Thông tư 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính
Số hiệu: | 210/2009/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 06/11/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 27/11/2009 | Số công báo: | Từ số 539 đến số 540 |
Lĩnh vực: | Kế toán, kiểm toán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 210/2009/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 6 tháng 11 năm 2009 |
- Căn cứ Luật Kế toán ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam như sau:
Chương I –
Thông tư này hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính và được áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế tại Việt Nam có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính.
Các nội dung được hướng dẫn áp dụng trong Thông tư này được căn cứ vào Chuẩn mực kế toán quốc tế và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được Uỷ ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành, công bố năm 2007.
Các thuật ngữ trong Chuẩn mực kế toán quốc tế số 32 - Trình bày công cụ tài chính (IAS 32) và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 07 - Thuyết minh công cụ tài chính (IFRS 07) được áp dụng trong Thông tư này như sau:
1 - Công cụ tài chính: Là hợp đồng làm tăng tài sản tài chính của đơn vị và nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác.
2 - Tài sản tài chính: Là các loại tài sản sau:
a) Tiền mặt;
b) Công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác;
c) Quyền theo hợp đồng để:
(i) Nhận tiền mặt hoặc tài sản tài chính khác từ đơn vị khác; hoặc
(ii) Trao đổi các tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính với đơn vị khác theo các điều kiện có thể có lợi cho đơn vị;
d) Hợp đồng sẽ hoặc có thể được thanh toán bằng các công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị.
3- Nợ phải trả tài chính: Là các nghĩa vụ sau:
a) Mang tính bắt buộc để:
(i) Thanh toán tiền mặt hoặc tài sản tài chính cho đơn vị khác;
(ii) Trao đổi các tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính với đơn vị khác theo các điều kiện không có lợi cho đơn vị; hoặc
b) Hợp đồng sẽ hoặc có thể được thanh toán bằng các công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị.
4 - Công cụ vốn Chủ sở hữu (CSH): Là hợp đồng chứng tỏ được những lợi ích còn lại về tài sản của đơn vị sau khi trừ đi toàn bộ nghĩa vụ của đơn vị đó.
5 - Công cụ tài chính phái sinh: Là một công cụ tài chính hoặc một hợp đồng thỏa mãn đồng thời ba đặc điểm sau:
a) Có giá trị thay đổi theo sự thay đổi của lãi suất, giá công cụ tài chính, giá hàng hóa, tỷ giá hối đoái, chỉ số giá cả hoặc lãi suất, xếp hạng tín dụng hoặc chỉ số tín dụng, hoặc các chỉ số khác với điều kiện trong trường hợp các chỉ số khác này là các biến số phi tài chính thì biến số đó không liên quan đến các bên tham gia hợp đồng (còn được gọi là các biến số cơ sở);
b) Không yêu cầu đầu tư thuần ban đầu hoặc yêu cầu đầu tư thuần ban đầu thấp hơn so với các loại hợp đồng khác có các phản ứng tương tự đối với sự thay đổi của các yếu tố thị trường; và
c) Được thanh toán vào một ngày trong tương lai.
6 - Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Là một tài sản tài chính hoặc một khoản nợ phải trả tài chính thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
a) Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được phân loại vào nhóm nắm giữ để kinh doanh. Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được phân loại vào nhóm chứng khoán nắm giữ để kinh doanh, nếu:
(i) Được mua hoặc tạo ra chủ yếu cho mục đích bán lại/ mua lại trong thời gian ngắn;
(ii) Có bằng chứng về việc kinh doanh công cụ đó nhằm mục đích thu lợi ngắn hạn; hoặc
(iii) Công cụ tài chính phái sinh (ngoại trừ các công cụ tài chính phái sinh được xác định là một hợp đồng bảo lãnh tài chính hoặc một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả).
b) Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, đơn vị xếp tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính vào nhóm phản ánh theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
7 - Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn: Là các tài sản tài chính phi phái sinh với các khoản thanh toán cố định hoặc có thể xác định và có kỳ đáo hạn cố định mà đơn vị có ý định và có khả năng giữ đến ngày đáo hạn, ngoại trừ:
a) Các tài sản tài chính mà tại thời điểm ghi nhận ban đầu đã được xếp vào nhóm ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
b) Các tài sản tài chính đã được xếp vào nhóm sẵn sàng để bán;
c) Các tài sản tài chính thỏa mãn định nghĩa về các khoản cho vay và phải thu.
