Thông tư 159/2009/TT-BTC sửa đổi Thông tư 56/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán quỹ bình ổn giá xăng dầu
Số hiệu: 159/2009/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Văn Hiếu
Ngày ban hành: 06/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 24/08/2009 Số công báo: Từ số 399 đến số 400
Lĩnh vực: Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 159/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2009

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 56/2009/TT-BTC NGÀY 23/3/2009 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HÌNH THÀNH, SỬ DỤNG, QUYẾT TOÁN QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg ngày 09/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu;
Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 như sau:

"Giá vốn bán lẻ cơ sở được tính bằng: [giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt] nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế VAT cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) mức trích Quỹ bình ổn giá bắt buộc cộng (+) các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành của pháp luật cộng (+) Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cộng (+) Lợi nhuận định mức.

Trong đó:

- Giá vốn bán lẻ cơ sở được tính bình quân cho một đơn vị hàng hóa phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông theo quy định của pháp luật.

- Giá CIF là giá bán xăng dầu thế giới theo công bố của tờ Plaltt’s Singapore được tính bình quân cho một đơn vị hàng hóa phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông theo quy định của pháp luật cộng (+) chi phí phát sinh để đưa xăng dầu về đến cảng Việt Nam (chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển...).

- Tỷ giá ngoại tệ là tỷ giá bán bình quân thực tế của ngân hàng thương mại đến thời điểm xác định giá, nơi mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giao dịch thường xuyên phục vụ việc nhập khẩu xăng dầu.

- Chi phí kinh doanh xăng dầu được tính tối đa 600 đồng/lít đối với xăng, dầu hỏa, diedel; tối đa 400 đồng/kg đối với madut và sẽ được điều chỉnh cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ.

- Lợi nhuận định mức được tính tối đa tương ứng giá vốn bán lẻ cơ sở 300 đồng/lít(kg). Lợi nhuận thu được thực tế của doanh nghiệp tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện chế độ đăng ký giá định hướng bán ra với Tổ giám sát liên Bộ Tài chính - Công Thương về giá xăng dầu, chịu sự giám sát việc thực hiện của Tổ giám sát liên Bộ và quy định về cơ chế quản lý, điều hành giá bán xăng dầu của Bộ Tài chính."

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 như sau:

"2. Quỹ bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá vốn bán lẻ cơ sở là 500 đồng/lít (kg) và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá thành để hình thành giá vốn bán lẻ xăng, dầu của doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào diễn biến của giá thị trường thế giới, Tổ giám sát liên Bộ Tài Chính - Công Thương sẽ thông báo cụ thể mức trích và thời gian trích Quỹ bình ổn giá với mức thấp hơn, hoặc cao hơn quy định trên, hoặc tạm thời chưa trích Quỹ bình ổn giá cho phù hợp với tình hình thị trường sau khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Liên Bộ Tài Chính - Công Thương."

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 như sau:

“Điều 5. Cơ chế sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu:

1. Khi giá xăng dầu thế giới bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu trong nước giảm, làm cho giá vốn bán lẻ cơ sở giảm hơn so với giá bán lẻ trong nước hiện hành tối đa đến 500 đồng/lít (kg) của từng loại xăng dầu, doanh nghiệp giữ ổn định giá bán hiện hành phù hợp với thời gian quy định của Nhà nước về bảo đảm mức dự trữ lưu thông tối thiểu. Sau thời gian này, nếu giá vốn bán lẻ cơ sở của từng loại xăng, dầu tiếp tục giảm trên 500 đồng/lít (kg), doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm giá bán lẻ tính từ mốc giá vốn giảm vượt trên 500 đồng/lít (kg). Doanh nghiệp chủ động thực hiện giảm giá nhiều lần, mức độ giảm giá không hạn chế, mức giảm tối đa không vượt quá giá vốn bán lẻ cơ sở. Không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán lẻ.

2. Khi giá xăng dầu thế giới bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông xăng, dầu trong nước tăng:

a) Trường hợp Quỹ Bình ổn giá có đủ nguồn lực tài chính để bình ổn giá:

Khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng làm giá vốn bán lẻ cơ sở tính theo quy định tại Thông tư này tăng cao hơn giá bán trong nước hiện hành của từng loại xăng dầu đến 500 đồng/lít (kg), các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán phù hợp với thời gian quy định của Nhà nước về bảo đảm mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu. Khoản chênh lệch lỗ phát sinh do phải giữ ổn định giá bán so với giá vốn bán lẻ cơ sở được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá.

 Sau thời gian giữ ổn định giá bán trên, trong khoảng thời gian dự trữ lưu thông tối thiểu tiếp theo nếu:

- Giá thị trường thế giới vẫn giữ ở mức thấp, hoặc ổn định làm cho giá vốn bán lẻ cơ sở ngang bằng hoặc thấp hơn giá bán hiện hành 500 đồng/lít (kg), doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá bán trong nước.

- Giá thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, làm cho giá vốn bán lẻ cơ sở tính theo quy định tại Thông tư này cao hơn giá bán hiện hành 500 đồng/lít (kg), các doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá bán sau khi thực hiện chế độ đăng ký giá theo quy định hiện hành nhưng mức điều chỉnh tối đa cho từng lần không vượt quá 500 đồng/lít (kg). Trường hợp trong các chu kỳ của khoảng thời gian dự trữ lưu thông tiếp theo, nếu giá vốn bán lẻ cơ sở tiếp tục tăng vượt quá 500 đồng/lít (kg) so với giá bán hiện hành, các doanh nghiệp thực hiện trình tự điều chỉnh giá bán như trên. Khoản chênh lệch lỗ phát sinh được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.

b) Trường hợp Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết, không còn số dư hoặc Quỹ bình ổn giá chưa đủ nguồn lực tài chính để bình ổn giá, khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới biến động tăng cao, tăng đột biến làm cho giá vốn bán lẻ cơ sở của doanh nghiệp tính theo quy định tại Thông tư này tăng cao hơn giá bán trong nước hiện hành; doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá bán sau khi thực hiện chế độ đăng ký giá theo quy định hiện hành để điều chỉnh giá phù hợp với sự biến động của giá vốn xăng dầu thành phẩm trên thị trường mà không bị ràng buộc bởi quy định tại tiết a khoản 2 Điều này."

Điều 4. Hiệu lực thi hành.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Cục trưởng Cục Quản lý giá, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao;
- Bộ Công Thương;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Các doanh nghiệp KD xăng dầu đầu mối;
- TCT, Cục TCDN, Vụ CST, Vụ PC, Vụ CĐKT;
- Lưu: VT, Cục QLG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Trần Văn Hiếu