Thông tư 28/2007/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ
Số hiệu: 28/2007/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
Ngày ban hành: 03/04/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 13/05/2007 Số công báo: Từ số 300 đến số 301
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

 

Số: 28/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng  04 năm 2007

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005;
Căn cứ Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 05/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước, Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đều phải được quản lý theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng. Do đặc thù về nguồn vốn, Thông tư này chỉ hướng dẫn bổ sung một số điểm về việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đối với dự án có cơ chế quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có hướng dẫn riêng.

2. Vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ chỉ bố trí cho các dự án đầu tư thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 (dưới đây gọi tắt là Quyết định 171/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), văn bản số 1740/TTg-KTTH ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các công trình thuỷ lợi Đồng bằng Sông Cửu Long (dưới đây gọi tắt là văn bản 1740/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ), các văn bản khác (nếu có) của Thủ tướng Chính phủ và thông báo số 6037/BKH-TH ngày 16/8/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 (dưới đây gọi tắt là thông báo 6037/BKH-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), không được sử dụng cho các dự án ngoài danh mục nói trên.

3. Tổng mức vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án không vượt tổng mức vốn đã được thông báo tại Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg , văn bản số 1740/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản khác (nếu có) của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 và thông báo số 6037/BKH-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ thanh toán cho các dự án theo ngành của từng Bộ hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) không vượt mức vốn theo ngành và tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho Bộ, tỉnh đó.

4. Mức vốn bố trí hàng năm của các dự án căn cứ vào nhu cầu đăng ký vốn thanh toán theo tiến độ thực hiện của dự án và khả năng huy động trái phiếu Chính phủ. Nhu cầu đăng ký vốn thanh toán cho dự án hàng năm là căn cứ để huy động vốn, bố trí vốn và đánh giá tiến độ thực hiện. Mức vốn đã đăng ký trong năm được thanh toán đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau. Tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí cho dự án cho cả thời kỳ 2003-2010.

5. Cơ quan thanh toán vốn đầu tư:

5.1- Kho bạc nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án do các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý.

5.2- Ngân hàng Phát triển Việt Nam kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án Tái định cư Nhà máy Thuỷ điện Sơn La theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Phần 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đăng ký nhu cầu vốn và thông báo thanh toán vốn hàng năm:

1.1- Việc đăng ký nhu cầu về mức vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm thực hiện theo thời hạn quy định như lập dự toán ngân sách nhà nước, nhưng được lập riêng cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Căn cứ vào tiến độ đầu tư đã được xác định và tình hình thực hiện các dự án, các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh đăng ký nhu cầu về mức vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm của từng dự án, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (theo biểu số 1/TPCP đính kèm) để tổng hợp, làm căn cứ huy động vµ bố trí vốn trái phiếu Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Kế hoạch vốn đăng ký phải đảm bảo phù hợp tình hình thực hiện, không đăng ký vượt khả năng giải ngân của dự án, dẫn tới thừa vốn huy động, gây lãng phí cho Nhà nước.

1.2- Thẩm tra và thông báo danh mục dự án và vốn đầu tư:

Trên cơ sở nhu cầu về mức vốn trái phiếu Chính phủ của từng dự án trong năm của các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính thẩm tra thủ tục đầu tư xây dựng và các quy định về điều kiện bố trí vốn, thông báo kết quả thẩm tra cho các Bộ, địa phương như sau:

- Đối với dự án do các Bộ quản lý, Bộ Tài chính thông báo danh mục và vốn các dự án đã đủ thủ tục đầu tư và đảm bảo các quy định về điều kiện bố trí vốn cho từng Bộ, đồng gửi Kho bạc nhà nước để làm căn cứ kiểm soát thanh toán vốn. Trường hợp dự án chưa đúng theo quy định, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các Bộ điều chỉnh lại.

- Đối với dự án do các tỉnh quản lý, Bộ Tài chính thông báo danh mục và vốn các dự án đã đủ thủ tục đầu tư và đảm bảo các quy định về điều kiện bố trí vốn cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Tài chính. Sở Tài chính chuyển thông báo cho Kho bạc nhà nước tỉnh để làm căn cứ kiểm soát thanh toán vốn. Trường hợp dự án chưa đúng theo quy định, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các tỉnh điều chỉnh lại.

- Đối với dự án Tái định cư Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, việc lập và thông báo kế hoạch vốn theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

1.3- Tài liệu làm căn cứ thẩm tra và thông báo danh mục dự án và vốn đầu tư:

Chủ đầu tư dự án do các Bộ quản lý göi Bộ Tài chính, chủ đầu tư dự án do các tỉnh quản lý gửi Bộ Tài chính và Sở Tài chính các tài liệu cơ sở của dự án để thÈm tra, thông báo danh mục vµ vốn của các dự án đầu tư (các tài liệu này chỉ gửi một lần cho đến khi dự án kết thúc đầu tư, trừ trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh), bao gồm:

- Đối với dự án chuẩn bị đầu tư: văn bản phê duyệt dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư.

- Đối với dự án thực hiện đầu tư: dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật) kèm quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có); quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật (đối với dự án thiết kế 3 bước) hoặc quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công (đối với dự án thiết kế 1 bước và 2 bước) và quyết định phê duyệt tổng dự toán.

