:

Hỗ trợ đối tượng tư vấn xây dựng một kế hoạch thực tế, khả thi và phù hợp nhằm giảm nguy cơ nhiễm HIV.

đ) Bước 5. Xác định nguồn hỗ trợ giảm nguy cơ:

Giúp đối tượng tư vấn xác định các nguồn hỗ trợ cho việc thực hiện kế hoạch giảm nguy cơ.

e) Bước 6. Chuẩn bị xét nghiệm HIV:

- Tìm hiểu việc chuẩn bị xét nghiệm HIV của đối tượng tư vấn;

- Liệt kê các lợi ích khi biết tình trạng huyết thanh;

- Xác định sự sẵn sàng làm xét nghiệm HIV của đối tượng tư vấn;

- Nếu đối tượng tư vấn đồng ý xét nghiệm HIV, giải thích để họ lựa chọn hình thức xét nghiệm HIV vô danh hoặc ghi tên. Nếu chọn hình thức ghi tên thì kết quả xét nghiệm HIV phải được thông báo và cung cấp cho đối tượng tư vấn bằng phiếu trả lời kết quả xét nghiệm theo quy định. Nếu chọn hình thức vô danh thì kết quả xét nghiệm HIV chỉ được thông báo trực tiếp cho đối tượng tư vấn và giúp đối tượng tư vấn biết tình trạng HIV của mình (không trả kết quả xét nghiệm bằng phiếu hoặc thông báo qua điện thoại).

g) Đưa phiếu hẹn:

- Bảo đảm đối tượng tư vấn biết thời gian nhận kết quả xét nghiệm;

- Hướng dẫn cho đối tượng tư vấn các cách liên lạc với tư vấn viên;

- Giới thiệu chuyển tiếp;

- Giới thiệu, hướng dẫn và khuyến khích đối tượng tư vấn đến những dịch vụ chuyển tiếp thích hợp;

- Hoàn thành phiếu thu thập thông tin đối tượng tư vấn;

- Hướng dẫn đối tượng tư vấn sang phòng lấy máu.

2. Tư vấn sau xét nghiệm

a) Tư vấn cho người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính

- Bước 1. Thông báo kết quả xét nghiệm dương tính:

+ Tư vấn sâu để đối tượng hiểu rõ về kết quả xét nghiệm;

+ Động viên họ và trao đổi về cách sống tích cực;

- Bước 2. Xác định nguồn hỗ trợ:

+ Xác định một người mà người được tư vấn có thể chia sẻ thông tin về kết quả xét nghiệm và người sẽ hỗ trợ cho người được tư vấn về sống chung với HIV/AIDS;

+ Xác định và giới thiệu cho người được tư vấn các dịch vụ chuyển tiếp cần thiết.

- Bước 3. Trao đổi về cách tiết lộ kết quả xét nghiệm và giới thiệu vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn hoặc bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm:

+ Giúp đối tượng tư vấn thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn hoặc bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm về tình trạng nhiễm HIV của mình;

+ Đưa ra một phương án giới thiệu vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn hoặc bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm tới dịch vụ TVXNTN.

- Bước 4. Giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm nguy cơ:

Hỗ trợ đối tượng tư vấn cách giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm và người khác.

b) Tư vấn cho đối tượng có kết quả xét nghiệm HIV âm tính

- Bước 1. Thông báo kết quả xét nghiệm âm tính:

+ Tư vấn sâu để đối tượng được tư vấn hiểu rõ về kết quả xét nghiệm và ý nghĩa của giai đoạn cửa sổ;

+ Nhấn mạnh việc đối tượng tư vấn cần phải giải quyết các vấn đề liên quan tới việc giảm nguy cơ để duy trì tình trạng không nhiễm HIV.

- Bước 2. Xem xét lại kế hoạch giảm nguy cơ:

+ Đánh giá nỗ lực của người được tư vấn trong việc thực hiện kế hoạch giảm nguy cơ;

+ Xác định nguồn hỗ trợ và những trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch giảm nguy cơ.

