Thông tư 189/2011/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương năm 2012
Số hiệu: 189/2011/TT-BQP Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng Người ký: Phùng Quang Thanh
Ngày ban hành: 07/11/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 189/2011/TT-BQP

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG Ở CÁC BỘ, NGÀNH VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2012

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 16 tháng 4 năm 2005;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng,

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và các địa phương năm 2012 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện Điều 2, Điều 4, Điều 5, Điều 7, Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; đồng thời hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN), Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 về Khu vực phòng thủ, Nghị định số 117/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ (DQTV), Luật Quốc phòng để các bộ, ngành và các địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện trong năm 2012.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là bộ, ngành Trung ương);

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

3. Bộ Tư lệnh các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ đội Biên phòng, và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;

4. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

Điều 3. Quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng - an ninh

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trọng tâm là chỉ đạo quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI;

2. Tăng cường quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng, động viên quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, công tác dân quân tự vệ, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh.

3. Các bộ, ngành Trung ương, các quân khu, địa phương cần kịp thời ban hành đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cấp, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, công tác dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng - an ninh trong năm 2012.

Điều 4. Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh

1. Tích cực tham gia xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác GDQP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.

2. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp, nhất là cấp cơ sở. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, trọng tâm là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng mới được bổ nhiệm, điều chuyển sau Đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 2011. Tăng cường thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành Trung ương có trụ sở tại các địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo.

3. Chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện môn học GDQP-AN cho học sinh, sinh viên trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học, các học viện, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm GDQP-AN theo quy định. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chương trình GDQP-AN trong các trường tôn giáo; tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo giáo viên GDQP-AN theo Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Phối hợp chặt chẽ với các ngành thông tin - truyền thông, báo, đài của Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, các quan điểm của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng-an ninh toàn dân; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia; nêu cao ý thức cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

5. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc triển khai xây dựng các Trung tâm GDQP-AN theo Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GDQP-AN trong những năm tới.

Điều 5. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và thực hiện công tác động viên, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ

1. Xây dựng cơ quan quân sự địa phương các cấp vững mạnh toàn diện; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả làm tham mưu và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan quân sự địa phương và Ban chỉ huy quân sự các cấp.

2. Các quân khu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Dân quân tự vệ. Chỉ đạo thực hiện việc tổ chức sơ kết, tổng kết xây dựng mô hình điểm theo Quyết định số 1902/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với Ban Chỉ huy quân sự Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ban Chỉ huy quân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Than Uông Bí thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ban Chỉ huy quân sự Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và xây dựng mô hình điểm về tổ chức, huấn luyện, hoạt động của lực lượng DQTV ở các địa phương để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Thực hiện Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2010 về phê duyệt Đề án đào tạo thí điểm cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở giai đoạn 2011 - 2020 và những năm tiếp theo.

3. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quân sự, quốc phòng cho đội ngũ cán bộ quân sự ở các bộ, ngành, địa phương; coi trọng việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự các cấp, cán bộ quân sự chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quân sự của các bộ, ngành để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ. Chỉ đạo thực hiện tốt việc huấn luyện cho lực lượng bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân tự vệ đúng thời gian, nội dung sát thực tế; thực hiện tốt việc tổ chức hội thi, hội thảo ở từng cấp bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các quân khu, địa phương liên quan chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức Hội thao quốc phòng trong năm 2012.

4. Tăng cường rà soát, kiểm tra việc đăng ký, quản lý chặt chẽ nguồn động viên (quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật), kiện toàn tổ chức, quân số, trang bị các đơn vị dự bị động viên theo đúng quy định của Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên; xây dựng lực lượng dự bị động viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ, công dân trong độ tuổi tham gia dân quân tự vệ. Thực hiện tốt việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và công dân làm nghĩa vụ dân quân tự vệ.

5. Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ, nhất là Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không. Phối hợp chặt chẽ với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm lâm và các lực lượng khác trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; tích cực tham gia bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Dân quân thường trực, Dân quân tự vệ biển, lực lượng dân quân tự vệ trên các địa bàn trọng điểm. Tăng cường luyện tập, diễn tập các phương án chiến đấu, tham gia phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, kịp thời xử trí khi có tình huống xảy ra.

Điều 6. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ

1. Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, nhất là trên địa bàn các tỉnh biên giới, các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, điều chỉnh quy hoạch vùng phải thiết thực góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận phòng thủ của các địa phương.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng tăng cường chỉ đạo thực hiện việc xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới theo Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 03 tháng 10 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ.

3. Đối với các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các quân khu, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn chuyên ngành theo phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực thực hiện tốt việc xây dựng, hoạt động, diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố; chỉ đạo triển khai xây dựng Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh (Kế hoạch B) theo Chỉ thị số 12/2008/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương nơi đặt trụ sở.

4. Các quân khu, địa phương chỉ đạo kịp thời việc rà roát, điều chỉnh, bổ sung quyết tâm chiến đấu, kế hoạch tác chiến phòng thủ sát với tình hình, nhiệm vụ; bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; kế hoạch động viên công nghiệp và kế hoạch dự trữ vật tư, trang thiết bị cho xử trí các tình huống có thể xảy ra.

5. Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các quân khu, địa phương hướng dẫn thống nhất việc triển khai tổ chức khảo sát, xây dựng hệ thống kế hoạch động viên quốc phòng, trước hết là kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; tiếp tục quán triệt triển khai, hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch về công tác động viên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng

1. Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (khóa XIII), xem xét, quyết định. Tích cực tổ chức khảo sát, hội thảo để thực hiện bảo đảm tiến độ xây dựng Dự án Luật Quân đội nhân dân Việt Nam, Dự án Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, các địa phương.

2. Các quân khu, các cơ quan, đơn vị quân đội hoàn thành tổng kết các văn bản pháp luật về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam làm cơ sở xây dựng Luật QĐNDVN vào quý I năm 2012. Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ trong quý I năm 2012.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoàn thành tốt việc tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác quốc phòng tại Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; kiểm tra toàn diện công tác quốc phòng địa phương tỉnh Lạng Sơn/QK1 và tỉnh Khánh Hòa/QK5.

Bộ Tổng tham mưu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giúp Hội đồng GDQP-AN Trung ương tổ chức tốt việc kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng - an ninh đối với Hội đồng GDQP-AN QK1, Hội đồng GDQP-AN tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh; Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo Kế hoạch công tác năm 2012 của Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương.

Cơ quan Thường trực Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra công tác quốc phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra công tác GDQP-AN Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN tỉnh Hải Dương/QK3, tỉnh Ninh Thuận/QK5, tỉnh Bình Thuận/QK7 và tỉnh Đồng Tháp/QK9.

Các Bộ, ngành, đơn vị quân đội và các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng - an ninh theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ.

4. Các quân khu, các bộ, ngành, địa phương ban hành đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ; đồng thời chủ động xác định kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp; kịp thời tổng hợp kết quả báo cáo về Bộ Quốc phòng qua Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng (Cục Dân quân tự vệ/Bộ Tổng tham mưu).

Điều 8. Bảo đảm ngân sách cho công tác quốc phòng, quân sự

1. Các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện tốt việc lập dự toán, thực hiện và thanh quyết toán ngân sách bảo đảm cho công tác quốc phòng, công tác Dân quân tự vệ và Giáo dục quốc phòng - an ninh theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; bảo đảm ngân sách kịp thời theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia công tác quốc phòng, quân sự theo các quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy quân sự các bộ, ngành Trung ương và cơ quan quân sự địa phương các cấp cần tích cực, chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người chỉ huy cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở các bộ, ngành, địa phương bảo đảm đúng nguyên tắc, hiệu quả thiết thực và tiết kiệm.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- VPTW Đảng, VPCT nước, VPCP (03b);
- Các đ/c Thứ trưởng BQP (06b);
- BTTM, TCCT và các Tổng cục thuộc BQP (06b);
- Các bộ, ngành TW (66b);
- BTL các QK, QC, BC, BĐ, BĐBP, TSQLQ1, TSQLQ2 và BTL Thủ đô Hà Nội (20b);
- Các Tập đoàn, TCT thuộc BQP (05b);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (63b);
- BTL TP.HCM, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố (62b);
- C20, C50, C51, C55, C56, C59, C63, C64, C69, C23, C54, C41, C40, Vụ Pháp chế/BQP (14b);
- C57 (10b);
- Lưu: VT, PC, NCTH, (M.260b).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Phùng Quang Thanh

 

 





Nghị định 117/2008/NĐ-CP về phòng thủ dân sự Ban hành: 14/11/2008 | Cập nhật: 20/11/2008

Nghị định 116/2007/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng - an ninh Ban hành: 10/07/2007 | Cập nhật: 30/07/2007