Đơn vị sẽ không được phân loại bất cứ tài sản tài chính nào vào nhóm nắm giữ đến ngày đáo hạn nếu trong năm tài chính hiện tại hoặc trong hai năm tài chính trước đây đơn vị đã bán hoặc phân loại lại trước thời gian đáo hạn một số lượng nhiều hơn mức không đáng kể, trừ khi việc bán hoặc phân loại lại thỏa mãn các điều kiện:
(i) Gần kỳ đáo hạn (trước không quá 3 tháng kể từ thời điểm đáo hạn) đến mức việc thay đổi lãi suất thị trường không ảnh hưởng trọng yếu đến giá trị hợp lý của tài sản tài chính;
(ii) Được thực hiện sau khi đơn vị đã thu được phần lớn tiền gốc của tài sản tài chính theo tiến độ thanh toán hoặc được thanh toán trước;
(iii) Do nguyên nhân đặc biệt trong trường hợp riêng rẽ ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị, không lặp lại và đơn vị không thể dự đoán trước được.
8 - Các khoản cho vay và phải thu: Là các tài sản tài chính phi phái sinh với các khoản thanh toán cố định hoặc có thể xác định và không được niêm yết trên thị trường, ngoại trừ:
a) Các khoản mà đơn vị có ý định bán ngay hoặc sẽ bán trong tương lai gần được phân loại là tài sản nắm giữ vì mục đích kinh doanh, và cũng như các loại mà tại thời điểm ghi nhận ban đầu được đơn vị xếp vào nhóm ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
b) Các khoản được đơn vị xếp vào nhóm sẵn sàng để bán tại thời điểm ghi nhận ban đầu; hoặc
c) Các khoản mà người nắm giữ có thể không thu hồi được phần lớn giá trị đầu tư ban đầu, không phải do suy giảm chất lượng tín dụng, và được phân loại vào nhóm sẵn sàng để bán.
9 - Tài sản sẵn sàng để bán: Là các tài sản tài chính phi phái sinh được xác định là sẵn sàng để bán hoặc không được phân loại là:
a) các khoản cho vay và các khoản phải thu;
b) các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn;
c) các tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
10 - Hợp đồng bảo lãnh tài chính: Là một hợp đồng quy định bên phát hành có nghĩa vụ thanh toán bồi hoàn cho người nắm giữ bất kỳ tổn thất nào xảy ra nếu khách nợ không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán vào ngày đến hạn theo các điều khoản gốc hoặc đã sửa đổi của một công cụ nợ.
11 - Giá trị phân bổ của tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính: Được xác định bằng giá trị ghi nhận ban đầu của tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính trừ đi các khoản hoàn trả gốc, cộng hoặc trừ các khoản phân bổ lũy kế tính theo phương pháp lãi suất thực tế của phần chênh lệch giữa giá trị ghi nhận ban đầu và giá trị đáo hạn, trừ đi các khoản giảm trừ (trực tiếp hoặc thông qua việc sử dụng một tài khoản dự phòng) do giảm giá trị hoặc do không thể thu hồi.
12 - Phương pháp lãi suất thực tế: Là phương pháp tính toán giá trị phân bổ của một hoặc một nhóm tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính và phân bổ thu nhập lãi hoặc chi phí lãi trong kỳ có liên quan. Lãi suất thực tế là lãi suất chiết khấu các luồng tiền ước tính sẽ chi trả hoặc nhận được trong tương lai trong suốt vòng đời dự kiến của công cụ tài chính hoặc ngắn hơn, nếu cần thiết, trở về giá trị ghi sổ hiện tại thuần của tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính.
13 - Dừng ghi nhận: Là việc đưa tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính trước đây đã được ghi nhận ra khỏi bảng cân đối kế toán.
14 - Giá trị hợp lý: Là giá trị mà một tài sản có thể được trao đổi, hoặc một khoản nợ phải trả có thể được thanh toán giữa các bên có đầy đủ hiểu biết, mong muốn giao dịch, trong một giao dịch trao đổi ngang giá.
15 - Một giao dịch mua, bán thông thường: Là việc mua hoặc bán một tài sản tài chính theo một hợp đồng mà các điều khoản quy định việc chuyển nhượng tài sản trong một khoảng thời gian được xác định rõ theo quy định của luật pháp hoặc dựa trên thông lệ thị trường.
16 - Chi phí giao dịch: Là các khoản chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc mua, phát hành hoặc thanh lý một tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính. Chi phí này sẽ không phát sinh nếu đơn vị không mua, phát hành hoặc thanh lý công cụ tài chính đó.
17 - Cam kết chắc chắn: Là một thỏa thuận ràng buộc để trao đổi một số lượng nguồn lực cụ thể theo một mức giá xác định vào một thời điểm cụ thể trong tương lai.
18 - Giao dịch dự kiến: Là một giao dịch không được cam kết chắc chắn nhưng có thể dự kiến sẽ xảy ra trong tương lai.
19 - Công cụ phòng ngừa rủi ro: Là một công cụ phái sinh được xác định hoặc là một tài sản tài chính hay nợ phải trả tài chính phi phái sinh được xác định (chỉ nhằm phòng ngừa các rủi ro do thay đổi tỷ giá) có giá trị hợp lý hoặc luồng tiền dự kiến bù trừ với các thay đổi trong giá trị hợp lý hoặc luồng tiền của đối tượng được phòng ngừa rủi ro.
20 - Đối tượng được phòng ngừa rủi ro: Là tài sản, nợ phải trả, cam kết chắc chắn, các giao dịch dự đoán có khả năng cao xảy ra trong tương lai hoặc một khoản đầu tư thuần trong hoạt động đầu tư tại nước ngoài mà (a) đơn vị phải chịu rủi ro về thay đổi giá trị hợp lý hoặc dòng tiền tương lai và (b) đã xác định là được phòng ngừa rủi ro.
21 - Hiệu quả phòng ngừa rủi ro: Là mức độ các thay đổi trong giá trị hợp lý hoặc dòng tiền (do các rủi ro được phòng ngừa) của đối tượng được phòng ngừa rủi ro được bù trừ với các thay đổi trong giá trị hợp lý hoặc dòng tiền của công cụ phòng ngừa rủi ro.
QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ SỐ 32 “CÔNG CỤ TÀI CHÍNH: TRÌNH BÀY”
Việc áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế số 32 (IAS 32) là để hướng dẫn các nguyên tắc trong việc trình bày các công cụ tài chính trên Báo cáo tài chính.
1 - Thông tư này được áp dụng cho tất cả các đơn vị và tất cả các loại công cụ tài chính ngoại trừ:
a) Các khoản đầu tư vào và lợi ích từ các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết; Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 08 – Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh; Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25 – Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con.
b) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
c) Các thoả thuận về khoản mục tiềm tàng trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đối với bên mua theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 - Hợp nhất kinh doanh.
d) Các hợp đồng bảo hiểm theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 19 - Hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, thông tư này áp dụng cho bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm nếu các công cụ tài chính phái sinh đi kèm hợp đồng bảo hiểm được kế toán tách rời với hợp đồng bảo hiểm.
đ) Những công cụ tài chính nằm trong phạm vi điều chỉnh của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 19 - Hợp đồng bảo hiểm do các công cụ tài chính này có đặc điểm là có phần không đảm bảo.
e) Các công cụ tài chính, các hợp đồng và nghĩa vụ của các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu.
2 - Thông tư này áp dụng cho các hợp đồng mua hoặc bán các khoản mục phi tài chính được thanh toán thuần bằng tiền mặt hoặc các công cụ tài chính khác hoặc bằng cách trao đổi các công cụ tài chính.
3 - Thông tư này áp dụng cho hợp đồng quyền chọn về việc mua hoặc bán các khoản mục phi tài chính có thể thanh toán thuần bằng tiền mặt hoặc công cụ tài chính khác hoặc bằng cách trao đổi các công cụ tài chính.
Điều 6. Trình bày các khoản Nợ phải trả tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu
1 - Tổ chức phát hành các công cụ tài chính phải phân loại công cụ đó hoặc các phần của công cụ đó tại thời điểm ghi nhận ban đầu là nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu phù hợp với bản chất và định nghĩa của nợ phải trả tài chính và công cụ vốn chủ sở hữu.
2 - Công cụ tài chính được tổ chức phát hành trình bày là công cụ vốn chủ sở hữu khi công cụ tài chính không bao gồm nghĩa vụ theo hợp đồng để trả tiền hoặc tài sản tài chính cho đơn vị khác hoặc trao đổi tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính với đơn vị khác theo các điều kiện có thể bất lợi cho người phát hành. Các công cụ tài chính không phải là công cụ vốn chủ sở hữu được tổ chức phát hành trình bày là nợ phải trả.
3 - Cổ phiếu ưu đãi được trình bày là nợ phải trả tài chính nếu có điều khoản yêu cầu người phát hành phải mua lại một số lượng cổ phiếu ưu đãi nhất định tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai.
Điều 7. Trình bày các khoản Dự phòng thanh toán tiềm tàng
Công cụ tài chính có thể yêu cầu đơn vị phải trả tiền hoặc tài sản tài chính phụ thuộc vào sự xuất hiện hoặc không xuất hiện các sự kiện không chắc chắn trong tương lai nằm ngoài sự kiểm soát của cả người phát hành và người nắm giữ công cụ, được trình bày là nợ phải trả tài chính của bên phát hành công cụ tài chính.
Điều 8. Trình bày Quyền chọn thanh toán
Công cụ tài chính phái sinh là quyền chọn được trình bày là tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính.
Điều 9. Trình bày các công cụ tài chính phức hợp
1 - Tổ chức phát hành công cụ tài chính phi phái sinh phải xem xét các điều khoản trong công cụ tài chính để xác định liệu công cụ đó có bao gồm cả thành phần nợ phải trả và thành phần vốn chủ sở hữu hay không. Việc nhận biết các thành phần của công cụ tài chính phức hợp được căn cứ vào nghĩa vụ phải trả (nợ phải trả tài chính) của đơn vị tạo ra từ công cụ tài chính và quyền của người nắm giữ công cụ để chuyển đổi thành công cụ vốn chủ sở hữu. Ví dụ, trái phiếu chuyển đổi có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông là công cụ tài chính phức hợp, gồm hai bộ phận: Nợ phải trả tài chính (thỏa thuận mang tính bắt buộc phải chi trả tiền mặt hoặc tài sản tài chính) và công cụ vốn chủ sở hữu (quyền chuyển đổi thành cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định).
2 - Phần được phân loại là nợ phải trả tài chính trong công cụ tài chính phức hợp được trình bày riêng biệt với phần được phân loại là tài sản tài chính hoặc vốn chủ sở hữu trên Bảng Cân đối kế toán.
3 - Giá trị ghi sổ ban đầu của công cụ tài chính phức hợp được phân bổ cho thành phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Phần vốn chủ sở hữu được xác định là giá trị còn lại của công cụ tài chính sau khi trừ đi giá trị hợp lý của phần nợ phải trả. Giá trị của công cụ phái sinh (như là hợp đồng quyền chọn bán) đi kèm công cụ tài chính phức hợp không thuộc phần vốn chủ sở hữu (như là quyền chọn chuyển đổi vốn chủ sở hữu) được trình bày trong phần nợ phải trả. Tổng giá trị ghi sổ cho các phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu khi ghi nhận ban đầu luôn bằng với giá trị hợp lý của công cụ tài chính.
Điều 10. Trình bày Cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ được trình bày là một khoản mục riêng biệt giảm trừ vốn chủ sở hữu. Đơn vị không ghi nhận lãi, lỗ khi phát sinh việc mua, bán, phát hành hay hủy bỏ cổ phiếu quỹ. Số tiền nhận được hoặc phải trả được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.
Điều 11. Trình bày các khoản tiền lãi, cổ tức, lỗ và lãi.
1 - Tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận, các khoản lỗ và lãi có liên quan đến công cụ tài chính hoặc cấu phần của nó mà là nợ tài chính phải trả được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Cổ tức, lợi nhuận trả cho các cổ đông được ghi giảm trực tiếp vào vốn chủ sở hữu. Trường hợp cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả thì khoản phải trả cho các cổ đông về cổ tức của cổ phiếu ưu đãi đó được ghi nhận vào chi phí trong kỳ.
2 - Chi phí giao dịch liên quan đến việc phát hành công cụ tài chính phức hợp được phẩn bổ cho các thành phần nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công cụ đó theo tỷ lệ. Chi phí giao dịch liên quan đến nhiều giao dịch được phân bổ cho các giao dịch đó trên cơ sở tỷ lệ tương ứng với các giao dịch. Chi phí giao dịch được trình bày là khoản giảm trừ vốn chủ sở hữu trong kỳ báo cáo.
3 - Các khoản lãi, lỗ phát sinh do những thay đổi giá trị ghi sổ nợ phải trả tài chính được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Điều 12. Bù trừ tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính trên Bảng cân đối kế toán
Tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính được bù trừ cho nhau trên Bảng cân đối kế toán khi và chỉ khi đơn vị:
a) Có quyền hợp pháp để bù trừ giá trị đã được ghi nhận; và
b) Có dự định thanh toán trên cơ sở thuần hoặc ghi nhận tài sản và thanh toán nợ phải trả cùng một thời điểm.
QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ SỐ 07 “CÔNG CỤ TÀI CHÍNH: THUYẾT MINH”
Việc quy định áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 07 (IFRS07) trong Thông tư này nhằm mục đích hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá sự ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của đơn vị; Đánh giá bản chất cũng như phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của đơn vị.
Thông tư này được áp dụng cho tất cả các đơn vị và tất cả các loại công cụ tài chính ngoại trừ:
1 - Các khoản đầu tư vào và lợi ích từ các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết; Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 08 – Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh; Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25 – Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con.
2 - Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
3 - Các thoả thuận về khoản mục tiềm tàng trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đối với bên mua theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 - Hợp nhất kinh doanh.
4 - Các hợp đồng bảo hiểm theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 19 - Hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, thông tư này áp dụng cho bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm nếu các công cụ tài chính phái sinh đi kèm hợp đồng bảo hiểm được kế toán tách rời với hợp đồng bảo hiểm.
5 - Các công cụ tài chính, các hợp đồng và nghĩa vụ của các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu.
Điều 15. Phân nhóm công cụ tài chính và mức độ thuyết minh
Công cụ tài chính được phân nhóm phù hợp với bản chất của các thông tin được trình bày và có tính đến các đặc điểm của các công cụ tài chính đó. Đơn vị phải cung cấp đầy đủ thông tin cho phép đối chiếu với các khoản mục tương ứng được trình bày trên Bảng cân đối kế toán.
Điều 16. Mức độ trọng yếu của công cụ tài chính đối với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh
Đơn vị phải trình bày thông tin cho phép người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá được mức độ trọng yếu của các công cụ tài chính đối với tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Điều 17. Trình bày các loại tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính
Giá trị ghi sổ của từng loại tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính sau được trình bày trong bảng cân đối kế toán hoặc trong thuyết minh báo cáo tài chính:
1- Tài sản tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trong đó tách riêng tài sản tài chính được đơn vị xếp vào nhóm này tại thời điểm ghi nhận ban đầu và tài sản tài chính nắm giữ để kinh doanh;
2 - Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
3 - Các khoản cho vay và phải thu;
4 - Tài sản tài chính sẵn sàng để bán;
5 - Nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trong đó tách riêng nợ phải trả tài chính được đơn vị xếp vào nhóm này tại thời điểm ghi nhận ban đầu và nợ phải trả tài chính nắm giữ để kinh doanh;
6 - Nợ phải trả tài chính được xác định theo giá trị phân bổ.
1 - Nếu đơn vị phân loại một khoản cho vay hoặc phải thu (hoặc nhóm các khoản cho vay hoặc phải thu) vào nhóm được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, đơn vị sẽ phải thuyết minh về:
a) Mức độ rủi ro tín dụng tối đa của khoản cho vay hoặc phải thu (hoặc nhóm các khoản cho vay hoặc phải thu) tại ngày báo cáo;
b) Mức độ giảm thiểu rủi ro tín dụng của các công cụ phái sinh tín dụng có liên quan hoặc các công cụ tương tự;
c) Giá trị hợp lý của khoản cho vay hoặc phải thu (hoặc nhóm các khoản cho vay hoặc phải thu) cuối kỳ, những thay đổi về giá trị hợp lý trong kỳ do thay đổi về rủi ro tín dụng của tài sản tài chính;
d) Giá trị hợp lý cuối kỳ và thay đổi về giá trị hợp lý trong kỳ của các công cụ tài chính phái sinh tín dụng có liên quan hoặc các công cụ tương tự kể từ khi khoản cho vay hoặc phải thu được phân loại vào nhóm này.
2 - Đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau đối với nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
a) Giá trị hợp lý cuối kỳ, những thay đổi về giá trị hợp lý trong kỳ do thay đổi về rủi ro tín dụng của các khoản nợ phải trả tài chính.
b) Chêch lệch giữa giá trị ghi sổ của nợ phải trả tài chính và giá trị đơn vị phải thanh toán khi đáo hạn theo hợp đồng cho chủ sở hữu của các khoản nợ đó.
Điều 19. Thuyết minh đối với việc phân loại lại
Khi phân loại lại các công cụ tài chính, đơn vị phải trình bày giá trị công cụ tài chính sau khi được phân loại lại, nguyên nhân và ảnh hưởng của việc phân loại lại công cụ tài chính tới Báo cáo tài chính.
Điều 20. Thuyết minh về việc dừng ghi nhận
Khi chuyển nhượng tài sản tài chính không đủ điều kiện dừng ghi nhận, đơn vị phải thuyết minh những thông tin sau cho mỗi loại tài sản tài chính:
1 - Bản chất của tài sản;
2 - Bản chất của việc chuyển giao rủi ro và quyền sở hữu;
3 - Giá trị ghi sổ của tài sản và nợ phải trả có liên quan nếu đơn vị tiếp tục ghi nhận toàn bộ tài sản đó; và
4 - Giá trị ghi sổ ban đầu của tài sản, giá trị mà đơn vị tiếp tục ghi nhận và giá trị ghi sổ của các khoản nợ có liên quan nếu đơn vị tiếp tục ghi nhận tài sản trong phạm vi quyền sở hữu của mình.
Điều 21. Thuyết minh về tài sản đảm bảo
1 - Đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau đối với tài sản đảm bảo:
a) Giá trị ghi sổ của các tài sản tài chính mà đơn vị sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản nợ phải trả hoặc các khoản nợ tiềm tàng, bao gồm các khoản đã được phân loại lại; và
b) Những điều khoản và điều kiện thế chấp.
2 - Nếu đơn vị nắm giữ tài sản thế chấp (là tài sản tài chính hoặc phi tài chính) và được phép bán hoặc đem tài sản đó đi thế chấp cho bên thứ 3 trong trường hợp chủ sở hữu tài sản vẫn có khả năng trả nợ, đơn vị cần thuyết minh các thông tin sau:
a) Giá trị hợp lý của tài sản thế chấp;
b) Giá trị hợp lý của tài sản thế chấp đã bán hoặc đem đi thế chấp cho bên thứ 3 và thông tin về nghĩa vụ hoàn trả tài sản của đơn vị; và
c) Điều khoản và điều kiện liên quan đến việc sử dụng các tài sản thế chấp.
Điều 22. Dự phòng cho tổn thất tín dụng
Khi các tài sản tài chính bị giảm giá do tổn thất tín dụng và đơn vị ghi nhận dự phòng ở một tài khoản riêng (tài khoản dự phòng dùng để ghi nhận giảm giá cho từng tài sản hoặc một tài khoản tương tự để ghi nhận giảm giá của nhóm tài sản), thay vì trực tiếp hạch toán giảm giá trị ghi sổ của tài sản, đơn vị phải đối chiếu những thay đổi của tài khoản dự phòng đó trong kỳ cho từng loại tài sản tài chính.
Điều 23. Thuyết minh về công cụ tài chính phức hợp gắn liền với nhiều công cụ tài chính phái sinh
Nếu đơn vị phát hành một công cụ bao gồm cả thành phần nợ phải trả và thành phần vốn chủ sở hữu và công cụ này gắn liền với nhiều công cụ tài chính phái sinh có giá trị phụ thuộc lẫn nhau (ví dụ: công cụ nợ có thể chuyển đổi có thể mua lại), đơn vị phải thuyết minh chi tiết các thành phần của công cụ tài chính phức hợp và công cụ tài chính phái sinh đi kèm.
Điều 24. Thuyết minh các khoản vay mất khả năng thanh toán và vi phạm hợp đồng
Đối với các khoản vay phải trả được ghi nhận tại ngày báo cáo, đơn vị phải thuyết minh:
1 - Chi tiết những lần không trả được (nếu có) của nợ gốc, nợ lãi của các khoản vay đó;
2 - Giá trị ghi sổ của khoản vay mà đơn vị không có khả năng thanh toán tại ngày báo cáo; và
3 - Thông tin về việc liệu đã khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán nêu trên của đơn vị hoặc đã có hay chưa việc các điều khoản của khoản vay đã được đàm phán lại, trước ngày phê duyệt phát hành báo cáo tài chính.
Điều 25. Trình bày các khoản mục thu nhập, chi phí, lãi hoặc lỗ
Đơn vị phải thuyết minh những khoản mục thu nhập, chi phí, lãi, lỗ sau trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc trong Thuyết minh báo cáo tài chính:
1 - Lãi hoặc lỗ thuần của:
a) Các tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Trình bày riêng rẽ lãi hoặc lỗ thuần của tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được xếp vào nhóm này tại thời điểm ghi nhận ban đầu và tài sản hoặc nợ phải trả tài chính nắm giữ để kinh doanh;
b) Tài sản tài chính sẵn sàng để bán; Trình bày riêng rẽ các khoản lãi, lỗ ghi nhận trực tiếp vào thu nhập trong kỳ và các khoản phân loại lại từ vốn chủ sở hữu sang thu nhập trong kỳ;
c) Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
d) Các khoản cho vay và phải thu; và
đ) Nợ phải trả tài chính được xác định theo giá trị phân bổ.
2 - Tổng thu nhập tiền lãi và tổng chi phí lãi vay (sử dụng lãi suất thực tế) cho tài sản tài chính hay nợ phải trả tài chính không thuộc nhóm được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
3 - Thu nhập và chi phí từ phí dịch vụ (ngoại trừ các khoản đã tính khi xác định lãi suất thực) phát sinh từ:
a) Các tài sản hay nợ phải trả tài chính không thuộc nhóm được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; và
b) Các hoạt động ủy thác khác dẫn đến việc nắm giữ hay đầu tư tài sản thay mặt cá nhân, các quỹ ủy thác, quỹ hưu trí và các tổ chức khác.
4 - Thu nhập tiền lãi dồn tích đối với các tài sản tài chính bị giảm giá.
5 - Khoản lỗ do giảm giá trị của mỗi loại tài sản tài chính.
Điều 26. Trình bày các chính sách kế toán
Đơn vị phải trình bày trong phần tóm tắt các chính sách kế toán áp dụng các cơ sở xác định giá trị công cụ tài chính được sử dụng trong quá trình lập Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán khác có liên quan.
Điều 27. Thuyết minh về nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro
1 - Đơn vị phải thuyết minh riêng cho từng loại phòng ngừa rủi ro: Phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý; Phòng ngừa rủi ro dòng tiền; Phòng ngừa rủi ro khoản đầu tư thuần vào các hoạt động ở nước ngoài, với các nội dung sau:
a) Mô tả từng loại phòng ngừa rủi ro;
b) Mô tả các công cụ tài chính được dùng làm công cụ phòng ngừa rủi ro và giá trị hợp lý của chúng tại ngày báo cáo; và
c) Bản chất của rủi ro được phòng ngừa.
2 - Đối với phòng ngừa rủi ro về luồng tiền, đơn vị phải thuyết minh thêm thông tin về:
a) Khoảng thời gian dự kiến phát sinh dòng tiền và khoảng thời gian dự kiến những dòng tiền này sẽ ảnh hưởng đến lãi, lỗ của đơn vị;
b) Mô tả các giao dịch dự kiến trong tương lai đã được phòng ngừa rủi ro nhưng nay dự kiến không phát sinh;
c) Giá trị ghi nhận vào vốn chủ sở hữu trong kỳ;
d) Giá trị được phân loại lại từ vốn chủ sở hữu sang Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ, chỉ rõ giá trị phân loại lại cho từng khoản mục trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; và
đ) Giá trị được tách ra khỏi vốn chủ sở hữu trong kỳ và bao hàm trong giá gốc hoặc giá trị ghi sổ của một tài sản hoặc nợ phải trả phi tài chính mà việc mua hay phát sinh những tài sản hoặc nợ phải trả phi tài chính này là một giao dịch dự kiến có nhiều khả năng xảy ra đã được phòng ngừa rủi ro.