- Bước 3. Xây dựng lại kế hoạch giảm nguy cơ:

Xây dựng kế hoạch mới hoặc sửa đổi lại kế hoạch cũ dựa trên những khó khăn, thách thức và thành công của người được tư vấn.

- Bước 4. Trao đổi về cách tiết lộ kết quả xét nghiệm và giới thiệu vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn hoặc bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm:

Khuyến khích đối tượng tư vấn trao đổi với vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn hoặc bạn nghiện chích chung bơm kim tiêm về tình trạng HIV của mình và giới thiệu họ tới dịch vụ TVXNTN.

3. Tư vấn hỗ trợ tiếp tục

a) Chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của người được tư vấn;

b) Tư vấn hỗ trợ đối tượng tư vấn và giới thiệu các dịch vụ y tế và hỗ trợ tâm lý khác nếu cần.

Xem nội dung VB
Điều 10. Tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

Một cơ sở TVXNTN phải có ít nhất 3 phòng bố trí theo nguyên tắc di chuyển một chiều, bắt đầu vào là phòng đón tiếp, tiếp đến phòng tư vấn và cuối cùng là phòng lấy máu xét nghiệm. Cụ thể như sau:

1. Phòng đón tiếp

a) Có diện tích tối thiểu 10m2, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng.

b) Trang thiết bị

- Có ít nhất 05 ghế cho đối tượng tư vấn ngồi đợi (tùy vào số lượng đối tượng tư vấn có thể trang bị thêm);

- Bàn, ghế làm việc cho nhân viên hành chính, tủ đựng tài liệu có khóa;

- Điện thoại để bàn;

- Bảng phân công lịch làm việc của cơ sở TVXNTN;

- Giá đựng tài liệu và tài liệu truyền thông;

- Thiết bị truyền hình để truyền thông;

- Các trang bị cụ thể khác tùy theo nhu cầu.

2. Phòng tư vấn:

a) Có diện tích tối thiểu của phòng tư vấn là 07m2, bảo đảm kín đáo, thông thoáng và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- 01 bàn làm việc (kích thước tối thiểu 0,8m x 1m) và 3 ghế;

- Tủ đựng tài liệu;

- Các vật dụng liên quan khác phục vụ việc tư vấn của tư vấn viên.

3. Phòng lấy máu

a) Có diện tích tối thiểu 7m2, bảo đảm thông thoáng, khô ráo và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- Một bộ bàn ghế làm việc (1 bàn, 2 ghế);

- Tủ đựng tài liệu (có khóa);

- Áo choàng (blouse) và mũ cho kỹ thuật viên;

- Bàn đá hoặc Inox để lấy máu;

- Tường ốp gạch men trắng cao ít nhất là 150cm tính từ mặt sàn;

- Bồn rửa có đường cung cấp nước sạch và dẫn nước thải trực tiếp;

- Các trang thiết bị, vật dụng phục vụ việc lấy máu gồm: bơm kim tiêm, găng tay, bông, cồn, đầu côn, ống lấy máu, giá đựng mẫu huyết thanh;

- Tủ đựng vật dụng lấy máu xét nghiệm;

- Tủ lạnh bảo mẫu máu, phích, bình lạnh để vận chuyển mẫu máu;

- Hộp cứng đựng các vật dụng sắc nhọn đã sử dụng để loại bỏ;

- Thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác sinh hoạt;

- Nội quy về an toàn phòng xét nghiệm và hướng dẫn xử trí khi bị phơi nhiễm nghề nghiệp treo lên tường;

- Các vật dụng cần thiết khác theo yêu cầu


Xem nội dung VB
Điều 9. Tiêu chuẩn nhân sự của cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

1. Nhân sự: Mỗi cơ sở TVXNTN cần bảo đảm có đủ các vị trí nhân sự sau:

a) Cán bộ phụ trách

- Tiêu chuẩn lựa chọn

+ Có trình độ đại học chuyên ngành y tế hoặc xã hội;

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về TVXNTN;

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về giám sát hoạt động TVXNTN;

+ Có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm công tác TVXNTN.

- Số lượng: 01 người.

b) Tư vấn viên:

- Tiêu chuẩn lựa chọn

+ Có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y tế hoặc xã hội trở lên và có kiến thức về HIV/AIDS.

+ Có chứng nhận đã qua tập huấn về TVXNTN;

- Số lượng: Có ít nhất 2 tư vấn viên kiêm nhiệm hoặc 01 tư vấn viên chuyên trách.

c) Kỹ thuật viên lấy máu:

- Tiêu chuẩn lựa chọn: Điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm.

- Số lượng: Ít nhất 01 kỹ thuật viên lấy máu chuyên trách hoặc 02 kỹ thuật viên lấy máu làm kiêm nhiệm.

d) Nhân viên hành chính:

- Tiêu chuẩn: Tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên.

- Số lượng: 01 nhân viên hành chính chuyên trách

Điều 10. Tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

Một cơ sở TVXNTN phải có ít nhất 3 phòng bố trí theo nguyên tắc di chuyển một chiều, bắt đầu vào là phòng đón tiếp, tiếp đến phòng tư vấn và cuối cùng là phòng lấy máu xét nghiệm. Cụ thể như sau:

1. Phòng đón tiếp

a) Có diện tích tối thiểu 10m2, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng.

b) Trang thiết bị

- Có ít nhất 05 ghế cho đối tượng tư vấn ngồi đợi (tùy vào số lượng đối tượng tư vấn có thể trang bị thêm);

- Bàn, ghế làm việc cho nhân viên hành chính, tủ đựng tài liệu có khóa;

- Điện thoại để bàn;

- Bảng phân công lịch làm việc của cơ sở TVXNTN;

- Giá đựng tài liệu và tài liệu truyền thông;

- Thiết bị truyền hình để truyền thông;

- Các trang bị cụ thể khác tùy theo nhu cầu.

2. Phòng tư vấn:

a) Có diện tích tối thiểu của phòng tư vấn là 07m2, bảo đảm kín đáo, thông thoáng và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- 01 bàn làm việc (kích thước tối thiểu 0,8m x 1m) và 3 ghế;

- Tủ đựng tài liệu;

- Các vật dụng liên quan khác phục vụ việc tư vấn của tư vấn viên.

3. Phòng lấy máu

a) Có diện tích tối thiểu 7m2, bảo đảm thông thoáng, khô ráo và đủ ánh sáng;

b) Trang thiết bị:

- Một bộ bàn ghế làm việc (1 bàn, 2 ghế);

- Tủ đựng tài liệu (có khóa);

- Áo choàng (blouse) và mũ cho kỹ thuật viên;

- Bàn đá hoặc Inox để lấy máu;

- Tường ốp gạch men trắng cao ít nhất là 150cm tính từ mặt sàn;

- Bồn rửa có đường cung cấp nước sạch và dẫn nước thải trực tiếp;

- Các trang thiết bị, vật dụng phục vụ việc lấy máu gồm: bơm kim tiêm, găng tay, bông, cồn, đầu côn, ống lấy máu, giá đựng mẫu huyết thanh;

- Tủ đựng vật dụng lấy máu xét nghiệm;

- Tủ lạnh bảo mẫu máu, phích, bình lạnh để vận chuyển mẫu máu;

- Hộp cứng đựng các vật dụng sắc nhọn đã sử dụng để loại bỏ;

- Thùng đựng rác thải y tế, thùng đựng rác sinh hoạt;

- Nội quy về an toàn phòng xét nghiệm và hướng dẫn xử trí khi bị phơi nhiễm nghề nghiệp treo lên tường;

- Các vật dụng cần thiết khác theo yêu cầu

Xem nội dung VB
Điều 4. Quy trình tiếp nhận
...

