Thông tư 48/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Số hiệu: | 48/2014/TT-BCA | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Công An | Người ký: | Trần Đại Quang |
Ngày ban hành: | 17/10/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2014/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2014 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 111/2013/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2013 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2014);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 (sau đây viết gọn là Nghị định số 111/2013/NĐ-CP) về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn); việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên (sau đây gọi là biện pháp quản lý tại gia đình).
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp quản lý tại gia đình (sau đây gọi là người được giáo dục).
2. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp quản lý tại gia đình.
Điều 3. Xác định nơi cư trú của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Trong các trường hợp sau đây thì người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được coi là không có nơi cư trú ổn định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 và khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP:
1. Không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại đó, thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Điều 4. Xác định người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Khi xác định người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, cần lưu ý như sau:
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự được hiểu là: trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày người đó thực hiện hành vi phạm tội gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến mười lăm năm tù thì bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự được hiểu là: trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày người đó thực hiện hành vi phạm tội gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến bảy năm tù thì bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng hoặc là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội, được hiểu là: trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày người đó thực hiện một trong những hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm c, đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đến lần thứ hai, nếu tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính từ lần thứ ba trở đi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại lần vi phạm này mà lập biên bản vi phạm và hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 5. Điều kiện chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
1. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra hoặc đã được cha, mẹ, người giám hộ khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thay.
b) Người được giáo dục phải có nơi cư trú, nơi học tập hoặc làm việc rõ ràng, hợp pháp.
c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt, đang cư trú cùng với người được giáo dục; có nguồn thu nhập ổn định và đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho người được giáo dục; có kế hoạch, điều kiện và thời gian thuận lợi để quản lý, giáo dục người được giáo dục; có bản cam kết bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP .
2. Việc đánh giá điều kiện về có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP căn cứ vào quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh, trật tự” để xem xét, quyết định.
Điều 6. Họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công người dự họp ghi Biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải thể hiện những nội dung chính sau đây:
a) Thời gian, địa điểm, mục đích họp;
b) Họ, tên, chức danh của người dự họp;
c) Tóm tắt ý kiến phát biểu của thành viên dự họp về từng vấn đề thảo luận, ý kiến của người được giáo dục (nếu có), vấn đề được thảo luận và biểu quyết;
d) Họ, tên, chữ ký của thành viên dự họp.
2. Trong trường hợp vì lý do đặc biệt như phải tập trung vào việc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện yêu cầu chính trị của địa phương hoặc cha, mẹ, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên không thể tham dự cuộc họp mà có lý do chính đáng thì phải hoãn cuộc họp tư vấn; số lần hoãn cuộc họp không quá 03 lần. Khi đã hết số lần hoãn cuộc họp mà vẫn không thể tổ chức, triệu tập được thành viên dự họp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên dự họp về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tập hợp các ý kiến của đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân đã lấy ý kiến và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.
Điều 7. Việc đi lại, vắng mặt của người được giáo dục tại nơi cư trú
1. Người được giáo dục có thể được vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện việc khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhưng tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời hạn áp dụng biện pháp này, trừ trường hợp người được giáo dục bị đau, ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
2. Người được giáo dục có trách nhiệm trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú. Khi hết thời hạn tạm trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú về thời gian tạm trú và việc chấp hành pháp luật tại nơi đến tạm trú.
3. Nếu người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú mà không báo cáo, không được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, không trình báo với Công an cấp xã nơi đến tạm trú, hết thời hạn tạm trú mà không được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi đến tạm trú, trong thời gian tạm trú mà vi phạm pháp luật thì thời gian vắng mặt đó không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp này, Trưởng Công an cấp xã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định gia hạn thời gian chấp hành đối với người được giáo dục cho đến khi chấp hành đủ thời gian theo quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 8. Miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giáo dục hoặc văn bản đề nghị của người được phân công giúp đỡ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển ngay đề nghị đó đến Trưởng Công an cấp xã. Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả giáo dục của người được giáo dục; lấy ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời, đề xuất ý kiến của mình bằng văn bản về việc miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục.
2. Trưởng Công an cấp xã tập hợp các ý kiến tham gia về việc miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục và chuyển toàn bộ ý kiến đó đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định. Trường hợp đồng ý miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho người được giáo dục, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục; lưu hồ sơ, gửi bản sao các văn bản này cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục người được giáo dục và gia đình người được giáo dục biết. Trường hợp không đồng ý miễn chấp hành phần thời gian còn lại cho người được giáo dục, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2014 và thay thế Thông tư số 22/2004/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2004 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương mình tổ chức thực hiện Thông tư này; định kỳ gửi báo cáo 06 tháng đầu năm, 01 năm việc thực hiện quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp). Thời gian gửi báo cáo 06 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 20/6 và thời gian gửi báo cáo 01 năm chậm nhất là ngày 20/01 năm sau.
3. Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an cấp xã thực hiện nghiêm túc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; định kỳ gửi báo cáo 06 tháng đầu năm, 01 năm việc thực hiện quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về Công an cấp tỉnh. Thời gian gửi báo cáo 06 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 10/6 và thời gian gửi báo cáo 01 năm chậm nhất là ngày 10/01 năm sau.
4. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc theo dõi, giáo dục, quản lý đối với người được giáo dục ở địa phương; định kỳ gửi báo cáo 06 tháng đầu năm, 01 năm việc thực hiện quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về Công an cấp huyện.
5. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn Ban hành: 30/09/2013 | Cập nhật: 04/10/2013
Thông tư 23/2012/TT-BCA quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự" Ban hành: 27/04/2012 | Cập nhật: 03/05/2012
Thông tư 22/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Nghị định 163/2003/NĐ-CP quy định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn Ban hành: 15/12/2004 | Cập nhật: 14/12/2009
Nghị định 163/2003/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn Ban hành: 19/12/2003 | Cập nhật: 10/12/2009