3 - Ngoài ra, đơn vị phải trình bày riêng rẽ:
a) Đối với phòng ngừa rủi ro về giá trị hợp lý: Lãi hoặc lỗ của công cụ phòng ngừa rủi ro và của khoản mục được phòng rủi ro liên quan đến các rủi ro được phòng ngừa.
b) Phần không hiệu quả trong phòng ngừa rủi ro về luồng tiền được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; và
c) Phần không hiệu quả trong phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư thuần vào các hoạt động ở nước ngoài được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Điều 28. Thuyết minh về giá trị hợp lý
Đơn vị phải thuyết minh các thông tin về giá trị hợp lý như sau:
1- Giá trị hợp lý của những tài sản và nợ phải trả tài chính để có thể so sánh giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ.
2 - Các phương pháp xác định giá trị hợp lý của từng loại tài sản hay nợ phải trả tài chính.
Điều 29. Những thuyết minh định tính
Đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau đối với mỗi loại rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính:
1 - Mức độ rủi ro và cách thức phát sinh rủi ro;
2 - Mục tiêu, chính sách, quy trình quản lý rủi ro và phương pháp sử dụng để đo lường rủi ro; và
3 - Những thay đổi của mức độ rủi ro, cách thức phát sinh rủi ro, mục tiêu, chính sách, quy trình quản lý rủi ro và phương pháp sử dụng để đo lường rủi ro so với kỳ trước.
Điều 30. Những thuyết minh định lượng
Đơn vị phải thuyết minh tóm tắt số liệu về mức độ rủi ro tại ngày báo cáo đối với mỗi loại rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính.
Điều 31. Thuyết minh về rủi ro tín dụng
1 - Đơn vị phải thuyết minh theo loại công cụ tài chính các thông tin sau:
a) Số liệu thể hiện trung thực nhất mức độ rủi ro tín dụng tối đa tại ngày báo cáo không tính đến tài sản đảm bảo hay hỗ trợ tín dụng;
b) Mô tả về tài sản đảm bảo nắm giữ làm vật thế chấp và các loại hỗ trợ tín dụng;
c) Thông tin về chất lượng tín dụng của các tài sản tài chính chưa quá hạn hay chưa bị giảm giá; và
d) Giá trị ghi sổ của các tài sản tài chính đáng nhẽ ra bị quá hạn hoặc bị giảm giá nhưng đã được đàm phán lại.
2 - Đối với tài sản tài chính đã quá hạn hoặc giảm giá, đơn vị phải thuyết minh những thông tin sau:
a) Phân tích tuổi nợ của các tài sản tài chính đã quá hạn nhưng không giảm giá tại ngày báo cáo;
b) Phân tích tài sản tài chính được đánh giá riêng biệt là có giảm giá trị tại ngày báo cáo, bao gồm những nhân tố mà đơn vị sử dụng khi xem xét sự giảm giá trị của tài sản; và
c) Mô tả và ước tính về giá trị hợp lý của tài sản đảm bảo nắm giữ bởi đơn vị.
3 - Đối với Tài sản đảm bảo và các hình thức hỗ trợ tín dụng nhận được , đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau:
a) Bản chất và giá trị ghi sổ của tài sản thu được; và
b) Nếu các tài sản chưa sẵn sàng chuyển thành tiền mặt, chính sách của đơn vị về việc thanh lý những tài sản đó hoặc việc sử dụng chúng trong hoạt động của đơn vị.
Điều 32. Thuyết minh về rủi ro thanh khoản
Đơn vị phải thuyết minh các thông tin sau:
1 - Phân tích thời gian đáo hạn còn lại dựa theo hợp đồng của các khoản nợ phải trả tài chính; và
2 - Mô tả phương thức quản lý rủi ro thanh khoản tiềm tàng.
Điều 33. Thuyết minh về rủi ro thị trường
Đơn vị phải thuyết minh và phân tích độ nhạy cảm đối với mỗi loại rủi ro thị trường tại ngày báo cáo, chỉ rõ mức độ ảnh hưởng tới lãi, lỗ và vốn chủ sở hữu của đơn vị bởi thay đổi trong các biến số rủi ro liên quan có khả năng tồn tại tại ngày báo cáo; Các phương pháp và giả định được sử dụng trong phân tích độ nhạy cảm và những thay đổi về phương pháp và giả định được sử dụng so với kỳ trước, và lý do của sự thay đổi đó.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, được áp dụng để trình bày và thuyết minh các công cụ tài chính trên Báo cáo tài chính từ năm 2011 trở đi.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính Ban hành: 27/11/2008 | Cập nhật: 28/11/2008