Thông tư 61/2001/TT-BTC hướng dẫn chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Số hiệu: 61/2001/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Văn Tá
Ngày ban hành: 01/08/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/09/2001 Số công báo: Số 36
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 61/2001/TT-BTC NGÀY 1 THÁNG 8 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CHI HỖ TRỢ CHO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Thi hành Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về việc bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001;

Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Vật giá Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3075/VPCP-KTTH ngày 10/7/2001 của Văn phòng Chính phủ; để tăng cường khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Tài chính quy định cơ chế chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường và đẩy mạnh xúc tiến Thương mại như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hoạt động phát triển thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại (sau đây gọi tắt là hoạt động xúc tiến thương mại), nhằm khuyến khích xuất khẩu, bao gồm:

1.1. Thu thập thông tin về thị trường, khách hàng và hàng hoá xuất khẩu;

1.2. Thuê tư vấn kinh tế thương mại;

1.3. Hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu;

1.4. Tổ chức gian hàng hội chợ, triển lãm ở nước ngoài;

1.5. Đặt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài;

1.6. Đặt Văn phòng đại diện của doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng Việt Nam ở nước ngoài.

2. Chi phí cho các hoạt động này được đảm bảo bằng các nguồn sau:

- Chi phí phát sinh tại các đơn vị sự nghiệp được đảm bảo bằng nguồn Ngân sách Nhà nước, thông qua chi sự nghiệp kinh tế và hỗ trợ cho ngành nghề nông thôn;

- Chi phí phát sinh tại các doanh nghiệp do doanh nghiệp hạch toán vào giá thành, hoặc chi phí kinh doanh và được hỗ trợ một phần từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu.

3. Thông tư này quy định các khoản chi hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu cho hoạt động xúc tiến thương mại tại doanh nghiệp.

4. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở mức chi thực tế và doanh thu ngoại tệ thu được hàng năm của doanh nghiệp;

Doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại phải đảm bảo sử dụng kinh phí được hỗ trợ tiết kiệm, có hiệu quả và phải chịu trách nhiệm về nội dung chi theo đúng chế độ hiện hành;

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỀ

1. Đối tượng được hỗ trợ: là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu (thuộc mọi thành phần kinh tê) có số thực thu ngoại tệ hàng năm. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại không thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại quy định tại Thông tư này.

Việc chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại theo kim ngạch xuất khẩu không áp dụng cho các trường hợp sau:

+ Hàng xuất khẩu trả nợ và viện trợ cho nước ngoài;

+ Hàng hoá xuất khẩu theo Hiệp định của Chính phủ;

+ Hàng hoá xuất khẩu theo hình thức xuất đổi hàng;

+ Hàng tái xuất;

+ Hàng hoá có tính thương mại và cạnh tranh cao như: dầu khí.

2. Mức hỗ trợ xúc tiến thương mại:

2.1. Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại nêu tại mục 1.1, 1.2, 1.3 và 1.4 phần I, mức hỗ trợ được xác định bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu (tính theo giá FOB tại cảng Việt Nam hoặc các phương thức giao hàng tương đương) thực thu trong năm, nhưng không vượt quá mức chi thực tế của doanh nghiệp cho hoạt động này. Mức hỗ trợ được tính bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi của thị trường liên Ngân hàng tại thời điểm hỗ trợ.

2.2. Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại nêu tại mục 1.5 và 1.6 phần I các doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đầu tư ban đầu mức hỗ trợ được xác định bằng 0,1% kim ngạch xuất khẩu (tính theo giá FOB tại cảng Việt Nam hoặc các phương thức giao hàng tương đương) thực thu trong năm, nhưng không vượt quá 50% chi phí đầu tư ban đầu do Bộ Tài chính phối hợp cùng với Bộ Thương mại xác định cho từng dự án đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

3. Các Hiệp hội ngành nghề có hoạt động xúc tiến thương mại đem lại hợp đồng xuất khẩu cho các đơn vị thành viên được hưởng hỗ trợ thông qua việc điều chuyển khoản hỗ trợ từ các đơn vị thành viên. Mức điều chuyển do Hiệp hội và các đơn vị thành viên thoả thuận.

4. Nguồn vốn: Các khoản chi hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại được lấy từ nguồn Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu.

5. Thủ tục xét hỗ trợ:

5.1. Hồ sơ xét hỗ trợ: sau khi kết thúc năm, doanh nghiệp xuất khẩu gửi Bộ Tài chính hồ sơ liên quan đến hỗ trợ xúc tiến thương mại, cụ thể như sau:

a) Đối với khoản hỗ trợ quy định tại mục 2.1 Phần II:

a.1. Công văn đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp;

a.2. Bảng kê kim ngạch xuất khẩu thực thu của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo có xác nhận của Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp có tài khoản thu ngoại tệ hàng xuất khẩu;

a.3. Báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo, trong đó có báo cáo chi tiết về các khoản chi xúc tiến thương mại.

b) Đối với khoản hỗ trợ quy định tại mục 2.2 Phần II: ngoài các hồ sơ quy định tại các điểm a.1, a.2 trên đây, doanh nghiệp phải bổ sung:

b.1. Ý kiến đề nghị của Bộ Thương mại;

b.2. Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua;

b.3. Báo cáo chi phí thực tế phát sinh;

b.4. Báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo.

5.2. Căn cứ vào hồ sơ trên và mức hỗ trợ đã được quy định tại Thông tư này, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xuất Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

6. Quy định về hạch toán:

- Đối với doanh nghiệp: khoản hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại được hạch toán như sau:

+ Hạch toán giảm chi phí kinh doanh (chi phí quản lý) của doanh nghiệp đối với khoản hỗ trợ thuộc mục 2.1 phần II.

+ Hạch toán vào nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho dự án đối với khoản được hỗ trợ thuộc mục 2.2 phần II.

- Đối với các Hiệp hội: hạch toán khoản điều chuyển từ doanh nghiệp thành viên vào nguồn thu về kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại của Hiệp hội.

Giám đốc doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và hạch toán khoản được hỗ trợ trên theo đúng quy định của Nhà nước.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)