Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP hướng dẫn thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Số hiệu: | 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP | Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao | Người ký: | Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Hải Phong |
Ngày ban hành: | 17/02/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 13/03/2014 | Số công báo: | Từ số 309 đến số 310 |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2014 |
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
Để bảo đảm thi hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn thực hiện như sau:
Thông tư Liên tịch này hướng dẫn thực hiện các quy định tố tụng hình sự về việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:
1. Các đồn Biên phòng ở khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển và hải đảo thuộc Bộ đội Biên phòng (sau đây gọi chung là các đồn Biên phòng);
2. Các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi có đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn (sau đây gọi chung là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).
3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng.
1. Việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Bảo đảm quyền con người, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
BẮT, TẠM GIỮ HÌNH SỰ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG
Điều 4. Thẩm quyền bắt, tạm giữ hình sự
1. Bộ đội Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ, phát hiện tội phạm xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và trên các vùng biển do Bộ đội Biên phòng quản lý thì Đồn trưởng đồn Biên phòng (sau đây gọi tắt là Đồn trưởng) có quyền quyết định việc bắt người trong các trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, truy nã và tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Khi Đồn trưởng vắng mặt thì Phó Đồn trưởng được ủy nhiệm thực hiện quyền hạn của Đồn trưởng trong việc bắt, tạm giữ hình sự và phải chịu trách nhiệm trước Đồn trưởng về nhiệm vụ được giao. Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình trong việc bắt, tạm giữ hình sự.
Điều 5. Thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc truy nã
1. Khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp, Đồn trưởng phải ra lệnh bắt. Lệnh bắt khẩn cấp phải ghi rõ bắt khẩn cấp trong trường hợp nào theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; lập biên bản về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự; cách ly đối tượng; lập danh bản, chỉ bản; lấy lời khai, thu thập tài liệu về nhân thân, hành vi phạm tội của người bị bắt; đồng thời làm văn bản đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp kèm theo hồ sơ gửi ngay đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân để phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì Đồn trưởng phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
2. Trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc nhận người bị bắt do phạm tội quả tang, đồn Biên phòng phải tiến hành lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, cách ly đối tượng, lập danh bản, chỉ bản, ghi lời khai, niêm phong vật chứng, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại (nếu có). Đồn trưởng ra quyết định tạm giữ (nếu thấy cần thiết) hoặc trả tự do cho người bị bắt trong thời gian 24 giờ kể từ khi đã dẫn giải người bị bắt về đến đồn Biên phòng và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân biết.
3. Trường hợp bắt người đang bị truy nã hoặc nhận người bị bắt theo quyết định truy nã, đồn Biên phòng phải lập biên bản, lấy lời khai người bị bắt, lập danh bản, chỉ bản người bị bắt và gửi ngay thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Trường hợp xét thấy cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt (kể cả trường hợp người bị truy nã đầu thú) thì Đồn trưởng ra quyết định tạm giữ và gửi quyết định tạm giữ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ.
4. Đồn trưởng thông báo về việc bắt theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều 6. Trường hợp bắt người có hành vi phạm tội là người nước ngoài
1. Việc bắt người có hành vi phạm tội là người nước ngoài, phải tuân theo các quy định tại Điều 79, Điều 81 và Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự. Sau khi bắt, Đồn trưởng phải báo cáo ngay cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố để thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh biết theo quy định của pháp luật.
2. Đối với người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và lãnh sự, nếu họ phạm tội quả tang, Đồn trưởng lập biên bản, thu giữ vật chứng sau đó trả tự do cho họ và báo cáo ngay cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố để thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Khi tạm giữ người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã, Đồn trưởng phải ra quyết định tạm giữ.
2. Khi đưa người bị tạm giữ hình sự vào buồng tạm giữ phải: Giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ theo Điều 48 Bộ luật tố tụng hình sự; kiểm tra, xác định tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ; kiểm tra đồ vật mang theo của họ trước khi đưa vào buồng tạm giữ; phổ biến nội quy buồng tạm giữ cho người bị tạm giữ biết.
Việc kiểm tra xác định tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ do Quân y đồn Biên phòng và những người có liên quan thực hiện. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ là nam giới do nam thực hiện, nữ giới do nữ thực hiện và được tiến hành trong phòng kín. Nếu đồn Biên phòng không có quân nhân nữ hoặc công nhân viên quốc phòng là nữ thì Đồn trưởng đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân, mời một công dân nữ ở địa phương giúp thực hiện việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ.
Việc xác định tình trạng sức khỏe, kiểm tra thân thể người bị tạm giữ phải được ghi vào phiếu khám sức khỏe, biên bản kiểm tra thân thể người bị tạm giữ theo mẫu quy định và được lưu vào hồ sơ tạm giữ.