2. Kho bạc nhà nước cấp vốn cho dự án để trả nợ vốn tín dụng theo quy định như sau:

2.1- Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư và hồ sơ thanh toán trả nợ (gồm hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, thông báo trả nợ của tổ chức cho vay), Kho bạc nhà nước kiểm soát, cấp vốn cho dự án đồng thời chuyển tiền chi trả trực tiếp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2.2- Kho bạc nhà nước chỉ kiểm soát tính hợp pháp của hồ sơ thanh toán trả nợ và số tiền trả nợ từng lần, không kiểm soát giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành đã được Ngân hàng Phát triển kiểm soát khi giải ngân. Việc kiểm soát giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành được thanh toán do Ngân hàng Phát triển thực hiện và chịu trách nhiệm.

2.3- Nếu điều kiện nguồn vốn cho phép, chủ đầu tư được trả nợ vay sớm so với thời hạn trả nợ trong hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển.

3. Về tạm ứng vốn:

3.1- Các gói thầu xây dựng được tạm ứng vốn sau khi ký hợp đồng, mức tạm ứng bằng 20% giá trị gói thầu.    

3.2- Các dự án có các loại vật tư là cấu kiện, bán thành phẩm trong xây dựng có giá trị lớn phải được sản xuất trước hoặc vật tư đặc chủng phải nhập khẩu, phải dự trữ được tạm ứng vốn theo quy định chung.  

4. Điều chỉnh mức vốn thanh toán:

4.1- Nếu tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn thanh toán thực tế trong năm của các dự án có thay đổi so với mức vốn đăng ký đầu năm, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện điều chỉnh giảm mức vốn của các dự án không có khả năng thực hiện, tăng mức vốn cho các dự án có khả năng thực hiện vượt tiến độ. Việc điều chỉnh vốn đảm bảo nguyên tắc không được vượt vốn của từng dự án, không vượt vốn theo ngành và không vượt tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho cả giai đoạn 2003-2010. Để phù hợp với thời điểm phát hành trái phiếu Chính phủ, thời gian điều chỉnh mức vốn đầu tư hàng năm kết thúc vào ngày 31 tháng 10.

Các Bộ, UBND các tỉnh gửi báo cáo điều chỉnh mức vốn các dự án (nếu có) về Bộ Tài chính để làm căn cứ thông báo vốn và chủ động điều chỉnh mức phát hành trái phiếu Chính phủ.

4.2- Đối với các dự án đang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nay được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hoặc các dự án được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ bố trí để đầu tư tiếp và trong phạm vi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được quyết định, không thanh toán cho phần vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác đã bố trí cho dự án.

4.3- Các dự án đã được ứng trước vốn ngân sách nhà nước được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn ứng. Số vốn hoàn ứng được bố trí trong nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ hàng năm và được thu hồi bằng cách trừ vào mức thanh toán vốn đầu tư của dự án. Đối với các dự án do địa phương quản lý đã được Bộ Tài chính ứng vốn trong các năm trước, Ủy ban nhân dân các tỉnh bố trí vào nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ năm 2006, 2007 để hoàn ứng. Bộ Tài chính chuyển vốn cho địa phương, đồng thời thu hồi số vốn đã ứng trước.

4.4- Các dự án đang đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng nhà nước nay được chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì được tiếp tục giải ngân vốn tín dụng theo kế hoạch và hợp đồng tín dụng đã ký và chấm dứt giải ngân đến hết ngày 31/10/2003. Sau thời điểm đó, dự án được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư tiếp và trả nợ vốn tín dụng đã vay. Riêng các dự án đường ngang của tuyến N1 thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, vốn trái phiếu Chính phủ bố trí để đầu tư tiếp nhằm hoàn thành dứt điểm theo văn bản số 41/TB-VPCP ngày 09/3/2005 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Phát triển giao thông vận tải vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và văn bản số 4069/VPCP-KTTH ngày 22/7/2005 của Văn phòng Chính phủ về việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tuyến N1 cho các dự án dở dang vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, không trả nợ vốn tín dụng đã vay.

5. Về chuyển vốn, hạch toán, quyết toán vốn:

5.1- Chuyển vốn: căn cứ vào khả năng nguồn vốn, Bộ Tài chính chuyển vốn nguồn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho các dự án như sau:

- Đối với dự án do các Bộ quản lý, căn cứ thông báo danh mục và vốn đầu tư của Bộ Tài chính và nhu cầu vốn thanh toán của các dự án, Kho bạc nhà nước lập kế hoạch thanh toán vốn hàng quý gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chuyển vốn sang Kho bạc nhà nước, Kho bạc nhà nước chuyển vốn về Kho bạc nhà nước nơi dự án mở tài khoản để thanh toán cho các dự án.