3. Lập Bệnh án ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đối với những trường hợp người nhiễm HIV đồng ý đăng ký chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

Xem nội dung VB
Điều 5. Đánh giá tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV

1. Khai thác tiền sử sử dụng thuốc kháng HIV, thông tin về các thuốc đang sử dụng và tác dụng phụ của thuốc; tiền sử điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ em.

2. Xác định giai đoạn lâm sàng, chiều cao, cân nặng của người bệnh. Đối với trẻ em, cần thực hiện thêm việc đánh giá sự phát triển tâm thần và thể chất của trẻ.

3. Sàng lọc bệnh lao.

4. Chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác.

5. Xét nghiệm: CD4, công thức máu, chức năng gan, creatinine, HBsAg, anti-HCV và các xét nghiệm cần thiết khác.

6. Xác định giai đoạn miễn dịch.

7. Xác định tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV.

8. Hội chẩn hoặc giới thiệu người bệnh đến các cơ sở y tế khác khi cần thiết.

Điều 6. Xử lý sau khi đánh giá tình trạng sức khoẻ

1. Đối với người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV: thực hiện việc quản lý, theo dõi điều trị theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Đối với người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV:

a) Trường hợp người nhiễm HIV đang mắc nhiễm trùng cơ hội: điều trị ngay các nhiễm trùng cơ hội theo quy định của Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS. Sau đó đánh giá lại tình trạng sức khoẻ của người nhiễm HIV để quyết định việc áp dụng điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole, dự phòng mắc bệnh lao bằng INH, đồng thời điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Trường hợp người nhiễm HIV không mắc nhiễm trùng cơ hội: điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole, dự phòng mắc bệnh lao bằng INH đồng thời điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Hoàn thiện bệnh án ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp tình trạng bệnh của người nhiễm HIV vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế thực hiện việc quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV (sau đây gọi tắt là cơ sở điều trị) phải thực hiện việc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị.

Xem nội dung VB
Điều 8. Quản lý, theo dõi điều trị đối với người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV

1. Tư vấn tuân thủ điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, dự phòng mắc lao và lợi ích của tái khám đúng hẹn.

2. Đánh giá tình trạng sức khỏe người nhiễm HIV khi tái khám:

a) Đối với người nhiễm HIV đến tái khám theo lịch hẹn: thực hiện các nội dung đánh giá theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 5 Thông tư này;

b) Đối với người nhiễm HIV đến tái khám do có các biểu hiện lâm sàng bất thường: căn cứ vào tình trạng bệnh lý người nhiễm HIV, cơ sở điều trị quyết định cách xử trí phù hợp.

3. Điều trị dự phòng mắc bệnh lao khi người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn.

4. Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các triệu chứng bệnh lý khác (nếu có).

5. Đánh giá tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV trong tất cả các lần tái khám:

a) Nếu người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị: Tiếp tục quản lý theo dõi điều trị theo các nội dung quy định tại Điều này;

b) Nếu người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị: Thông báo cho người nhiễm HIV về việc đã đủ tiêu chuẩn điều trị và thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư này.

6. Ghi chép đầy đủ thông tin của người nhiễm HIV vào Sổ đăng ký trước điều trị bằng thuốc kháng HIV theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Xét nghiệm CD4 theo định kỳ 06 tháng/lần hoặc sớm hơn tùy thuộc tình trạng cụ thể của người bệnh.

8. Hẹn tái khám theo định kỳ: 03 tháng/lần.

9. Trường hợp tình trạng bệnh của người nhiễm HIV vượt quá khả năng điều trị của cơ sở điều trị thì phải thực hiện việc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị.

