Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật
Số hiệu: 48/2009/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Diệp Kỉnh Tần
Ngày ban hành: 04/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 18/08/2009 Số công báo: Từ số 387 đến số 388
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 48/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH 12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;          
Căn cứ Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật;
Căn cứ Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, chống dịch bệnh dại cho chó, mèo và một số động vật khác cảm nhiễm với bệnh dại.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán chó, mèo, động vật khác cảm nhiễm với bệnh dại.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây bệnh ở động vật và người, gây nên những cái chết với triệu chứng rất thảm khốc. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở con vật có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10-15 ngày phát bệnh thường thải vi rút qua nước bọt gây nhiễm cho người, gia súc khác qua vết cào, cắn, liếm.

2. Tác nhân gây bệnh dại: Bệnh dại ở người và động vật do Lyssa virus và Vesiculo virus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Vi rút gây bệnh dại ở Việt Nam có tính kháng nguyên tương đối ổn định, ít có sự thay đổi, biến dị.

3. Chẩn đoán bệnh dại:

a) Phương pháp giải phẫu vi thể: Xác định tiểu thể Negri có trong tổ chức não (Trong não của chó mắc bệnh dại có thể Nêgri). Thể Nêgri có hình dạng thay đổi, đó là những hạt nhỏ hình tròn, hình trứng, hình bầu dục, kích thước biến động từ 0,5 – 30µ, chúng thường được tìm thấy trong nơ ron thần kinh, chủ yếu ở sừng Ammon, còn ở trong tế bào tiểu não thì có ít hơn. Thể Nêgri là dấu hiệu đặc thù của bệnh dại, khi phát hiện ra thể Nêgri trong tế bào não của động vật ốm, có thể chẩn đoán, xác định là con vật mắc bệnh dại.

b) Phương pháp phát hiện kháng nguyên vi rút: Xác định bệnh dại qua việc phát hiện kháng nguyên vi rút dại trong mẫu bệnh phẩm cho kết quả nhanh và chính xác đang được áp dụng như kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang, tiêm truyền động vật thí nghiệm.           

4. Sức đề kháng của vi rút dại: Vi rút dại có sức đề kháng yếu trong thiên nhiên. Ở nhiệt độ 56oC, vi rút dại bị vô hoạt trong 30 phút, ở 80oC trong 2 phút. Vi rút mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát trùng ở nồng độ 2-5%. Các chất tẩy rửa như nước xà phòng (bột giặt) có thể tiêu hủy vi rút dại ở vết thương do hòa tan lớp vỏ lipoprotein của chúng.

Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể động vật mắc bệnh. Ở chó, mèo mắc bệnh khi vi rút theo nước bọt ra ngoài cũng không tồn tại được lâu.

5. Cách lây truyền:

Việc lây truyền vi rút dại giữa động vật với động vật và giữa động vật với người chủ yếu xảy ra qua các vết cắn, vết liếm, tiếp xúc trực tiếp, nhiễm qua niêm mạc bị tổn thương, cũng có thể do cấy ghép phủ tạng của người bị bệnh dại nhưng không được phát hiện. Nếu ở vùng có dịch bệnh dại, các chất thải (nước dãi, nước tiểu…) của động vật bị dại chứa hàm lượng vi rút dại cao cũng có nguy cơ lây nhiễm đối với các động vật đã có vết thương hở. Ở thời kỳ tiền lâm sàng vi rút dại đã có trong nước bọt của chó và mèo, vì vậy tại thời điểm này nếu người bị chó, mèo cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật thì người rất dễ bị lây nhiễm vi rút dại, tuy nhiên do con vật chưa có triệu chứng lâm sàng nên người dễ bị bỏ qua mà không chú ý đề phòng.

6. Triệu chứng lâm sàng:

a) Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh dại có thể thay đổi từ 7 ngày đến nhiều tháng. Đa số bệnh phát ra trong vòng 21-30 ngày sau khi con vật nhiễm vi rút.

Ở chó thời gian này trung bình là 10 ngày.

b) Các biểu hiện lâm sàng: thường được chia làm 2 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại có thể biểu hiện cả 2 dạng lâm sàng này một cách xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.

