Thông tư 29/2000/TT-BTC quy định về quản lý quỹ tạm giữ của ngân sách Nhà nước tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Số hiệu: 29/2000/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành: 24/04/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 29/2000/TT/BTC NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2000 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ QUỸ TẠM GIỮ CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 20/3/1996 và Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, chấp hành và quyết toán Ngân sách nhà nước.
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước số 06/1998/QH10 ngày 20/5/1998 và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ Nghị định số 178/CP ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính quy định về quản lý Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận Quỹ ngân sách Nhà nước. Quỹ được hình thành từ các nguồn thu của ngân sách nhà nước phát sinh tại các cơ quan đại diện Việt Nam (Ngoại giao, Thương mại, Quân sự, Thông tấn xã, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, Ban quản lý lao động...) ở nước ngoài.

2. Các khoản thu chi của Ngân sách Nhà nước phát sinh tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều phải nộp vào Quỹ tạm giữ và chỉ được sử dụng khi có lệnh chi của Bộ Tài chính thông qua điện mật do Bộ Ngoại giao ký, trừ các trường hợp tạm ứng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ (hoặc cấp được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền).

3. Loại tiền thu chi Quỹ tạm giữ: Đôla Mỹ hoặc tiền địa phương theo quy định của luật pháp nước sở tại.

4. Nghiêm cấm các trường hợp chi tạm ứng từ Quỹ tạm giữ cho đơn vị hoặc cá nhân mà không có ý kiến của Bộ Tài chính,

5. Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và quản lý Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Các khoản thu thuộc Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước bao gồm:

- Các khoản thu lệ phí quản lý hành chính nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Bộ Tài chính.

- Các khoản thu lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy chứng nhận cho công dân Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú theo quy định của Bộ Tài chính.

- Thuế thu nhập của cán bộ Việt Nam làm việc tại các tổ chức quốc tế ở nước ngoài

- Tiền đền bù đào tạo thu của lưu học sinh, thực tập sinh và lao động, các khoản bồi thường và tiền phạt khác.

- Tiền viện trợ của các tổ chức quốc tế, đoàn thể quần chúng, cá nhân người nước ngoài tặng Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

- Các khoản thu khác do Bộ Tài chính quy định.

2. Các khoản chi từ Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước gồm:

- Chi quản lý nhà nước tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

- Chi đoàn ra, đóng niên liễm cho tổ chức quốc tế.

- Chi khác của Ngân sách nhà nước.

3. Thủ tục thu và chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

3.1. Thủ tục thu và nộp Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước:

a. Trường hợp thu trực tiếp bằng tiền mặt hoặc séc, kế toán lập giấy nộp tiền vào Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước thành 3 liên:

- Một liên giao cho người nộp tiền.

- Một liên lưu tại Cơ quan đại diện

- Một liên làm chứng từ kế toán để hạch toán sổ sách gửi về Bộ Ngoại giao.

b. Trường hợp thu chuyển khoản của ngân hàng, căn cứ chứng từ ngân hàng, kế toán lập giấy nộp tiền vào Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước thành 2 liên:

- Một liên làm chứng từ để hạch toán sổ sách và gửi về Bộ Ngoại giao.

- Một liên lưu tại Cơ quan đại diện.

Các khoản thu nộp Quỹ tạm giữ của Ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải mở sổ sách theo dõi riêng, không để lẫn với kinh phí của Cơ quan đại diện.

3.2. Thủ tục chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước:

3.2.1. Căn cứ vào lệnh chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính (mẫu số 1), Bộ Ngoại giao thông báo (bằng điện mật) cho Cơ quan đại diện trích từ Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cấp cho các đối tượng được hưởng.

Nội dung điện gửi cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần ghi rõ các thông tin sau đây:

Căn cứ lệnh chi số....../ Quỹ tạm giữ NSNN của Bộ Tài chính. Đề nghị trích số tiền......... từ Quỹ tạm giữ NSNN tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở....... cấp cho....... Nội dung chi.........

Khi chi từ Quỹ tạm giữ NSNN, kế toán lập phiếu chi (2 liên) ghi rõ nội dung chi (theo đúng điện mật của Bộ Ngoại giao).

- Một liên làm chứng từ để hạch toán sổ sách và gửi về Bộ Ngoại giao.

- Một liên lưu tại cơ quan đại diện.

3.2.2. Căn cứ lệnh chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính lập thông tri duyệt y dự toán tiền đồng Việt Nam (được qui đổi từ số ngoại tệ đã được trích từ Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước nhân với tỉ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định) hạch toán - ghi thu "Tiền lệ phí lãnh sự hoặc các khoản thu khác ở nước ngoài" đồng thời - Ghi chi "Cấp cho Bộ, Cơ quan" - đối tượng được hưởng Ngân sách Nhà nước (tương ứng theo Chương, khoản, mục lục Ngân sách Nhà nước).