10. Cấp Phiếu chuyển tiếp điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp người bệnh chuyển sang điều trị tại cơ sở điều trị khác

Xem nội dung VB
Điều 9. Quản lý, theo dõi điều trị đối với người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV

1. Quy trình điều trị bằng thuốc kháng HIV:

a) Cung cấp thông tin về phác đồ điều trị bằng thuốc kháng HIV mà người nhiễm HIV sẽ sử dụng: tên thuốc, liều lượng, cách uống thuốc, tác dụng phụ và xử trí tác dụng phụ của thuốc;

b) Tư vấn về tuân thủ điều trị và sự cần thiết của người hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV;

c) Đánh giá sự sẵn sàng điều trị bằng thuốc kháng HIV của người nhiễm HIV;

d) Cấp thuốc kháng HIV khi người nhiễm HIV sẵn sàng điều trị bằng thuốc kháng HIV và thông báo cho người nhiễm HIV về lịch cấp thuốc theo nội dung quy định tại Khoản 4 Điều này;

đ) Thông báo cho người nhiễm HIV về lịch tái khám:

- Đối với trẻ em: Tái khám từ 01 đến 03 tháng/lần tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh của trẻ;

- Đối với người lớn: tái khám hằng tháng trong 06 tháng sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng HIV, sau đó căn cứ vào mức độ đáp ứng điều trị và tuân thủ điều trị của người bệnh có thể tái khám 06 tháng/lần;

e) Trường hợp tình trạng bệnh của người nhiễm HIV vượt quá khả năng điều trị của cơ sở điều trị thì phải thực hiện việc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị.

g) Cấp phiếu chuyển tiếp điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp người bệnh chuyển sang điều trị tại cơ sở điều trị khác

h) Ghi chép đầy đủ thông tin của người nhiễm HIV vào Sổ Điều trị bằng thuốc kháng HIV theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đánh giá tình trạng sức khỏe và xử lý khi tái khám:

a) Đánh giá giai đoạn lâm sàng;

b) Xét nghiệm CD4 theo định kỳ 06 tháng/lần hoặc sớm hơn tùy thuộc tình trạng cụ thể của người nhiễm HIV và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị khác tùy thuộc phác đồ điều trị bằng thuốc kháng HIV mà người nhiễm HIV đang sử dụng;

c) Phát hiện và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội mới;

d) Phát hiện và xử trí tác dụng phụ của thuốc;

đ) Đánh giá và hỗ trợ tuân thủ điều trị;

e) Sàng lọc, phát hiện các biểu hiện thất bại vể lâm sàng, thất bại về miễn dịch và các yếu tố nguy cơ gây thất bại điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người nhiễm HIV đã có thời gian điều trị thuốc kháng HIV bậc 1 từ 06 tháng trở lên.

g) Xử lý sau khi tái khám:

- Trường hợp người nhiễm HIV đáp ứng tốt với phác đồ thuốc kháng HIV đang sử dụng thì tiếp tục phác đồ đó. Riêng đối với trẻ em, cần điều chỉnh liều lượng và dạng thuốc phù hợp với cân nặng và lứa tuổi của trẻ;

- Trường hợp người nhiễm HIV có biểu hiện thất bại điều trị với phác đồ hiện tại phải đánh giá lại về tình trạng lâm sàng, xét nghiệm CD4, mức độ tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV và thực hiện xét nghiệm đo tải lượng HIV1 trong theo dõi, điều trị HIV/AIDS để xác định thất bại điều trị và quyết định chuyển phác đồ phù hợp.