Thể dại điên cuồng: được chia làm 3 thời kỳ

Thời kỳ tiền lâm sàng: Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí.

Thời kỳ điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử, con vật có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được; chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng (2-3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người.

Thời kỳ bại liệt: chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ; chó chết trong khoảng từ 3-7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

Thể dại điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp chó dại, số còn lại là thể dại câm.

Thể dại câm: là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như thường thấy; chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Quá trình này tiến triển từ 2-3 ngày.

Nói chung, thể dại câm tiến triển nhanh hơn thể dại điên cuồng, thông thường chỉ từ 2-3 ngày vì hành tuỷ của con vật bệnh bị vi rút tác động làm rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp sớm hơn.

Ở mèo: mèo ít bị mắc dại hơn chó, chỉ khoảng 2-3% vì mèo quen ở một mình; bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó, mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng, tạo vết thương sâu.

7. Bệnh tích: Bệnh tích ở chó dại ít điển hình. Chỉ thấy dạ dày trống rỗng hoặc có vật lạ. Chỉ có bệnh tích vi thể ở sừng Amon của não với các tiểu thể Negri đặc trưng cho bệnh dại, có thể được phát hiện qua kính hiển vi huỳnh quang.

Chương II

PHÒNG BỆNH

Điều 3. Tuyên truyền về phòng bệnh

1. Cục Thú y xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung chương trình truyền thông phòng, chống bệnh dại, đồng thời hướng dẫn Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chi cục Thú y) triển khai chương trình truyền thông ở địa phương.

 2. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể thực hiện thông tin tuyên truyền tại địa phương theo nội dung tuyên truyền của cơ quan thú y.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, đơn vị chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống tới từng hộ gia đình có nuôi chó, mèo và cộng đồng.

4. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường ký cam kết thực hiện: "5 không"

a) Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương

b) Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại;

c) Không nuôi chó thả rông;

d) Không để chó cắn người;

đ) Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Điều 4. Quản lý chó nuôi

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó:

a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô.

b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;

c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;

d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.

2. Các xã, phường phải có sổ ghi chép số lượng chó nuôi, loài giống. Hàng năm, vào tháng 3 thú y xã, phường phải thống kê số chó, mèo nuôi trên địa bàn xã, phường và báo cáo Trạm Thú y các quận, huyện thị, để xây dựng kế hoạch tiêm phòng định kỳ và bổ sung.

Điều 5. Giám sát động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại, giám sát, phát hiện sớm bệnh dại:

1. Cục Thú y có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch giám sát bệnh dại qua từng giai đoạn; chỉ đạo các Chi cục Thú y triển khai các nội dung giám sát bệnh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương trong cả nước.

 b) Xây dựng phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh dại tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và các Cơ quan Thú y vùng.

c) Tập hợp thông tin về bệnh dại, phân tích số liệu dịch tễ, lập bản đồ dịch tễ bệnh trong phạm vi cả nước;

d) Tập hợp kết quả giám sát động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại từ các báo cáo của các Chi cục Thú y tỉnh.

2. Chi cục Thú y có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch giám sát bệnh dại trên động vật theo hướng dẫn của Cục Thú y để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát bệnh tại địa phương.

b) Tập hợp kết quả giám sát báo cáo cho Cơ quan thú y cấp trên;

c) Lập bản đồ dịch tễ bệnh dại trên động vật tại địa phương để tham mưu cho chính quyền các cấp các biện pháp phù hợp, chủ động phòng chống bệnh.

d) Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán, giám sát đàn chó, mèo nghi có bệnh dại xảy ra theo hướng dẫn của Cục Thú y.

đ) Kiểm soát chặt chẽ chó, mèo được đưa vào địa phương.

e) Thành lập đội chuyên trách bắt động vật nghi dại. Thành viên của các đội chuyên trách này phải được huấn luyện kỹ năng bắt và được tiêm phòng định kỳ vắc xin phòng chống bệnh dại.

3. Trạm Thú y huyện, quận, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Trạm Thú y huyện) có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn thú y xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) giám sát bệnh tại các thôn, làng, bản, ấp: khi phát hiện chó, mèo, động vật mẫn cảm khác có biểu hiện khác thường nghi mắc bệnh dại, phải báo cáo ngay cho Trạm Thú y huyện; đồng thời yêu cầu chủ vật nuôi nhốt cách ly theo dõi.

b) Khi nhận được báo cáo của của Thú y xã có chó, mèo, động vật mẫn cảm khác nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại, Trạm Thú y huyện nhanh chóng cử cán bộ kiểm tra, xác minh và lấy mẫu gửi xét nghiệm bệnh trong trường hợp cần thiết; đồng thời hướng dẫn địa phương tiêu hủy chó, mèo, động vật khác có triệu chứng đặc trưng của bệnh qua chẩn đoán lâm sàng .

c) Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh cử cán bộ tham gia vào đội chuyên trách bắt chó, mèo nghi mắc bệnh dại và bắt chó thả rông. Cán bộ tham gia trong đội chuyên trách này phải được huấn luyện kỹ năng bắt và được tiêm phòng định kỳ vắc xin phòng bệnh dại.

4. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân xã) nơi có gia súc nghi mắc bệnh dại có trách nhiệm:

a) Phân công Trưởng thôn, làng, bản, ấp (sau đây gọi chung là thôn), nhân viên thú y xã thực hiện giám sát ổ dịch; lập sổ quản lý theo dõi việc nuôi, di chuyển của chó, mèo, tình hình bệnh dại, kết quả tiêm phòng bệnh dại tại địa phương;

b) Hỗ trợ các cơ quan thú y có thẩm quyền tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh dại theo yêu cầu của cơ quan thú y.

c) Tổ chức các đợt tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo định kỳ hoặc đột xuất theo đề xuất của Trạm thú y huyện.

 d) Tổ chức bắt giữ, tiêu hủy chó, mèo thả rông khi có bệnh dại xảy ra tại địa phương.

e) Phối hợp với Trạm Thú y huyện tổ chức chống dịch bệnh dại xảy ra tại địa phương.

5. Người nuôi chó, mèo có trách nhiệm:

a) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định vệ sinh thú y trong việc nuôi chó và hướng dẫn của cán bộ thú y.

b) Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường thì báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn. Nghiêm túc thực hiện “5 không” theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này.

c) Đăng ký số lượng chó nuôi với Ủy ban nhân dân xã và cơ quan thú y địa phương; có sổ quản lý chó để theo dõi sức khỏe và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Điều 6. Vệ sinh phòng bệnh

1. Điều kiện chăn nuôi:

a) Chủ nuôi chó để kinh doanh, huấn luyện phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y đối với chuồng nuôi, chuồng lưu trữ chó theo quy định tại Điều 7 Chương II của Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

b) Các hộ gia đình chỉ được nuôi thả chó trong khuôn viên của gia đình, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng phải cao ráo và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Ở thành phố, thị trấn, khu đông dân cư, khi đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình phải có dây xích, rọ mõm (đối với con dữ) và có người dẫn; phải tiêm phòng vắc xin dại định kỳ hàng năm cho chó, mèo.

c) Mỗi hộ gia đình chỉ nên nuôi 1 - 2 con chó để giữ nhà. Trong trường hợp nuôi nhiều (trên 05 con không kể chó mới sinh) phải có tờ trình về điều kiện nuôi và được cơ quan thú y địa phương xác nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.

2. Yêu cầu con giống:

a) Con giống đưa về nuôi phải khoẻ mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y. Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly, theo dõi 21 ngày.

b) Chó, mèo mới đưa về nuôi phải khai báo với cơ quan thú y có thẩm quyền tại địa phương (Ban Thú y xã, phường, thị trấn) biết để kiểm tra, giám sát bệnh, tiêm phòng vắc xin dại theo quy định.

3. Phương tiện vận chuyển chó, mèo phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định.

4. Người ra vào khu vực chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Điều 7. Tiêm phòng định kỳ vắc xin dại cho chó, mèo

1. Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: chó, mèo, động vật cảm nhiễm khác như khỉ, vượn…

2. Lịch tiêm phòng bệnh dại: Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng chính vào tháng 3 - 4 và tiêm bổ sung vào tháng 9 - 10

3. Chính quyền các cấp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các chiến dịch tiêm phòng bệnh dại theo đề xuất của cơ quan thú y.

4. Trạm Thú y huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện tiêm vắc xin dại cho chó mèo tại các xã, phường.

Trước chiến dịch tiêm phòng, thú y các xã, phường phối hợp với Trưởng thôn, ấp, bản thống kê số chó, mèo trong diện tiêm, hẹn thời gian và địa điểm tiêm phòng, để chủ vật nuôi đem chó mèo đến điểm tiêm phòng hoặc có người ở nhà để giữ chó, mèo cho tổ tiêm phòng đến tiêm phòng tại nhà. Trước khi tiêm phòng, Uỷ ban nhân xã, phường có thông báo cho chủ nuôi chó, mèo biết cách tổ chức tiêm phòng, thời gian, địa điểm tiêm phòng bằng các phương tiện thôn tin của địa phương.

5. Người nuôi chó, mèo, động vật cảm nhiễm với bệnh dại phải thực hiện việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi và phải chịu mọi chi phí tiêm phòng, chủ vật nuôi được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi của mình và chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm giữ cẩn thận giấy chứng nhận và xuất trình giấy chứng nhận như là bằng chứng vật nuôi của mình đã được tiêm vắc xin dại, khi cần thiết.

6. Ngoài đợt tiêm phòng chính và tiêm bổ sung, hàng tháng Trạm thú y cấp huyện, thú y cấp xã tiêm phòng cho đàn chó, mèo và động vật cảm nhiễm mới phát sinh hoặc hết thời gian miễn dịch. Người nuôi chó, mèo có thể mang vật nuôi đến cơ quan thú y gần nhất để tiêm phòng dại vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

7. Cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho những chó, mèo đã được tiêm phòng và không cấp giấy chứng nhận tiêm phòng dại cho các trường hợp chủ nuôi tự tiêm phòng dại cho vật nuôi.

8. Chi cục Thú y tỉnh, thành phố quản lý việc tiêm phòng vắc xin dại tại các cơ sở hành nghề thú y.

Điều 8. Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển

1. Chi cục Thú y thực hiện kiểm dịch chó, mèo tại nơi xuất phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định đối với chó, mèo khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vắc xin dại và còn thời gian miễn dịch bảo hộ.

2. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông có nhiệm vụ:

a) Kiểm soát chó, mèo vận chuyển qua các trạm, chốt kiểm dịch; tịch thu, tiêu huỷ chó, mèo nghi mắc bệnh, chó mèo không có giấy chứng nhận kiểm dịch khi có địa phương trong trong nước công bố có dịch bệnh dại.

b) Đối với chó, mèo có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ.

c) Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Khi các tỉnh liền kề có dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập trạm, chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu mối giao thông theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát việc vận chuyển chó, mèo.

4. Vận chuyển qua biên giới:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý chó, mèo nhập lậu;

b) Trạm kiểm dịch biên giới thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc mọi phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu.

5. Chi cục Thú y phải kiểm soát chó, mèo nhập vào tỉnh và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, cụ thể: chó, mèo nhập vào tỉnh không có giấy kiểm dịch; chưa tiêm phòng vắc xin dại; chó mèo không rõ nguồn gốc.

6. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch vận chuyển bị xử phạt vi phạm hành chính và phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý tiêu huỷ chó, mèo.

Điều 9. Bắt và xử lý chó thả rông

1. Chi cục Thú y cấp tỉnh thành lập đội bắt chó thả rông, động vật nghi mắc bệnh dại và phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện bắt chó thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Hàng ngày, sau khi bắt chó thả rông, Chi cục Thú y nuôi nhốt chó, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận; việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt và thời gian lưu giữ chó sau khi bị bắt (72 giờ)

3. Kinh phí tiêu hủy chó thả rông bị bắt được lấy từ nguồn kinh phí của địa phương do Chi cục Thú y lên kế hoạch hàng năm.

4. Tại các vùng nông thôn không có điều kiện bắt, giữ chó thả rông, Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Thường xuyên tuyên truyền cho người dân quản lý chó, giữ chó tại nhà, không thả rông chó ra đường, cắn người.

b) Yêu cầu chủ vật nuôi phải thực hiện nghiêm chỉnh việc tiêm phòng vắc xin và quản lý chó không thả rông chó nơi công cộng.

