Thông tư 73/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
Số hiệu: 73/2017/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 17/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 16/08/2017 Số công báo: Từ số 589 đến số 590
Lĩnh vực: Tài chính, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM, HỖ TRỢ CHI PHÍ KHÁM SỨC KHỎE VÀ CHI PHÍ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC THAY THẾ

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây viết tắt là Nghị định số 90/2016/NĐ-CP);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trừ các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hoặc các khoản hỗ trợ mà nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính đã có thoả thuận về nội dung và mức chi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

2. Người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại cơ sở điều trị nghiện thuộc một trong các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quá trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành, cụ thể:

1. Bố trí trong dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội đối với các cơ sở điều trị do ngành lao động thương binh xã hội quản lý;

2. Bố trí trong dự toán chi quốc phòng, an ninh đối với các cơ sở điều trị do ngành công an quản lý;

3. Bố trí trong dự toán chi sự nghiệp y tế đối với các cơ sở điều trị do ngành y tế và các ngành khác quản lý (không bao gồm các cơ sở điều trị quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này).

Điều 4. Mức ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện bằng thuốc thay thế

1. Bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ điều trị nghiện do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, cơ sở điều trị nghiện của Nhà nước (sau đây viết tắt là chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện) cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

2. Hỗ trợ tối thiểu 95% chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này. Trường hợp hỗ trợ mức cao hơn mức tối thiểu quy định tại Khoản này được thực hiện như sau:

a) Đối với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi dự toán được giao và thực tế số người tự nguyện tham gia điều trị nghiện tại các cơ sở điều trị thuộc phạm vi quản lý, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cao hơn mức tối thiểu để thực hiện cho phù hợp.

b) Đối với địa phương: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và thực tế số người tự nguyện tham gia điều trị nghiện tại các cơ sở điều trị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cao hơn mức tối thiểu để thực hiện cho phù hợp.

3. Không tiếp tục hỗ trợ các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư này trong trường hợp:

a) Chấm dứt điều trị theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP;

b) Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác trong cùng một nội dung chi.

Điều 5. Lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí

1. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện công tác đảm bảo, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và điều trị nghiện của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Hàng năm, cùng thời gian quy định lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị căn cứ vào mức đảm bảo, hỗ trợ quy định tại Điều 4 Thông tư này và dự kiến số người đăng ký tham gia điều trị nghiện thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư này, lập dự toán cùng với chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan chủ quản tổng hợp, gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Riêng cơ sở điều trị nghiện ngoài công lập, lập kế hoạch khám, điều trị và nhu cầu kinh phí hỗ trợ, gửi Sở Y tế tổng hợp, gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí trong dự toán của Sở Y tế.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2017.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Sở Tài chính, Sở Y tế, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- C
ổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN (450b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

 

Điều 22. Chế độ, chính sách đối với những người tham gia điều trị và người làm công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện
...
3. Ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện đối với các đối tượng sau đây:

a) Thương binh;

b) Người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Người nghèo;

d) Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa;

đ) Trẻ em mồ côi;

e) Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Xem nội dung VB
Điều 10. Chấm dứt điều trị đối với người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được chấm dứt điều trị khi có nguyện vọng không tiếp tục tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.

2. Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bị chấm dứt điều trị khi vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không tuân thủ quy trình chuyên môn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện từ 02 lần trở lên trong vòng 06 tháng;

b) Có xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện liên tiếp từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều điều trị duy trì;

c) Có xét nghiệm dương tính với các chất ma túy khác ngoài các chất dạng thuốc phiện;

d) Có hành vi xâm hại tài sản của cá nhân, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Xem nội dung VB