3. Cấp thuốc kháng HIV:

a) Đối với lần cấp thuốc đầu tiên: Hướng dẫn người nhiễm HIV cách sử dụng và bảo quản thuốc, cách phát hiện tác dụng phụ của thuốc và xử trí tác dụng phụ của thuốc;

b) Đối với các lần cấp thuốc tiếp theo: trước khi cấp thuốc phải đánh giá tác dụng phụ của thuốc, sàng lọc bệnh lao và tuân thủ điều trị:

Trường hợp người nhiễm HIV không có các biểu hiện bất thường và tuân thủ điều trị tốt thì tiếp tục cấp thuốc theo phác đồ đang điều trị;

Trường hợp người nhiễm HIV có biểu hiện bất thường về lâm sàng hoặc có biểu hiện không tuân thủ điều trị thì nhân viên y tế thực hiện việc cấp thuốc phải giới thiệu người nhiễm HIV đến bác sỹ điều trị.

c) Lịch cấp thuốc: Định kỳ hằng tháng

Xem nội dung VB
Điều 11. Quy trình tiếp nhận

1. Tiếp nhận Phiếu chuyển tiếp điều trị và gửi phiếu phản hồi tiếp nhận điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này về cơ sở điều trị nơi giới thiệu người bệnh.

2. Hoàn thiện các nội dung về hành chính trong Bệnh án ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Căn cứ theo các nội dung chuyên môn trong Phiếu chuyển tiếp điều trị, cơ sở điều trị có trách nhiệm thực hiện:

a) Đánh giá tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 5 Thông tư này hoặc tiến hành hội chẩn, giới thiệu người nhiễm HIV đến các cơ sở y tế phù hợp;

b) Thực hiện việc quản lý, theo dõi điều trị theo các nội dung quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 12. Nội dung quản lý, theo dõi điều trị đối với người nhiễm HIV chuyển đến từ cơ sở điều trị khác

...

2. Đối với người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng HIV: Thực hiện việc quản lý, theo dõi điều trị theo các nội dung quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 9 Thông tư này

Xem nội dung VB
Điều 19. Thủ tục chuyển tiếp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Thủ tục chuyển việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện:

a) Người bệnh nộp đơn đề nghị chuyển tiếp điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này cho người đứng đầu cơ sở điều trị nơi người đó đang tham gia điều trị;

b) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị chuyển tiếp điều trị của người bệnh, người đứng đầu cơ sở điều trị nơi người bệnh có nguyện vọng chuyển đi có trách nhiệm lập bản sao hồ sơ điều trị và Phiếu chuyển gửi người bệnh điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (sau đây gọi là Phiếu chuyển gửi) theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ điều trị của người bệnh có nguyện vọng được chuyển tiếp điều trị, cơ sở điều trị mới có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc điều trị cho người chuyển đến.

2. Thủ tục thay đổi cơ sở điều trị:

a) Người bệnh nộp đơn đề nghị chuyển tiếp điều trị theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này cho người đứng đầu cơ sở điều trị nơi người đó đang tham gia điều trị;

b) Trong thời gian 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị chuyển tiếp điều trị của người bệnh, người đứng đầu cơ sở điều trị nơi người bệnh có nguyện vọng chuyển đi có trách nhiệm lập bản sao hồ sơ điều trị và Phiếu chuyển gửi theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ điều trị của người bệnh có nguyện vọng được chuyển tiếp điều trị, cơ sở điều trị mới có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc điều trị cho người chuyển đến

Xem nội dung VB
Điều 2. Thực hiện các quy định về vô khuẩn

1. Khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật xâm lấn khác phải bảo đảm điều kiện, phương tiện và kỹ thuật vô khuẩn theo đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế.

2. Các dụng cụ y tế sử dụng lại phải được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung tại bộ phận (đơn vị) tiệt khuẩn và phải bảo đảm vô khuẩn từ khâu tiệt khuẩn, lưu trữ, vận chuyển cho tới khi sử dụng cho người bệnh.

3. Không dùng chung găng tay cho người bệnh, thay găng khi chuyển từ vùng cơ thể nhiễm khuẩn sang vùng sạch trên cùng một người bệnh và khi thực hiện động tác kỹ thuật vô khuẩn phải mang găng vô khuẩn.

4. Nhân viên y tế tuyệt đối tuân thủ các quy định về vô khuẩn, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa cách ly khi xâm nhập, làm việc ở các khu vực vô khuẩn

Xem nội dung VB