Chương III

CHỐNG DỊCH

Điều 10. Khai báo và xử lý đối với ổ dịch đầu tiên nghi mắc bệnh

1. Khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện khác thường như bỗng nhiên trở nên hung dữ cào, cắn người hay động vật khác một cách vô cớ thì chủ nuôi phải khai báo ngay với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y xã hoặc trưởng thôn; đồng thời nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh, không cho tiếp xúc với động vật cảm nhiễm xung quanh để theo dõi trong vòng 21 ngày.

2. Khi nhận được thông báo nghi có chó, mèo mắc bệnh dại, cán bộ thú y cơ sở phải báo cáo ngay với Trạm thú y huyện bằng điện thoại khẩn cấp, ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản ghi rõ tên, địa chỉ chủ vật nuôi, đặc điểm vật nuôi và các nội dung khác có liên quan gửi cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan thú y cấp trên trực tiếp.

3. Trạm Thú y huyện: khi nhận được thông báo của thú y viên cơ sở hoặc chủ vật nuôi, phải nhanh chóng đến kiểm tra, xác minh ngay; hướng dẫn chủ vật nuôi các biện pháp cách ly chó, mèo, động vật khác mắc bệnh, vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất để tăng cường biện pháp phòng bệnh dại cho người.

4. Trạm Thú y huyện lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đối với những con vật đầu tiên mắc bệnh trong phạm vi huyện, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên. Kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Cục Thú y.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chi cục Thú y đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền ra quyết định tiêu hủy chó, mèo trong vùng dịch mà không cần chờ kết quả xét nghiệm theo quy định tại khoản 2 điều 13 của Thông tư này.

Điều 11. Chẩn đoán bệnh

1. Cục Thú y hướng dẫn cụ thể quy trình lấy mẫu và chẩn đoán bệnh.

2. Đối với ổ dịch đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện thì Trạm Thú y huyện phải cử đội chuyên trách lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản lạnh, gửi Cơ quan Thú y vùng, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương hoặc phòng thí nghiệm được Cục Thú y công nhận để chẩn đoán xác định bệnh.

Các ổ dịch sau đó, nếu phát hiện chó, mèo có những triệu chứng điển hình của bệnh dại thì triển khai ngay các biện pháp chống dịch. Việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết.

Điều 12. Công bố dịch

1. Điều kiện công bố dịch:

Khi có đủ các điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y; đồng thời công bố vùng bị dịch uy hiếp theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh Thú y.

2. Phạm vi công bố dịch

a) Khi có 01 hoặc nhiều con vật mắc bệnh dại và có người chết vì bệnh dại ở một xã thì công bố xã đó có dịch và các xã xung quanh là các xã vùng uy hiếp, nằm trong tình trạng báo động có nguy cơ cao bệnh dại xảy ra.

b) Khi có từ 05 xã trở lên trong một huyện có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện.

c) Khi có từ 05 huyện trở lên trong một tỉnh có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Chi cục Thú y tỉnh, thành phố tiếp giáp với tỉnh đã công bố có dịch bệnh dại đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định công bố các xã tiếp giáp với xã có dịch là vùng bị dịch uy hiếp. Chó, mèo trong vùng bị dịch uy hiếp phải được tiêm phòng 100%.

Điều 13. Các biện pháp xử lý đối với ổ dịch

1. Tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại:

a) Tiêu huỷ ngay chó, mèo chết do bệnh dại, chó mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, chó mèo khỏe mạnh nhưng chưa được tiêm phòng bệnh dại và được nuôi, nhốt chung chuồng với chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại.

b) Phối hợp với ngành y tế tìm chó cắn người, cách ly triệt để những con vật đã tiếp xúc với chó nghi dại (không được nhốt chung những con vật cảm nhiễm với bệnh dại), tiêm phòng vắc xin dại khẩn cấp cho chó, mèo ở vùng có dịch.

Đối với trường hợp dịch xảy ra ở diện rộng: tiêu huỷ tất cả chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chó, mèo chưa tiêm phòng không chờ kết quả xét nghiệm.

2. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng:

a) Vệ sinh: Thu gom chất thải rắn để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước xà phòng. Đối với chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất. Vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, môi trường liên quan đến con vật; xử lý thức ăn thừa, chất thải. Công việc này do người chăn nuôi thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương

b) Tiêu độc khử trùng: Sau khi dọn rửa, vệ sinh cơ giới, để khô và tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khu tiêu huỷ hoặc chôn chó, mèo, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng. Công việc này do đội chống dịch của xã thực hiện.

c) Người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ chó, mèo dại phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp, phải được tiêm phòng vắc xin dai phòng chống phơi nhiễm và vệ sinh tiêu độc khử trùng khi kết thúc công việc.

3. Khi có dịch xảy ra thì tất cả chó, mèo trên địa bàn xã có dịch phải được nhốt theo dõi trong vòng 15 ngày, tất cả các chó, mèo thả rông phải được tiêu hủy.

4. Tổ chức chống dịch theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ.

Điều 14. Tiêm phòng

1. Khi có dịch xảy ra trên địa bàn xã, Trạm thú y huyện rà soát và thống kê số chó, mèo đã được tiêm phòng và chưa được tiêm phòng vắc xin dại trong toàn huyện.

2. Trạm Thú y huyện tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và động vật cảm nhiễm chưa được tiêm phòng trong toàn huyện. Tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trên tổng đàn. Trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng cho chó, mèo, Trạm Thú y lập danh sách trình Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cưỡng chế buộc tiêu hủy.

Điều 15. Kiểm soát vận chuyển

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Xác định vùng có dịch và lập các chốt kiểm dịch tạm thời, có người trực 24/24 giờ, có biển báo, hướng dẫn đi lại tránh vùng dịch. Chốt kiểm dịch phải có đủ phương tiện và hóa chất sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi vùng có dịch;

b) Kiểm soát không cho vận chuyển chó mèo ra, vào vùng có dịch.

2. Chó, mèo khỏe mạnh đã được tiêm phòng và còn miễn dịch được phép vận chuyển trong các trường hợp sau:

a) Chó, mèo thuộc các xã tiếp giáp với xã có dịch được phép vận chuyển trong phạm vi huyện;

b) Chó, mèo của cơ sở chăn nuôi, xã, phường được công nhận an toàn dịch bệnh dại được vận chuyển trong phạm vi tỉnh;

c) Chó, mèo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b, khoản 2 điều 17 thông tư này được vận chuyển ra khỏi huyện.

Điều 16. Công bố hết dịch

1. Khi có đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch.

2. Ngay sau khi có quyết định công bố hết dịch việc nuôi chó, mèo thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư này.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh lân cận ra quyết định bãi bỏ công bố vùng bị dịch uy hiếp trên địa bàn tỉnh ngay sau khi có quyết định công bố hết dịch của tỉnh có dịch.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương

1. Trách nhiệm của Cục Thú y

a) Xây dựng Chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh dại ở động vật, để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình ở các địa phương.

 b) Tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giám sát bệnh dại ở các địa phương;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc về công tác phòng chống bệnh dại;

d) Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống bệnh dại.

2. Trách nhiệm của Cục Chăn nuôi

a) Hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định về quản lý đàn chó theo Nghị định số 05/2007/NĐ của Chính phủ ngày 09/01/2007 về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật và việc chăn nuôi trở lại sau khi có dịch xảy ra.

b) Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền người chăn nuôi thực hành chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho người.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân ở địa phương

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cấp tỉnh

a) Chỉ đạo ngành thú y, các cấp, các ngành có liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống bệnh và xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại ở động vật tại địa phương; khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chó hoặc không nuôi chó; có biện pháp kiểm soát đàn chó nuôi.

b) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại của tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban, đại diện các sở, ban, ngành liên quan là thành viên.

c) Củng cố, tăng cường cho hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới thú y xã, phường có đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để thực thi nhiệm vụ. Các địa phương chưa có mạng lưới thú y xã, phường thì cần nhanh chóng triển khai thực hiện Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho thú y xã, phường, Thông tư liên Bộ số 61 /2008/TTLT-BNN-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

d) Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành thú y và y tế ở các cấp trong công tác phòng, chống bệnh dại.