3.2.3. Trường hợp tạm ứng từ Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước theo lệnh của Chính phủ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm báo cáo về Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính để xử lý và giải quyết các khoản tạm ứng này.

4. Chế độ báo cáo thu chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước.

- Hàng quý chậm nhất là ngày 20 của tháng cuối quý, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo nhanh bằng điện về Bộ Ngoại giao số dư của Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước. Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo số dư Quỹ tạm giữ nói trên cho Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng, Bộ Tài chính sẽ tạm ngừng cấp phát kinh phí quý tiếp theo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nếu không nhận được báo cáo số dư theo đúng thời hạn trên.

- Hàng quý, năm, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập báo cáo tình hình thu chi ngoại tệ từ Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước (Biểu mẫu 2) gửi về Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo thu chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi Bộ Tài chính (biểu mẫu số 3).

- Định kỳ Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao tiến hành kiểm tra Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Khi kiểm tra nếu phát hiện có khoản thu chi không đúng chế độ, hạch toán không đúng thì Bộ Tài chính sẽ xuất toán, đồng thời cá nhân và người đứng đầu Cơ quan có trách nhiệm bồi hoàn số tiền đã chi sai.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý các khoản thu chi Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước theo quy định của Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 11 TC/TCĐN ngày 20/4/1992 của Bộ Tài chính quy định về quản lý Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước ở các Sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để nghiên cứu giải quyết.

 

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

 

 

Mẫu số 1

(Kèm theo Thông tư số 29/2000/TT-BTC ngày 24/4/2000)

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

LỆNH CHI QUỸ TẠM GIỮ

Số:.... /TG

Kính gửi: Cơ quan đại diện Việt Nam tại ..........

Đề nghị Cơ quan đại diện trích Quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước tại Cơ quan cấp cho.................

Căn cứ:

Quyết định/Công văn số:....... ngày.......... của (Cơ quan)

Nội dung chi:

Ngoại tệ (bằng số):

(bằng chữ):

Hà Nội, ngày....... tháng ...... năm.......
TL. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH ĐỐI NGOẠI

 

Mẫu số 2
BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THU CHI QUỸ TẠM GIỮ

(Dùng cho cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài)

(Lập chi tiết theo mục lục Ngân sách Nhà nước)

Tháng .... năm ...
(đơn vị tính: mỗi loại đồng tiền 1biểu)

MụcTiểu mụcQuyết toán (luỹ kế từ đầu năm )

A. SỐ THU:
1. Dư tháng trước chuyển sang:
2. Phát sinh thu trong tháng:

028

Thu tiền nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhà hỗ tương, nhà thuê

01

15

Thu tiền nhà cho thuê
Khác

042

Lệ phí ngoại giao

01

02

03

15

Lệ phí làm hộ chiếu
Lệ phí làm Visa
Lệ phí đăng ký cư trú
Khác

046

Lệ phí hành chính

06

15

Công chứng
Khác

068

Thu tiền bán tài sản

02

05

07

15

Ô tô
Đồ gỗ
Máy tính, fôtô, máy fax
Các tài sản khác

062

Thu khác

15

Các khoản thu khác: lãi Ngân hàng, hoàn thuế, ...

076

Viện trợ cho mục đích khác

15

Các tổ chức khác

B. SỐ CHI TRONG THÁNG (theo lệnh chi số ... của Bộ Tài chính)

Chi chuyển sang nguồn kinh phí

Chi khác

Chuyển về nước nộp NSNN

C. SỐ DƯ CHUYỂN SANG THÁNG SAU:

Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)
Ngày tháng năm Thủ trưởng cơ quan



 

(Kèm theo Thông tư số 29/2000/TT-BTC ngày 24/4/2000)

Mẫu số 3

BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THU CHI QUỸ TẠM GIỮ NĂM ...

(Dùng cho Bộ chủ quản)

Cơ quan đại diện

Số dư đầu kỳ

Số thu trong kỳ

Chi trong kỳ theo lệnh Bộ Tài chính

Số dư cuối kỳ

Nguyên tệ

Quy USD

Nguyên tệ

Quy USD

Nguyên tệ

Quy USD

Nguyên tệ

Quy USD

Anh

Bỉ

...

...

-----------------

-------------

-------------

-------------

-------------

-------------

-------------

-------------

-------------

TỔNG CỘNG

Ngày tháng năm