Thông tư 86/2000/TT-BTC hướng dẫn chính sách hỗ trợ về tài chính và ưu đãi về thuế để phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm theo Quyết định 37/2000/QĐ-TTg
Số hiệu: 86/2000/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Vũ Văn Ninh
Ngày ban hành: 16/08/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/10/2000 Số công báo: Số 37
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 86/2000/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ TÀI CHÍNH VÀ ƯU ĐÃI VỀ THUẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM THEO QUY ĐỊNH CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2000/QĐ-TTG NGÀY 24/3/2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành;
Căn cứ Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm( áp dụng cho tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực, máy thu hình màu),
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về tài chính và ưu đãi về thuế để phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG

1- Sản phẩm công nghiệp trọng điểm được hưởng chính sách hỗ trợ về tài chính theo quy định của Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực, máy thu hình màu. Các sản phẩm này phải mang thương hiệu Việt nam và được sản xuất tại Việt nam.

2- Đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính và ưu đãi về thuế theo quy định của Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm bao gồm:

- Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt nam - Chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm tàu biển 11.500 tấn.

- Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp - Chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực.

- Công ty điện tử Hà Nội - Chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm Máy thu hình màu.

b) Các doanh nghiệp được phân công phối hợp để tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm là các doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng...( kể cả cung cấp cho các nhà sản xuất bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng...) dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm và được Bộ Công nghiệp xác nhận.

Các doanh nghiệp nêu tại Điểm 2 Mục I này chỉ được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế và tiền thuê đất theo hướng dẫn tại Thông tư này khi đang trong thời hạn được ưu đãi và sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 03/2000/TT-BCN ngày 31/5/2000 của Bộ Công nghiệp.

II- NHỮNG NỘI DUNG ƯU ĐÃI CỤ THỂ

A - CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ THUẾ:

1- Về thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực và máy thu hình màu quy định tại phụ lục số 1,2 và 3 của Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện như sau:

Thu nhập từ hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm nêu trên (kể cả hoạt động sản xuất các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng để cung ứng cho doanh nghiệp chủ trì dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, được miễn thuế 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm tiếp theo.

b) Các doanh nghiệp nêu tại điểm 2 mục I Thông tư này chỉ được hưởng các mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư này khi thực hiện đúng chế độ kế toán thống kê và hạch toán riêng được kết quả kinh doanh của hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng để cung ứng cho doanh nghiệp chủ trì dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm).

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% được áp dụng trong thời gian được hưởng ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư số 03/2000/TT-BCN ngày 31/5/2000 của Bộ Công nghiệp. Hết thời hạn ưu đãi trên, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế theo đúng mức thuế suất quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp . Ngoài hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng để cung ứng cho doanh nghiệp chủ trì dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) được áp dụng thuế suất 25%, nếu doanh nghiệp có các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác thì vẫn áp dụng kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo các mức thuế suất quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để có căn cứ xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm theo chế độ, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng với việc nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp cả năm. Hồ sơ gồm có:

- Công văn đề nghị miễn thuế, giảm thuế trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn thuế, giảm thuế và mức thuế thu nhập doanh nghiệp đề nghị miễn, giảm (theo số dự toán năm xin giảm thuế).

- Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc văn bản xác nhận của Bộ Công nghiệp (đối với doanh nghiệp tham gia phối hợp sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm).

Căn cứ hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp cơ quan thuế kiểm tra xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được tạm miễn, giảm cả năm và chia ra từng quý. Hàng quý, Cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp thực hiện tạm miễn, giảm bằng 70% mức thuế doanh nghiệp phải tạm nộp của từng quý đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng để cung ứng cho doanh nghiệp chủ trì dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm). Việc tạm miễn, giảm thuế nêu trên phải được ghi rõ trong thông báo nộp thuế thu nhập doanh nghiệp .

Cuối năm, căn cứ vào báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm chính thức và có số liệu giải trình chi tiết về kết quả kinh doanh của hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết phụ tùng để cung ứng cho doanh nghiệp chủ trì dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) gửi cơ quan thuế làm cơ sở quyết định số được giảm của năm. Cơ quan thuế kiểm tra báo cáo của doanh nghiệp và ra quyết định chính thức về số thuế thu nhập được miễn, giảm đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm để làm căn cứ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm của doanh nghiệp.

Trong cùng một thời gian nếu doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo nhiều chế độ quy định khác nhau (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ) thì doanh nghiệp chỉ được lựa chọn một trong các chế độ ưu đãi quy định trong các văn bản nêu trên và phải ghi rõ trong công văn đề nghị miễn thuế, giảm thuế.

2- Về thuế nhập khẩu

a) Miễn thuế nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2003 đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực, máy thu hình màu (quy định tại phụ lục số 1, 2 và 3 của Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ).

Việc ưu đãi miễn thuế đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp loại trong nước chưa sản xuất được chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, không áp dụng đối với doanh nghiệp phối hợp tham gia sản xuất các sản phẩm trên. Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp phối hợp tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu chỉ dùng cho mục đích sản xuất vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng cung cấp cho doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án và được Bộ Công nghiệp xác nhận.

Danh mục thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được, để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, được xây dựng trên cơ sở phân biệt với danh mục thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng loại trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

b) Miễn thuế nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2003 đối với vật tư cần nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất ra các sản phẩm tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực (quy định tại phụ lục số 1 và 2 của Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ).

Danh mục vật tư cần nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất ra các sản phẩm tàu biển 11.500 tấn, động cơ đốt trong cỡ nhỏ dưới 30 mã lực do Bộ Công nghiệp ban hành cụ thể cho từng sản phẩm. Trường hợp các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm đã triển khai, mà Bộ Công nghiệp chưa ban hành danh mục vật tư cần nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp trọng điểm thì Bộ Công nghiệp xác định danh mục vật tư được miễn thuế cho từng dự án cụ thể.

c) Riêng đối với vật tư, linh kiện, chi tiết phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp máy thu hình màu, nếu thực hiện tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá thì được hưởng chỉ số ưu tiên với hệ số điều chỉnh bằng 0,5 để tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá quy định tại Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT ngày 25/12/1998 của Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan và chỉ áp dụng cho phần giá trị nhập khẩu CIP vật tư, linh kiện, chi tiết phụ tùng để sản xuất sản phẩm và phụ tùng của máy thu hình màu.

d) Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, hàng năm hoặc định kỳ (quý, 6 tháng, năm), doanh nghiệp chủ trì triển khai thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm phải có phương án sản xuất, lập danh mục và kế hoạch nhập khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp và vật tư cần nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được dùng để sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm gửi cơ quan Hải quan để đăng ký việc thực hiện miễn thuế nhập khẩu (riêng đối với doanh nghiệp phối hợp tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm hồ sơ gửi Hải quan phải kèm theo hợp đồng nhận sản xuất, gia công vật tư với doanh nghiệp chủ trì dự án và văn bản xác nhận của Bộ Công nghiệp về việc phối hợp tham gia trên).

Trên cơ sở đối chiếu các danh mục do Bộ Kế hoach và Đầu tư và Bộ Công nghiệp ban hành (hoặc xác nhận của Bộ Công nhiệp về danh mục vật tư được miễn thuế cho từng dự án) và danh mục của doanh nghiệp đã đăng ký, cơ quan Hải quan thực hiện tạm thời không thu thuế nhập khẩu theo từng lần doanh nghiệp thực tế nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện thanh, quyết toán số thuế nhập khẩu thực tế được miễn nộp NSNN với cơ quan Hải quan.

Cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát việc nhập khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư nhập khẩu miễn thuế trong các trường hợp nêu trên trên, nếu phát hiện việc sử dụng hàng nhập khẩu sai mục đích phải xử lý truy thu thuế và xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

B- CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ TIỀN THUÊ ĐẤT:

Các doanh nghiệp nêu tại điểm 2 mục I Thông tư này được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp Ngân sách nhà nước đối với phần diện tích đất sử dụng để sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc sản xuất vật tư, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) trong thời hạn triển khai thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong thời gian phối hợp tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (đối với doanh nghiệp sản xuất vật tư, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm).

Trường hợp doanh nghiệp không thể phân định được diện tích đất dùng vào sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất vật tư, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) với diện tích đất sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác của doanh nghiệp thì việc xác định tiền thuê đất để xét giảm được xác định theo tỷ trọng của doanh thu từ hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (hoặc hoạt động sản xuất vật tư, bán thành phẩm, chi tiết, phụ tùng... dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm) trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nếu tỷ trọng trên thấp hơn 30% thì áp dụng mức 30% làm căn cứ để xác định tiền thuê đất được xét giảm.

Ví dụ 1: Năm 2000, Doanh nghiệp A có tổng diện tích đất thuê của nhà nước là 100.000 m2 trong đó doanh nghiệp sử dụng 70.000m2 đất để làm nhà kho và phân xưởng sản xuất máy thu hình màu, phần diện tích còn lại doanh nghiệp sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác; Căn cứ Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này thì doanh nghiệp A được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp đối với 70.000 m2 đất sử dụng cho mục đích sản xuất máy thu hình màu. Phần diện tích đất 30.000m2 đất còn lại doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất theo đúng chế độ quy định.

Ví dụ 2: Cũng doanh nghiệp A nêu trên, nhưng doanh nghiệp không thể xác định được diện tích đất sử dụng vào mục đích sản xuất máy thu hình màu với diện tích đất sử dụng vào các hoạt động kinh doanh khác. Theo báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế năm 2000 xác định được tổng doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp là 100 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động sản xuất máy thu hình màu là 40 tỷ đồng (tỷ trọng 40% trên tổng doanh thu) và tổng số tiền thuê đất phải nộp theo chế độ là 50 triệu đồng thì số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg xác định như sau:

Tiền thuê đất được giảm = 50.000.000 đồng x 40% x 50%= 10.000.000 đồng.

Ví dụ 3: Cũng ví dụ 2 nêu trên, nếu doanh thu từ hoạt động sản xuất máy thu hình màu là 25 tỷ đồng (tỷ trọng 25% trên tổng doanh thu) thì số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg xác định như sau:

Tiền thuê đất được giảm = 50.000.000 đồng x 30% x 50% =7.500.000 đồng.

Trường hợp doanh nghiệp vừa thuộc diện được giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ, vừa thuộc diện được miễn giảm tiền thuê đất theo các chế độ quy định khác thì doanh nghiệp chỉ được miễn, giảm tiền thuê đất theo một trong các quy định trên, tuỳ theo doanh nghiệp lựa chọn.

Thời gian xác định giảm tiền thuê đất được tính theo năm. Riêng năm bắt đầu triển khai dự án nếu bắt đầu thực hiện dự án vào sáu tháng đầu năm thì thời gian được xét giảm là cả năm, nếu bắt đầu thực hiện vào 6 tháng cuối năm thì thời gian được xét giảm là 6 tháng.

Trình tự, thủ tục xét giảm tiền thuê đất thực hiện theo quy định hiện hành

C- CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ VỐN:

Thực hiện theo các mức ưu đãi cụ thể cho từng sản phẩm công nghiệp trọng điểm theo quy định tại các Phụ lục 1,2 và 3 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2000/QĐ-TTg ngày 24/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục cấp vốn hỗ trợ từ ngân sách và thủ tục vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển thực hiện theo chế độ hiện hành.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính để hướng dẫn giải quyết.

 

Vũ Văn Ninh

(Đã ký)