3. Những đồn Biên phòng không có buồng tạm giữ, Đồn trưởng cử cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền dẫn giải người có quyết định tạm giữ đến nhà tạm giữ của Công an cấp huyện hoặc trại tạm giam của Công an cấp tỉnh nơi đồn đóng quân để tạm giữ (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2002/TTLT-BQP-BCA ngày 16/8/2002 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn các đồn Biên phòng không có buồng tạm giữ được gửi người bị tạm giữ đến để giam giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Bộ Công an quản lý).
4. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn tạm giữ, Đồn trưởng ra quyết định gia hạn tạm giữ theo quy định tại Khoản 2 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự. Trước khi hết thời hạn tạm giữ 12 giờ, đồn Biên phòng phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đóng quân để xét phê chuẩn.
Điều 8. Việc quản lý tạm giữ tại đồn Biên phòng
1. Đồn trưởng trực tiếp quản lý buồng tạm giữ hình sự có nhiệm vụ, quyền hạn: Điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động tạm giữ; thực hiện việc tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị tạm giữ; giao người bị tạm giữ cho cơ quan có thẩm quyền; tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc tạm giữ phải bố trí theo khu vực, phân loại người bị tạm giữ theo quy định. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ và phải được tổ chức canh gác, bảo vệ an toàn trong quá trình tạm giữ. Việc trích xuất, dẫn giải người bị tạm giữ phải có lệnh, việc bàn giao người bị tạm giữ phải được lập biên bản theo quy định của pháp luật.
3. Đồn trưởng giao cho một cán bộ lập và quản lý hồ sơ tạm giữ gồm các tài liệu có liên quan đến việc bắt và tạm giữ hình sự.
Hồ sơ tạm giữ phải có: Lệnh bắt (hoặc quyết định truy nã, biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản tiếp nhận người đầu thú, tự thú...); quyết định tạm giữ; biên bản giao, nhận người bị bắt; quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát (trường hợp bắt khẩn cấp và gia hạn tạm giữ); biên bản kiểm tra dấu vết trên thân thể, ghi nhận tình trạng sức khỏe; nhật ký theo dõi quá trình tạm giữ; lệnh trích xuất; biên bản bàn giao khi chuyển người bị tạm giữ cho cơ quan khác; quyết định trả tự do hoặc thay đổi quyết định tạm giữ; các văn bản của Viện kiểm sát thể hiện kiểm sát việc tạm giữ và các văn bản liên quan khác (nếu có).
Tài liệu trong hồ sơ phải được đánh số thứ tự, có bản thống kê kèm theo và được quản lý cùng với các loại sổ sách theo dõi thủ tục, chế độ tạm giữ theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Chế độ ăn, mặc, ở đối với người bị tạm giữ
Chế độ ăn, mặc, ở đối với người bị tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng thực hiện theo Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ) và các văn bản pháp luật hiện hành. Quá trình thực hiện phải ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi theo quy định.
Điều 10. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ bị bệnh hoặc chết trong thời gian bị tạm giữ
1. Người bị tạm giữ bị ốm đau, thương tích được Quân y đồn Biên phòng khám và điều trị.
Trường hợp người bị tạm giữ bị ốm đau, thương tích nặng, vượt quá khả năng khám, điều trị của Quân y thì đồn Biên phòng làm các thủ tục chuyển họ đến cơ sở y tế ở địa phương hoặc bệnh viện tuyến trên để điều trị và tổ chức canh giữ họ. Chi phí khám và chữa bệnh do đồn Biên phòng thanh toán với cơ sở y tế đó.
2. Trường hợp người bị tạm giữ chết tại buồng tạm giữ, thì Đồn trưởng phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân biết để tiến hành khám nghiệm. Đồn trưởng cử người chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thông báo cho thân nhân người chết biết.
Các thủ tục khác được thực hiện theo quy định tại Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ) và các văn bản pháp luật hiện hành.
Điều 11. Chuyển hồ sơ để giải quyết theo thẩm quyền
1. Khi có căn cứ xác định người bị bắt, tạm giữ không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Đồn trưởng làm văn bản đề nghị Cơ quan Điều tra có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, vật chứng và người bị bắt, tạm giữ đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân biết.
2. Việc giao nhận hồ sơ, vật chứng và người bị bắt, tạm giữ phải được lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Trường hợp Đồn trưởng đồn Biên phòng khởi tố vụ án hình sự, việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 116 Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật liên quan.
KIỂM SÁT VIỆC BẮT, TẠM GIỮ HÌNH SỰ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG
Điều 12. Thẩm quyền kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng
1. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đồn Biên phòng và người có trách nhiệm trong việc bắt, tạm giữ hình sự.
2. Khi thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Định kỳ, đột xuất trực tiếp kiểm sát buồng tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn;
b) Yêu cầu Đồn trưởng thông báo, cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan và tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự;
c) Tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng;
d) Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai và vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ không có căn cứ pháp luật;
đ) Kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
3. Đồn trưởng và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định và yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
1. Khi nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp do đồn Biên phòng chuyển đến, Kiểm sát viên được phân công tiến hành kiểm tra các tài liệu, chứng cứ chứng minh tính có căn cứ của việc bắt khẩn cấp đối với từng trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự. Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
Trường hợp cần thiết gặp, hỏi người bị bắt, Kiểm sát viên phải thông báo trước cho đồn Biên phòng để phối hợp trong quá trình gặp, hỏi người bị bắt. Biên bản ghi lời khai của người bị bắt do Kiểm sát viên lập phải thực hiện theo Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự và được lưu vào hồ sơ bắt, tạm giữ.
2. Khi nhận được quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ của đồn Biên phòng chuyển đến, Kiểm sát viên tiến hành kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của việc tạm giữ, gia hạn tạm giữ, báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 14. Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ hình sự tại đồn Biên phòng
1. Định kỳ một năm một lần, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự đối với các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn có buồng tạm giữ hình sự nếu có việc bắt, tạm giữ hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đột xuất kiểm sát việc tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn khi có người bị tạm giữ trốn, chết tại buồng tạm giữ; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự hoặc khi xét thấy cần thiết.
2. Nội dung trực tiếp kiểm sát
Kiểm sát việc lập hồ sơ, lưu giữ tài liệu, ghi chép sổ theo dõi và đối chiếu với người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật. Người bị tạm giữ phải có quyết định tạm giữ hợp pháp và đang còn hiệu lực pháp luật của cơ quan và người có thẩm quyền. Hồ sơ tiếp nhận người bị tạm giữ theo đúng quy định của pháp luật và được cập nhật đầy đủ các tài liệu phát sinh trong quá trình tạm giữ.
Kiểm sát việc phân loại tạm giữ, việc trích xuất, bàn giao người bị tạm giữ theo quy định pháp luật. Kiểm sát việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ. Đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm người bị tạm giữ; thực hiện đầy đủ các chế độ ăn, ở… đối với người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục trực tiếp kiểm sát
Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát theo định kỳ hoặc đột xuất phải có quyết định, kế hoạch; nội dung quyết định, kế hoạch thực hiện theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Kết thúc cuộc kiểm sát, Viện kiểm sát công bố kết luận trước Đồn trưởng và những người liên quan trong việc bắt, tạm giữ hình sự.
Kiểm sát định kỳ, đột xuất do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được ủy quyền tiến hành.
Điều 15. Thực hiện quyền yêu cầu
1. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đã có vi phạm xảy ra ở buồng tạm giữ hình sự tại đồn Biên phòng nhưng chưa có điều kiện trực tiếp kiểm sát hoặc xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện làm văn bản yêu cầu Đồn trưởng đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn: Thông báo tình hình chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự theo quy định của pháp luật; tự kiểm tra và thông báo kết quả hoặc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện biết.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, đồn trưởng đồn Biên phòng có trách nhiệm thực hiện nội dung yêu cầu của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị
1. Khi thực hiện công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền: Kháng nghị yêu cầu Đồn trưởng hoặc người có trách nhiệm đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật; chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự; yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.
2. Khi phát hiện những việc được xác định là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc những việc nếu không có biện pháp khắc phục sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kiến nghị yêu cầu Đồn trưởng, cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm trong việc bắt, tạm giữ hình sự có biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Đồn trưởng có trách nhiệm thực hiện và trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp không nhất trí với nội dung kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Đồn trưởng có quyền làm văn bản kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh xem xét lại đồng thời gửi một bản đến Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng để phối hợp giải quyết. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Đồn trưởng Biên phòng trong thời hạn 15 ngày.
1. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ hình sự của đồn Biên phòng đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát quân sự do Viện kiểm sát quân sự có thẩm quyền giải quyết.
2. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ hình sự của đồn Biên phòng đối với các đối tượng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát quân sự và các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ quản lý và thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ tại các đồn Biên phòng do Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân giải quyết.
3. Thủ tục và thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP- BTP ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.
1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, đồn Biên phòng và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đồn Biên phòng đóng quân chủ động phối hợp với nhau để thông báo tình hình, thống nhất giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng, nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, hải đảo.
2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có các đồn Biên phòng đóng quân trên chủ động phối hợp với Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng để nắm tình hình bắt, tạm giữ và giải quyết các vướng mắc như: Việc chuyển hồ sơ để giải quyết theo thẩm quyền; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn Biên phòng; các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đối với các đồn Biên phòng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2014.
Điều 20. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này đến các đồn Biên phòng và các đơn vị có liên quan.
2. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đồn Biên phòng đóng quân tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này đến các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết./.
KT. VIỆN TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam Ban hành: 07/11/1998 | Cập nhật: 07/12/2012