Thông tư 82/2002/TT-BTC sửa đổi Thông tư 122/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 79/2000/NĐ-CP thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Số hiệu: 82/2002/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trương Chí Trung
Ngày ban hành: 18/09/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 20/10/2002 Số công báo: Số 52
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 82/2002/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ SỐ 122/2000/TT-BTC NGÀY 29/12/2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 79/2000/NĐ-CP NGÀY 29/12/2000 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (GTGT)

Căn cứ Luật thuế GTGT số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị quyết số 116/2002/NQ-UBTVQH11 ngày 10/9/2002 về việc sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế GTGT đối với một số sản phẩm bê tông công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT;
Căn cứ Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13/9/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT,
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung sửa đổi một số điểm trong Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP (nêu trên) như sau:

I/ VỀ ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT:

Thay thế đoạn gạch đầu dòng thứ 2 tại Điểm 20, mục II, phần A Thông tư số 122/2000/TT-BTC: "- Hàng hóa, dịch vụ bán cho đối tượng miễn trừ ngoại giao theo Pháp lệnh miễn trừ ngoại giao... của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai và quyết toán thuế" bằng đoạn gạch đầu dòng thứ 2 mới như sau:

"- Hàng hoá nhập khẩu của tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao theo Pháp lệnh miễn trừ ngoại giao được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ thuế GTGT theo quy định hiện hành. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam có thuế GTGT sẽ được hoàn thuế theo hướng dẫn tại điểm 1, mục V Thông tư này."

II/ VỀ GIÁ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI DỊCH VỤ IN

Thay thế điểm 17, mục I, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 17 mới như sau:

"17. Đối với dịch vụ in, giá tính thuế là tiền công in. Trường hợp cơ sở in thực hiện các Hợp đồng in, giá thanh toán bao gồm cả tiền công in và tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền giấy."

III/ VỀ THUẾ SUẤT THUẾ GTGT:

1/ Thay thế điểm 1 mục II phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 1 mới như sau:

"1- Thuế suất 0% áp dụng đối với:

1.1 Hàng hoá xuất khẩu bao gồm cả hàng gia công xuất khẩu, hàng sản xuất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất khẩu, sản phẩm phần mềm máy tính xuất khẩu.

Xuất khẩu bao gồm xuất khẩu ra nước ngoài, bán cho doanh nghiệp khu chế xuất và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Các trường hợp đưa hàng hóa ra nước ngoài để bán, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm nếu có đủ căn cứ xác định là hàng hoá xuất khẩu cũng được áp dụng thuế suất 0%.

Hàng hoá xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% phải có các hồ sơ, chứng từ chứng minh là hàng thực tế đã xuất khẩu, cụ thể sau đây:

- Hợp đồng bán hàng hoá hoặc hợp đồng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu ký với nước ngoài, hợp đồng uỷ thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu.

- Hóa đơn GTGT bán hàng hoặc xuất trả hàng gia công cho nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất và cho các đối tượng khác được xác định như xuất khẩu theo quy định của Chính phủ.

- Hàng hóa xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Tờ khai hải quan về hàng xuất khẩu có xác nhận hàng đã xuất khẩu của cơ quan hải quan. Trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì phải có tờ khai hải quan về hàng hoá xuất khẩu của bên nhận uỷ thác, nếu là bản sao phải có đơn vị nhận uỷ thác xuất khẩu ký, đóng dấu.

1.2 Sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, cung ứng dịch vụ phần mềm cho nước ngoài, cho doanh nghiệp chế xuất; dịch vụ xuất khẩu lao động; xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất.

Các trường hợp được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% trên đây phải có đủ điều kiện và hồ sơ sau:

- Hợp đồng sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ phần mềm ký với nước ngoài hoặc doanh nghiệp chế xuất;

- Hoá đơn GTGT thanh toán dịch vụ được áp dụng thuế suất 0%;

- Sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, cung ứng dịch vụ phần mềm cho nước ngoài hoặc doanh nghiệp chế xuất; dịch vụ xuất khẩu lao động; xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1.3 Một số trường hợp hàng hoá được coi như xuất khẩu áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%:

a/ Hàng hoá gia công xuất khẩu chuyển tiếp theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài:

Trường hợp này áp dụng đối với hàng gia công xuất khẩu của cơ sở trực tiếp gia công theo hợp đồng gia công cơ sở đã ký với bên nước ngoài (gọi là cơ sở giao hàng), nhưng hàng gia công chưa được xuất khẩu ra nước ngoài mà được giao chuyển tiếp cho cơ sở khác ở trong nước (gọi là cơ sở nhận hàng) theo chỉ định của bên nước ngoài để tiếp tục gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh theo hợp đồng gia công đã ký với nước ngoài, tiền gia công do bên nước ngoài trực tiếp thanh toán.

