Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu: 15/2015/TT-BKHCN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Trần Việt Thanh
Ngày ban hành: 25/08/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 17/09/2015 Số công báo: Từ số 987 đến số 988
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2015/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và trình tự, thủ tục đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Thương nhân kinh doanh xăng dầu;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Thương nhân sản xuất, nhập khẩu, pha chế xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không đưa ra lưu thông trên thị trường theo đăng ký với Bộ Công Thương;

b) Nhiên liệu bay hàng không.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định lượng xăng dầu cần đo.

2. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

3. Bên giao xăng dầu là thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu thực hiện việc xuất giao xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký.

4. Bên nhận xăng dầu là thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thực hiện việc nhận xăng dầu từ Bên giao xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký.

5. Bên vận chuyển xăng dầu là thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện việc nhận xăng dầu từ Bên giao xăng dầu, vận chuyển và bàn giao xăng dầu cho Bên nhận xăng dầu.

Các từ ngữ khác trong Thông tư này được hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu

1. Xăng dầu của thương nhân sản xuất, pha chế, thương nhân nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học hiện hành (sau đây viết là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Đối với xăng dầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân sản xuất, pha chế, thương nhân nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và bảo đảm chất lượng xăng dầu phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng khi lưu thông trên thị trường.

3. Trách nhiệm đối với chất lượng xăng dầu khi có khiếu nại, tranh chấp được xác định dựa trên các mẫu lưu tại từng khâu trong quá trình sản xuất, pha chế, nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông phân phối xăng dầu.

4. Thương nhân kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về đo lường, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc sở hữu của mình và liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐO LƯỜNG TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

Điều 5. Đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối, tồn trữ, vận chuyển xăng dầu

Thương nhân nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối, tồn trữ, vận chuyển xăng dầu phải thực hiện các quy định về đo lường sau đây:

1. Phương tiện đo được sử dụng để xác định lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Các bộ phận, chi tiết của phương tiện đo phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt theo quy định;

b) Các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định;

c) Có phạm vi đo phù hợp với lượng xăng dầu cần đo;

d) Đã được kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị.

2. Khi một hoặc một số phương tiện đo quy định tại Khoản 1 Điều này được lắp đặt cùng với các cơ cấu, bộ phận khác tạo thành hệ thống đo dùng để xác định lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân thì hệ thống đo này phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định của pháp luật về đo lường.

3. Tuân thủ yêu cầu sử dụng phương tiện đo, hệ thống đo theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu và yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ về đo lường theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện phương tiện đo, hệ thống đo bị sai hỏng trong quá trình sử dụng, thương nhân sở hữu, sử dụng phương tiện đo, hệ thống đo phải dừng việc sử dụng và thực hiện biện pháp khắc phục để bảo đảm phương tiện đo, hệ thống đo phù hợp yêu cầu quy định.

4. Sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn sai số cho phép của phương tiện đo nêu tại khoản 1 hoặc của hệ thống đo nêu tại khoản 2 Điều này. Kết quả đo lượng xăng dầu phải được quy đổi về điều kiện cơ sở (nhiệt độ cơ sở là 15°C và áp suất cơ sở là 101325 Pa).

5. Phải xây dựng kế hoạch và định kỳ thực hiện tự kiểm tra phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo để bảo đảm lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán với nhà cung cấp, khách hàng phù hợp với quy định tương ứng tại Khoản 4 Điều này. Hồ sơ thực hiện việc định kỳ tự kiểm tra phải được lưu giữ cho tới khi hoàn thành lần kiểm định tiếp theo của phương tiện đo tại địa điểm thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

Điều 6. Đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu

Thương nhân bán lẻ xăng dầu phải thực hiện các quy định về đo lường sau đây:

1. Cột đo xăng dầu được sử dụng để xác định lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Các bộ phận, chi tiết, chức năng của cột đo xăng dầu phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt; trường hợp kiểm định lần đầu tiên trước khi đưa vào sử dụng, các bộ phận, chi tiết của cột đo xăng dầu phải bảo đảm mới 100 %;

b) Các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định;

c) Các cầu dao, thiết bị đóng ngắt nguồn điện của các cột đo xăng dầu trong cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải bảo đảm các quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ và chỉ được lắp đặt tại một vị trí. Vị trí lắp đặt này phải thuận tiện cho việc ra vào thực hiện việc đóng ngắt nguồn điện khi cần thiết; không được lắp đặt tại các vị trí kín đáo, khó tiếp cận. Nguồn cung cấp điện cho cột đo xăng dầu không được đóng ngắt bằng các phương tiện, thiết bị điều khiển từ xa;

d) Các công tắc điều khiển liên quan tới mạch điều khiển của cột đo xăng dầu không được lắp đặt ra bên ngoài cột đo (trừ công tắc kết thúc quá trình cấp phát xăng dầu theo thiết kế của nhà sản xuất). Không được phép sử dụng các phương tiện, thiết bị (ví dụ như bộ điều khiển từ xa, điện thoại di động, máy tính,..) có thể tác động làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu;

đ) Đã được kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị.

2. Tuân thủ yêu cầu sử dụng cột đo xăng dầu theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.

3. Sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn dương của sai số cho phép của phương tiện đo được sử dụng để bán xăng dầu. Kết quả đo lượng xăng dầu được xác định tại điều kiện đo thực tế.

4. Có sẵn các ca đong, bình đong có dung tích 1 L, 2 L, 5 L, 10 L và các ống đong chia độ có phạm vi đo phù hợp để tự kiểm tra định kỳ theo quy định tại Khoản 5 Điều này. Các ca đong, bình đong phải được kiểm định ban đầu và không bị móp méo, hư hỏng trong quá trình sử dụng.

5. Xây dựng kế hoạch và định kỳ theo tháng thực hiện tự kiểm tra ít nhất một (01) lần đối với phương tiện đo, điều kiện thực hiện phép đo để bảo đảm lượng xăng dầu trong bán lẻ cho khách hàng phù hợp với quy định tương ứng tại Khoản 3 Điều này. Hồ sơ thực hiện việc định kỳ tự kiểm tra phải được lưu giữ tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho tới khi hoàn thành lần kiểm định tiếp theo của phương tiện đo.

6. Khi phát hiện kết quả đo lượng xăng dầu không bảo đảm yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều này hoặc trường hợp cột đo xăng dầu bị hư hỏng, phải tiến hành hiệu chỉnh, sửa chữa, thay thế (sau đây viết tắt là sửa chữa) các chi tiết, bộ phận, chức năng (viết tắt là bộ phận) đã được niêm phong hoặc kẹp chì, thương nhân thực hiện biện pháp khắc phục như sau:

a) Dừng việc sử dụng; tuyệt đối không tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu;

b) Liên hệ và đề nghị bằng văn bản (gửi trực tiếp tại trụ sở hoặc qua đường bưu điện, fax, thư điện tử) tới cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo hoặc các đơn vị, đại lý có giấy chứng nhận ủy quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo (sau đây viết tắt là đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền) để tiến hành sửa chữa các bộ phận này đồng thời gửi tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và tổ chức đã kiểm định phương tiện đo. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thương nhân, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo phải đáp ứng đề nghị sửa chữa của thương nhân.

Thương nhân có quyền lựa chọn cơ sở khác thực hiện sửa chữa đối với một trong các trường hợp sau:

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đã giải thể, phá sản;

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi thương nhân và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (để báo cáo);

c) Khi kết thúc quá trình sửa chữa, phải tiến hành lập biên bản sửa chữa cột đo xăng dầu giữa thương nhân và cá nhân trực tiếp thực hiện sửa chữa. Biên bản phải có các thông tin cơ bản sau: tên và địa chỉ của cơ sở sửa chữa; tên, địa chỉ và số chứng minh nhân dân (kèm theo bản sao chứng minh nhân dân) của cá nhân trực tiếp thực hiện sửa chữa; thời gian thực hiện; kiểu, ký hiệu, số Serial của cột đo xăng dầu được sửa chữa; nội dung sửa chữa đã thực hiện; cách thức niêm phong hoặc kẹp chì các bộ phận được sửa chữa;

d) Thực hiện việc kiểm định cột đo xăng dầu sau khi sửa chữa để đưa vào sử dụng.

đ) Biên bản sửa chữa quy định tại Điểm c và Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo sau khi sửa chữa phải được lưu giữ tại địa điểm thuận tiện cho việc thanh tra, kiểm tra trong thời gian ít nhất mười hai (12) tháng sau khi cột đo xăng dầu này được kiểm định đạt yêu cầu theo quy định tại Điểm d Khoản này; bản sao Biên bản sửa chữa và Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo sau khi sửa chữa phải được gửi cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để báo cáo;

e) Trường hợp quá trình sửa chữa có sự cải tiến, cải tạo làm thay đổi chương trình điều khiển hoặc đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu so với mẫu đã được phê duyệt thì phải thực hiện việc phê duyệt mẫu mới theo quy định.

7. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng. Thiết bị in chứng từ bán hàng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm tình trạng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất và hoạt động tốt;

b) Chỉ in được chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng (ví dụ: Khi đặt vòi cấp phát vào giá treo trên cột đo xăng dầu);

c) Các thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm: Tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số Serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán;

d) Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi thông tin in trên chứng từ bán hàng, thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CHẤT LƯỢNG TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

Mục 1. LẤY MẪU, NIÊM PHONG MẪU, LƯU MẪU VÀ THỬ NGHIỆM MẪU KHI VẬN CHUYỂN HOẶC GIAO NHẬN XĂNG DẦU

Điều 7. Lấy mẫu, niêm phong mẫu, bàn giao mẫu và lưu mẫu xăng dầu phục vụ việc đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng

1. Nguyên tắc

a) Việc lấy mẫu, niêm phong mẫu, lưu mẫu và bàn giao mẫu xăng dầu quy định tại Điều này được áp dụng cho thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, thương nhân làm tổng đại lý, thương nhân làm đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu để đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng;

b) Mẫu lưu còn niêm phong sẽ là mẫu để đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng;

c) Việc lấy mẫu, niêm phong mẫu, lưu mẫu và bàn giao mẫu xăng dầu được thực hiện đối với từng lô hàng khi tiến hành vận chuyển hoặc giao nhận.

Trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu, phải lấy mẫu riêng cho từng xitec, hầm hàng, ngăn chứa của phương tiện vận chuyển lô hàng.

2. Phương pháp lấy mẫu

Cách thức lấy mẫu xăng dầu được thực hiện theo văn bản kỹ thuật hướng dẫn thực hiện lấy mẫu xăng dầu hiện hành do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành.

3. Bình chứa mẫu

Bình chứa mẫu phải được làm bằng các vật liệu không gây ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu, không rò rỉ và có nắp kín. Bình chứa mẫu phải được làm sạch, khô và cần được tráng kỹ bằng xăng dầu sẽ chứa trước khi lấy mẫu. Bình chứa mẫu phải có dung tích đủ lớn và bảo đảm an toàn khi chứa xăng dầu.

4. Số mẫu, lượng mẫu, biên bản lấy mẫu và niêm phong mẫu

a) Bên giao xăng dầu phải lấy mẫu xăng dầu đối với mỗi loại xăng dầu trong từng lần giao xăng dầu cho Bên nhận xăng dầu. Mẫu xăng dầu đã lấy phải được niêm phong và được xác nhận bởi đại diện có thẩm quyền của Bên giao xăng dầu và Bên vận chuyển; phải được gửi theo phương tiện vận chuyển đến Bên nhận xăng dầu;

b) Bên nhận xăng dầu phải lấy mẫu xăng dầu đối với mỗi loại xăng dầu trong từng lần tiếp nhận xăng dầu từ Bên giao xăng dầu (lấy tại xitec, hầm hàng, ngăn chứa của phương tiện vận chuyển trước khi nhập hàng). Mẫu xăng dầu đã lấy phải được niêm phong và được xác nhận bởi đại diện có thẩm quyền của Bên vận chuyển và Bên nhận xăng dầu;

c) Lượng thể tích mẫu xăng dầu lấy phải bảo đảm đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng;

d) Khi lấy mẫu, Bên giao xăng dầu phải lập biên bản (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này); Bên nhận xăng dầu phải lập biên bản (theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

5. Bảo quản mẫu và lưu mẫu

a) Bên vận chuyển phải bảo quản mẫu do Bên giao xăng dầu gửi theo phương tiện vận chuyển và bàn giao mẫu của Bên giao cho Bên nhận xăng dầu;

b) Bên nhận xăng dầu phải bảo quản, lưu mẫu đã tiếp nhận của Bên giao và mẫu đã lấy khi nhập xăng dầu cho đến khi nhập xăng dầu cùng loại hai (02) lần kế tiếp. Mẫu xăng dầu phải được bảo quản, lưu trong điều kiện phù hợp bảo đảm không bị biến đổi về chất lượng;

c) Trường hợp có tranh chấp hoặc kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền thì mẫu phải lưu theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Lấy mẫu, lưu mẫu và thử nghiệm xăng dầu phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng

1. Việc lấy mẫu xăng dầu được thực hiện theo văn bản kỹ thuật hướng dẫn thực hiện lấy mẫu xăng dầu hiện hành do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành.

2. Việc thử nghiệm xăng dầu phải thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định. Kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm được chỉ định là căn cứ pháp lý để đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Căn cứ thực tế, đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra chất lượng xăng dầu xác định và ghi rõ trong biên bản lấy mẫu về thời hạn lưu mẫu tại cơ quan thanh tra, kiểm tra thấp nhất là 30 ngày. Hết thời hạn lưu mẫu mà không có khiếu nại, cơ quan kiểm tra, thanh tra xử lý mẫu lưu theo quy định hiện hành.

Điều 9. Xác định trách nhiệm đối với chất lượng xăng dầu của thương nhân kinh doanh xăng dầu dựa trên mẫu lưu

Khi có tranh chấp, khiếu nại hoặc kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu, trách nhiệm về chất lượng xăng dầu của thương nhân kinh doanh xăng dầu được xác định dựa trên nguyên tắc nêu tại Khoản 3 Điều 4, cụ thể như sau:

1. Trường hợp mẫu của Bên giao xăng dầu gửi theo phương tiện vận chuyển và mẫu của Bên nhận xăng dầu lấy khi nhập hàng có kết quả thử nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng thì trách nhiệm về chất lượng xăng dầu có khiếu nại, tranh chấp hoặc kiểm tra nhà nước do Bên nhận xăng dầu chịu trách nhiệm.

2. Trường hợp mẫu của Bên giao xăng dầu gửi kèm theo phương tiện vận chuyển có kết quả thử nghiệm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng thì trách nhiệm về chất lượng xăng dầu có khiếu nại, tranh chấp hoặc kiểm tra nhà nước do Bên giao xăng dầu chịu trách nhiệm.

3. Trường hợp mẫu của Bên giao xăng dầu gửi kèm theo chương tiện vận chuyển có kết quả thử nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng nhưng mẫu của Bên nhận xăng dầu lấy khi nhập hàng có kết quả thử nghiệm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng thì Thương nhân kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu chịu trách nhiệm.

4. Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xăng dầu do các cơ quan thanh tra, kiểm tra lấy mẫu tại thương nhân đầu mối nếu xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU NHẬP KHẨU

Điều 10. Quản lý chất lượng xăng dầu của thương nhân nhập khẩu

Thương nhân nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010.

2. Xây dựng và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, bao gồm các nội dung sau:

a) Tần suất kiểm tra, giám sát và lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối;

b) Lưu giữ các hồ sơ kết quả thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát.

3. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

4. Niêm phong đối với xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi vận chuyển cho khách hàng. Niêm phong phải được kiểm tra, xác nhận giữa hai bên (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) và được thể hiện cụ thể trong hồ sơ giao nhận.

5. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng.

6. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) đối với từng đợt giao hàng.

7. Có quy trình kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn các loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

8. Có sẵn bản sao chứng chỉ chất lượng (giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận công bố hợp quy đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước; giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) và bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với từng loại xăng dầu.

Điều 11. Đối với xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Đối với xăng dầu nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân nhập khẩu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu trước khi làm thủ tục thông quan. Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong quá trình thực hiện kiểm tra nhà nước chất lượng xăng dầu nhập khẩu, nếu phát hiện xăng dầu nhập khẩu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu thực hiện xử lý theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Bảo đảm chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng khi xuất cho khách hàng. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.

Điều 12. Đối với xăng dầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Xăng dầu nhập khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân nhập khẩu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với từng loại sản phẩm theo quy định.

2. Bảo đảm chất lượng xăng dầu phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU SẢN XUẤT, PHA CHẾ TRONG NƯỚC

Điều 13. Quản lý chất lượng xăng dầu của thương nhân sản xuất, pha chế

Thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010.

2. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

3. Niêm phong đối với xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi vận chuyển cho khách hàng. Niêm phong phải được kiểm tra, xác nhận giữa hai bên (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) và được thể hiện cụ thể trong hồ sơ giao nhận.

4. Về năng lực thử nghiệm:

a) Có đủ trang thiết bị thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn QCVN 1 : 2009/BKHCN; xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng đối với phòng thử nghiệm xăng dầu theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 : 2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 : 2005;

b) Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có thực hiện pha chế xăng dầu nhưng chưa có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải đầu tư thiết bị bảo đảm đủ năng lực kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Trong thời gian đầu tư thiết bị thử nghiệm, thương nhân được phép thuê phòng thử nghiệm đáp ứng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có thay đổi, bổ sung hoặc thay thế, thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu thực hiện đầu tư thiết bị thử nghiệm theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Khi sử dụng phụ gia không thông dụng để sản xuất, pha chế xăng dầu, thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu phải đăng ký sử dụng phụ gia này và được chấp thuận đăng ký theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-BKHCN ngày 02 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nghiêm cấm việc sử dụng phụ gia không thông dụng khi chưa đăng ký và được chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa vào sản xuất, pha chế xăng dầu.

6. Trường hợp có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, thương nhân sản xuất xăng dầu phải xây dựng và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân bao gồm các nội dung sau:

a) Tần suất kiểm tra, giám sát và lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối;

b) Lưu giữ các hồ sơ kết quả thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát.

7. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng.

8. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) đối với từng đợt giao hàng.

9. Có quy trình kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn các loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

10. Có sẵn bản sao chứng chỉ chất lượng (giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận công bố hợp quy đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước; giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu) và bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với từng loại xăng dầu.

Điều 14. Đối với xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Xăng dầu được sản xuất, pha chế trong nước thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Đánh giá chứng nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (chứng nhận hợp quy).

2. Công bố hợp quy trên cơ sở kết quả đánh giá chứng nhận hợp quy; công bố tiêu chuẩn áp dụng. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

3. Bảo đảm chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng khi xuất cho khách hàng.

Điều 15. Đối với xăng dầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Xăng dầu được sản xuất, pha chế trong nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Thực hiện kiểm tra thử nghiệm chất lượng đối với từng lô xăng dầu thành phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố và chỉ đưa vào lưu thông các lô xăng dầu có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

2. Lưu giữ kết quả kiểm tra thử nghiệm của từng lô hàng, xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 16. Trình tự, thủ tục đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu

1. Thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu lập 01 bộ hồ sơ đăng ký cơ sở pha chế nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hồ sơ gồm:

a) Đơn đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu (theo Mẫu 3. ĐĐK quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu) hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp (đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu);

c) Bản sao Đăng ký kế hoạch pha chế nguyên liệu thành phẩm xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để pha chế thành phẩm xăng dầu;

d) Bản thuyết minh năng lực của từng cơ sở pha chế xăng dầu gồm các thông tin cơ bản sau:

- Tên xăng dầu thành phẩm; Bản công bố tiêu chuẩn áp dụng và chứng chỉ chất lượng phù hợp với bản công bố của loại xăng dầu thành phẩm được pha chế tại cơ sở;

- Phương pháp pha chế được sử dụng và hệ thống bồn bể, thiết bị tương ứng;

- Bảng kê khai chủng loại, chất lượng và xuất xứ các nguyên liệu, phụ gia dùng trong quá trình pha chế các loại xăng dầu thành phẩm;

- Năng lực phòng thử nghiệm hiện có tại cơ sở pha chế;

- Kế hoạch kiểm soát chất lượng xăng dầu pha chế.

2. Thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân đầu mối, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung;

b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân đầu mối, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu (theo Mẫu 4. GCN quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) cho cơ sở pha chế xăng dầu với thời hạn hiệu lực không quá năm (05) năm kể từ ngày cấp.

Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải thẩm định thực tế, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành thẩm xét hồ sơ, cử chuyên gia hoặc thành lập đoàn thẩm định thực tế tại thương nhân đầu mối. Chi phí phục vụ hoạt động thẩm định của chuyên gia hoặc đoàn thẩm định do thương nhân đầu mối chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ hồ sơ đăng ký, biên bản thẩm định thực tế và kết quả thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu (nếu có), trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu (theo Mẫu 4. GCN quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) cho cơ sở pha chế xăng dầu với thời hạn hiệu lực không quá năm (05) năm kể từ ngày cấp.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho thương nhân đầu mối;

c) Ba (03) tháng trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực, nếu tiếp tục pha chế xăng dầu, thương nhân đầu mối làm thủ tục đăng ký lại theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

d) Trường hợp điều chỉnh, bổ sung cơ sở pha chế xăng dầu, thương nhân đầu mối nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Khi có sự thay đổi dưới đây về cơ sở pha chế xăng dầu, thương nhân đầu mối phải thông báo về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được xem xét, quyết định việc pha chế xăng dầu:

a) Thay đổi địa chỉ nơi pha chế;

b) Thay đổi loại xăng dầu pha chế (bao gồm thay đổi về tiêu chuẩn công bố áp dụng);

c) Thay đổi thiết bị công nghệ pha chế.

Điều 17. Đình chỉ và hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu

1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, thực hiện đình chỉ hiệu lực có thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã cấp trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm các quy định về đo lường tại cơ sở pha chế;

b) Cơ sở pha chế không thực hiện đầy đủ kế hoạch kiểm soát chất lượng;

c) Phát hiện xăng dầu không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường được phân phối từ cơ sở pha chế này;

d) Bị đình chỉ hiệu lực Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;

đ) Không được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đăng ký kế hoạch pha chế nguyên liệu thành phẩm xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để pha chế thành phẩm xăng dầu;

e) Không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư này.

2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng căn cứ mức độ vi phạm, xem xét thực hiện hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã cấp trong các trường hợp sau:

a) Không đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và điều kiện sản xuất xăng dầu;

b) Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Thương nhân bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi;

c) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm các quy định về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn trình tự, thủ tục đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu.

Mục 4. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU TẠI THƯƠNG NHÂN PHÂN PHỐI, TỔNG ĐẠI LÝ

Điều 18. Quản lý chất lượng xăng dầu tại thương nhân phân phối

Thương nhân phân phối xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010.

2. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

3. Niêm phong đối với xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi vận chuyển cho khách hàng. Niêm phong phải được kiểm tra, xác nhận giữa hai bên và được thể hiện cụ thể trong hồ sơ giao nhận. Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) phải được lưu giữ và cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển đối với từng đợt giao hàng.

4. Có đủ trang thiết bị thử nghiệm hoặc thuê phòng thử nghiệm đáp ứng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Phòng thử nghiệm của thương nhân hoặc phòng thử nghiệm thuê ngoài phải xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 : 2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 : 2005 đối với các phép thử xăng dầu.

5. Xây dựng và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, bao gồm các nội dung sau:

a) Tần suất kiểm tra, giám sát và lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối;

b) Lưu giữ các hồ sơ kết quả thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát.

6. Bảo đảm chất lượng xăng dầu cung cấp trong hệ thống phân phối phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (đối với xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia); Không được tiếp nhận xăng dầu từ nguồn trôi nổi, không rõ xuất xứ để bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và giao cho các thương nhân nhận làm đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ.

7. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng.

8. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định khi phát hiện xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

9. Có quy trình kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

10. Lưu giữ bản sao giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận công bố hợp quy, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu, tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân đầu mối cung cấp.

Điều 19. Quản lý chất lượng xăng dầu tại tổng đại lý

Thương nhân là tổng đại lý phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010.

2. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

3. Niêm phong đối với xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi vận chuyển cho khách hàng. Việc niêm phong phải được kiểm tra, xác nhận giữa hai bên và được thể hiện cụ thể trong hồ sơ giao nhận. Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) phải được lưu giữ và cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển đối với từng đợt giao hàng.

4. Chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý xăng dầu cho một thương nhân đầu mối. Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học. Hợp đồng phải quy định rõ về mức chất lượng, chủng loại xăng dầu và trách nhiệm của các bên đối với chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển, lưu thông phân phối.

5. Xây dựng và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, bao gồm các nội dung sau:

a) Tần suất kiểm tra, giám sát và lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối;

b) Lưu giữ các hồ sơ kết quả thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát.

6. Đối với xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Chỉ được phân phối xăng dầu đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy hoặc có Thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bảo đảm chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi xuất cho khách hàng.

Đối với xăng dầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Chỉ được phân phối xăng dầu phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.

7. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng.

8. Cung cấp cho khách hàng, Bên vận chuyển Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này) đối với từng đợt giao hàng.

9. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định khi phát hiện xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

10. Có quy trình kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn các loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

11. Lưu giữ hồ sơ chất lượng theo quy định, bao gồm:

a) Bản sao tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân đầu mối cung cấp;

b) Hóa đơn hoặc bản sao hóa đơn mua hàng;

c) Hồ sơ khác có liên quan đến chất lượng xăng dầu (nếu có).

Mục 5. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU TẠI ĐẠI LÝ, THƯƠNG NHÂN NHẬN QUYỀN BÁN LẺ VÀ CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU

Điều 20. Quản lý chất Iượng xăng dầu trong phân phối tại đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu

Đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010. Phạm vi áp dụng hệ thống quản lý phải bao gồm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân.

2. Có quy trình kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn các loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

3. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

4. Kiểm tra niêm phong của xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi nhập hàng và kiểm tra niêm phong của bình chứa mẫu được lấy tại kho của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý.

5. Được ký hợp đồng với tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Hợp đồng phải quy định rõ về mức chất lượng, chủng loại xăng dầu và trách nhiệm của các bên đối với chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển, lưu thông phân phối.

6. Bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

7. Ngừng ngay việc bán xăng dầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định khi phát hiện xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

8. Lưu hồ sơ chất lượng theo quy định đối với từng loại xăng dầu khi nhập vào do thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý cung cấp, bao gồm:

a) Hóa đơn hoặc bản sao hóa đơn mua hàng;

b) Hồ sơ kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu;

c) Hồ sơ khác có liên quan đến chất lượng xăng dầu (nếu có).

Điều 21. Quản lý chất lượng xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Thương nhân kinh doanh xăng dầu có sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Thực hiện quy trình kiểm soát hệ thống bể chứa xăng dầu do thương nhân chủ sở hữu cửa hàng xăng dầu ban hành để duy trì chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng; bảo đảm hệ thống bể chứa xăng dầu không bị rò rỉ và chứa đựng lẫn các loại xăng dầu và việc thực hiện kiểm tra bể chứa xăng dầu phải được lưu hồ sơ.

2. Lấy mẫu, niêm phong và lưu mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương III của Thông tư này.

3. Kiểm tra niêm phong của xitec, hầm hàng, ngăn chứa và các van xuất nhập trên các phương tiện chứa xăng dầu trước khi nhập hàng và kiểm tra niêm phong của bình chứa mẫu được lấy tại kho của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối.

4. Thông báo công khai ở vị trí để nhận biết cho người tiêu dùng các thông tin về: loại xăng dầu kinh doanh theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành; tiêu chuẩn công bố áp dụng.

5. Lưu hồ sơ chất lượng theo quy định đối với từng loại xăng dầu khi nhập vào, bao gồm:

a) Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);

b) Biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong (theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);

c) Hồ sơ kiểm soát hệ thống bể chứa xăng dầu.

Mục 6. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU TRONG KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN XĂNG DẦU

Điều 22. Quản lý chất lượng xăng dầu trong kinh doanh dịch vụ vận chuyển

Thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2010.

2. Bảo đảm chất lượng xăng dầu vận chuyển phù hợp với chất lượng của mẫu lưu gửi kèm theo phương tiện vận chuyển do Bên giao xăng dầu cung cấp; bảo đảm tính nguyên vẹn của các niêm phong tại các xitec, hầm hàng, ngăn chứa của phương tiện vận chuyển và mẫu lưu theo phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển; không thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu trong suốt quá trình vận chuyển.

3. Ngừng ngay việc vận chuyển xăng dầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định khi phát hiện xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

4. Lưu hồ sơ chất lượng trong quá trình vận chuyển, bao gồm:

a) Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý (theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);

b) Biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong của đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu (theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Mục 7. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU XUẤT KHẨU

Điều 23. Quản lý chất lượng xăng dầu xuất khẩu

1. Thương nhân xuất khẩu xăng dầu phải cung cấp xăng dầu cho thương nhân nước ngoài đúng chất lượng theo hợp đồng đã ký kết.

2. Trường hợp xăng dầu xuất khẩu bị trả lại, thương nhân xuất khẩu xăng dầu phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường nội địa.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH XĂNG DẦU VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 24. Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu

1. Thực hiện các yêu cầu về đo lường, chất lượng tương ứng quy định tại Thông tư này.

2. Tuân thủ quy định về sử dụng đơn vị đo; thực hiện đúng nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đo lường khi tham gia hoạt động đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

3. Chỉ được đưa vào lưu thông trên thị trường các loại xăng dầu đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Thông tư này.

4. Thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan có thể kiểm tra phương pháp đo, kết quả đo, chất lượng của xăng dầu cung cấp cho khách hàng.

5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra về đo lường theo quy định của pháp luật. Tuân thủ yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả kiểm tra đặc thù) theo quy định. Chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Tuân thủ quy chế kiểm tra, giám sát về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với hệ thống phân phối do thương nhân tổ chức. Thông báo bằng văn bản về những vi phạm trong hệ thống phân phối cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

7. Lưu giữ hồ sơ đo lường, chất lượng theo quy định tại Thông tư này.

Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức kiểm định phương tiện đo

1. Không thực hiện kiểm định các cột đo xăng dầu được cải tạo, lắp ráp chắp vá không đúng với mẫu đã phê duyệt hoặc các cột đo xăng dầu không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 và Khoản 7 Điều 6 của Thông tư này.

2. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng phải thông báo ngay và phối hợp với cơ quan nhà nước về đo lường, chất lượng tại địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tuân thủ quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm định phương tiện đo tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đo lường.

Điều 26. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo

1. Thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường (như phê duyệt mẫu, kiểm định ban đầu) phương tiện đo theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về đo lường.

2. Chịu trách nhiệm về việc sửa chữa cột đo xăng dầu do chính cơ sở hoặc các đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 6 của Thông tư này.

3. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống sự tác động làm thay đổi các đặc trưng kỹ thuật đo lường chính hoặc chương trình điều khiển của phương tiện đo so với mẫu đã phê duyệt trong quá trình sử dụng (ví dụ như: không giao cho các đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền thực hiện việc nạp chương trình điều khiển cho các IC chương trình cột đo xăng dầu; thực hiện giải pháp kỹ thuật, thiết bị kỹ thuật để nhận dạng chương trình điều khiển, IC chương trình của cột đo xăng dầu do cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp; giải pháp để ngăn ngừa cơ sở khác tự ý tháo lắp, thay thế IC chương trình, nạp lại chương trình điều khiển của cột đo xăng dầu do cơ sở sản xuất, nhập khẩu cung cấp...). Báo cáo kịp thời bằng văn bản việc thực hiện các biện pháp đó tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thông báo cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các địa phương khi được đề nghị.

4. Tuân thủ quy định về trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đo lường.

Điều 27. Trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

1. Ban hành văn bản kỹ thuật hướng dẫn thực hiện lấy mẫu xăng dầu quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư này.

2. Phê duyệt mẫu phương tiện đo; cấp giấy chứng nhận đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo quy định của pháp luật về đo lường.

3. Quy định chi tiết về yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phương tiện đo, hệ thống đo; hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ kỹ thuật kiểm tra phép đo, kết quả đo, việc chuyển đổi kết quả đo lượng xăng dầu về điều kiện cơ sở.

4. Chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực thực hiện việc đánh giá sự phù hợp xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và theo quy định của Thông tư này.

5. Chủ trì thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu; hướng dẫn quy trình xử lý xăng dầu nhập khẩu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

6. Hướng dẫn thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện các biện pháp để người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể kiểm tra phép đo, kết quả đo, chất lượng của xăng dầu cung cấp cho khách hàng.

7. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Thông tư này.

8. Chủ trì thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động pha chế xăng dầu của thương nhân đầu mối.

9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 28. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này trên địa bàn địa phương.

2. Phê duyệt kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng trên cơ sở đề xuất của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định tại Thông tư này trên địa bàn địa phương.

3. Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu trên địa bàn và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Định kỳ tháng 3 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng trong hoạt động bán lẻ xăng dầu trên địa bàn địa phương.

Điều 29. Trách nhiệm của Chi cục Tiêu chuẩn Đo Iường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Thông tư này.

2. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch đã được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

3. Thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, thương nhân, nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu trên địa bàn địa phương theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Định kỳ tháng 3 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ tình hình kiểm tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động bán lẻ xăng dầu trên địa bàn địa phương.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.

2. Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 31. Tổ chức thực hiện

1. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.

2. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ và các cơ quan thanh tra khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện thanh tra về đo lường, chất lượng xăng dầu theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Trường hợp kết hợp kiểm tra nhà nước về đo lường và kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu, cơ quan kiểm tra được thực hiện lấy mẫu theo quy định tại Thông tư này để kết hợp kiểm tra theo quy định.

4. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, PC, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Việt Thanh

 

PHỤ LỤC

CÁC BIỂU MẪU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Mẫu biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng:

Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL

2. Mẫu biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong:

Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP

3. Mẫu đơn đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu:

Mẫu 3. ĐĐK

4. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu:

Mẫu 4. GCN

 

Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL
15/2015/TT-BKHCN

BÊN GIAO XĂNG DẦU
(ghi rõ tên doanh nghiệp)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

…………., ngày …. tháng ….. năm ……..

 

BIÊN BẢN LẤY MẪU, NIÊM PHONG, BÀN GIAO MẪU
VÀ CAM KẾT CHẤT LƯỢNG

Số: …………………

1. Tên, loại xăng dầu: ………………………………………………………………………….

2. Nguồn hàng (tên kho, bể cấp xăng dầu): …………………………………………………

3. Phương pháp lấy mẫu:

□ lấy mẫu di động    □ lấy mẫu cục bộ    □ lấy mẫu bằng dụng cụ MMC

□ lấy mẫu tại vị trí cấp phát

4. Tiêu chuẩn công bố áp dụng: ………………………………………………………………

5. Tên khách hàng nhận xăng dầu: …………………………………………………………...

6. Loại phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát, tên doanh nghiệp vận chuyển: ………

……………………………………………………………………………………………………..

7. Số niêm phong trên phương tiện vận chuyển: (ghi toàn bộ số niêm phong trên phương tiện vận chuyển) ………………………………………………………………………

8. Số mẫu lấy: 01 mẫu có mã số niêm phong ………………………., giao cho Bên vận chuyển bảo quản và bàn giao cho Bên nhận xăng dầu.

9. Mức chất lượng:

..... (tên thương nhân đầu mối/tổng đại lý) cam kết chất lượng mặt hàng xuất cho khách hàng ..... (kèm theo bình mẫu/chai mẫu có số niêm phong ………………..) phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng số: ………………………… và yêu cầu kỹ thuật quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (đối với xăng dầu thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN).

……… (tên thương nhân đầu mối/tổng đại lý) chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã cam kết nêu trên.

Biên bản này được lập thành 03 bản, mỗi Bên (Bên giao xăng dầu, Bên vận chuyển và Bên nhận xăng dầu) lưu 01 bản và có giá trị pháp lý như nhau.

 

Đại diện Bên vận chuyển
(Họ tên, chữ ký)

Đại diện Bên giao xăng dầu
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

 

Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP
15/2015/TT-BKHCN

BÊN NHẬN XĂNG DẦU
(ghi rõ tên doanh nghiệp)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

………., ngày …. tháng ….. năm …………

 

BIÊN BẢN LẤY MẪU, BÀN GIAO MẪU
VÀ KIỂM TRA NIÊM PHONG

Số: ……………………..

1. Tên, loại xăng dầu: …………………………………………………………………………

2. Tên thương nhân xuất hàng: ………………………………………………………………

3. Số lượng xăng dầu nhập: ………………………………………………………………….

4. Tên doanh nghiệp vận chuyển: ……………………………………………………………

5. Loại phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát: ………………………………………….

6. Số niêm phong trên phương tiện vận chuyển (ghi toàn bộ số niêm trên phương tiện vận chuyển): ………………………………………………………………………………………………

7. Số mẫu của Bên giao xăng dầu được chuyển theo phương tiện vận chuyển: 01 đơn vị mẫu. Số niêm phong trên bình mẫu (chai mẫu): ……………………………………….

8. Số mẫu lấy trước khi nhập hàng: 01 mẫu (không chia thành đơn vị mẫu). Số niêm phong bình mẫu (chai mẫu): ………………………………………………………………

Sau khi kiểm tra, hai bên thống nhất xác nhận các niêm phong trên phương tiện vận chuyển, bình mẫu (chai mẫu) do Bên giao xăng dầu gửi và bình mẫu (chai mẫu) lấy từ phương tiện vận chuyển trước khi nhập hàng còn nguyên vẹn, đủ niêm phong và các số niêm phong trùng với các số niêm phong được nêu trong Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng số:.... ngày …. tháng …. năm …. của ….. (tên Bên giao xăng dầu).

Mẫu lưu tại ………. (tên Bên nhận xăng dầu) là mẫu đại diện trong trường hợp xảy ra tranh chấp về chất lượng.

Biên bản này được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị pháp lý như nhau.

 

Đại diện Bên vận chuyển
(Họ tên, chữ ký)

Đại diện Bên giao xăng dầu
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

 

Mẫu 3. ĐĐK
15/2015/TT-BKHCN

TÊN DOANH NGHIỆP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

………., ngày …. tháng ….. năm …………

 

ĐĂNG KÝ CƠ SỞ PHA CHẾ XĂNG DẦU

Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Tên doanh nghiệp: ………………………………………………………………………………

Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ………………………………………… Số fax: ……………………………….

Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số ……. do…………… cấp ngày ... tháng ... năm ... (đối với thương nhân xuất, nhập khẩu)

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số ………….. do ……………… cấp ngày ... tháng ... năm ... (đối với thương nhân sản xuất xăng dầu).

Căn cứ Thông tư 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, (tên doanh nghiệp) đăng ký pha chế xăng dầu tại các cơ sở:

1. Danh sách các cơ sở đăng ký pha chế xăng dầu

STT

Tên cơ sở pha chế

Địa chỉ

Loại xăng dầu pha chế

1

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

2. Văn bản, tài liệu kèm theo bao gồm:

a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu) hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp (đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu);

b) Bản sao văn bản đăng ký kế hoạch pha chế nguyên liệu thành phẩm xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để pha chế thành phẩm xăng dầu;

c) Tài liệu thuyết minh năng lực của từng cơ sở điểm pha chế xăng dầu.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai trên đây và cam kết thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

 

 

Đại diện doanh nghiệp
(Họ tên, chữ ký, đóng dấu)

 

Mẫu 4. GCN
15/2015/TT-BKHCN

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:             /GCN-TĐC

Hà Nội, ngày ... tháng ... năm ……

 

GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐĂNG KÝ CƠ SỞ PHA CHẾ XĂNG DẦU

Căn cứ Quyết định số 27/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận:

1. (Tên doanh nghiệp)

Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………………………………

Số điện thoại: ……………………………………. Số fax: ……………………………………

Đã đăng ký các cơ sở pha chế xăng dầu:

STT

Tên cơ sở pha chế

Địa chỉ

Loại xăng dầu pha chế

1

 

 

 

2

 

 

 

3

 

 

 

2. (Tên doanh nghiệp) phải bảo đảm chất lượng xăng dầu tại các cơ sở pha chế theo đúng quy định trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

3. Giấy chứng nhận có hiệu lực ... năm kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, HCHQ.

TỔNG CỤC TRƯỞNG

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.

2. Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.

3. Sản xuất xăng dầu là quá trình lọc, chuyển hóa dầu thô, sản phẩm xăng dầu, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác thành các sản phẩm xăng dầu.

4. Pha chế xăng dầu là quá trình trộn sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác để chuyển hóa thành sản phẩm xăng dầu.

5. Cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm: Cảng chuyên dụng, nhà máy sản xuất, xưởng pha chế, kho, phương tiện vận chuyển và cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

6. Nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu bao gồm: Dầu thô, sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác.

7. Giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Liên Bộ Công Thương - Tài chính xác định và công bố.

8. Giá bán lẻ xăng dầu là giá bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

9. Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành; được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này. Trong đó:

Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) Phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam;

Tỷ giá ngoại tệ để tính giá CIF là tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này;

Tỷ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này;

Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng, Thuế bảo vệ môi trường; chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức; Quỹ Bình ổn giá; các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật.

10. Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân sản xuất xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

11. Thương nhân đầu mối bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu.

Thương nhân đầu mối là chủ sở hữu xăng dầu trên toàn hệ thống phân phối xăng dầu của mình, trừ trường hợp xăng dầu bán cho thương nhân phân phối xăng dầu và cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

12. Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.

13. Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là thương nhân làm đại lý kinh doanh xăng dầu, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để bán xăng dầu cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối để hưởng thù lao.

14. Đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân làm đại lý để thực hiện việc bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để hưởng thù lao.

15. Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

16. Bản sao là:

a) Bản sao có chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện, công văn hành chính).

b) Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp).

c) Bản scan từ bản gốc (nếu thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử).

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi khoản 1 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu

1. Việc quy đổi kết quả đo lượng xăng dầu về điều kiện cơ sở (theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 15) trong mua bán, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện như sau:

a) Xác định lượng xăng dầu tại điều kiện thực tế (Vt) bằng phương tiện đo có phạm vi đo phù hợp;

b) Xác định nhiệt độ (t) của lượng xăng dầu tại điều kiện thực tế bằng nhiệt kế có phạm vi đo phù hợp;

c) Xác định giá trị khối lượng riêng quy đổi của xăng dầu tại nhiệt độ 15°C (D15);

c.1) Tra cứu hồ sơ chất lượng đi kèm, xác định giá trị D15;

c.2) Trường hợp giá trị D15 không được cung cấp trong hồ sơ chất lượng, bên giao xăng dầu tiến hành xác định giá trị D15 như sau:

- Xác định khối lượng riêng Dt của lượng xăng dầu tại điều kiện thực tế bằng tỷ trọng kế hoặc bình tỷ trọng có phạm vi đo phù hợp;

- Căn cứ nhiệt độ (t) và khối lượng riêng Dt thực hiện tra Bảng 53B của Tiêu chuẩn ASTM D1250/API 2540 hoặc Tài liệu “Các bảng hiệu chính, đo tính xăng dầu và khí Gas hóa lỏng theo Tiêu chuẩn TCVN 6065-1995/ASTM.D1250/API.2540/IP.200” (viết tắt là Tiêu chuẩn) và xác định giá trị khối lượng riêng quy đổi của xăng dầu tại nhiệt độ 15°C (D15) (Tiêu chuẩn này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục tại địa chỉ: http://www.tcvn.gov.vn, hoạt động TCĐLCL, chuyên mục “Đo lường”). Trường hợp giá trị Dt ở giữa hai giá trị trong bảng thì tiến hành nội suy để xác định giá trị D15.

d) Căn cứ nhiệt độ (t) và D15 tra Bảng 54B trong Tiêu chuẩn để xác định là giá trị hệ số hiệu chính lượng xăng dầu quy đổi tại nhiệt độ 15°C (VCF). Trường hợp giá trị D15 ở giữa hai giá trị trong Bảng 54B thì tiến hành nội suy để xác định là giá trị VCF;

đ) Lượng xăng dầu quy đổi tại nhiệt độ 15°C (V15) được xác định theo công thức sau:

V15 = VCF x Vt

Ví dụ:

a) Sử dụng phương tiện đo phù hợp xác định được lượng xăng tại điều kiện thực tế (Vt) = 10 000 L;

b) Sử dụng nhiệt kế xác định được nhiệt độ (t) của lượng xăng tại điều kiện thực tế là 22°C;

c) Giá trị D15 không được cung cấp trong hồ sơ chất lượng đi kèm, tiến hành xác định D15:

c.1) Sử dụng tỷ trọng kế xác định được khối lượng riêng (Dt) của lượng xăng tại điều kiện thực tế là 0,709 kg/L;

c.2) Căn cứ nhiệt độ (t) và khối lượng riêng (Dt), thực hiện tra Bảng 53B của Tiêu chuẩn ta xác định được giá trị khối lượng riêng quy đổi của xăng tại nhiệt độ 15 °C (D15) là 0,7154 kg/L;

d) Căn cứ nhiệt độ t = 22°C và D15 = 0,7154 kg/L tra Bảng 54B để xác định giá trị VCF.

Giá trị VCF tương ứng trong Bảng 54B ở giữa hai giá trị 0,9909 và 0,9910, thực hiện nội suy như sau:

đ) Lượng xăng dầu quy đổi về nhiệt độ 15°C (V15) là:

V15 = VCF x Vt = 0 9 910 x 10 000 =9 910 L

V15 = 9 910 L là lượng xăng quy đổi tại nhiệt độ 15°C.

Xem nội dung VB
- Việc xây dựng kế hoạch và thực hiện định kỳ tự kiểm tra phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo được hướng dẫn bởi khoản 2 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
2. Việc xây dựng kế hoạch và thực hiện định kỳ tự kiểm tra phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo (quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 15) phải được thương nhân thực hiện với các nội dung chính sau đây:

a) Lập kế hoạch và nội dung định kỳ tự kiểm tra phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo phải được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn, tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất, nhập khẩu;

b) Trên cơ sở kế hoạch và nội dung kiểm tra nêu trên, tiến hành kiểm tra (ví dụ; kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện đo, hệ thống đo; điều kiện hoạt động (nhiệt độ, độ ẩm, điện áp, tần số của nguồn điện...) thực tế của phương tiện đo, hệ thống đo; trình tự thao tác, vận hành của người sử dụng... so với yêu cầu lắp đặt, vận hành, bảo quản trong hướng dẫn, tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất, nhập khẩu; kiểm tra sự phù hợp của chứng chỉ kiểm định (thời gian giá trị của chứng chỉ, tính nguyên vẹn...) so với quy định);

c) Ghi kết quả định kỳ tự kiểm tra đã thực hiện vào hồ sơ tự kiểm tra và lưu giữ theo quy định.

Xem nội dung VB
- Việc yêu cầu các bộ phận, chi tiết của cột đo xăng dầu phải bảo đảm mới 100% khi kiểm định lần đầu tiên trước khi đưa vào sử dụng được hướng dẫn bởi khoản 3 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
3. Yêu cầu các bộ phận, chi tiết của cột đo xăng dầu phải bảo đảm mới 100% khi kiểm định lần đầu tiên trước khi đưa vào sử dụng (quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 15) được thực hiện như sau:

3.1. Khi thực hiện việc kiểm định lần đầu tiên đối với cột đo xăng dầu để đưa vào sử dụng, thương nhân phải cung cấp cho tổ chức kiểm định một (01) bộ hồ sơ sau đây:

a) Bản sao (có xác nhận đúng với bản chính của cơ sở sản xuất, nhập khẩu) quyết định phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu còn hiệu lực;

b) Bản sao (có xác nhận đúng với bản chính của cơ sở sản xuất, nhập khẩu) tờ khai hàng hóa nhập khẩu sau khi thông quan, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), chứng nhận chất lượng hàng hóa (CQ) của hãng sản xuất. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng phải thể hiện hàng hóa là mới 100% hoặc chưa qua sử dụng (trường hợp cột đo xăng dầu nhập khẩu);

c) Bản cam kết của cơ sở sản xuất cột đo xăng dầu về các bộ phận, chi tiết bảo đảm là mới 100%, kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng thể hiện hàng hóa (ví dụ như bộ chỉ thị điện tử, hệ bơm, bầu lường, bộ phát xung) là mới 100% hoặc chưa qua sử dụng (trường hợp cột đo xăng dầu sản xuất tại Việt Nam).

3.2. Trước khi tiến bành kiểm định, tổ chức kiểm định kiểm tra hồ sơ nêu tại Khoản 3.1 của Mục này. Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kiểm tra sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết so với đặc tính kỹ thuật đo lường chính ghi trong quyết định phê duyệt mẫu;

b) Kiểm tra, đối chiếu kiểu, ký hiệu, số sản xuất, hãng sản xuất thể hiện trên cột đo xăng dầu hoặc các bộ phận, chi tiết với thông tin tương ứng trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng để xác định các bộ phận, chi tiết này là mới 100%;

c) Trường hợp các bộ phận, chi tiết có dấu hiệu không bảo đảm mới 100%, tổ chức kiểm định yêu cầu thương nhân cung cấp văn bản thẩm tra, giám định kỹ thuật về đo lường đối với các bộ phận, chi tiết này của tổ chức thử nghiệm cột đo xăng dầu được chỉ định. Danh sách các tổ chức thử nghiệm cột đo xăng dầu được Tổng cục chỉ định đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục tại địa chỉ http://www.tcvn.gov.vn, mục hoạt động TCĐLCL, chuyên mục “Quản lý đo lường”.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi khoản 4 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
4. Điểm c Khoản 1 Điều 6 Thông tư 15 được hiểu như sau: “Các cầu dao, thiết bị đóng ngắt nguồn điện trực tiếp của các cột đo xăng dầu trong cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải bảo đảm các quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ và chỉ được lắp đặt tại một vị trí. Vị trí lắp đặt này phải thuận tiện cho việc ra vào thực hiện việc đóng ngắt nguồn điện khi cần thiết; không được lắp đặt tại các vị trí kín đáo, khó tiếp cận. Nguồn cung cấp điện cho cột đo xăng dầu không được đóng ngắt bằng các phương tiện, thiết bị điều khiển từ xa”.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi khoản 5 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Đối với quy định về xây dựng kế hoạch và định kỳ theo tháng thực hiện tự kiểm tra ít nhất một (01) lần đối với phương tiện đo, điều kiện thực hiện phép đo (quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư 15), thương nhân thực hiện tương tự như tại Mục 2 của Công văn này với nội dung bổ sung như sau:

a) Việc lập kế hoạch và nội dung định kỳ tự kiểm tra tại Điểm a Mục 2: Bổ sung số lần tự kiểm tra, kế hoạch tự kiểm tra theo tháng; bổ sung nội dung tự kiểm tra sai số của kết quả phép đo;

b) Tiến hành kiểm tra hoạt động của phương tiện đo, điều kiện đo tại Điểm b Mục 2: bổ sung nội dung sử dụng các ca đong, bình đong và ống đong chia độ đã trang bị; tiến hành tự kiểm tra sai số của kết quả phép đo tại các giá trị mức đo tùy chọn.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi khoản 6 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
6. Khoản 6 Điều 6 Thông tư 15 được thực hiện như sau:

6.1. Điểm a Khoản 6 Điều 6 được thực hiện như sau: Thương nhân phải dừng việc sử dụng và tuyệt đối không tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu.

6.2. Điểm b Khoản 6 Điều 6 được thực hiện như sau:

a) Thương nhân liên hệ và đề nghị bằng văn bản (gửi trực tiếp tại trụ sở hoặc qua đường bưu điện, fax, thư điện tử) tới cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo hoặc các đơn vị, đại lý có giấy chứng nhận ủy quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo (sau đây viết tắt là đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền) để tiến hành sửa chữa các bộ phận này đồng thời gửi tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và tổ chức đã kiểm định phương tiện đo. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thương nhân, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo phải đáp ứng đề nghị sửa chữa của thương nhân. Đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền được tháo gỡ niêm phong, kẹp chì khi sửa chữa;

b) Trước ngày 30/4 hàng năm hoặc khi có sự thay đổi cần điều chỉnh, cập nhật, cơ sở sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm: Công bố công khai danh sách đơn vị được ủy quyền sửa chữa cột đo xăng dầu (tên, địa chỉ trụ sở, điện thoại, fax...) để thương nhân lựa chọn liên hệ; gửi danh sách này về Chi cục TCĐLCL địa phương nơi đặt trụ sở của đơn vị được ủy quyền để Chi cục hướng dẫn, kiểm tra hoạt động sửa chữa theo quy định.

c) Thương nhân có quyền lựa chọn cơ sở khác thực hiện sửa chữa đối với một trong các trường hợp sau (cơ sở sửa chữa được tháo gỡ niêm phong, kẹp chì khi sửa chữa):

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đã giải thể, phá sản;

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi thương nhân và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (để báo cáo).

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Điểm 6.1 Khoản 6 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
6. Khoản 6 Điều 6 Thông tư 15 được thực hiện như sau:

6.1. Điểm a Khoản 6 Điều 6 được thực hiện như sau: Thương nhân phải dừng việc sử dụng và tuyệt đối không tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Điểm 6.2 Khoản 6 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
6. Khoản 6 Điều 6 Thông tư 15 được thực hiện như sau:
...
6.2. Điểm b Khoản 6 Điều 6 được thực hiện như sau:

a) Thương nhân liên hệ và đề nghị bằng văn bản (gửi trực tiếp tại trụ sở hoặc qua đường bưu điện, fax, thư điện tử) tới cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo hoặc các đơn vị, đại lý có giấy chứng nhận ủy quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo (sau đây viết tắt là đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền) để tiến hành sửa chữa các bộ phận này đồng thời gửi tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và tổ chức đã kiểm định phương tiện đo. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thương nhân, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo phải đáp ứng đề nghị sửa chữa của thương nhân. Đơn vị, đại lý được cơ sở ủy quyền được tháo gỡ niêm phong, kẹp chì khi sửa chữa;

b) Trước ngày 30/4 hàng năm hoặc khi có sự thay đổi cần điều chỉnh, cập nhật, cơ sở sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm: Công bố công khai danh sách đơn vị được ủy quyền sửa chữa cột đo xăng dầu (tên, địa chỉ trụ sở, điện thoại, fax...) để thương nhân lựa chọn liên hệ; gửi danh sách này về Chi cục TCĐLCL địa phương nơi đặt trụ sở của đơn vị được ủy quyền để Chi cục hướng dẫn, kiểm tra hoạt động sửa chữa theo quy định.

c) Thương nhân có quyền lựa chọn cơ sở khác thực hiện sửa chữa đối với một trong các trường hợp sau (cơ sở sửa chữa được tháo gỡ niêm phong, kẹp chì khi sửa chữa):

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đã giải thể, phá sản;

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo có văn bản từ chối thực hiện với lý do chính đáng gửi thương nhân và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (để báo cáo).

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi khoản 7 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
7. Về quy định “từ ngày 01/7/2018 các cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ để in chứng từ cho khách hàng” tại Khoản 7 Điều 6 Thông tư 15

7.1. Theo quy định này, từ ngày 01/7/2018 chỉ các cột đo xăng dầu sản xuất, nhập khẩu có gắn thiết bị in chứng từ (đã được phê duyệt mẫu và kiểm định theo quy định) mới được đưa vào sử dụng trong mua bán xăng dầu; các quyết định phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu chưa có thiết bị in chứng từ sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.

7.2. Từ nay đến trước ngày 01/7/2018, đối với mẫu cột đo xăng dầu đã được phê duyệt nhưng chưa có chức năng in, cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu phải thực hiện việc phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu (cải tiến, gắn thiết bị in chứng từ) theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN để cung cấp cột đo xăng dầu này cho thương nhân kinh doanh xăng dầu.

7.3. Đối với cột đo xăng dầu đã được sử dụng nhưng chưa gắn thiết bị in chứng từ

a) Thương nhân sở hữu, sử dụng cột đo xăng dầu chủ động liên hệ với cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu này để thực hiện việc gắn thiết bị in chứng từ theo quy định. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký phê duyệt mẫu (cải tiến, gắn thiết bị in chứng từ) theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN để gắn thiết bị in chứng từ bán hàng đáp ứng yêu cầu của thương nhân;

b) Trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu đã bị phá sản, giải thể hoặc có văn bản trả lời không đáp ứng được yêu cầu của thương nhân thì thương nhân có quyền đề nghị tổ chức đủ năng lực kỹ thuật tiến hành gắn thiết bị in chứng từ và thực hiện việc phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu (cải tiến, gắn thiết bị in chứng từ) theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 08/2018/TT-BKHCN

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như sau:

"7. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu. Thiết bị ghi, in kết quả đo phải bảo đảm các yêu cầu về đo lường sau đây:

a) Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi kết quả đo, đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu;

b) Kết quả đo phải bảo đảm đủ thông tin rõ ràng, minh bạch để người có quyền và nghĩa vụ liên quan kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa.".

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn từ Khoản 1 đến Khoản 4 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu

1. Về việc xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 hoặc ISO/TS 29001 tại các tổ chức có mô hình đơn giản (lãnh đạo và trực tiếp bán lẻ xăng dầu):

Xây dựng, áp dụng và duy trì các quy trình/quy chế, thủ tục, tài liệu gồm các nội dung sau:

- Chính sách chất lượng dạng văn bản thể hiện cam kết cung cấp cho khách hàng xăng dầu có đầy đủ số lượng và chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

- Quản lý mẫu (lấy mẫu, niêm phong mẫu, bàn giao mẫu và lưu mẫu xăng dầu phục vụ việc đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng) và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

- Xây dựng kế hoạch và thực hiện định kỳ tự kiểm tra theo hướng dẫn tại Khoản 5 Mục I Công văn này.

- Lưu giữ hồ sơ thực hiện việc định kỳ tự kiểm tra, biên bản sửa chữa và giấy chứng nhận kiểm định cột đo xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ.

- Kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

- Xử lý xăng dầu không phù hợp.

- Giải quyết khiếu nại.

- Kiểm soát hồ sơ (các hồ sơ cần lưu giữ).

- Các tài liệu khác (nếu cần) dựa trên nhu cầu quản lý của tổ chức và do tổ chức tự quy định.

2. Về bằng chứng xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 hoặc ISO/TS 29001:

Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN không bắt buộc hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) của thương nhân kinh doanh xăng dầu phải được tổ chức chứng nhận đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 hoặc ISO/TS 29001. Thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể chứng minh bằng việc tự tổ chức duy trì các quy trình/quy chế, thủ tục, tài liệu của mình phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tiêu chuẩn áp dụng và các quy định về quản lý đo lường, chất lượng quy định tại Thông tư này.

Trường hợp, thương nhân kinh doanh xăng dầu có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 hoặc ISO/TS 29001 do tổ chức chứng nhận cấp (tổ chức chứng nhận là tổ chức đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa) thì Giấy chứng nhận này có thể là bằng chứng chứng minh thương nhân kinh doanh xăng dầu đã xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL này.

3. Về quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

a) Quy chế kiểm tra, giám sát là quy định nội bộ về các biện pháp quản lý chất lượng của thương nhân sản xuất, pha chế; thương nhân nhập khẩu; thương nhân phân phối; tổng đại lý nhằm đảm bảo toàn bộ đối tượng trong chuỗi kinh doanh xăng dầu của mình có trách nhiệm thực hiện và tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN và các văn bản có liên quan;

b) Quy chế này gồm tối thiểu các quy định sau:

- Tần suất kiểm tra, giám sát các quy định nêu trong quy chế (trách nhiệm kiểm tra, người chịu sự kiểm tra, bằng chứng kiểm tra...).

- Lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu để đảm bảo kiểm soát chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng (tần suất lấy mẫu, địa Điểm lấy mẫu, cách thức lấy mẫu, nơi thử nghiệm, hồ sơ lưu...).

4. Về mẫu Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL) và mẫu Biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong (Mẫu 2.BBLM-BGM-KTNP)

a) Các mẫu biên bản này có thể tách thành nhiều biên bản khác nhau tùy thuộc vào Mục tiêu, mô hình quản lý của từng thương nhân kinh doanh xăng dầu nhưng phải đảm bảo đủ các thông tin theo yêu cầu của các mẫu Biên bản này;

b) Đối với Biên bản lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và cam kết chất lượng xăng dầu (Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL), có thể thay bằng hình thức:

Bên giao xăng dầu cung cấp cho bên nhận xăng dầu bộ hồ sơ chất lượng của lô xăng dầu giao nhận như cam kết chất lượng, hóa đơn (hoặc phiếu xuất kho), biên bản lấy mẫu xăng dầu tại phương tiện (nếu có), biên bản niêm phong kẹp chì phương tiện và các hồ sơ, biên bản khác. Các nội dung trong bộ hồ sơ này phải đảm bảo đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của Biên bản theo Mẫu 1. BBLM-NP-BKHCN của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN;

c) Đối với Biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu và kiểm tra niêm phong (Mẫu 2. BBLM BGM-KTNP), có thể thay bằng hình thức:

Trước khi nhận hàng, bên nhận xăng dầu phải tiến hành kiểm tra niêm phong kẹp chì của phương tiện, lấy mẫu, lập và lưu hồ sơ chất lượng của lô xăng dầu trước khi nhập hàng như biên bản kiểm tra niêm phong kẹp chì, biên bản lấy mẫu xăng dầu tại phương tiện và các hồ sơ, biên bản khác. Các nội dung trong bộ hồ sơ này phải đảm bảo đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của Biên bản theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 5.1 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu

5.1. Đối với thương nhân nhập khẩu xăng dầu:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ tại kho (công ty, chi nhánh) nơi trực tiếp tiếp nhận lô xăng dầu nhập khẩu: Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn công bố áp dụng; kết quả thử nghiệm của từng lô hàng (ví dụ Phiếu kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng...).

- Công bố và lưu giữ đầy đủ tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với các loại xăng dầu kinh doanh trên thị trường. Cung cấp bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng cho bên nhận xăng dầu.

- Lập, lưu giữ và cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL đối với từng lô xăng dầu cung cấp cho bên nhận xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 5.2 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.2. Đối với thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 10 Điều 13 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ hồ sơ đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu và Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.

- Lưu giữ đầy đủ Giấy chứng nhận hợp quy, hồ sơ công bố hợp quy. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, tiêu chuẩn công bố áp dụng hiện hành đối với loại xăng dầu sản xuất, pha chế.

- Cung cấp đầy đủ bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng, bản sao (sao y bản chính) Giấy chứng nhận hợp quy cho bên nhận xăng dầu.

- Lập, lưu giữ và cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL đối với từng lô xăng dầu cung cấp cho bên nhận xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Việc lưu trữ hồ sơ được hướng dẫn bởi Điểm 5.3 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.3. Đối với thương nhân phân phối:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 10 Điều 18 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ bản sao (sao y bản chính) Giấy chứng nhận hợp quy, bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân sản xuất, pha chế xăng dầu trong nước cung cấp; bản sao (sao y bản chính) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với xăng dầu nhập khẩu, bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân nhập khẩu xăng dầu cung cấp.

- Cung cấp bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng cho bên nhận xăng dầu.

- Lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL; Lập và lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP đối với từng lô xăng dầu do bên giao xăng dầu cung cấp.

- Lập, lưu giữ và cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL đối với từng lô xăng dầu cho bên nhận xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Việc lưu trữ hồ sơ được hướng dẫn bởi Điểm 5.4 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.4. Đối với tổng đại lý:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 11 Điều 19 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân sản xuất, pha chế; thương nhân nhập khẩu xăng dầu cung cấp.

- Cung cấp bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng cho bên nhận xăng dầu.

- Lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL; Lập và lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP đối với từng lô xăng dầu do bên giao xăng dầu cung cấp,

- Lập, lưu giữ và cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL đối với từng lô xăng dầu cung cấp cho bên nhận xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Việc lưu trữ hồ sơ được hướng dẫn bởi Điểm 5.5 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.5. Đối với đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 8 Điều 20 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ bản sao (sao y bản chính) tiêu chuẩn công bố áp dụng do thương nhân sản xuất, pha chế; thương nhân nhập khẩu; thương nhân phân phối, tổng đại lý cung cấp.

- Lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL; Lập và lưu đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP đối với từng lô xăng dầu do bên giao xăng dầu cung cấp.

- Lưu giữ hồ sơ kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 5.6 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.6. Đối với cửa hàng xăng dầu:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 5 Điều 21 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu; Lập và lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP đối với từng lô xăng dầu do bên giao xăng dầu cung cấp.

- Lưu giữ hồ sơ kiểm soát sự phù hợp của hệ thống bể chứa xăng dầu.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 5.7 Khoản 5 Mục II Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
II. Các nội dung liên quan đến chất lượng trong kinh doanh xăng dầu
...
5. Về việc lưu giữ hồ sơ chất lượng xăng dầu
...
5.7. Đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu:

Việc lưu trữ hồ sơ theo quy định khoản 4 Điều 22 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 1. BBLM-NP-CKCL đối với từng lô xăng dầu của thương nhân đầu mối hoặc tổng đại lý.

- Lập và lưu giữ đầy đủ bộ hồ sơ, tài liệu đảm bảo đầy đủ các nội dung, thông tin theo Mẫu 2.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi khoản 8 và Khoản 9 Mục I Công văn 562/TĐC-HCHQ

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15), để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đo lường, chất lượng như sau:
...
I. Các nội dung liên quan đến đo lường trong kinh doanh xăng dầu
...
8. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 “Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo”, cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu phải lập văn bản công bố về việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống sự tác động làm thay đổi các đặc trưng kỹ thuật đo lường chính hoặc chương trình điều khiển của phương tiện đo so với mẫu đã phê duyệt trong quá trình sử dụng và gửi về Tổng cục trước ngày 30/6/2016 để đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

9. Sau ngày 30/6/2016, tổ chức kiểm định tra cứu thông tin về văn bản công bố nêu trong Mục 8 tại địa chỉ: http://www.tcvn.gov.vn, hoạt động TCĐLCL, chuyên Mục “Quản lý đo lường”, không thực hiện kiểm định ban đầu đối với cột đo xăng dầu của cơ sở chưa có văn bản được công bố hoặc cơ sở chưa thực hiện đúng các biện pháp như trong văn bản công bố.

Xem nội dung VB




Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu Ban hành: 03/09/2014 | Cập nhật: 08/09/2014

Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu Ban hành: 15/10/2009 | Cập nhật: 21/10/2009