Thông tư 28/2014/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2009/TT-NHNN hướng dẫn chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP
Số hiệu: 28/2014/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
Ngày ban hành: 01/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/10/2014 Số công báo: Từ số 937 đến số 938
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2014/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 06/2009/TT-NHNN NGÀY 9/4/2009 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ CHÍNH SÁCH CHO VAY ƯU ĐÃI LÃI SUẤT THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CÁC HUYỆN NGHÈO TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Thực hiện văn bản số 1599/TTg-KTN ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị trong thực hiện cho vay theo Quyết định 2621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 9/4/2009 quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 9/4/2009 quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2009/TT-NHNN) ngày 27/12/2008 của Chính phủ như sau:

“2. Ngoài các chính sách quy định tại Điều 2 của Thông tư này và Khoản 1 Điều này, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề như sau:

a) Mức vay tối đa là 10 triệu đồng/hộ;

b) Lãi suất vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ;

c) Thời gian áp dụng lãi suất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là 3 năm kể từ thời điểm hộ nghèo bắt đầu nhận vốn vay.”

Điều 2.

Thay đổi cụm từ “Vụ Tín dụng” thành cụm từ “Vụ Tín dụng các ngành kinh tế” tại các Điều 5, 6, 7 Thông tư số 06/2009/TT-NHNN.

Điều 3. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các khoản vay theo Thông tư số 06/2009/TT-NHNN , phát sinh trước ngày 31 tháng 12 năm 2013 và đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Việc vay vốn ưu đãi theo quy định tại Quyết định 2621/QĐ-TTg và Thông tư này được thực hiện sau khi hết thời hạn vay vốn và hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng trên.

2. Đối với các khoản vay đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 06/2009/TT-NHNN phát sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 2013 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội thống kê và thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN .

3. Đối với các khoản vay theo Quyết định 2621/QĐ-TTg phát sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 2013 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2621/QĐ-TTg .

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 10 năm 2014.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Khoản 2 Điều 4;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp & PTNT;
- Công báo;
- Website NHNN;
- Lưu VP, Vụ TDCNKT, Vụ PC.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

Điều 3. Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội

...

2. Ngoài các chính sách quy định tại Điều 2 của Thông tư và khoản 1 Điều này, các hộ nghèo trên địa bàn 61 huyện nghèo còn được hưởng các chính sách sau đây khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Được vay ưu đãi một lần tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% trong thời gian 02 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản;

b) Đối với các hộ nghèo không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay ưu đãi một lần, với số tiền tối đa là 5 triệu đồng, với lãi suất 0%, thời hạn 02 năm.

Xem nội dung VB
Điều 5. Trách nhiệm của khách hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước; Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tại các huyện nghèo.

1. Đối với khách hàng được cho vay hỗ trợ tại các huyện nghèo:

a) Sử dụng vốn vay đúng mục đích; nếu sử dụng vốn sai mục đích hỗ trợ, số tiền đã hỗ trợ sẽ bị thu hồi và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Thực hiện đúng các quy định của các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về quy trình, thủ tục và xác nhận trong việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ các huyện nghèo.

2. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Thực hiện việc cho vay ưu đãi theo quy định tại Thông tư này đối với các đối tượng là hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ. Ngân hàng Chính sách xã hội không được từ chối áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trên địa bàn 61 huyện nghèo;

b) Thực hiện kiểm tra chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện đúng quy định. Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích được hỗ trợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi số tiền đã hỗ trợ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) về kết quả thực hiện chính sách cho vay đối với các huyện nghèo theo quy định tại Mẫu số 02 của Thông tư này.

3. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước:

a) Áp dụng cơ chế cho vay thông thường đối với các nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, không được từ chối hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thông tư này; đảm bảo công khai, rõ ràng số tiền hỗ trợ lãi suất và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất hoặc từ chối hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của pháp luật;

c) Thực hiện giảm trừ ngay số tiền hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng khi khách hàng thanh toán lãi suất tiền vay cho ngân hàng và yêu cầu khách hàng xác nhận việc hỗ trợ lãi suất của ngân hàng;

d) Tổng hợp số liệu hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo của toàn hệ thống và đề nghị Bộ Tài chính thực hiện cấp bù lãi suất cho ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của các số liệu đề nghị ngân sách Nhà nước cấp bù;

đ) Hồ sơ, thủ tục, quy trình đề nghị cấp bù lãi suất được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính;

e) Các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện kiểm tra chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất đúng quy định. Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích được hỗ trợ lãi suất thì thu hồi số tiền đã hỗ trợ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành;

g) Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo quy định tại Mẫu 01 của Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Theo dõi tình hình hỗ trợ lãi suất đối với 61 huyện nghèo theo quy định của Thông tư này:

- Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện nghèo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo tình hình cho vay ưu đãi lãi suất trên địa bàn theo Mẫu 03 của Thông tư này;

- Vụ Tín dụng tổng hợp báo cáo Thống đốc NHNN tình hình cho vay ưu đãi lãi suất khi được yêu cầu;

b) Các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thanh tra, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo của các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Thông tư này;

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP khi được yêu cầu.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Xem nội dung VB