Thông tư 37/2006/TT-BNN hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở hành nghề thú y
Số hiệu: 37/2006/TT-BNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Bùi Bá Bổng
Ngày ban hành: 16/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 28/05/2006 Số công báo: Từ số 29 đến số 30
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2006/TT-BNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, THU HỒI, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THÚ Y; KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ HÀNH NGHỀ THÚ Y

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở hành nghề thú y như sau:

Mục 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Thông tư này được áp dụng đối với tất cả các phạm vi hành nghề được quy định tại Điều 52 của Pháp lệnh Thú y.

1.2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc hành nghề thú y trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Giải thích thuật ngữ

Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

2.1. Chứng chỉ hành nghề thú y dùng để chỉ văn bản được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện hành nghề thú y theo quy định của pháp luật về thú y.

2.2. Dịch vụ có liên quan đến thú y dùng để chỉ các hoạt động phục vụ chăn nuôi, sinh trưởng, sinh sản của động vật nhằm bảo vệ và phát triển động vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sử dụng sản phẩm động vật.

Mục 2

ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THÚ Y

3. Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề thú y

3.1. Điều kiện về bằng cấp chuyên môn:

Ngoài những điều kiện về bằng cấp chuyên môn được quy định tại khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y (sau đây được gọi là Nghị định số 33/2005/NĐ-CP) thì điều kiện về bằng cấp quy định tại các điểm a, d khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với người hành nghề chẩn đoán lâm sàng, kê đơn, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ động vật ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa được cấp chứng chỉ hành nghề nếu có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp lớp đào tạo về chuyên môn thú y do Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chi cục Thú y cấp tỉnh) hoặc do các Dự án nước ngoài cấp.

b) Đối với chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y (sau đây được gọi chung là thuốc thú y) được cấp chứng chỉ hành nghề nếu có bằng kỹ sư chăn nuôi hoặc giấy chứng nhận có trình độ trung cấp thú y hoặc trung cấp chăn nuôi thú y do các cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.

3.2. Điều kiện về sức khỏe:

Điều kiện về sức khỏe đối với người hành nghề thú y được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

4. Trình tự cấp chứng chỉ hành nghề thú y

4.1. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thú y hợp lệ của cá nhân, tổ chức, trong phạm vi 10 ngày tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo trình tự sau:

a) Kiểm tra điều kiện về bằng cấp chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, sức khoẻ, điều kiện vệ sinh thú y cơ sở, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ thú y được quy định đối với phạm vi đăng ký hành nghề đó và chỉ cấp chứng chỉ hành nghề thú y cho cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về thú y;

b) Đối với cá nhân hành nghề tiêm phòng, thiến hoạn, chẩn đoán lâm sàng, kê đơn, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho động vật lưu động, không có cơ sở hành nghề cố định thì trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có thêm bản kê các dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết để hành nghề và phải nộp lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định tại Quyết định số 08/2005/QĐ-BTC ngày 20/1/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y;

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề xét nghiệm, xét nghiệm chẩn đoán bệnh, phẫu thuật động vật; kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, sản xuất thuốc thú y nếu chưa xây dựng được cơ sở có đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định nhưng lại cần có chứng chỉ hành nghề để hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y kiểm tra điều kiện về bằng cấp chuyên môn, sức khỏe và cấp chứng chỉ cho cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

4.2. Cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm 4.1 c, khoản 4 Mục 2 của Thông tư này phải cam kết bằng văn bản về việc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề ít nhất 15 ngày trước khi cơ sở bắt đầu hoạt động để được kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở theo quy định.

5. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y

5.1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y được thực hiện theo quy định tại các khoản 1và khoản 3 Điều 65 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

5.2. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thú y thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Pháp lệnh Thú ykhoản 2 Điều 65 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP. Sơ yếu lý lịch và bản sao bằng cấp chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

a) Bản sơ yếu lý lịch của người đề nghị được cấp chứng chỉ hành nghề thú y phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nơi người đó làm việc hoặc của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.;

b) Bản sao bằng cấp hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn phải được công chứng. Nếu văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn gốc được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

5.3. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề xét nghiệm, xét nghiệm chẩn đoán bệnh động vật; phẫu thuật động vật; sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề tại một cơ sở.

6. Thời hạn, thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y

6.1. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề thú y là 05 năm kể từ ngày ký.

6.2. Việc gia hạn chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

6.3. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y có trách nhiệm kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở trước khi gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y.

Mục 3

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THU HỒI, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THÚ Y

7. Thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y

Cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y.

8. Trình tự thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y

Khi phát hiện hoặc được thông báo về các trường hợp vi phạm cần phải thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định tại Điều 67 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, Cục trưởng Cục Thú y, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y và kiểm tra việc thực hiện quyết định thu hồi đó.

9. Các trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y

9.1. Chứng chỉ hành nghề thú y cấp không đúng thẩm quyền.

9.2. Cá nhân sau khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn là đối tượng theo quy định tại Điều 66 và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 64 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

10. Trình tự, thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y

10.1. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

10.2. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y thực hiện trình tự, thủ tục cấp lại chứng chỉ theo hướng dẫn tại khoản 4 và khoản 5 Mục 2 của Thông tư này.

Mục 4.

KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI CƠ SỞ HÀNH NGHỀ THÚ Y

11. Thẩm quyền, trình tự kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở hành nghề thú y

11.1. Cá nhân, tổ chức hành nghề phẫu thuật động vật, xét nghiệm chẩn đoán phi lâm sàng; sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở theo quy định tại các Điều 16, 52, 54, 55 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

11.2. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y có trách nhiệm kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở trước khi cấp chứng chỉ hành nghề hoặc trước khi cơ sở bắt đầu hoạt động theo quy định tại khoản 4 Mục 2 của Thông tư này.

11.3. Cá nhân, tổ chức được kiểm tra điều kiện hành nghề thú y phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Quyết định số 08/2005/QĐ-BTC ngày 20/1/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.

11.4. Cá nhân, tổ chức phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y cơ sở hành nghề theo quy định của pháp luật về thú y trong suốt quá trình hoạt động; nếu vi phạm thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan.

Mục 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

12. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền

Cục Thú y có trách nhiệm hướng dẫn mẫu chứng chỉ hành nghề thú y.

Cục Thú y, Chi cục Thú y cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo hướng dẫn tại Thông tư này.

13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG



 
Bùi Bá Bổng