đ) Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tại địa phương thường xuyên triển khai công tác thông tin tuyên truyền phòng chống bệnh dại.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch dại trên địa bàn của tỉnh theo quy định; quyết định tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh dại và chó thả rông hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tiêu hủy.

2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng chương trình phòng chống bệnh dại của tỉnh và kế hoạch hàng năm trên cơ sở Chương trình phòng chống bệnh dại cấp quốc gia;

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao với bệnh dại;

c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại của tỉnh.

3. Trách nhiệm của Chi cục Thú y cấp tỉnh

a) Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, thành phố;

b) Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh dại, thành lập tổ bắt chó thả rông, thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch xảy ra, báo cáo về công tác phòng, chống bệnh dại về Cục Thú y một năm 2 lần vào 30/6 và 30/12 hàng năm về các nội dung (số chó, mèo, kết quả tiêm phòng, tình hình bệnh dại (nếu có), công tác giám sát bệnh dại và quản lý chó nuôi của tỉnh, thành phố).

c) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự trù kinh phí quản lý giám sát công tác phòng, chống dịch tại dịa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí thực hiện.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế, Trạm Thú y huyện làm Phó Trưởng ban;

b) Thành lập đội chuyên trách phòng chống bệnh dại, các thành viên phải được tiêm phòng vắc xin và được tập huấn (kinh phí lấy từ ngân sách phòng, chống dịch của địa phương);

c) Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo Trạm Thú y huyện, các ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện;

d) Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống bệnh, đặc biệt công tác tiêm phòng, tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh;

đ) Cấp ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch của huyện.

5. Trách nhiệm của Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trạm Thú y.

a) Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng chống bệnh dại tại huyện;

b) Hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp phòng chống đến tận xã, thôn;

c) Báo cáo kịp thời nhu cầu về kinh phí, vật tư hóa chất, vắc xin, lao động, cho Ủy ban nhân dân huyện và Chi cục Thú y.

d) Hàng tháng báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại về Chi Cục Thú y với các nội dung: số chó mèo, kết quả tiêm phòng, tình hình bệnh dại (nếu có) của các huyện.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban với sự tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ thú y, y tế, nông nghiệp;

b) Bố trí tổ chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật, thường trực và tổng hợp tình hình nuôi chó, mèo, kết quả tiêm phòng, quản lý đàn chó;

c) Chỉ đạo Trưởng thôn trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và tích cực tham gia chiến dịch tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi. Mỗi thôn tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này.

d) Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, y tế, công an để tiêu hủy gia súc bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại các chốt kiểm dịch động vật.

đ) Chỉ đạo ngành y tế áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người.

7. Trách nhiệm của nhân viên thú y xã, cộng tác viên thú y xã:

a) Báo cáo ngay với Trạm thú y huyện bằng phương tiện nhanh nhất khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi dại tại địa phương.

b) Giám sát phát hiện bệnh dại đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân xã và Trạm Thú y huyện;

c) Trực tiếp tham gia công tác phòng chống bệnh, trực tiếp tiêm phòng vắc xin, thông báo cho ngành y tế khi phát hiện chó không tiêm phòng, nghi dại cắn người;

d) Trực tiếp tham gia giám sát công tác phòng chống bệnh dại đến chủ chăn nuôi.

 8. Trách nhiệm của Trưởng thôn, ấp hoặc Tổ trưởng dân phố:

Quản lý trực tiếp đàn chó, mèo tại thôn, ấp, tổ dân phố; phối hợp với Thú y viên thôn, ấp, xã, phường phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Thông tư này.

Điều 19. Trách nhiệm của chủ vật nuôi

1. Đảm bảo điều kiện chăn nuôi chó hợp vệ sinh; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người theo hướng dẫn của cán bộ thú y, chính quyền địa phương.

2. Chủ vật nuôi chịu mọi trách nhiệm khi để chó thả rông, cắn người hay phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng. Bồi thường tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng.

3. Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian đợt điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan cho hậu quả do người bị chết để lại theo Quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký;

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo quốc gia PCBD;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- UBND các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP;
- Chi cục Thú y các tỉnh, TP;
- Công báo CP;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần