Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số do Bộ Tư pháp - Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu: 01/2012/TTLT-BTP-UBDT Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Uỷ ban Dân tộc Người ký: Nguyễn Thúy Hiền, Sơn Minh Thắng
Ngày ban hành: 17/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 31/01/2012 Số công báo: Từ số 145 đến số 146
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Dân tộc, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP -
ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2012/TTLT-BTP-UBDT

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc thống nhất hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này (sau đây gọi là Thông tư) hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số bao gồm: các yêu cầu, thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.

b) Người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (sau đây viết tắt là Chi nhánh); Công ty luật, Văn phòng luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

3. Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh; Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan công tác dân tộc địa phương bao gồm: Cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh và Phòng Dân tộc cấp huyện.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Các yêu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số

1. Bảo đảm người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý bằng tiếng của dân tộc mình trong trường hợp đối tượng yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

2. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cách thức thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân tộc thiểu số tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý.

3. Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Chương 2.

THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Điều 4. Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí đối với người dân tộc thiểu số để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ bằng các hình thức sau đây:

1. Tư vấn pháp luật.

2. Tham gia tố tụng.

3. Đại diện ngoài tố tụng.

4. Các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Điều 5. Đơn giản thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý

1. Người dân tộc thiểu số khi yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu có khó khăn trong việc xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải tiếp nhận yêu cầu, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các tổ chức chính trị - xã hội nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xác minh và thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

2. Người dân tộc thiểu số có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp chặt chẽ với người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình trợ giúp pháp lý.

Điều 6. Trợ giúp pháp lý tại cơ sở

Trung tâm và Chi nhánh triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

1. Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về những vấn đề pháp luật mà người dân tộc thiểu số thường có vướng mắc.

2. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân tộc thiểu số tại địa phương.

3. Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số.

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, người được trợ giúp pháp lý trình bày trực tiếp yêu cầu trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý điền vào mẫu đơn và thực hiện tư vấn ngay. Kết quả tư vấn được thể hiện dưới hình thức Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc văn bản tư vấn pháp luật.

Đối với các trường hợp chưa thể tư vấn được ngay vì vụ việc phức tạp cần xác minh thêm thì người thực hiện trợ giúp pháp lý viết Phiếu hẹn về thời gian để tư vấn sau hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc.

4. Lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở với hoạt động xét xử lưu động của Tòa án, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động tìm hiểu pháp luật, lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Điều 7. Truyền thông về trợ giúp pháp lý

Trung tâm và Chi nhánh thực hiện việc truyền thông về trợ giúp pháp lý để người dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình thông qua các phương thức sau đây:

1. Biên soạn, in ấn và cung cấp miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân bằng tiếng dân tộc thiểu số.

2. Soạn thảo các tài liệu pháp luật, thu và sao băng cát xét bằng tiếng dân tộc thiểu số để phát trên đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh xã.

3. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý cho từng vùng, miền phù hợp với đặc điểm của người dân tộc thiểu số trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí ở trung ương và địa phương.

4. Đặt các Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm y tế, Đồn Biên phòng, điểm bưu điện văn hóa xã.

Chương 3.

NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Điều 8. Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý

Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thực hiện các hoạt động sau để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý:

1. Khảo sát, nghiên cứu nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng của người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nội dung, hình thức và phương pháp tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa bàn ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 9. Phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm củng cố, phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số. Chú trọng cộng tác viên là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng (thành viên Tổ hòa giải, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cơ sở).

2. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương có trách nhiệm giới thiệu ít nhất 01 công chức có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.

Điều 10. Lồng ghép với các Chương trình giảm nghèo

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm lồng ghép việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số với các hoạt động của các Chương trình giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi để huy động các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

Chương 4.

PHỐI HỢP THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Điều 11. Trách nhiệm của Trung tâm và Chi nhánh

1. Thuê người phiên dịch để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số trong trường hợp người đó yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

2. Cung cấp cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương:

a) Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm);

b) Hộp tin trợ giúp pháp lý, Mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định về trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

3. Thông báo danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh trong phạm vi địa phương kèm theo địa chỉ liên lạc, số điện thoại để Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.

4. Thông tin đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương.

Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương

1. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu phát hiện người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương để được hưởng trợ giúp pháp lý.

2. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, người có thẩm quyền trong Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác biết.

3. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở cơ quan mình;

b) Đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý để cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp dân của cơ quan mình để người có thể tiếp cận khi cần;

c) Chủ động yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Thông tư này.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này; hướng dẫn Sở Tư pháp, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh xây dựng Chương trình phối hợp công tác với các nội dung cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

2. Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) và Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) là cơ quan đầu mối trong việc phối hợp chỉ đạo thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số; thường xuyên duy trì chế độ trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra ở cơ sở, đánh giá tình hình thực hiện, rút kinh nghiệm và đề xuất với Lãnh đạo hai cơ quan các biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

3. Sở Tư pháp, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định tại Thông tư này, gửi Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) và Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) để tổng hợp.

Điều 14. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước, các Chương trình giảm nghèo, Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, các Dự án hợp tác quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số được dự toán chung trong ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 03 năm 2012.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phản ánh về Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

ỦY BAN DÂN TỘC
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Sơn Minh Thắng

BỘ TƯ PHÁP
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh;
- Công báo, website Bộ Tư pháp; website Ủy ban Dân tộc;
- Lưu: VT (BTP), VT (UBDT), TGPL (5b), PC (5b).