Thông tư 123/1999/TT-BTC hướng dẫn về mặt tài chính khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước ở địa phương
Số hiệu: 123/1999/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Phạm Văn Trọng
Ngày ban hành: 15/10/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/12/1999 Số công báo: Số 45
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 123/1999/TT-BTC NGÀY 15-10-1999 HƯỚNG DẪN VỀ MẶT TÀI CHÍNH KHI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TUẦN LÀM VIỆC 40 GIỜ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ CÁC ĐƠN VỊ CÓ SỬ DỤNG KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về quản lý tài chính đối với các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (gọi chung là đơn vị) ở địa phương như sau:

1. Thủ trưởng các đơn vị cần sắp xếp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng công chức, viên chức giải quyết công việc thường xuyên, đảm bảo mọi hoạt động của đơn vị bình thường theo chương trình kế hoạch công tác; không để tồn đọng công việc khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ; bố trí cho cán bộ nghỉ theo đúng quy định tại Điều 1 Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những công việc có tính cấp bách, đột xuất cần giải quyết ngay thì phải bố trí cán bộ có liên quan làm việc (kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật), không để ảnh hưởng đến yêu cầu về tiến độ và nhu cầu giao dịch công tác với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với các đơn vị sự nghiệp do tính chất công việc, một số cán bộ chưa thực hiện được việc nghỉ hàng tuần vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật thì thủ trưởng đơn vị cần sắp xếp, bố trí cho cán bộ nghỉ luân phiên, nghỉ bù vào các ngày khác trong tuần. Việc chi trả tiền làm thêm giờ, làm đêm theo quy định hiện hành.

2. Về nguyên tắc, khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã quy định không tăng chi phí hành chính, không tăng tổng chi phí nói chung, kể cả đối với trường hợp các đơn vị do đặc điểm hoạt động không thể bố trí nghỉ theo đúng quy định được phải bố trí kinh phí tăng thêm do làm thêm giờ. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo các ngành, các đơn vị chủ động lập phương án và báo cáo với cơ quan tài chính cùng cấp về các khoản kinh phí tiết kiệm được do thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần như: tiền điện, nước, xăng xe, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc,....để có kế hoạch quản lý, sử dụng kinh phí hiệu quả.

3. Cơ quan tài chính các cấp tổng hợp kinh phí tiết kiệm được do thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ và phương án sử dụng số kinh phí này cho các nhiệm vụ phát sinh đột suất hoặc các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán đầu năm nhưng chưa đủ, báo cáo Uỷ ban nhân dân xem xét, quyết định.

4. Từ năm 2000, theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư này, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tính toán, bố trí kinh phí cho các ngành, các đơn vị phù hợp với đặc điểm của ngành nhằm thực hiện đúng chế độ tuần làm việc 40 giờ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/10/1999.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này chỉ đạo các ngành liên quan, các đơn vị xây dựng phương án và các biện pháp tổ chức thực hiện

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)