Khi xuất hàng gia công chuyển tiếp cho cơ sở khác theo chỉ định của phía nước ngoài, cơ sở giao hàng lập hoá đơn GTGT ghi thuế suất 0%. Hàng hoá gia công xuất khẩu phải có đủ hồ sơ, chứng từ sau:

- Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.

- Hoá đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài;

- Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là Phiếu chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.

- Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và Phiếu chuyển tiếp thực hiện theo quy định của Tổng cục Hải quan.

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng gia công với nước ngoài 200.000 đôi đế giầy xuất khẩu. Giá gia công là 800 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ giao đế giầy cho Công ty B tại Việt nam để sản xuất ra giầy hoàn chỉnh.

Trường hợp này Công ty A thuộc đối tượng gia công hàng xuất khẩu chuyển tiếp. Khi lập chứng từ chuyển giao sản phẩm đế giầy cho Công ty B, Công ty A ghi rõ số lượng, chủng loại, quy cách sản phẩm đã giao, toàn bộ doanh thu gia công đế giầy 800 triệu đồng nhận được tính thuế GTGT là 0%.

b/ Hàng hoá gia công xuất khẩu thông qua cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài:

Điều kiện hàng hoá gia công xuất khẩu thông qua cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài được áp dụng thuế suất 0%:

- Giá gia công trên hợp đồng gia công ký với nước ngoài phải bằng giá gia công quy định trong hợp đồng ký giữa cơ sở trực tiếp gia công và cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.

- Cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài chỉ hưởng hoa hồng trên tiền gia công.

- Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Khi xuất hàng gia công cho cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài, cơ sở trực tiếp gia công hàng xuất khẩu lập hoá đơn GTGT để thanh toán tiền công gia công, ghi thuế suất 0%.

Trong trường hợp này cơ sở gia công hàng hoá xuất khẩu phải có đủ hồ sơ, chứng từ sau để làm căn cứ áp dụng thuế suất 0%:

+ Hợp đồng gia công hàng hoá ký với nước ngoài của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài (bản sao) do cơ sở ký và đóng dấu;

+ Hợp đồng gia công xuất khẩu ký với cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công hàng xuất khẩu với nước ngoài.

+ Tờ khai hàng hoá xuất khẩu của cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài có xác nhận của Hải quan về số lượng, mặt hàng gia công thực tế đã xuất khẩu (bản sao). Trường hợp tờ khai Hải quan ghi chung hàng hoá xuất khẩu của nhiều cơ sở gia công thì cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài phải sao gửi tờ khai Hải quan kèm theo xác nhận bảng kê cụ thể về số lượng, loại hàng gia công xuất khẩu uỷ thác của đơn vị gia công. Bên nhận uỷ thác phải ký, đóng dấu vào bảng kê, bản sao tờ khai Hải quan và chịu trách nhiệm về số liệu trên bảng kê;

+ Biên bản thanh lý hợp đồng gia công uỷ thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc Biên bản đối chiếu công nợ định kỳ có ghi rõ số lượng sản phẩm gia công xuất khẩu đã giao, số lượng thực xuất khẩu, tiền gia công phải thanh toán, đã thanh toán; ghi rõ số, ngày của chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài (chứng từ thanh toán của cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài), hình thức thanh toán qua ngân hàng.

Các hồ sơ trên nếu là bản sao phải có xác nhận sao y bản chính, chữ ký của giám đốc và đóng dấu của doanh nghiệp lưu giữ bản chính.

Ví dụ: Công ty X ký hợp đồng gia công hàng may mặc với nước ngoài may 100.000 bộ quần áo với tiền công là 200 triệu đồng, nhưng Công ty X ký hợp đồng này thông qua một Công ty xuất nhập khẩu Y để xuất trả hàng gia công cho nước ngoài với hoa hồng bằng 5% trên tiền công.

Trường hợp này Công ty X thuộc đối tượng gia công hàng xuất khẩu. Khi lập hoá đơn xuất hàng giao cho Công ty Y, Công ty X được ghi thuế suất 0%, toàn bộ doanh thu gia công hàng xuất khẩu 200 triệu nhận được tính thuế GTGT là 0%. Tiền hoa hồng xuất khẩu Công ty Y phải tính thuế GTGT theo quy định.

1.4 Trường hợp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để trả nợ nước ngoài cho Chính phủ; hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán bằng hàng thì chứng từ thanh toán thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

2/ Thay thế điểm 2.14, mục II, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 2.14 mới như sau:

"2.14 Đất, đá, cát, sỏi (không bao gồm các sản phẩm được làm từ đất, đá, cát, sỏi như đá xẻ, đá ốp lát, ganitô); Sản phẩm bê tông công nghiệp: dầm cầu bê tông, dầm và khung nhà bê tông, cọc bê tông, cột điện bê tông, ống cống tròn bê tông và hộp bê tông các loại, panel và các loại cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn phi tiêu chuẩn, bê tông thương phẩm;"

IV/ KHẤU TRỪ THUẾ GTGT:

1/ Thay thế điểm 1.2b, mục III, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 1.2b mới như sau:

"b/ Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hoá nhập khẩu (hoặc nộp thay cho phía nước ngoài theo quy định tại điểm 3 Mục II Phần C Thông tư số 122/2000/TT-BTC và số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ 1% trên giá mua đối với:

- Hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mua của cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng có hoá đơn bán hàng theo mẫu số 02/GTTT-3LL hoặc mẫu số 02/GTTT-2LN ban hành kèm theo Quyết định số 885/1998/QĐ-BTC ngày 16/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (gọi tắt là hoá đơn bán hàng);

- Hàng hoá là nông sản, lâm sản, thuỷ sản chưa qua chế biến mua của cơ sở sản xuất không chịu thuế GTGT ở khâu sản xuất sử dụng hoá đơn GTGT quy định tại điểm 5.1 Mục IV Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ;

- Hàng hoá chịu thuế TTĐB cơ sở kinh doanh thương mại mua của cơ sở sản xuất để bán ra có hoá đơn bán hàng (kể cả trường hợp mua của đại lý bán hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng giá của cơ sở sản xuất, hưởng hoa hồng);

- Tiền bồi thường kinh doanh bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (tính trên giá trị bồi thường bảo hiểm) thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ sở kinh doanh bảo hiểm;

- Hàng hoá mua vào (có Bảng kê) là nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến; đất, đá, cát, sỏi, các phế liệu mua của người bán không có hoá đơn. Riêng đối với cơ sở sản xuất sản phẩm là nông sản, lâm sản, thuỷ sản chưa qua chế biến không chịu thuế GTGT, nếu cơ sở dùng các sản phẩm này để tiếp tục sản xuất, chế biến ra các hàng hoá khác thuộc diện chịu thuế GTGT thì giá được tính khấu trừ theo tỷ lệ quy định là giá thành sản xuất của các mặt hàng nông sản, lâm sản, thuỷ sản.

Tỷ lệ (%) khấu trừ trên đây áp dụng cho các hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ từ 1/10/2002 và áp dụng thống nhất cho cả trường hợp kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù (kể cả hóa đơn mua hàng dự trữ quốc gia của cơ quan dự trữ quốc gia) ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính nêu tại điểm 14 Mục I Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Ví dụ: Trong kỳ, Công ty A thanh toán dịch vụ đầu vào được tính khấu trừ là loại đặc thù:

Tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (giá có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính như sau:

110 triệu

1+10%

x

10%

=

10 triệu đồng

Giá chưa có thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng".

2/ Sửa đổi các chữ số tỷ lệ 3%, tỷ lệ 2% thành tỷ lệ 1% tại điểm 1.3, mục III, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC.

V/ HOÀN THUẾ GTGT:

1/ Bổ sung thêm điểm 7 vào mục I, phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC như sau:

"7- Đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo Pháp lệnh về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam được hoàn lại số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT. Cơ sở kinh doanh tại Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho các đối tượng này khi lập hóa đơn GTGT vẫn phải tính thuế GTGT. Đối tượng, hàng hóa, dịch vụ, thủ tục hồ sơ để được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế GTGT hướng dẫn tại điểm này và Mục I Thông tư này theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính."

2/ Bổ sung thêm điểm 8 vào mục I, phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC như sau:

"8- Phân loại đối tượng hoàn thuế:

a/ Đối tượng áp dụng kiểm tra, thanh tra trước khi hoàn thuế:

- Cơ sở kinh doanh mới thành lập có thời gian kinh doanh dưới 1 năm, đề nghị hoàn thuế lần đầu;

- Cơ sở kinh doanh đã có các hành vi vi phạm gian lận về thuế GTGT theo hướng dẫn tại Mục VI Thông tư này;

- Cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa là nông sản, lâm sản, thuỷ hải sản chưa qua chế biến theo đường biên giới đất liền;

- Cơ sở kinh doanh chia tách, giải thể, phá sản.

b/ Đối tượng áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau: là các đối tượng không thuộc đối tượng quy định tại điểm 8.a trên đây.

c/ Các trường hợp đã gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ đúng quy định nhưng đang trong giai đoạn bị điêù tra, khởi tố về các hành vi gian lận về thuế GTGT theo quyết định của các cơ quan chức năng thì tạm thời dừng việc xem xét giải quyết việc hoàn thuế đến khi có quyết định xử lý.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận về thuế GTGT, thuộc đối tượng áp dụng kiểm tra trước khi hoàn thuế sau thời gian 12 tháng nếu đã chấp hành tốt các quy định của Luật thuế, chế độ quản lý sử dụng hóa đơn, chứng từ sẽ được áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau. Cơ quan Thuế xem xét cụ thể từng trường hợp này."

3/ Thay thế điểm 1, mục II, phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 1 mới như sau:

"1- Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp nêu tại điểm 1, 2, Mục I, Phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC gồm:

- Công văn đề nghị hoàn thuế GTGT nêu rõ lý do hoàn thuế, số thuế đề nghị hoàn, thời gian hoàn (theo mẫu số 10/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 122/2000/TT-BTC).

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn lại.

- Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trong kỳ liên quan đến việc xác định thuế GTGT đầu vào, đầu ra (mẫu số 02/GTGT, 03/GTGT, 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 122/2000/TT-BTC và Thông tư này).

- Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại điểm 1.b, Mục I, Phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất) thì phải có bảng kê các hồ sơ có chữ ký và đóng dấu của cơ sở. Bảng kê ghi rõ:

+ Số, ngày tờ khai xuất khẩu của hàng hóa xuất khẩu (trường hợp uỷ thác xuất khẩu phải ghi số, ngày tờ khai xuất khẩu của cơ sở nhận uỷ thác);

+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu hoặc số, ngày hợp đồng uỷ thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu;

+ Số, ngày chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất qua Ngân hàng, ghi rõ hình thức và đồng tiền thanh toán;

+ Số, ngày Biên bản thanh lý Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu (Hợp đồng uỷ thác gia công xuất khẩu) giữa bên uỷ thác xuất khẩu và bên nhận uỷ thác; số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa uỷ thác xuất khẩu; số, ngày tờ khai xuất khẩu của cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu (đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu và trường hợp hướng dẫn tại điểm 1.3b, mục II, phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC);

+ Xuất khẩu hàng hóa theo đường biên giới đất liền, đường biển, đường hàng không; tên nước nhập khẩu.

Trường hợp việc kê khai thuế hàng tháng đã đầy đủ và chính xác, phù hợp với Bảng kê khai tổng hợp, cơ sở không phải nộp Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra các tháng đề nghị hoàn thuế. Trường hợp có điều chỉnh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra của các tháng trong thời gian hoàn thuế thì cơ sở phải kê khai số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra phát sinh từng tháng trong thời gian hoàn thuế, số thuế điều chỉnh phải giải trình rõ lý do."

4/ Thay thế điểm 2, mục IV, phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng điểm 2 mới như sau:

"2- Trách nhiệm của cơ quan Thuế trong việc hoàn thuế:

a/ Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của các đối tượng nộp thuế. Bộ phận tiếp nhận ghi rõ ngày tiếp nhận và chuyển kịp thời tới bộ phận quản lý xử lý.

b/ Thực hiện việc kiểm tra hồ sơ tại cơ quan Thuế, phân loại đối tượng hoàn thuế:

Kiểm tra hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo nội dung: xác định trường hợp được hoàn thuế, thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn tại mục I, mục II, phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC và điểm 1, điểm 3 mục V Thông tư này.

Trường hợp cơ sở kinh doanh không thuộc đối tượng được hoàn thuế: trong thời hạn 7 ngày (kể từ khi nhận được hồ sơ) cơ quan Thuế phải thông báo bằng văn bản và gửi trả hồ sơ cho cơ sở kinh doanh.

Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhưng hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định: trong thời hạn 7 ngày (kể từ khi nhận được hồ sơ) cơ quan Thuế phải thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định hoặc lập lại hồ sơ gửi cho cơ quan Thuế.

c/ Kiểm tra số liệu, xác định số thuế được hoàn:

Đối với những đối tượng áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau, cơ quan thuế thực hiện:

- Kiểm tra số liệu đề nghị hoàn thuế với số liệu trên bảng kê khai tổng hợp số thuế GTGT đầu ra, căn cứ phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào phát sinh được khấu trừ; đối chiếu với số liệu tại tờ khai thuế GTGT, Bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra, quyết toán thuế GTGT (nếu có) liên quan.

Trường hợp số liệu đối tượng hoàn thuế kê khai không đúng, chưa rõ thì cơ quan Thuế yêu cầu cơ sở giải trình kèm theo tài liệu có liên quan.

- Xác định số thuế được hoàn.

Trong quá trình kiểm tra số liệu, xác định số thuế được hoàn tại cơ quan Thuế nếu phát hiện hồ sơ có dấu hiệu nghi vấn, đối tượng hoàn thuế vi phạm quy định của Luật thuế, cơ quan Thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra hoàn thuế tại cơ sở trước khi hoàn thuế.

d/ Ra Quyết định hoàn thuế: Sau khi kiểm tra, xác định đúng số thuế được hoàn (cả trường hợp đối tượng áp dụng kiểm tra, thanh tra tại cơ sở trước khi hoàn đã có kết luận thuộc đối tượng được hoàn thuế), cơ quan Thuế ra Quyết định hoàn thuế cho đối tượng theo mẫu số 14/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 122/2000/TT-BTC ."

đ/ Thời hạn giải quyết hoàn thuế:

- Đối với đối tượng áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau: Thời hạn giải quyết hoàn thuế tối đa là 15 ngày (03 ngày đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định tại điểm 5, điểm 6 Mục I, Phần D Thông tư số 122/2000/TT-BTC) kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.

- Đối với đối tượng áp dụng kiểm tra, thanh tra tại cơ sở trước khi hoàn thuế: Thời hạn giải quyết hoàn thuế tối đa là 60 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định."

VI/ VỀ XỬ LÝ VI PHẠM

Bổ sung vào cuối Điểm 3, mục I, Phần E Thông tư số 122/2000/TT-BTC như sau:

"3-...

- Trường hợp qua kiểm tra, thanh tra phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận trong kê khai nộp thuế, hoàn thuế với số tiền thuế GTGT gian lận từ 5 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh bị xử lý như sau:

+ Không được khấu trừ, hoàn thuế đối với số thuế GTGT kê khai gian lận;

+ Bị xử lý vi phạm về hành vi gian lận thuế theo quy định hiện hành;

+ Không được cơ quan Thuế giải quyết hoàn thuế đối với số thuế đề nghị hoàn ghi trong hồ sơ xin hoàn thuế của cơ sở; trường hợp đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế thì cơ quan Thuế phải thu hồi số thuế GTGT đã hoàn;

+ Số thuế GTGT của hồ sơ đề nghị hoàn thuế sau khi đã loại trừ số thuế GTGT kê khai gian lận, cơ sở kinh doanh phải kết chuyển sang kỳ kê khai nộp thuế sau để bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp.

+ Không được xem xét hoàn thuế trong thời gian 12 tháng kể từ khi cơ quan Thuế phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận thuế. Hết thời hạn 12 tháng, nếu cơ sở kinh doanh đã khắc phục hậu quả, có ý thức chấp hành tốt các quy định của Luật thuế thì cơ quan thuế sẽ xem xét giải quyết hoàn thuế cho số thuế GTGT đầu vào chưa được bù trừ hết.

Trường hợp cơ quan Thuế kiểm tra, thanh tra định kỳ tại cơ sở kinh doanh phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận về thuế nêu trên cũng bị xử lý theo quy định tại điểm này.

- Các hành vi sau đây được coi là hành vi gian lận trong kê khai nộp thuế, hoàn thuế:

+ Sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, bao gồm hoá đơn in giả; hoá đơn khống (không bán hàng hoá, dịch vụ); hoá đơn giao cho người mua (liên 2) ghi khác với hoá đơn lưu tại cơ sở kinh doanh (liên 1); hoá đơn ghi giá trị cao hơn giá trị thực tế của hàng hoá, dịch vụ bán ra; hoá đơn đã qua tẩy xoá; lập khống bảng kê hàng hoá mua vào thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT theo tỷ lệ %; lập giả chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu để gian lận trong kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT;

+ Bán hàng hóa, dịch vụ không lập hóa đơn, không kê khai nộp thuế GTGT;

+ Sử dụng hóa đơn của cơ sở kinh doanh khác để bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không kê khai thuế GTGT;

+ Hàng hóa bán trong nước nhưng kê khai là xuất khẩu để hưởng thuế suất 0%;

+ Kê khai thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ không dùng cho hoạt động SXKD hoặc dùng cho hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để khấu trừ thuế;

+ Các hành vi gian lận khác nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Ngân sách Nhà nước."

VII/ BẢNG KÊ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ CỦA HÀNG HÓA, DỊCH VỤ MUA VÀO, BÁN RA

Thay thế Bảng kê mẫu số 02/GTGT, 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 122/2000/TT-BTC bằng Bảng kê mẫu số 02/GTGT, 03/GTGT mới kèm theo Thông tư này. Mẫu Bảng kê ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng cho kê khai thuế GTGT tháng 10/2002 trở đi.

VIII/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Thông tư này có hiệu lực từ 1/10/2002.

Việc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với sản phẩm bê tông công nghiệp theo hướng dẫn tại điểm 6, mục III Thông tư này được thực hiện từ ngày 15/9/2002, không điều chỉnh lại mức thuế suất thuế GTGT đối với các trường hợp đã bán, lập hóa đơn GTGT cho sản phẩm bê tông công nghiệp theo mức thuế suất thuế GTGT 10% từ ngày 15/9/2002.

Các trường hợp đã hoàn thuế trước ngày 1/10/2002 thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 122/2000/TT-BTC (nêu trên).

Các quy định trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn bổ sung.

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)

 

MẪU SỐ: 02/GTGT

BẢNG KÊ HOÁ ĐƠN, CHỨNG TỪ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ BÁN RA (KÈM THEO TỜ KHAI THUẾ GTGT)
(Dùng cho cơ sở tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế kê khai hàng tháng)

(Tháng..... năm 200....)

Mã số:

Tên cơ sở kinh doanh:.........................................

Địa chỉ:...............................................................

Hoá đơn, chứng từ bán

Tên người mua

Mã số

thuế người mua

Mặt hàng

Doanh số

bán chưa có thuế

Thuế suất

Thuế GTGT

Ghi chú

Ký hiệu hoá đơn

Số hoá đơn

Ngày, tháng, năm phát hành

 

 

 

 

 

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày... tháng... năm...
Kế toán trưởng
(Ký, họ tên)

Cách ghi:

+ Bảng kê bán hàng mở từng tháng, ghi theo trình tự thời gian.

+ Căn cứ vào Bảng kê chi tiết, cơ sở tổng hợp, lập tờ khai thuế hàng tháng.

+ Cột (5) mã số thuế của người mua : trường hợp người mua không có mã số thuế thì gạch ngang (-)

+ Đối với trường hợp bán lẻ hàng hoá có giá trị thấp dưới mức quy định phải lập hoá đơn và người mua không yêu cầu cấp hoá đơn: hàng ngày cơ sở kinh doanh căn cứ vào báo cáo bán hàng lập hoá đơn GTGT theo từng nhóm hàng hoá có cùng thuế suất cho phần doanh thu bán lẻ , cơ sở kinh doanh căn cứ vào nhóm các mặt hàng ghi trên hoá đơn để ghi cột (6).

MẪU SỐ: 03/GTGT

BẢNG KÊ HOÁ ĐƠN, CHỨNG TỪ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ MUA VÀO
(Dùng cho cơ sở kê khai khấu trừ thuế hàng tháng)Tháng..... năm 200....

Mã số:

Tên cơ sở kinh doanh:..............................................

Địa chỉ:.....................................................................

Hoá đơn, chứng từ mua

Tên người bán

Mã số

thuế người bán

Mặt hàng

Doanh số

mua chưa có thuế

Thuế suất

Thuế GTGT

Ghi chú

Ký hiệu hoá đơn

Số hoá đơn

Ngày, tháng, năm phát hành

 

 

 

 

 

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày... tháng... năm...
Kế toán trưởng
(Ký, họ tên)

Cách ghi:

+ Lập Bảng kê từng tháng, ghi theo thứ tự chứng từ mua hàng hoá, dịch vụ. Đối với hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế GTGT thì ghi số chứng từ, ngày, tháng của biên lai, chứng từ nộp thuế vào cột "Ghi chú".

+ Trường hợp cơ sở vừa kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, căn cứ vào thuế GTGT tổng hợp trên bảng kê của hàng hóa, dịch vụ mua vào Cơ sở tự tính toán phân bổ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được tính khấu trừ theo quy định để điền vào Bảng kê khai thuế hàng tháng.