- Đối với dự án do các tỉnh quản lý, căn cứ thông báo danh mục và vốn đầu tư của Bộ Tài chính và nhu cầu vốn thanh toán của cỏc dự án do Kho bạc nhà nước tỉnh đề nghị, Sở Tài chính lập kế hoạch thanh toán vốn hàng quý gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chuyển vốn về Sở Tài chính, Sở Tài chính chuyển vốn sang Kho bạc nhà nước tỉnh. Sở Tài chính mở tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước tỉnh để tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính chuyển về.

- Đối với dự án Tái định cư Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, căn cứ nhu cầu vốn thanh toán của các dự án, Ngân hàng Phát triển lập kế hoạch thanh toán vốn hàng quý gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chuyển vốn sang Ngân hàng Phát triển.

- Đến hết thời hạn thanh toán hàng năm theo quy định, số vốn do cơ quan Tài chính đã chuyển nếu còn dư, các cơ quan thanh toán chuyển sang năm sau để thanh toán tiếp.

5.2- Quyết toán, hạch toán vốn:

- Các chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán vốn đầu tư hàng năm theo chế độ hiện hành về vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước nhưng quyết toán riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

- Các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh được giao quản lý, thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tổng hợp quyết toán từ các chủ đầu tư, quyết toán riêng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ với Bộ Tài chính (không tổng hợp vào nguồn vốn ngân sách nhà nước).

- Kho bạc nhà nước tổ chức hạch toán và theo dõi riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, quyết toán hàng năm với cơ quan Tài chính theo quy định. Đối với dự án do địa phương quản lý, Kho bạc nhà nước các tỉnh quyết toán với Sở Tài chính, Sở Tài chính quyết toán với Bộ Tài chính riêng nguồn vốn này (không quyết toán vào ngân sách địa phương).

- Ngân hàng Phát triển quyết toán với Bộ Tài chính về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã thanh toán cho các dự án được giao kiểm soát, thanh toán.

- Việc quyết toán vốn đầu tư dự án đầu tư hoàn thành được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quyết toán vốn đầu tư đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

6. Về chế độ báo cáo, quản lý và kiểm tra:

6.1- Mở hồ sơ theo dõi:

- Chủ đầu tư, các Bộ, tỉnh quản lý dự án lập và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ của dự án phục vụ cho việc theo dõi tình hình thực hiện, báo cáo, kiểm tra và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.       

- Hồ sơ được lập riêng cho từng dự án thành phần, tổng hợp theo từng cụm hoặc nhóm dự án hoặc theo dự án tổng thể (theo danh mục tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Nội dung hồ sơ bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến dự án từ khi bắt đầu thực hiện và được bổ sung thường xuyên, đầy đủ theo tiến độ thực hiện dự án và khi phát sinh điều chỉnh, bổ sung.          

- Các Bộ, tỉnh quản lý dự án gửi một bộ hồ sơ cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gồm:

+ Các văn bản pháp lý liên quan đến chủ trương đầu tư: Báo cáo đầu tư xây dựng công trình và quyết định phê duyệt dự án; quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán (dự toán); các văn bản khác liên quan đến chủ trương đầu tư (bao gồm cả văn bản bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh).

+ Các văn bản liên quan đến thực hiện dự án: Quyết định trúng thầu, chỉ định thầu; hợp đồng và thanh lý hợp đồng tín dụng (đối với dự án tín dụng); văn bản đối chiếu, xác nhận về vốn tín dụng.

6.2- Chế độ báo cáo định kỳ:

- Hàng quý, sáu tháng và cả năm, các chủ đầu tư dự án Trung ương bỏo cỏo cỏc Bộ quản lý; chủ đầu tư dự án địa phương bỏo cỏo Uỷ ban nhõn dõn tỉnh; các Bộ, Uỷ ban nhõn dõn tỉnh và Ngân hàng Phát triển báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ (theo biểu số 2/TPCP đính kèm).

- Hàng tháng, hàng quý, s¸u tháng và cả năm, Kho bạc nhà nước báo cáo Bộ Tài chính tình hình thanh toán các dự án thuéc vốn trái phiếu Chính phủ (chi tiết đến ngành, lĩnh vực và dự án) của các Bộ, ngành và các tỉnh; Ngân hàng Phát triển báo cáo Bộ Tài chính tình hình thanh toán các dự án được phân cấp quản lý thanh toán; Kho bạc nhà nước tỉnh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính tình hình thanh toán các dự án do địa phương quản lý (theo biểu số 3/TPCP đính kèm).

- Hàng quý, năm hoÆc đột xuất, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

6.3- Chế độ kiểm tra:

- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các dự án về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, tình hình thanh toán, sử dụng vốn và việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các chủ đầu tư được giao quản lý, thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra việc thực hiện tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình, tình hình sử dụng vốn; không được dùng nguồn vốn này để chi cho các nhiệm vụ, dự án ngoài danh mục dự án đã được quyết định; không để tình trạng vượt vốn đầu tư của dự án đã được duyệt và tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Phần 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 100/2003/TT-BTC ngày 24/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Các cơ quan, tổ chức quản lý dự án, chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này./.

 

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
   thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương
   các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
   trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- KiÓm to¸n nhµ n­íc;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố
   trực thuộc TW;
- Công báo; Website Bộ Tài chính;
- Website Chính phủ;
- Lưu VT, Vụ ĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN