Thông tư 08/2014/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu: 08/2014/TT-BXD Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Nguyễn Trần Nam
Ngày ban hành: 23/05/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 14/06/2014 Số công báo: Từ số 583 đến số 584
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

B XÂY DNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 08/2014/TT-BXD

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 188/2013/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ NHÀ Ở XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 62/20013/NĐ ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định 188/2013/NĐ-CP) về: Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục và hồ sơ xin chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quản lý việc sử dụng, vận hành và khai thác nhà ở quỹ xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án; quản lý chất lượng, khai thác và quản lý sử dụng nhà ở xã hội do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng.

2. Quy định cụ thể về các cơ chế ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế (miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật) áp dụng đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng; việc cho vay vốn ưu đãi đối với các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Việc quản lý sử dụng và bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 2 Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

Điều 3. Nguyên tắc phát triển và quản lý, khai thác, vận hành nhà ở xã hội

1. Việc phát triển nhà ở xã hội phải tuân thủ theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành; bảo đảm đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nhà ở xã hội phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình sử dụng, khai thác vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh và môi trường.

2. Trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án (mới) thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Nghị định 188/2013/NĐ-CP, bảo đảm không thay đổi mục đích sử dụng đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc quản lý vận hành nhà ở xã hội do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện hoặc giao cho đơn vị có chức năng về quản lý vận hành nhà ở thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành và quy định của Thông tư này.

4. Người mua, thuê, thuê mua nhà ở ngoài trách nhiệm trả tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội còn phải nộp chi phí quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại Điều 27 của Thông tư này.

5. Đối với phần kinh doanh thương mại quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 12 Nghị định 188/2013/NĐ-CP (được xác định cụ thể trong dự án phát triển nhà ở xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt) thì chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành được bán, cho thuê, cho thuê mua theo giá thị trường để bù đắp chi phí đầu tư của dự án.

Trường hợp chủ đầu tư dự án dành 20% tổng quỹ đất được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại là nhà ở thương mại thì được phép áp dụng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành.

Việc khai thác kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch trên cơ sở hoạch toán trong quá trình xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội (nêu rõ phần nào bù đắp chi phí để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua, phần nào bù đắp chi phí quản lý vận hành, phần nào bù đắp chi phí bảo trì nhà ở). Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương có trách nhiệm kiểm tra việc hạch toán này của chủ đầu tư dự án.

Việc hạch toán các chi phí bán, cho thuê công trình thương mại trong dự án nhà ở xã hội được thực hiện trong phương án cân đối tài chính của toàn bộ dự án theo quy định cụ thể tại Điểm c Khoản 1 Điều 18 của Thông tư này.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Mục I. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI THEO DỰ ÁN

Điều 4. Tiêu chuẩn thiết kế

1. Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ vốn ngân sách nhà nước tại khu vực đô thị (có vốn ngân sách chiếm từ 30% tổng mức đầu tư của dự án trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và các khoản chi phí hỗ trợ hạ tầng) thì tiêu chuẩn thiết kế được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 47 của Luật Nhà ở. Tại các khu vực khác không phải là đô thị thì có thể xây dựng nhà ở riêng lẻ, với diện tích đất xây dựng mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2, 0 lần và bảo đảm phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tiêu chuẩn thiết kế phải đáp ứng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 7 Nghị định 188/2013/NĐ-CP;

b) Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì tiêu chuẩn thiết kế căn hộ được xác định theo diện tích sử dụng (diện tích thông thủy);

c) Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng thì phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi chấp thuận cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng. Trong thời hạn tối đa là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Nhà ở xã hội liền kề thấp tầng phải bảo đảm quy định diện tích đất xây dựng mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2, 0 lần và phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được dành tỷ lệ diện tích đất trong phạm vi dự án hoặc tỷ lệ diện tích sàn nhà ở của dự án để bố trí công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại) theo quy định sau đây:

a) Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

b) Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội mà phương án quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

c) Phần diện tích dành để kinh doanh thương mại của dự án phải được hạch toán chung vào toàn bộ dự án phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm nguyên tắc lợi nhuận định mức tối đa theo quy định. Nguyên tắc hạch toán để xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.

d) Ngoài phần diện tích kinh doanh thương mại nêu tại Điểm c Khoản này, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm bố trí phần diện tích để phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của các hộ dân cư trong phạm vi dự án (khu vực sinh hoạt cộng đồng, để xe và các công trình hạ tầng thiết yếu khác). Phần diện tích này được xác định trên cơ sở quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và phương án quy hoạch - kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án

1. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 9 Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

2. Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các dự án có từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và các khoản chi phí hỗ trợ hạ tầng (nếu có) thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

3. Chủ đầu tư dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đồng thời đảm nhận trách nhiệm là chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội của dự án đó.

b) Trường hợp bố trí quỹ đất mới theo quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới không có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% mà quỹ đất này được chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hình thức đấu thầu. Việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Nếu chỉ có một nhà đầu tư tham gia đăng ký thì nhà đầu tư đó được xem xét, lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm và vốn sở hữu của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

- Nếu có từ 02 nhà đầu tư trở lên có nhu cầu đăng ký tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội thì việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên như sau:

+ Kinh nghiệm, năng lực tài chính (có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn);

+ Giá bán, cho thuê, thuê mua thấp hơn;

+ Bảo đảm về chất lượng và tiến độ thực hiện dự án tốt hơn.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Trường hợp Tổng công ty nhà nước có chức năng và kinh nghiệm về kinh doanh nhà ở được giao làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định 188/2013/NĐ-CP (là dự án có quy mô diện tích đất từ 50 ha hoặc 2. 500 căn hộ trở lên) thì Bộ Xây dựng trao đổi, thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án trước khi chỉ định giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư.

c) Trường hợp nhà đầu tư đã có quỹ đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình mà có nhu cầu đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư đó được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm và vốn sở hữu của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

d) Trường hợp đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được phép chuyển mục đích sang xây dựng nhà ở xã hội thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

4. Kể từ thời điểm Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có trách nhiệm bố trí quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP khi được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đó.

Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã lựa chọn chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, nhưng chưa bố trí quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội mà sau thời điểm Nghị định 188/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành dự án đó bị thu hồi theo quy định của pháp luật để giao cho chủ đầu tư khác thì chủ đầu tư dự án đó (chủ đầu tư mới) có trách nhiệm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch để bố trí bổ sung quỹ đất 20% trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương hoặc nộp bằng tiền tương đương theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

Điều 6. Trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

1. Đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, việc thẩm định và phê duyệt dự án thực hiện theo quy định cụ thể như sau:

a) Đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và dưới 2. 500 căn thì chủ đầu tư phải nộp trực tiếp tại Sở Xây dựng nơi có dự án 02 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở theo quy định tại Khoản 2 Điều này; trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt dự án thì chủ đầu tư nộp trực tiếp hồ sơ tại Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện nơi có dự án.

b) Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt dự án bao gồm:

- Tờ trình của chủ đầu tư trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện) đề nghị thẩm định và phê duyệt dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Hồ sơ dự án phát triển nhà ở xã hội được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng hiện hành, trong đó phải nêu rõ các nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP;

- Bản sao văn bản giao chủ đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền;

- Bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì phải có bản sao bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch chấp thuận theo quy định của pháp luật về quy hoạch).

c) Sở Xây dựng hoặc Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả, nếu hồ sơ chưa đủ điều kiện thì hướng dẫn để chủ đầu tư bổ sung giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ một lần.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng hoặc Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện chủ trì thẩm định và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác (nếu thấy cần thiết); đối với cấp tỉnh thì Sở Xây dựng lấy thêm ý kiến của Sở Kiến trúc - Quy hoạch (tại các tỉnh, thành phố có Sở Kiến trúc - Quy hoạch) và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án. Thời gian các cơ quan có liên quan trả lời ý kiến tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Xây dựng hoặc Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện. Sau khi có ý kiến của các cơ quan có liên quan, cơ quan chủ trì thẩm định lập Tờ trình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt dự án.

Trong trường hợp Sở Xây dựng được giao làm chủ đầu tư dự án thì Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức lập dự án (hoặc giao cho đơn vị trực thuộc tổ chức lập dự án), lấy ý kiến của các cơ quan liên quan theo quy định tại Khoản này và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án theo nội dung quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Căn cứ vào Tờ trình của Sở Xây dựng (đối với cấp tỉnh) hoặc Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện (đối với cấp huyện) và ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này. Chủ đầu tư trực tiếp đến nhận Quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ ghi trong giấy biên nhận nộp hồ sơ.

đ) Đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, quy mô số căn hộ trên 2. 500 căn và dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha thì ngoài các quy định nêu tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này, Sở Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt dự án.

e) Thời gian thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình hiện hành.

2. Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách Trung ương thì trước khi trình người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án, chủ đầu tư nộp trực tiếp 02 bộ hồ sơ gửi trực tiếp về Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư bao gồm:

- Tờ trình của chủ đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao văn bản giao chủ đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền;

- Bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: trong trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì phải có bản sao bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch chấp thuận theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Trong thời hạn tối đa là 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của chủ đầu tư, Bộ Xây dựng gửi văn bản kèm theo bản sao hồ sơ đề nghị các Bộ, ngành liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) tham gia ý kiến góp ý (thời gian xem xét, tham gia góp ý của các Bộ, ngành liên quan tối đa là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kèm theo bản sao hồ sơ do Bộ Xây dựng gửi). Trong thời hạn tối đa là 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực hiện việc thẩm định và có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư tổ chức lập dự án để trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp sau khi dự án đã được phê duyệt mà chủ đầu tư có đề xuất thay đổi một trong các nội dung về mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, diện tích sử dụng đất, số lượng nhà ở, tiến độ thực hiện dự án thì chủ đầu tư phải có Tờ trình đề nghị chấp thuận bổ sung nội dung dự án kèm theo hồ sơ dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nội dung dự án nhà ở xã hội.

Điều 7. Trình tự, thủ tục chấp thuận dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước

1. Trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha

a) Đối với trường hợp không phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư:

- Chủ đầu tư có trách nhiệm nộp trực tiếp 02 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư tại Sở Xây dựng. Hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư bao gồm:

+ Tờ trình của chủ đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Văn bản công nhận chủ đầu tư dự án của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh bất động sản hoặc chứng nhận đầu tư và giấy tờ chứng minh về kinh nghiệm và vốn sở hữu của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản;

+ Quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và các bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại khu vực có dự án. Trường hợp chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000 nhưng có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì nộp quyết định phê duyệt quy hoạch và các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Nếu hồ sơ đủ điều kiện thì Sở Xây dựng tiếp nhận và ghi giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả, nếu chưa đủ điều kiện thì hướng dẫn để chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ một lần.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì thẩm tra, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng (đối với trường hợp dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha và dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha nhưng có tổng số căn hộ từ 2. 500 căn trở lên) và cơ quan có liên quan khác (nếu thấy cần thiết) theo thời hạn quy định tại Khoản 4 Điều này. Sau khi có ý kiến của các cơ quan có liên quan, cơ quan chủ trì thẩm định lập Tờ trình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp có văn bản chấp thuận đầu tư;

- Trên cơ sở Tờ trình của Sở Xây dựng kèm theo hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư của chủ đầu tư, ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan; căn cứ vào nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư này. Chủ đầu tư trực tiếp đến nhận văn bản chấp thuận đầu tư tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ ghi trong giấy biên nhận nộp hồ sơ.

- Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (đối với khu vực dự án mới chỉ có quy hoạch tỷ lệ 1/2000), sau đó tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở theo quy định. Trong trường hợp khu vực dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt hoặc đã có bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch chấp thuận (đối với trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500) thì chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở theo quy định;

b) Đối với trường hợp phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội:

- Trường hợp dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và có số lượng căn hộ dưới 2. 500 căn hộ:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn theo nguyên tắc quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này và trong quyết định công nhận việc lựa chọn chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần nêu rõ các nội dung chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 188/2013/NĐ-CP và quyết định này thay thế cho văn bản chấp thuận đầu tư.

- Trường hợp dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha và trường hợp dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha nhưng có số lượng từ 2. 500 căn hộ trở lên:

Trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản gửi lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định 188/2013/NĐ-CP. Hồ sơ gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, gồm:

+ Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi lấy ý kiến Bộ Xây dựng;

+ Bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và các bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng phát hành hồ sơ mời thầu và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.

Đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm tổ chức lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, sau đó tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án nhà ở xã hội theo quy định. Trong trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì phải có bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch chấp thuận theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

2. Trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước mà có quy mô sử dụng đất trên 100 ha thực hiện quy định sau đây:

a) Đối với trường hợp không phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư:

- Chủ đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ về Bộ Xây dựng để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư.

Hồ sơ bao gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của chủ đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao các giấy tờ (văn bản công nhận chủ đầu tư của cơ quan có thẩm quyền; giấy tờ về đăng ký kinh doanh bất động sản hoặc giấy chứng nhận đầu tư, vốn pháp định, vốn chủ sở hữu theo quy định; quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và các bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt);

- Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư, Bộ Xây dựng kiểm tra và có văn bản (kèm theo hồ sơ) gửi lấy ý kiến Bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án về một số nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, năng lực của chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian lấy ý kiến của các Bộ, ngành quy định tại Điểm này tối đa là 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ).

- Trên cơ sở ý kiến trả lời của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, Bộ Xây dựng có trách nhiệm gửi 02 bộ hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm: Tờ trình của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội thể hiện các nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 188/2013/NĐ-CP; hồ sơ do chủ đầu tư trình và bản sao văn bản góp ý của các Bộ, ngành có liên quan để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Sau khi có ý kiến chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có văn bản thông báo (gửi kèm theo văn bản chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ) để chủ đầu tư tổ chức lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, sau đó tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo thẩm quyền quy định.

b) Đối với trường hợp phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư:

- Trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng. Trước khi thực hiện việc thẩm định, Bộ Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan (gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 của Thông tư này), kèm theo văn bản thẩm định của Bộ Xây dựng;

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phát hành hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu theo nguyên tắc quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này. Quy trình và phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được áp dụng như đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất khác;

- Đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, sau đó tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo thẩm quyền quy định.

3. Trường hợp dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt mà có đề xuất thay đổi một trong các nội dung của dự án so với nội dung chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền đã ban hành thì chủ đầu tư phải có Tờ trình kèm theo hồ sơ dự án đã được phê duyệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư chấp thuận bổ sung nội dung của dự án. Đối với dự án có quy mô diện tích sử dụng đất từ 100 ha trở lên thì chủ đầu tư phải có Tờ trình kèm theo hồ sơ dự án đã phê duyệt gửi Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc sửa đổi, bổ sung.

4. Thời hạn cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư hoặc chấp thuận bổ sung nội dung dự án nhà ở xã hội tối đa là 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư.

5. Số lượng bộ hồ sơ mà chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và trình phê duyệt dự án hoặc chấp thuận đầu tư là 02 bộ; trường hợp cơ quan thẩm định phải gửi lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan thì khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư sao thêm (bản photo) và chỉ sao những giấy tờ có trong hồ sơ cần gửi lấy ý kiến.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan chức năng của địa phương khi thực hiện chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội phải căn cứ vào quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội do các nhà đầu tư trong nước thực hiện thì không bắt buộc chủ đầu tư phải có Giấy chứng nhận đầu tư.

7. Sở Xây dựng có trách nhiệm lập cơ sở dữ liệu để tổng hợp, thống kê và theo dõi số lượng dự án nhà ở xã hội; số lượng, loại nhà ở xã hội được xây dựng trong các dự án; số lượng, loại nhà ở và số lượng người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn để tổng hợp, báo cáo đột xuất và định kỳ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng.

Mục II. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI DO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 8. Điều kiện tối thiểu đối với một phòng ở

Mỗi phòng ở của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau đây:

1. Diện tích sử dụng phòng ở (gian nhà) không được nhỏ hơn 9m2; chiều rộng thông thủy của phòng tối thiểu không dưới 2, 40m; chiều cao thông thủy của phòng ở chỗ thấp nhất không dưới 2, 70 m.

2. Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Tỷ lệ diện tích cửa lấy ánh sáng không nhỏ hơn 1/10 diện tích phòng. Cửa đi phải có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 0, 75m. Cửa đi phải có chốt khóa, cửa sổ phải có chấn song đảm bảo an toàn, an ninh trong sử dụng; phải đảm bảo không gian thuận tiện để bố trí giường ngủ.

3. Phải có đèn đủ ánh sáng chung (đảm bảo độ rọi tối thiểu 100 lux); phải đảm bảo cho mỗi người tối thiểu 01 ổ cắm điện; mỗi phòng ở phải có riêng 01 aptomat.

4. Nếu một phòng ở được xây dựng khép kín thì xí, tiểu, tắm phải có tường ngăn cách với chỗ ngủ và phải đảm bảo hợp vệ sinh.

5. Diện tích sử dụng bình quân cho mỗi người để ở không nhỏ hơn 4, 5 m2 (không tính diện tích khu phụ).

Điều 9. Điều kiện tối thiểu đối với một căn nhà (căn hộ) để bán, cho thuê mua

Nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua ngoài việc phải tuân thủ các quy định về phòng ở nêu tại Điều 8 của Thông tư này, còn phải đảm bảo các quy định sau đây:

1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội tại khu vực đô thị từ 02 (hai) tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ 02 (hai) căn hộ được thiết kế xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và phải đáp ứng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành;

2. Nhà phải có kết cấu vững chắc, chống được gió bão; mỗi phòng ở phải có lối ra vào và cửa sổ riêng biệt;

3. Nền nhà phải được lát gạch hoặc láng vữa xi măng. Độ cao của nền nhà phải cao hơn mặt đường vào nhà tối thiểu là 0, 3m và cao hơn mặt sân, hè tối thiểu 0, 15m;

4. Tường bao che và tường ngăn các phòng phải được làm bằng vật liệu bền chắc, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, cách âm, cách nhiệt và chống thấm; mặt tường trong phòng nếu xây bằng gạch thì phải trát phẳng và quét vôi hoặc sơn;

5. Mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột. Trường hợp lợp bằng tôn hoặc fibrô xi măng phải có trần chống nóng, chống ồn;

6. Về cấp điện: Đường dây cấp điện phải đảm bảo an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của cơ quan chuyên ngành ban hành; phải có đèn chiếu sáng ngoài nhà đảm bảo đủ ánh sáng khi đi lại;

7. Về cấp nước sinh hoạt: Bảo đảm cung cấp nước sạch tối thiểu 75 l/ng/ngày đêm. Trường hợp dùng nước giếng khoan phải có bể lọc bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch hợp vệ sinh do cơ quan chuyên ngành ban hành;

8. Về nước thoát: Phải có đường ống thoát nước kết nối với hệ thống thoát nước chung của khu vực; mương, rãnh thoát nước phải có nắp đậy;

9. Về phòng chống cháy nổ: Phải có bể chứa nước phục vụ cứu hỏa và các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định;

10. Về vệ sinh môi trường: Mỗi nhà ở (căn hộ) phải có chỗ nấu ăn, chỗ giặt và chỗ phơi quần áo.

Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng để bán hoặc cho thuê mua thì bắt buộc phải có khu vệ sinh riêng.

Đối với trường hợp cho thuê thì có thể sử dụng khu vệ sinh chung, nhưng phải có khu vệ sinh riêng (bao gồm xí, tắm) cho nam và nữ. Mỗi khu vệ sinh tối đa phục vụ cho 8 người. Chất thải từ xí, tiểu phải qua bể tự hoại được xây dựng theo đúng quy cách.

Điều 10. Điều kiện tối thiểu đối với khu vực xây dựng nhà ở

1. Khu đất xây dựng nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đảm bảo không thuộc khu vực cấm xây dựng; không vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật; không thuộc khu vực có nguy cơ lở đất, lũ quét, ngập úng, bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang; không lấn chiếm đất công và không có tranh chấp về đất đai.

2. Bố trí mặt bằng xây dựng nhà ở và các hạng mục công trình xây dựng khác trong khu đất phải bảo đảm điều kiện giao thông thuận lợi, vệ sinh môi trường và điều kiện khắc phục sự cố (cháy, nổ, sập đổ công trình... ).

3. Mật độ xây dựng, chiều rộng của đường giao thông và khoảng cách tối thiểu giữa 2 dãy nhà bảo đảm tuân thủ theo quy định của Quy chuẩn Xây dựng hiện hành.

4. Phải bảo đảm có diện tích cây xanh hoặc khoảng trống tối thiểu 1, 0 m2/người; mỗi khu nhà ở phải có bản nội quy sử dụng treo ở nơi dễ quan sát.

Điều 11. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

1. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua tại khu vực yêu cầu phải có giấy phép xây dựng thì việc xây dựng nhà ở chỉ được phép triển khai thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng;

2. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở mới thuộc khu vực được miễn giấy phép xây dựng, có từ 10 phòng (hoặc 10 căn hộ) trở lên hoặc bố trí chỗ ở cho 50 người trở lên, hoặc có trên 200m2 diện tích sàn xây dựng thì trước khi xây dựng, hộ gia đình, cá nhân đó phải có bản vẽ sơ đồ thể hiện tổng mặt bằng xây dựng, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này, đồng thời phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân xã, phường sở tại;

3. Tuân thủ các quy định về khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng hiện hành;

4. Trong quá trình khai thác, sử dụng nhà ở, chủ sở hữu (hoặc người được giao quản lý sử dụng) có trách nhiệm thực hiện bảo trì, sửa chữa nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để bảo đảm điều kiện an toàn.

Chương III

QUẢN LÝ VIỆC MUA BÁN, CHO THUÊ, CHO THUÊ MUA VÀ SỬ DỤNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Điều 12. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bao gồm:

a) Người có công với cách mạng quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và Điểm m Khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

b) Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước (là những người trong biên chế nhà nước) và các đối tượng đang làm việc theo diện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của các cơ quan này;

c) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp (bao gồm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ là quân nhân chuyên nghiệp) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

d) Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề;

đ) Người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị nằm trong chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định.

e) Đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa tại khu vực đô thị;

g) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ;

h) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư;

i) Người thu nhập thấp là những người đang làm việc tại các tổ chức: Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể hoặc đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (là các đối tượng không thuộc diện quy định tại các Điểm a, d và Điểm g Khoản này) hoặc là người đang nghỉ chế độ có hưởng lương hưu theo quy định, người lao động tự do, kinh doanh cá thể (là đối tượng không thuộc diện quy định tại các Điểm a, đ, e và h Khoản này) mà không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp là hộ gia đình thì mức thu nhập chịu thuế được tính cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình và cách tính thuế thu nhập này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

k) Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân không phân biệt công lập và ngoài công lập (đối tượng quy định tại Điểm này chỉ được phép thuê nhà ở xã hội).

2. Trường hợp hộ gia đình đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ cần một thành viên trong gia đình đó thuộc một trong các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này là thuộc diện được xét mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng.

Điều 13, Điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đối tượng được xét duyệt mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải thuộc diện có khó khăn về nhà ở quy định tại Khoản 2 và có điều kiện về cư trú quy định tại Khoản 3 Điều này. Trường hợp là đối tượng thu nhập thấp thì ngoài điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này còn phải có thêm điều kiện quy định tại Khoản 4; nếu là đối tượng thuê mua nhà ở xã hội thì phải có thêm điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều này.

2. Điều kiện khó khăn về nhà ở quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 14 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp người nộp đơn đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức (bao gồm cả vợ và chồng nếu đã đăng ký kết hôn) là các trường hợp:

- Chưa có nhà ở và đang phải ở nhờ, thuê, mượn nhà ở của người khác hoặc có nhà ở nhưng đã bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị giải tỏa để cải tạo chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp và không được bồi thường bằng nhà ở, đất ở khác;

- Chưa được Nhà nước giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án khác;

- Chưa được tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa;

b) Trường hợp người nộp đơn đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở (bao gồm cả vợ và chồng nếu đã đăng ký kết hôn) đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội hoặc bị hư hỏng, dột nát (nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc nhà ở có đủ giấy tờ hợp lệ để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật về đất đai) là các trường hợp:

- Có nhà ở là căn hộ chung cư nhưng diện tích bình quân của hộ gia đình dưới 8 m2 sàn/người;

- Có nhà ở riêng lẻ nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình dưới 8m2 sàn/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở;

- Có nhà ở riêng lẻ nhưng bị hư hỏng khung - tường và mái và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở.

3. Điều kiện về cư trú quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 14 Nghị định 188/2013/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Trường hợp các đối tượng quy định tại Điều 12 của Thông tư này có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng;

b) Trường hợp không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điểm a Khoản này thì người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có đăng ký tạm trú, có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội;

c) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này còn phải bảo đảm điều kiện về cư trú do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (nếu có).

4. Điều kiện về thu nhập thấp: Chỉ áp dụng điều kiện này để xác định đối với đối tượng thu nhập thấp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này; không áp dụng đối với các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và Điểm k Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này.

5. Đối với trường hợp thuê mua nhà ở xã hội thì còn phải nộp lần đầu số tiền bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua, số tiền còn lại được thanh toán theo thỏa thuận với bên cho thuê mua nhưng với thời hạn tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ thời điểm bên cho thuê mua bàn giao nhà ở cho bên thuê mua.

Điều 14. Trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách

a) Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (tên dự án; chủ đầu tư dự án; địa điểm xây dựng dự án; địa chỉ liên lạc, địa chỉ nộp đơn đăng ký; tiến độ thực hiện dự án; quy mô dự án; số lượng căn hộ (trong đó bao gồm: Số căn hộ để bán, số căn hộ cho thuê, số căn hộ cho thuê mua); diện tích căn hộ; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua (tạm tính) đối với từng loại căn hộ; thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký và các nội dung khác có liên quan) để công bố công khai tại trụ sở của Sở Xây dựng, trang web của Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án; đăng tải ít nhất 01 lần tại báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương và công bố tại Sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư (nếu có) để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát.

b) Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua và thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua để Sở Xây dựng biết và kiểm tra.

c) Trên cơ sở các thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đã được công bố theo quy định tại Điểm a của Khoản này; hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp Hồ sơ đăng ký cho chủ đầu tư dự án theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này.

d) Sau khi tập hợp đầy đủ Hồ sơ đăng ký của các đối tượng có nhu cầu, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm xem xét từng Hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng, điều kiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Thông tư này để lập danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.

Trường hợp người có nhu cầu đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đã nộp Hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này cho chủ đầu tư, nhưng trong dự án không còn quỹ nhà để giải quyết thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại Hồ sơ (bao gồm cả Bản xác nhận về đối tượng và điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà người đăng ký đã nộp) để người đó biết và nộp Hồ sơ tại dự án khác.

Khi người có nhu cầu nộp Hồ sơ, người nhận Hồ sơ phải ghi giấy biên nhận. Nếu Hồ sơ chưa hợp lệ (chưa đúng theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này) thì người nhận Hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp Hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện.

đ) Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (trên cơ sở chấm điểm theo nguyên tắc quy định tại Điều 16 của Thông tư này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.

Trường hợp đối tượng dự kiến được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Danh sách do chủ đầu tư lập mà đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở theo quy định hoặc đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (nhà ở thu nhập thấp) tại dự án khác thì Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết để xóa tên trong Danh sách được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Sau 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được Danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong dự án của mình đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.

Trường hợp người có nhu cầu nhà ở xã hội đáp ứng đủ điều kiện và đã được chủ đầu tư dự án xem xét, đưa vào Danh sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của dự án đó, nhưng người đó không còn có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án gửi trả lại Hồ sơ (bao gồm cả Bản xác nhận về đối tượng và điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội) cho người đã nộp Hồ sơ.

e) Mỗi hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được nộp Đơn đăng ký tại một dự án. Trong trường hợp dự án không còn quỹ nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì chủ đầu tư nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ để người có nhu cầu nộp tại dự án khác.

Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thanh toán trực tiếp với chủ đầu tư hoặc thực hiện thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua, thuê, thuê mua thống nhất theo thỏa thuận.

g) Sau khi ký Hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội (theo nội dung quy định tại Điều 17 của Thông tư này), chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ Danh sách các đối tượng (bao gồm cả các thành viên trong hộ) đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (đã được ký Hợp đồng) gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được Danh sách này) và lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra (hậu kiểm). Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm công bố công khai danh sách này tại trụ sở làm việc của chủ đầu tư và tại Sàn giao dịch bất động sản hoặc trang web về nhà ở xã hội của chủ đầu tư (nếu có).

2. Đối với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng

a) Hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về địa điểm xây dựng; tiến độ thực hiện; quy mô, số lượng căn hộ, trong đó bao gồm: Số căn hộ để bán, số căn hộ cho thuê, số căn hộ cho thuê mua; giá bán, cho thuê, cho thuê mua; thời gian bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi xây dựng nhà ở để công bố công khai tại trụ sở của xã, phường để chính quyền địa phương và người dân biết để thực hiện theo dõi, giám sát.

b) Trên cơ sở các thông tin về nhà ở xã hội trên địa bàn đã được công bố theo quy định; người có nhu cầu đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp Hồ sơ đăng ký cho chủ hộ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này.

c) Sau khi tập hợp đầy đủ Hồ sơ đăng ký của các đối tượng có nhu cầu, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, xác nhận Danh sách đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội (lãnh đạo cấp xã ký tên, đóng dấu chức danh) trước khi chủ hộ và người mua, thuê, thuê mua nhà ở thực hiện việc ký Hợp đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 17, số 18 và số 19 của Thông tư này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sao Hồ sơ đăng ký và Danh sách đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng để kiểm tra, tránh tình trạng đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Hồ sơ đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gồm:

1. Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Một trong các giấy tờ xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở theo quy định sau đây:

a) Trường hợp là các đối tượng quy định tại các Điểm b, c và đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ mà vẫn đang công tác nêu tại Điểm g Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở theo mẫu quy định tại Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp là các đối tượng quy định tại các Điểm a, d, đ, e và i Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này thì phải có giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có đơn đăng ký hộ khẩu thường trú theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không có đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có đơn đăng ký tạm trú; trường hợp là đối tượng quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng xin thuê nhà đang học tập.

Trường hợp người thuê nhà ở công vụ của Chính phủ trả lại nhà ở công vụ do hết tiêu chuẩn thuê nhà hoặc nghỉ hưu mà có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở do Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp (Phụ lục số 15).

c) Đối với đối tượng thuộc diện tái định cư quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này thì chỉ cần có bản sao (có chứng thực) chứng minh người đó có tên trong Danh sách thu hồi đất ở của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.

3. Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú như sau:

a) Trường hợp có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương;

b) Trường hợp không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điểm a Khoản này thì phải có bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú; bản sao có chứng thực hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trường hợp đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì phải có giấy xác nhận của công ty về việc đóng bảo hiểm.

4. Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập:

Các đối tượng thuộc diện thu nhập thấp quy định tại Điểm i, người đã trả lại nhà ở công vụ do nghỉ hưu quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này tự khai về mức thu nhập của bản thân (theo mục khai về mức thu nhập quy định tại mẫu Phụ lục số 16 ban hành kèm theo Thông tư này) và tự chịu trách nhiệm về mức thu nhập tự khai. Trong trường hợp cần thiết thì Sở Xây dựng có thể liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của người làm đơn đề nghị mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Khoản này.

Điều 16. Nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án:

a) Trường hợp tổng số Hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng;

b) Trường hợp tổng số Hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức chấm điểm theo tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này.

Sau khi xét duyệt, lựa chọn đủ Hồ sơ hợp lệ tương ứng với tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc xác định cụ thể từng căn hộ trước khi ký hợp đồng thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng;

c) Trường hợp người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đạt được nhu cầu, nguyện vọng của mình tại dự án đã đăng ký thì được trả Hồ sơ để đăng ký tại các dự án khác nếu không muốn lựa chọn căn hộ khác còn lại trong dự án đó.

2. Thang điểm được xác định trên cơ sở các tiêu chí cụ thể sau:

STT

Tiêu chí chm điểm

Số điểm

1

Tiêu chí k khăn về nhà :

- Chưa nhà (thuc mt trong các trưng hp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 ca Thông tư này).

- nhà (thuc mt trong các trưng hp quy định ti Điểm b Khoản 2 Điều 13 ca Thông tư này).

 

40


3
0

2

Tiêu chí về đi ng:

- Đối tượng 1 (quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP).

- Đối tượng 2 (quy định tại các Điểm đ, e, h Khoản 1 Điều 12 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP).

- Đối tượng quy định tại Điểm g và Điểm i Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP).

 

30


2
0


1
00

3

Tiêu chí ưu tiên khác:

- H gia đình có t 02 người trở lên thuc đi tưng 1

- H gia đình có 01 người thuc đối tưng 1 và có ít nht 01 ngưi thuc đi tưng 2

- H gia đình có t 02 người trở lên thuc đi tưng 2

Ghi chú: Trưng hp h gia đình, cá nhân được hưng các tiêu chí ưu tiên khác nhau thì ch tính theo tiêu chí ưu tiên có thang điểm cao nht.

 

10

7


4

4

Tiêu chí ưu tiên do UBND cp tnh quy đnh:
(theo điều kiện c th ca tng đa phương, nếu có)

20

3. Căn cứ theo nguyên tắc, tiêu chí chấm điểm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn phù hợp với đặc thù của địa phương để hướng dẫn các chủ đầu tư dự án và các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng theo quy định.

4. Chủ đầu tư các dự án và hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội căn cứ theo nguyên tắc, tiêu chí chấm điểm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành (nếu có) để thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do mình đầu tư xây dựng.

5. Đối với trường hợp là sỹ quan và hạ sỹ quan, chiến sỹ (là quân nhân chuyên nghiệp) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu thì có thể đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại dự án do các thành phần kinh tế đầu tư hoặc dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai thực hiện nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở chỉ được hỗ trợ giải quyết một lần.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện đối với các trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội do mình triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang gửi Bộ Xây dựng để có ý kiến thống nhất bằng văn bản trước khi ban hành. Đối với các trường hợp đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án do các thành phần kinh tế đầu tư thì nguyên tắc và tiêu chí xét duyệt đối tượng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

6. Đối với trường hợp đối tượng quy định tại Điểm g và Điểm h Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này thì thuộc diện được ưu tiên với thang điểm tối đa là 100 điểm.

Điều 17. Hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hi do các thành phn kinh tế đu tư xây dng phi bo đảm tuân th các quy đnh tại Điều 16 ca nghđịnh 188/2013/-CP.

2. Hợp đng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hi được lập theo mẫu quy đnh ti Ph lục s 17, s 18 và s 19 ca Tng tư này.

Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà xã hội là căn h chung phải ghi phần diện ch thuc s hu, s dụng chung, phần diện ch thuc s hu riêng ca ch s hu; din ch sàn xây dng căn h; din tích sàn s dng căn hộ (diện ch thông thy) đ tính tin mua bán, thuê mua căn h; khoản kinh phí bo trì 2% tiền mua bán căn hộ; mc phí và nguyên tc điều chỉnh mc phí qun lý vn hành nhà chung trong thi gian chưa thành lp Ban quản trị nhà chung cư.

Việc cp Giấy chứng nhn quyền s dụng đt, quyền s hu nhà và tài sản khác gn lin vi đất đi với các trưng hp mua bán, thuê mua nhà ở xã hi thc hin theo quy đnh ca pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở có liên quan.

3. Thời hạn cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với trường hợp cho thuê thì hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội tối đa là 05 (năm) năm. Trước khi hết hạn hợp đồng, bên thuê phải làm thủ tục xin xác nhận vẫn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này gửi bên cho thuê để được tiếp tục thuê nhà ở xã hội với thời hạn nêu trên;

b) Đi với trưng hợp thuê mua thì hợp đng thuê mua thi hạn tối thiu là 05 (năm) năm. Khi hết hn thi hạn thuê mua và bên thuê mua đã thanh toán đầy đ tin thuê mua theo thỏa thuận thì bên cho thuê mua tch nhiệm đ ngh cơ quan làm th tc đ ngh quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền s dụng đt, quyền s hu nhà và tài sn khác gn lin vi đt (sau đây gọi chung là Giấy chng nhn) cho bên thuê mua. Trình t, th tục cp Giấy chứng nhn đưc thc hiện theo quy định ca pháp luật v cấp Giấy chng nhn.

3. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hi ghi trong hợp đng do chđu tư d án hoặc do ch h gia đình, cá nhân đầu tư đ xuất theo nguyên tc quy đnh ti Điều 18 ca Thông tư này.

4. Phương thc thanh toán tin mua, thuê, thuê mua nhà xã hi đưc đu tư xây dng theo d án bng nguồn vn ngoài ngân sách do bên bán, cho thuê, cho thuê mua và bên mua, thuê, thuê mua tha thun trong hp đồng theo nguyên tc:

a) Đi vi trưng hp mua nhà ở xã hội:

- nh thc thanh toán th tr tiền mt lần hoặc trả dn do hai bên thống nhất trong hợp đồng mua bán.

- Trưng hợp ch đu tư d án tha thun huy đng tin ứng trước ca khách hàng thì công trình nhà đó phi có thiết kế đã được phê duyệt và nhà đó đã xây dựng xong phần móng; s tin ng trước ln 1 không vưt quá 20% giá bán nhà đó ghi trong hợp đng; trước thi điểm bàn giao nhà cho bên mua, Ch đầu tư d án không được huy động vưt quá 70% giá bán nhà ; ti thời điểm bàn giao nhà ch được thu 95% giá bán nhà ở; 5% giá bán nhà còn li, ch đu tư được ngưi mua thanh toán sau khi d án đã được phê duyệt quyết toán, kiểm toán và bên mua được quan nhà nưc có thẩm quyền cấp Giấy chng nhn.

b) Đối vi trưng hp cho thuê nhà xã hi thì người thuê nhà trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà mt khoản tiền đt cc theo quy định ti Khoản 4 Điều 15 ca Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP.

c) Đi vi trưng hp thuê mua nhà ở xã hi thì bên thuê mua nhà np ln đu 20% giá tr nhà ở và nộp phn còn li theo tiến đ tha thun ghi trong hp đồng. Thi gian thanh toán s tin còn lại (ngoài s tin đã trả ln đu) do bên cho thuê mua và bên thuê mua t tha thun, nhưng tối thiểu là 05 năm. Phương thc thanh toán do hai bên t tha thun (có thtrả hàng tháng, hàng quý hoặc theo định k).

Khuyến khích bên thuê mua nộp thêm tin thuê mua nhà ln đu, nhưng tổng s tin np ln đầu tối đa kng vưt quá 50% giá tr nhà .

5. Trưng hp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hi do h gia đình, cá nhân đầu tư xây dng thì hp đng mua bán, cho thuê, cho thuê mua ch được ký kết sau khi h gia đình, cá nhân hoàn thành việc đu tư xây dựng nhà đó. Phương thc thanh toán do bên bán, cho thuê, cho thuê mua và bên mua, thuê, thuê mua t thỏa thun.

Điều 18. Nguyên tắc xác định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án:

a) Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

b) Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư được xác định theo diện tích sdụng căn h (diện tích tng thủy). Trưng hp các bên đã ký hợp đng trước thi điểm Tng tư này hiệu lc thi hành thì vic xác định din tích căn h đ nh tin mua bán, cho thuê, cho thuê mua thc hiện theo tha thun trong hợp đng mà các bên đã ký kết;

c) Kinh phí thu đưc t việc bán, cho thuê các công trình kinh doanh thương mại trong d án nhà xã hội quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 12 ca Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP được hch toán c thnhư sau:

- Trưng hp ch đu tư thc hin việc bán công trình kinh doanh thương mại (k cả nhà ở) thì phn li nhun thu được phải hch toán trong phương án cân đi tài cnh ca toàn b d án phát triển nhà xã hi đ làm s tính toán, xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hi trong phạm vi d án.

- Trưng hp ch đu tư ch cho thuê công trình kinh doanh tơng mại thì thời gian tính toán đ thu hi vn tối thiểu là 15 năm. Phần li nhun dkiến thu được (trong thời gian ti thiu là 15 năm) phi được hch toán trong bng cân đi tài cnh ca toàn b d án phát triển nhà xã hi đ làm s tính toán, xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hi trong phạm vi dự án;

d) Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định tại các Khoản a, b, c Điều này, ch đu tư xây dựng giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà xã hi đ trình Ủy ban nhân dân cp tnh nơi d án t chc thẩm định. Trong thi hạn 30 ngày, k t ngày nhận được T trình đ ngh thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà xã hi ca ch đu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tch nhiệm t chc thẩm định và có văn bản thẩm định gi ch đu tư, trong đó nêu các ni dung đng ý và ni dung cần chỉnh sa (nếu có).

Sở Xây dng hoặc cơ quan chuyên môn chc năng thẩm định giá nhà ở xã hi ca đa phương có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cp tỉnh thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà xã hi do ch đu tư xây dng.

Căn cứ vào văn bản thẩm định ca Ủy ban nhân dân cấp tnh, ch đu tư ban hành giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà xã hội đ áp dng đối vi d án nhà ở xã hội do mình đu tư xây dựng.

Trong thời hạn vượt quá 30 ngày làm vic, k t ngày nhn được đ nghthẩm đnh giá ca ch đầu tư d án mà Ủy ban nhân dân cp tnh không có văn bn thẩm định thì ch đu tư được quyền ban hành giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà xã hi theo phương án đã trình. Ch đầu tư có tch nhiệm gi bng giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hi cho Ủy ban nhân dân cp tỉnh và cơ quan chc năng thẩm định giá đkim tra và theo dõi.

2. Đi với nhà xã hi do h gia đình, cá nhân đu tư xây dng đ cho thuê, cho thuê mua hoặc bán do ch đầu tư t xác định giá nhưng kng được cao hơn khung giá do y ban nhân dân cp tnh ban hành.

y ban nhân dân cp tỉnh trách nhim ch đạo quan chc năng nghiên cu xây dựng đ ban hành theo thm quyền khung giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hội do các h gia đình, cá nhân đu tư xây dng phù hp với điều kin c thca từng địa phương.

Điều 19. Nội dung chi phí cấu thành giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án

1. Chi phí đu tư xây dựng nhà xã hi: Là toàn b chi phí hp lý và hợp pháp thc hin d án đu tư xây dựng công trình và đưa d án nhà xã hi vào khai thác s dng theo quy định hin hành v qun lý d án đầu tư xây dng công trình trừ đi phn lợi nhuận thu được t việc bán, cho thuê công trình kinh doanh thương mại trong d án (theo nguyên tắc quy đnh ti Điểm c Khoản 1 Điều 18 Thông tư này).

2. Chi phí bo trì:

a) Trưng hợp nhà xã hi là căn h chung đ bán thì ngoài việc nộp tin mua nhà theo quy định thì bên mua nhà còn phải np kinh phí bảo t là 2% giá tr mua bán căn h ghi trong Hợp đồng đ thc hiện việc bo trì phn din ch thuc s hu chung. Vic qun lý, s dụng kinh phí bo trì phần din tích shu chung thc hiện theo quy đnh ca pháp luật v qun lý sdụng nhà chung cư hin hành;

b) Trưng hp cho thuê thì kinh phí bo t đưc trích t tin thuê nhà (theo cơ cu giá thuê nhà quy đnh ti Điều 20 ca Thông tư này). Ch đu tư dự án (ch s hu) có tch nhiệm bảo trì toàn b nhà ở cho thuê;

c) Trưng hp cho thuê mua thì ngoài vic np tin thuê mua nhà theo quy định, bên thuê mua nhà còn phi nộp kinh phí bảo t là 2% giá trị căn hghi trong Hp đng đ thc hin việc bo t phn diện tích thuc s hu chung. Việc qun lý, s dụng kinh phí bo trì phần din tích s hu chung thc hin như trưng hp mua bán căn h theo quy định ca pháp luật v quản lý s dụng nhà chung hiện hành; bên thuê mua chu trách nhiệm đm nhn kinh phí đbo trì phn din tích căn h thuc shu riêng.

3. Lợi nhun đnh mc:

a) Đi với trường hp bán nhà : Li nhun đnh mc đưc xác định theo nguyên tc quy định ti Điểm a Khoản 2 Điều 15 ca Ngh định 188/2013/-CP;

b) Đi với trường hp cho thuê, cho thuê mua nhà : Li nhun định mc đưc xác định theo nguyên tc quy định ti Điểm b Khoản 2 Điều 15 ca Nghđịnh 188/2013/-CP.

Điều 20. Phương thức xác định giá thuê nhà ở xã hội

1. Công thức xác định:

Trong đó:

GiT= x Ki +

- GiT: là giá cho thuê 1m2 sử dụng căn hộ (chưa bao gồm thuế VAT) tại vị trí thứ i trong 01 tháng (đồng/m2/tháng)

- Vđ: là chi phí đầu tư xây dựng tính cho phần diện tích sử dụng để cho thuê được phân bổ hàng năm theo nguyên tắc bảo toàn vốn (đồng/năm), xác định theo công thức sau:

Vđ=

+ Tđ: là chi phí đu tư xây dng phn diện tích s dng đ cho thuê ti thời điểm bàn giao đưa vào khai thác s dng (đồng).

+ r: là lãi suất bo toàn vốn đầu tư (tính theo năm) ph thuc vào ngưi có thẩm quyền quyết định đu tư (%/năm).

+ n: là s năm thu hi vốn ph thuc điều kiện c th ca từng d án và ngưi có thẩm quyền quyết định đu tư nhưng ti thiểu là 15 năm.

- L: là lợi nhuận của dự án, tối đa là 15% giá trị đầu tư xây dựng phần diện tích cho thuê (đồng/năm).

- Bt: là chi phí bo trì công trình bình quân năm được phân b đi với phần diện ch cho thuê (đng/năm).

- Tdv: là phần lợi nhuận thu được từ các công trình kinh doanh thương mại trong dự án được phân bổ đối với phần diện tích sử dụng nhà ở cho thuê (đồng/năm).

- Si: là diện tích sử dụng cho thuê căn hộ tại vị trí thứ i (m2).

- Ki: là hệ số điều chỉnh giá cho thuê đối với phần diện tích sử dụng cho thuê tại vị trí thứ i (được xác định theo nguyên tắc bình quân gia quyền hệ số K của 1 Block nhà= 1).

Chú thích:”12”: là s tháng thuê nhà ở trong 1 năm

2. Trưng hợp mc giá cho thuê đưc xác đnh theo công thc quy định tại Khoản 1 Điều này cao hơn mc giá có th cho thuê trên th trưng thì chđu tư xác định lại giá cho thuê phù hp với tình hình thc tế. Sau khi bo đảm thời gian cho thuê tối thiu theo quy đnh là 05 năm, ch đu tư được phép hch toán phn chênh lch gia khoản thu tính theo công thc vi khoản thu trong thc tế vào giá bán nhà ở xã hi ti thi điểm bán.

Điều 21. Phương thức xác định giá thuê mua nhà ở xã hội

Công thc xác định:

GTMi=  x Ki -

Trong đó:

- GTMi: là giá thuê mua 1m2 sử dụng căn hộ (chưa bao gồm thuế VAT) tại vị trí thứ i trong 01 tháng (đồng/ m2/tháng);

- Ai: là h s biểu th t l gia giá trị còn lại ca căn h ti v t th i (sau khi đã trừ đi tin thanh toán ln đu) so với giá tr ban đu ca căn h thuê mua th i (A <1).

- Vđ: là chi phí đu tư xây dựng tính cho phần din tích s dng đ cho thuê mua được phân b hàng năm theo nguyên tắc bo toàn vn (đồng/năm), xác định theo công thc sau:

Vđ=

+ Tđ: là chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích sử dụng để cho thuê mua tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng (đồng).

+ r: là lãi suất bo toàn vốn đầu tư (tính theo năm) ph thuc vào ngưi có thẩm quyền quyết định đu tư (%/năm)

+ n: thi gian thuê mua ph thuc vào tha thun gia ngưi bán và ngưi thuê mua nhưng ti thiu là 5 năm.

- L: là lợi nhuận của dự án được tính theo năm, tối đa là 15% giá trị đầu tư xây dựng phần cho thuê mua (đồng/năm).

- Tdv: là phần lợi nhuận thu được từ các công trình kinh doanh thương mại trong dự án được phân bổ đối với phần diện tích sử dụng nhà ở để cho thuê mua (đồng/năm).

- Si: là diện tích sử dụng cho thuê mua tại vị trí thứ i (m2).

- Ki: là h s điều chỉnh giá cho thuê mua đi với phần diện tích s dng cho thuê mua căn h ti v t th i (được xác đnh theo nguyên tc bình quân gia quyền hs K ca 1 Block nhà= 1).

Điều 22. Phương thức xác định giá bán nhà ở xã hội

Công thức xác định:

Trong đó:

GiB= x Ki

- GiB: là giá bán 1 m2 sử dụng căn hộ (chưa bao gồm thuế VAT) tại vị trí thứ i (đồng/m2);

- Tđ: là tổng chi phí đầu tư xây dựng tính cho phần diện tích sử dụng để bán trừ đi phần lợi nhuận từ công trình kinh doanh thương mại được phân bổ đối với phần diện tích sử dụng nhà ở để bán tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

- L: là lợi nhuận của dự án, tối đa là 15% giá trị đầu tư xây dựng công trình (đồng).

- S: là tổng diện tích sử dụng các căn hộ của dự án: bao gồm diện tích các căn hộ bán và diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán thuộc sở hữu của chủ đầu tư (diện tích dùng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, làm văn phòng…) (m2)

- Ki: là hệ số tầng, được xác định theo nguyên tắc bình quân gia quyền hệ số K của 1 Block nhà= 1.

Trưng hp xác đnh giá bán nhà xã hi (sau khi sau khi bo đảm thời gian cho thuê tối thiu theo quy định là 05 năm) thì giá bán phi giảm trừ phn chi phí khấu hao nhà tương ứng với thời gian đã cho thuê.

Điều 23. Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội

1. Quyền li:

a) Được hưng các cơ chế h trợ, ưu đãi theo quy đnh tại Điều 12 ca Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP;

b) Sau thi gian cho thuê tối thiu là 05 (năm) năm, ch đu tư d án phát triển nhà xã hi bng nguồn vốn ngoài ngân sách được phép bán qu nhà ở cho thuê (ti thiu 20% tổng din ch sàn nhà trong phạm vi d án) cho ngưi đang thuê thuc đi tưng quy định tại Điều 14 ca Ngh định 188/2013/NĐ-CP. Trưng hợp người đang thuê kng có nhu cu thuê căn h đó thì ch đu tư d án đưc phép bán căn h đó cho người khác thuc đi tưng quy định ti Điều 14 ca Ngh đnh 188/2013/-CP theo giá bán quy định ti Điểm a Khoản 2 Điều 15 ca Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP;

c) Được ký kết Hp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà đảm bo đúng đi tưng quy định; thu tin bán, cho thuê, thuê mua nhà theo Hợp đng đã ký; thanh lý Hợp đng bán, cho thuê, thuê mua nhà ; chấm dt Hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở đi vi các trưng hp vi phạm quy định đã tha thun trong Hợp đồng hoc nhng trưng hp ngưi thuê nhà không còn là đi tưng được quy định tại Điều 12 Thông tư này;

d) Được trc tiếp thc hin hoc ký kết vi t chc, cá nhân để cung cp các dịch v nhà xã hi là nhà chung do mình làm ch đu tư khi chưa tổ chc Hội ngh nhà chung đ thành lập Ban qun tr nhà chung theo quy định ca pháp luật v nhà ở;

đ) Được khai thác, kinh doanh các dch v khác theo quy định ca Nghđịnh 188/2013/-CP và Tng tư này đ tạo ngun thu bù đp chi phí qun lý vn hành và bo trì nhà ;

e) Được hưng các quyền lợi khác ca ch đu tư theo quy định ca Nghđịnh 188/2013/-CP và ca các văn bn quy phạm pháp luật khác có liên quan hin hành.

2. Trách nhim:

a) Phi thc hin đầy đ nga v và tch nhiệm ca bên bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định ti Ngh đnh 188/2013/-CP và Thông tư này; kng được t ý chuyển nhưng d án hoặc t chuyển đi mục đích s dụng nhà ở xã hi;

b) Phi thc hin vic qun lý vận hành hoặc la chọn doanh nghiệp có chc năng và chuyên môn đ qun lý, vn hành nhà xã hội là nhà chung do mình làm ch đu tư khi chưa t chc Hội ngh nhà chung đ thành lp Ban quản trị nhà chung theo quy đnh ca pháp luật v nhà ;

c) Phải thc hin các th tc vi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc cp Giấy chng nhn cho người mua, thuê mua nhà xã hi (trừ trưng hp các bên có tha thuận khác);

d) Phải xây dng và ban hành (hoặc y quyền cho đơn v quản lý vn hành) Bn nội quy s dụng nhà xã hội, thông báo công khai đ bên mua, thuê, thuê mua nhà và các t chc, cá nhân có liên quan biết đthc hin. Bản ni quy s dụng nhà xã hi phi bao gồm các nội dung chính như sau: Trách nhiệm ca các t chc liên quan trong quản lý s dụng nhà xã hi; quyn, nghĩa v ca ch s hu hoặc ngưi s dng hp pháp; các hành vi b nghiêm cấm trong qun lý s dụng nhà xã hi; c khoản kinh phí phi đóng p dùng cho công tác qun lý vn hành, bảo t nhà ở xã hi và các khoản chi phí hp lý khác; xác đnh danh mục, v trí, din tích và quy mô các phần s hu riêng, phn s hu và s dụng chung. Bản ni quy này được đính kèm theo và là mt phần kng thtách ri ca Hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hi;

đ) Phi xây dng kế hoạch và t chc (hoặcy quyền cho đơn v qun lý vn hành) thc hin việc bo trì nhà ở xã hi; phi hp vi quan y tế, cơ quan png, chng cháy nổ, cnh quyền đa phương, công an khu vc đ thc hin các công tác v phòng chống dch bnh, phòng cháy, cha cháy và đm bảo an ninh, trt t, an toàn cho khu nhà ở xã hi;

e) Phải thc hin các nhiệm v khác liên quan đến tch nhim và quyền hn ca ch đầu tư theo quy đnh ca pháp luật v nhà và các văn bn quy phạm pháp luật khác liên quan hin hành.

Điều 24. Quyền của người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đi vi người mua (ch s hu) nhà ở xã hội:

a) Được hưng các quyền li bản ca người mua nhà ở xã hi theo quy định tại Ngh định 188/2013/-CP và các quyền li hp pháp khác theo quy định ca pháp luật hiện hành;

b) Được nhn bàn giao nhà kèm theo bản vẽ, h sơ nhà và s dụng nhà ở đã mua theo đúng Hp đồng đã ký với ch đu tư d án;

c) Được quyền yêu cầu ch đu tư d án làm th tc vi quan có thẩm quyền đ đưc cấp Giấy chứng nhận theo quy định ca pháp luật sau khi đã thanh toán 95% giá mua nhà ghi trong Hợp đồng đã ký; đưc yêu cu ch đu tư d án to điều kin và cung cp các giấy t liên quan đ được quan có thẩm quyền cấp Giy chng nhận (trong trưng hợp ngưi mua nhà t tha thun đảm nhn thc hin các th tc đ được cấp Giấy chng nhn);

d) Được quyền yêu cầu chđu tư dán (hoặc đơn vqun lý vn hành) sa cha các hư hỏng ca nhà ở trong thời gian bo hành, nếu hư hỏng đó không phải do ngưi mua gây ra;

đ) Sau thi gian tối thiu là 05 năm k t thời điểm trả hết tin mua nhà xã hi theo Hợp đồng đã ký thì ngưi mua nhà ở xã hi được phép thc hiện đầy đ các quyền ca ch s hu nhà theo quy định ca pháp luật v nhà và pháp luật vdân s.

2. Đi vi người thuê nhà xã hội:

a) Được hưng các quyền li bản ca người thuê nhà ở xã hi theo quy định tại Ngh định 188/2013/-CP và các quyền li hp pháp khác theo quy định ca pháp luật hiện hành;

b) Được nhn bàn giao, s dng nhà và các trang thiết b kèm theo nhà theo đúng Hợp đồng thuê nhà đã ký với ch đu tư d án;

c) Được quyền yêu cầu ch đu tư (hoc đơn v quản lý vn hành) sa cha kp thời những hư hỏng ca nhà đang thuê, nếu hư hng đó không phi do ngưi thuê gây ra; được gia hn hp đng hoặc ký tiếp hợp đồng thuê, nếu vn thuc đi tưng và có đ điều kin được thuê nhà ở xã hội.

3. Đi vi người thuê mua nhà ở xã hi:

a) Được hưng các quyền li bn ca người thuê mua nhà xã hội theo quy định ti Ngh định 188/2013/-CP và các quyền lợi hp pháp khác theo quy đnh ca pháp luật hin hành;

b) Được nhn bàn giao, s dng nhà và các trang thiết b kèm theo nhà theo đúng Hợp đồng thuê mua nhà đã ký với ch đu tư d án;

c) Khi thanh toán hết tiền thuê mua nhà ở, ngưi thuê mua được quyn yêu cầu ch đu tư d án thay mặt mình làm th tc với cơ quan thẩm quyền đ được cp Giấy chứng nhn theo quy đnh ca pháp luật; yêu cu ch đu tư tạo điều kin và cung cp các giấy t có liên quan đ đưc cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chng nhận (trong trưng hp bên thuê mua nhà t tha thun đảm nhận thc hiện các th tc đ được cp Giấy chng nhn); được ch đầu tư bàn giao bn vẽ, h sơ nhà ở liên quan.

d) Sau thi gian ti thiu là 05 năm k t thời điểm trả hết tin thuê mua nhà ở, ngưi thuê mua nhà xã hi được phép thc hin đầy đ các quyền ca ch s hu nhà ở theo quy định ca pháp luật v nhà ở và pháp luật vdân s.

Điều 25. Nghĩa vụ của người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Đi vi người mua nhà xã hội:

a) Phải thc hiện đầy đ nghĩa v bản ca bên mua nhà quy đnh ti Ngh định 188/2013/NĐ-CP và những cam kết trong Hợp đồng mua bán nhà xã hội đã ký;

b) Trong thời gian ca đ 05 năm k t thi điểm trả hết tin mua nhà xã hi theo Hợp đng đã ký thì người mua nhà xã hội ch được bán lại nhà đó (nếu có nhu cu) cho ch đu tư d án hoặc cho đi tưng khác thuc din được mua, thuê mua nhà xã hi (theo giá bán kng được vượt quá mc giá nhà ở xã hi cùng loi ti thi điểm bán).

Người có nhu cầu bán li nhà ở xã hi phi liên htrc tiếp vi ch đu tư d án đ thc hin th tc chuyển hp đng mua bán nhà xã hi cho ngưi mua lại thuc din được mua nhà ở xã hội.

Người mua lại nhà xã hội phi các giấy t xác nhn v đi tưng và điều kin theo quy đnh ti Ngh đnh 188/2013/-CP và Thông tư này.

Người mua li nhà xã hi liên h trc tiếp với ch đu tư d án đ np h sơ đ ngh mua nhà theo quy định ti Điều 15 và phi đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đi tưng quy định tại Điều 16, thc hiện hợp đồng mua bán nhà ở xã hi theo quy đnh ti Điều 17 ca Thông tư này;

c) Trong thời gian ti thiu là 05 năm k t thi điểm trả hết tin mua nhà ở xã hội theo Hp đng đã ký, ngưi mua nhà xã hi phải trc tiếp s dụng nhà ở, không đưc phép cho người khác (ngoài h khu) s dng nhà dưới mi hình thc, như: Cho chung, cho nhờ, cho mưn, giao gi h nhà ở; không được phép cho thuê li, thế chp (trừ trưng hp thế chp vi ngân hàng đvay tin mua, thuê mua chính căn h đó) và không được chuyển nhưng nhà xã hi dưi mi hình thức;

d) Sau thi gian tối thiu là 05 năm k t thời điểm trả hết tin mua nhà xã hi theo Hp đồng đã ký và đã được cấp Giấy chng nhn, nếu ngưi mua nhà xã hội bán lại nhà cho người khác thì phi np các khoản thuế, tiền sdụng đt và các khoản chi phí khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 ca Nghđịnh 188/2013/-CP và quy định ca pháp luật liên quan hiện hành;

đ) Chp hành đầy đ các nghĩa v khác ca ngưi mua nhà ở (ch shu) theo quy đnh ca pháp luật v nhà ở và pháp luật dân s.

2. Đi vi người thuê nhà xã hội:

a) Phải thc hiện đầy đ nghĩa v bản ca bên thuê nhà quy đnh ti Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP và những cam kết trong Hp đồng thuê nhà xã hi đã ký;

b) Phải gi n nhà và có tch nhiệm t sa cha hoặc trả tiền đ sa cha những hư hỏng, bi thưng thit hi do mình gây ra; trả đ tin thuê nhà theo đúng thời hn; thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chi phí s dụng đin, nước và các dch v khác ngoài các khoản chi phí đã được tính trong giá thuê nhà ở (nếu có);

c) Phi trc tiếp s dng nhà xã hi đúng mục đích; không được phép cho ngưi khác (ngoài h khu) s dụng nhà dưi mi hình thc, như: Cho ở chung, cho nhờ, cho mưn, giao gi hnhà ; không được phép cho thuê li, thế chp và không được chuyển nhưng nhà ở xã hi dưi mi hình thc;

d) Phi trả li nhà xã hi cho ch đầu tư d án khi Hp đồng thuê nhà hết hiệu lc theo quy định;

đ) Phi chp hành đầy đ các nghĩa v khác ca ngưi thuê nhà theo quy đnh ca pháp luật vnhà ở và pháp luật dân s.

3. Đi vi người thuê mua nhà ở xã hi:

a) Phải thc hin đy đ nghĩa v bn ca bên thuê mua nhà quy định ti Ngh định 188/2013/-CP và nhng cam kết trong Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hi đã ký;

b) Trong thời gian chưa đ 05 năm k t thời điểm trả hết tin thuê mua nhà ở, người thuê mua nhà xã hi ch được bán nhà đó (nếu có nhu cầu) cho ch đu tư d án hoặc cho đối tưng khác thuc din được mua nhà xã hi (theo giá bán không được vượt quá mc giá nhà ở xã hi cùng loi tại thi điểm bán);

Bên thuê mua nhà ở xã hi phải liên htrc tiếp vi ch đầu tư d án đthc hin th tc chuyển hp đng mua bán nhà xã hội cho ngưi mua lại thuc din đưc mua nhà ở xã hội.

Người mua lại nhà xã hội phi các giấy t xác nhn v đi tưng và điều kin theo quy đnh ti Ngh đnh 188/2013/-CP và Thông tư này.

Người mua li nhà xã hi liên h trc tiếp với ch đu tư d án đ np h sơ đ ngh mua nhà theo quy định ti Điều 15 và phi đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đi tưng quy định tại Điều 16, thc hiện hợp đồng mua bán nhà ở xã hi theo quy đnh ti Điều 17 ca Thông tư này;

c) Phải s dụng nhà đúng mục đích; gi n nhà và tch nhiệm tsa cha hoặc trả tin đ sa cha nhng hư hng, bi thưng thit hi do mình gây ra; trả đ tin thuê mua nhà theo đúng thời hn; thanh toán đầy đủ, đúng thời hn các chi phí s dng đin, nưc và các dịch v khác ngoài các khoản đã được nh trong giá thuê mua nhà ở (nếu có);

d) Sau thi gian ti thiu là 05 năm k t thời điểm trả hết tin thuê mua nhà xã hi theo Hợp đồng đã , nếu ngưi thuê mua bán nhà cho ngưi khác thì phải np các khoản thuế, tin s dng đt và các khoản chi phí khác theo quy định ti Khoản 5 Điều 13 ca Ngh đnh 188/2013/NĐ-CP và quy định ca pháp luật có liên quan hin hành;

đ) Chấp hành đầy đ các nghĩa v khác ca ngưi thuê mua nhà theo quy đnh ca pháp luật vnhà ở và pháp luật dân s.

Điều 26. Tổ chức quản lý vận hành nhà ở xã hội

1. Vic qun lý s dụng, vn hành nhà ở xã hi là nhà chung được thc hin theo quy đnh ca pháp luật hin hành vnhà chung cư.

2. Đơn v qun lý vn hành nhà xã hi

a) Sau khi kết tc giai đoạn đầu tư xây dng nhà xã hội, Ch đu tư dự án trách nhiệm thành lập đơn v trc thuc hoặc thuê hoặc ủy thác cho mt doanh nghip có năng lc chuyên môn v quản lý vn hành nhà chung đthc hiện vic qun lý vn hành nhà xã hi;

b) Hoạt động dịch vụ quản lý vận hành nhà ở xã hội được hưởng các chế độ như đối với các hoạt động dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật.

3. Ban quản tr nhà ở xã hội

a) Ban qun tr nhà xã hi do Hội ngh các ch s hu, ch s dng nhà ở xã hi (gm: ngưi mua, ngưi thuê và ngưi thuê mua) bầu ra. Hi ngh các ch s hu, ch s dng nhà xã hi có th t chc cho mt nhà hoặc mt cm nhà (sau đây gọi chung là khu nhà xã hội) và được t chc mi năm 01 ln; trong trưng hợp cần thiết th t chc Hi ngh bt thưng khi có trên 50% tổng s các ch s hữu, ch sdng đ ngh bng văn bản hoặc khi đ nghị ca Ban quản tr khu nhà xã hội, đng thi văn bản đ ngh ca trên 30% ch s hu, ch s dng khu nhà ở đó;

b) Trong thời hạn 12 tháng k t ngày khu nhà xã hi đưc bàn giao đưa vào s dụng và khu nhà đó đã có trên 50% s căn h có ch s hu, chs dụng đến thì Ch đu tư có tch nhim t chc Hội ngh các ch s hu, ch s dụng nhà ở xã hi ln đu;

c) Ban qun trị khu nhà xã hi gm t 05 đến 07 thành viên, tùy theo điều kiện cụ th ca khu nhà đó. Thành phn Ban qun trị bao gồm đại diện chđu tư, ch s hu, ch s dng và đi diện đơn v qun lý vn hành nhà xã hi. Cơ cu Ban qun trị gồm 01 Trưng ban và 01 hoặc 02 Phó trưng ban.

4. Quyền và tch nhiệm ca đơn v quản lý vận hành, Ban quản tr khu nhà ở xã hi được quy định tại Điều 29 ca Thông tư này.

5. Bảo hành nhà ở xã hi

Việc bo hành nhà xã hi được thc hin theo cam kết trong hp đồng gia ch đầu tư và đơn v thi công xây dng, đơn v cung ứng thiết b và đảm bo theo quy định ti Điều 74 ca Luật Nhà ở.

6. Lập và lưu trữ h sơ

a) Ch đu tư nhà xã hi có tch nhim lp, lưu trữ h sơ nhà theo đúng quy đnh ti Khoản 3 Điều 66 ca Luật Nhà và văn bn hướng dẫn do cơ quan nhà nưc thm quyền ban hành; giao bn sao h sơ hoàn công cho đơn v quản lý vn hành nhà ở xã hi;

b) Đơn v qun lý vn hành, Ban qun tr khu nhà ở xã hi có trách nhiệm lưu trữ bn sao bản vhoàn công và các h sơ có liên quan đến quá trình quản lý vn hành, bo hành và bo trì nhà ở xã hội;

c) quan qun lý nhà các cấp ca các tnh, thành ph trc thuc trung ương có trách nhiệm quản lý h sơ nhà thu nhập thp theo quy định ca pháp luật vnhà ở;

d) quan qun lý có trách nhiệm lp, lưu trữ h sơ v các đối tưng đã được mua, thuê, thuê mua nhà thu nhp thp trên đa bàn, bao gồm: danh sách (k cả các thành viên trong h); diện tích căn h, địa ch căn h được mua, thuê, thuê mua và các thông tin v thu nhp, điều kin vnhà ở ca các đi tưng đtheo dõi và qun ;

đ) quan quản lý h sơ nhà xã hi có trách nhiệm cung cấp các thông tin vh sơ nhà ở khi t chc, cá nhân có yêu cu.

Điều 27. Nội dung và chi phí quản lý vận hành nhà ở xã hội

1. Công tác quản lý vận hành nhà xã hi bao gm: quản lý, vn hành và duy trì hot đng ca h thng trang thiết b (gm thang máy, máy bơm nước, máy phát đin d phòng, h thống h tng kthuật và các trang thiết b khác) thuc phn s hu chung hoặc phn sdng chung ca nhà xã hi; cung cp các dch v (bo vệ, v sinh, thu gom rác thi, chăm c vưn hoa, cây cảnh, dit côn trùng và các dch v khác) đảm bo cho khu nhà xã hi hoạt động bình thưng.

2. Ch đu tư d án nhà xã hội là căn h chung tch nhiệm xác định mc phí và nguyên tắc điều chỉnh mc phí quản lý vn hành nhà xã hi trong thời gian chưa thành lp Ban quản trị nhà chung và quy định trong hp đng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

3. Trưng hp mua bán và thuê mua nhà ở xã hi là căn h chung thì mc phí quản lý vn hành đưc tính theo tháng, phân btheo diện ch phn shu hoặc s dụng riêng (diện tích thông thy) ca tng ch s hữu, ch s dụng và nộp mi tháng mt ln cho đơn v qun lý vn hành.

4. Các chi phí dch v vs dụng nhiên liu, năng lưng, nước và các chi phí dịch v khác mà hp đồng riêng đối với từng ch s hu, ch sdụng thì do ngưi sdụng trc tiếp chi tr cho đơn v cung cấp dch vđó. Trưng hp các chi phí dch v mà không hp đồng riêng thì ngưi sdụng chi tr theo khối lưng tiêu th, trong đó có cng thêm phần hao hụt.

5. Chi phí trông gixe đp, xe máy được thc hiện theo quy đnh ca y ban nhân dân cp tỉnh áp dng chung trên phạm vi địa bàn.

6. Trong quá trình lp dự án phát trin nhà xã hội, ch đầu tư dự án thtính toán, b t mt phn din tích phù hp (sau khi đã đáp ứng đ nhu cầu din tích s dụng chung trong phạm vi d án theo quy chun, tiêu chuẩn xây dựng hin hành) đ đơn v qun lý vận hành thc hiện kinh doanh, to kinh phí bù đắp cho chi phí quản lý vận hành, đảm bo ngưi mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hi ch phi đóng góp chi phí quản lý vận hành nhà đảm bo phù hợp vi quy đnh ti Khoản 2 Điều này.

Điều 28. Nội dung và chi phí bảo trì nhà ở xã hội

1. Bảo trì nhà xã hội bao gồm việc duy tu bo dưng, sa cha nh, sa cha va, sa cha lớn và sa cha đt xuất nhà nhằm duy t cht lưng ca nhà ở. Vic bảo trì được thc hin theo quy định ca pháp luật hin hành về công tác bảo trì công trình xây dựng và pháp luật v nhà ở.

2. Việc bo trì đi vi phần s hu chung, h thống công trình h tng kthut và trang thiết b s dng chung trong nhà chung và các căn h đ cho thuê do ch đu tư hoặc doanh nghip quản lý vn hành nhà xã hi hoặc tổ chc có tư cách pháp nhân, có năng lc v hoạt động xây dng thc hiện và phi tuân th các ch dn ca nhà thiết kế, chế to, quy trình, quy phạm do quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Việc bo t phn shu riêng trong nhà xã hi dành đbán và cho thuê mua do người mua, thuê mua nhà xã hi t đảm nhận kinh phí và thc hin vic bo trì.

4. Mc kinh phí đóng góp đ bo tphần s hu chung đi vi nhà xã hi là căn h chung thc hin theo quy đnh tại Khoản 2 Điều 19 ca Thông tư này.

5. Trong vòng 30 ngày k t khi khu nhà xã hi đưc đưa vào s dụng, ch đầu tư d án (hoặc đơn v qun lý vn hành) có tch nhim lập tài khoản tin gi ti ngân hàng thương mại với lãi sut không thp hơn lãi sut tin gi tiết kiệm không k hạn đ gi khoản tin đóng góp kinh phí bo t theo quy định. Số tiền lãi phát sinh trong mi k gi tin ti ngân hàng phải được b sung vào kinh phí bo t nhà ở xã hội.

6. Công tác bo t nhà xã hội phi đưc thc hin tng qua hp đng. Việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán và thanh lý hợp đồng bo trì được thc hin theo các quy định ca pháp luật v xây dng.

7. Ch đu tư (hoặc đơn v qun lý vn hành) phi lp s theo dõi thu chi đi với kinh phí bảo t và phi hp thc hin kiểm tra vic quyết toán và qun lý thu chi theo quy định pháp luật vtài chính; công khai các khoản thu, chi kinh phí thc hin việc bo trì nhà ở xã hi ti Hi ngh nhà chung cư theo quy định.

Điều 29. Quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị khu nhà ở xã hội

1. Quyền và tch nhim ca đơn v qun lý vn hành:

a) Thc hiện cung cp dịch v qun lý vn hành nhà theo hp đồng đã ký hoặc được y thác ca ch đầu tư, đm bảo an toàn, đúng quy chun, tiêu chuẩn do quan có thẩm quyền ban hành;

b) Ký kết hợp đồng ph vi các doanh nghip khác đ cung cấp dch vụ (nếu có); giám sát vic cung cp các dch v qun lý vn hành nhà chung đối vi các doanh nghip nêu trên đđảm bảo thc hiện theo hp đồng đã ký;

c) Thông báo bng văn bn vnhng yêu cầu, nhng điều cn chú ý cho ch s hu, ch s dng khi bt đầu s dng nhà xã hi; hướng dẫn ch shu, ch s dng vic lp đt các trang thiết b thuc phần shu riêng vào hthống trang thiết b s dng chung trong khu nhà xã hi; xây dng và ban hành Bn ni quy s dng nhà xã hi (trong trưng hợp đưc ch đu tư y quyn), thông báo công khai đ ch s hu, ch s dng và các t chc, cá nhân có liên quan biết đ thc hin;

d) Đnh k kiểm tra cụ th theo thi hn quy đnh ca pháp luật v xây dựng đi với cht lưng nhà xã hi đ thc hin việc qun lý vn hành, sa cha, duy tu bo dưng theo quy đnh;

đ) Thc hin kp thời việc ngăn nga nguy cơ gây thiệt hi đi vi ch shu, ch s dụng nhà xã hội và có trách nhiệm khắc phc, sa cha mi hư hỏng ca phần s hu chung hoặc trang thiết b ng chung trong khu nhà xã hi, đảm bảo cho khu nhà hoạt động nh thưng;

e) Thu mc phí dịch v qun lý vn hành nhà xã hi theo quy định ti Điều 27 ca Thông tư này;

g) Khai thác, kinh doanh các dịch v khác theo quy định ca pháp luật đtạo nguồn thu bù đp chi phí quản lý vn hành; bo t nhà xã hi theo quy định ti Khoản 2 Điều 19 Thông tư này.

h) Thu chi phí bảo trì, quản lý chi phí bo t và thc hin công tác bo trì phần s hu chung ca nhà xã hi theo quy định ti Khoản 2 Điều 19 Thông tư này.

i) Định k 6 tháng mt ln, báo cáo công khai v công tác qun lý vn hành nhà xã hi vi Ban qun tr và phối hợp vi Ban quản trị lấy ý kiến ca ch s hu, ch s dụng nhà xã hội v việc cung cp dch v qun lý vn hành;

k) Phi hp vi Ban quản tr, t dân ph trong việc bo v an ninh, trt tvà các vn đ khác có liên quan trong quá trình qun lý vn hành nhà xã hi.

2. Quyền và tch nhim ca Ban quản trị khu nhà ở xã hội:

a) Bảo v quyền lợi hp pháp ca các ch s hu, ch s dng nhà xã hi theo quy định ca pháp luật; kiểm tra, đôn đc ch s hu, ch s dng nhà ở thc hin đúng Bản ni quy qun lý s dng nhà xã hội và các quy định ca pháp luật v qun lý, s dụng nhà xã hi; to điều kin đ doanh nghiệp qun lý vn hành hoàn thành tt nhiệm v theo ni dung hp đồng đã ký kết;

b) Thu thp, tng hp ý kiến, kiến ngh ca ch s hu, ch s dụng nhà ở v các vn đ liên quan tới việc quản lý s dụng và cung cấp dch v nhà xã hi đ phn ánh với doanh nghip qun lý vn hành, các cơ quan chc năng và các t chc, cá nhân liên quan xem xét, gii quyết;

c) Phi hp vi chính quyền đa phương, t dân ph trong việc xây dựng nếp sng văn minh, gi gìn trt t an toàn xã hi trong nhà chung được giao quản lý;

d) Định k 6 tháng mt ln, Ban quản tr lấy ý kiến ca ch s hu, chs dụng nhà xã hội đ làm cơ s đ đánh giá cht lưng dch v qun lý vn hành ca đơn v qun lý vận hành nhà ;

đ) Kiến ngh với ch đu tư thay đơn v quản lý vn hành nếu chất lưng dịch v kng đảm bảo theo quy định.

Điều 30. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà ở xã hội

1. T ý chuyển đi mục đích s dng nhà ở;

2. Cơi ni, chiếm dụng din tích, không gian hoặc làm hư hng tài sn thuc phn s hu chung hoặc phần s dng chung dưới mi hình thc; đục phá, cải to, tháo d hoặc làm thay đi phn kết cu chu lc, h thống h tng kthut, trang thiết b s dng chung, kiến trúc bên ngoài nhà ở.

3. Phân chia, chuyển đi phn s hu chung hoặc phần s dụng chung trái quy đnh.

4. Gây tiếng n quá mc quy đnh; làm ảnh hưng đến trật t, tr an trong khu nhà ở xã hi.

5. X rác thi, nưc thi, khí thi, chất độc hại ba bãi; gây thm, dột, ô nhiễm môi trưng; chăn ni gia súc, gia cầm trong khu vc thuc phần s hu chung hoặc phần s dng chung trong khu nhà ở xã hội.

6. Qung cáo, viết, v trái quy đnh hoc những hành vi khác mà pháp luật không cho phép; sdng vt liu hoặc màu sắc mặt ngoài căn h, nhà thu nhập thp trái vi quy định; thay đổi kết cấu, thiết kế ca phn s hu riêng hoặc phn s dụng riêng (xây tưng ngăn lên mặt sàn, di chuyển các trang thiết b và h thống kthuật gắn vi phn s hu chung, đc phá căn hộ, cơi nới diện ch dưới mi hình thức).

7. Sử dụng hoặc cho ngưi khác s dụng phần s hu riêng hoặc phần sdụng riêng nhà ở xã hi trái vi mục đích quy định.

8. Nuôi gia súc, gia cầm trong khu vc thuc s hu riêng hoặc phần sdụng riêng làm ảnh hưng ti trật t, m quan và môi trưng sống ca các hkhác và khu vc công cng trong khu nhà xã hi (nếu ni vật cnh thì phi đảm bảo tuân th đúng quy định ca pháp luật).

9. Sử dụng không đúng mục đích kinh phí qun lý vn hành và kinh phí bo trì nhà ở xã hội.

10. Các hành vi b cm khác theo quy định ca pháp luật.

Chương IV

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 31. Giải quyết tranh chấp

1. Các tranh chấp liên quan đến quyền s hu nhà xã hi do Tòa án gii quyết.

2. Các tranh chấp về quyền sử dụng nhà ở xã hội được giải quyết trên cơ sở Hòa giải, nhưng phải bảo đảm các quy định của Thông tư này. Nếu không Hòa giải được thì do tòa án giải quyết.

3. Các tranh chấp về hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong quá trình thực hiện theo Thông tư này thì xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự.

Điều 32. Xử lý vi phạm

1. Các hành vi vi phm hành cnh theo quy định ca Thông tư này được x lý theo quy đnh ca pháp luật v x phạt vi phạm hành chính, pháp luật vxây dng, pháp luật vnhà ở.

2. Các t chc, cá nhân có hành vi gian di v đi tưng, điều kiện đđược mua, thuê, thuê mua nhà xã hi thì ngoài việc b x phạt theo quy định v x pht vi phạm hành chính trong qun lý và phát trin nhà ở, còn b buc phải trả lại nhà đã mua, thuê, thuê mua.

3. Người lợi dụng chức vụ, quyền hn làm trái các quy định liên quan đến xác nhn đi tưng, cũng như vic bán, cho thuê, thuê mua và qun lý sdụng nhà xã hội thì y theo mc đ vi phạm s b x lý hành chính hoặc truy cu tch nhiệm nh s. Người có hành vi vi phạm nếu gây thit hại v vật chất thì phải bi thưng.

4. Các ch đu tư dự án nhà xã hi thc hin việc bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hi không đúng theo quy đnh ti Thông tư này thì ngoài việc bx phạt theo quy định v x pht vi phạm hành chính trong qun lý và phát triển nhà còn b buc phải hoàn trả các khoản chi phí được ưu đãi; b thu hi dự án; kng được thc hin các dự án kinh doanh bất động sn trong thi gian 02 năm kt ngày d án b thu hi hoặc b thu hồi đăng ký kinh doanh.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 33. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ch đo Sở Xây dựng ch trì, phi hợp vi các cơ quan chc năng tổ chc điều tra, thống kê và tổng hp nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà xã hội trên phạm vi đa bàn đ xây dng chương trình, kế hoch phát trin nhà xã hội hàng năm và tng thời k bảo đảm phù hợp với điều kiện c th ca tng đa phương;

2. Ban hành quy định cụ th việc đu thu la chọn ch đầu ; ch đo các quan chc năng thuc thẩm quyền t chc thc hiện đu thu, la chn ch đu tư d án phát trin nhà xã hi trên phạm vi đa bàn theo quy định ti Điểm b Khoản 3 Điều 5 ca Thông tư này;

3. T chc ch đạo thc hin việc lp, thm đnh, phê duyệt d án phát triển nhà xã hội đu tư bng ngân sách địa phương; thẩm định, chp thuận đu tư dự án phát trin nhà xã hi bng nguồn vn ngoài ngân sách theo thẩm quyn; quy định c th các khu vc mà ch đu tư d án phát triển nhà xã hội được phép b t xây dựng nhà xã hi liền k thp tng trong phạm vi d án phù hợp vi quy hoạch đô th ca tng đa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyt.

4. T chc ch đo các quan chc năng thc hiện việc quản lý xây dựng nhà xã hội do các h gia đình, cá nhân tham gia đu tư trên phạm vi địa bàn;

5. Ban hành quy định c th tiêu chí la chn các đối tưng được mua, thuê, thuê mua nhà xã hi trên phạm vi địa bàn theo thẩm quyền quy định ti Khoản 3 Điều 16 ca Thông tư này;

6. Ch đo cơ quan chc năng thuc thẩm quyền thc hin vic thẩm định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hi đối với các d án phát trin nhà xã hi trên phạm vi địa bàn; ban hành khung giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà xã hội do các h gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng theo quy đnh tại Điều 18 Thông tư này; Ban hành giá dch v qun lý vn hành nhà tại các d án phát trin xã hội đáp dng thống nhất trên đa bàn;

7. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này đ ban hành quy định cụ th vbán, cho thuê, cho thuê mua, bán nhà xã hi ti các d án do các thành phn kinh tế tham gia đầu tư và nhà ở xã hi do h gia đình, cá nhân đu tư xây dựng;

8. Ch đo y ban nhân dân cp huyện và cấp xã thc hiện vic điều tra, thống kê, báo cáo nhu cầu v nhà xã hi trên phạm vi đa bàn gi Sở Xây dựng đa phương đtổng hp, phc v xây dng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát trin nhà ở xã hi hàng năm, trung hạn và dài hạn trình quan có thẩm quyền phê duyt.

9. T chc ch đo thanh tra, kiểm tra, theo i, x lý theo thm quyền hoặc ch đạo quan có thẩm quyền x lý các hành vi vi phm liên quan đến phát trin và qun lý nhà ở xã hi trên phm vi đa bàn.

10. Tổ chc chđo các quan chc năng tổng hợp tình hình, báo cáo Th tưng Cnh phủ, Bộ Xây dựng theo đnh khoc theo yêu cầu đt xut về công tác phát trin và qun lý s dụng nhà xã hi trên địa bàn.

11. Thc hin các nhiệm vđược giao tại Điều 25 Nghđnh 188/2013/-CP.

Điều 34. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tiếp nhn, kiểm tra h sơ, ch t thc hin việc đ xut la chọn chđu tư d án phát trin nhà xã hi đ trình y ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết đnh la chọn ch đu tư d án theo thẩm quyền quy định tại Ngh định 188/2013/-CP và quy đnh ti Thông tư này;

2. Tiếp nhn, kiểm tra h sơ, ch t thc hin việc thẩm định d án phát triển nhà xã hi đ trình y ban nhân dân cấp tnh xem xét, quyết đnh chp thun ch trương đu tư hoặc phê duyệt d án phát trin nhà ở xã hi theo thẩm quyền quy định tại Ngh định 188/2013/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này;

3. Ch trì, phi hp vi các quan chc năng ca đa phương nghiên cu, soạn thảo quy định c th tiêu chí la chn các đi tưng được mua, thuê, thuê mua nhà xã hi; quy đnh c th v bán, cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội tại các d án do các thành phn kinh tế tham gia đu tư và nhà xã hội do h gia đình, cá nhân đu tư xây dựng phù hp với điều kiện c th ca đa phương đ trình y ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành;

4. Thanh tra, kiểm tra, và x lý các hành vi vi phạm v phát triển và qun lý s dụng nhà xã hi trên đa bàn theo thẩm quyền hoc báo cáo quan có thẩm quyền x lý theo quy định.

5. Định khoặc đt xuất báo cáo y ban nhân dân cp tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình phát triển và quản lý s dng nhà ở xã hội trên đa bàn.

6. Thc hin các nhim v khác do quan thẩm quyền giao.

Điều 35. Trách nhiệm của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện Nghị định 188/2013/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Theo dõi và tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện việc phát triển và quản lý sử dụng nhà ở xã hội trong phạm vi cả nước.

3. Tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện theo định kỳ và báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư này hoặc đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách về phát triển và quản lý sử dụng nhà ở xã hội.

Điều 36. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2014.

2. Thông tư số 10/2009/TT-BXD ngày 15 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp; Thông tư số 13/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc cho thuê, quản lý vận hành nhà ở sinh viên và nhà ở công nhân khu công nghiệp; Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp và giá bán, giá thuê mua nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc các dự án do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Điều 11 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01 tháng 9 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Các quy định về phát triển và quản lý sử dụng nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng trong các văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà khác với quy định của Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định. /.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tưng Chính phủ và các Phó TTg CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương các Ban ca Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nưc;
- Văn phòng Chính ph;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
-y ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nưc;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trc thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ; Website B Xây dựng;
- BXây dựng: các đơn v trực thuc BXD;
- Lưu: VT, Cục QLN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trn Nam

 

 

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này được áp dụng cho các đối tượng sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo dự án để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Nghị định này.

2. Hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Nghị định này.

3. Các tổ chức có liên quan; các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định này.

4. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 9. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

...

2. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các dự án có từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và khoản chi phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng (nếu có), việc lựa chọn chủ đầu tư dự án, nhà thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở.

Xem nội dung VB
Điều 12. Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

1. Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định sau đây:

...

l) Chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội mà phương án quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Phần kinh doanh thương mại quy định tại Khoản này phải được hạch toán chung vào toàn bộ dự án phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm nguyên tắc lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 47. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội

1. Nhà ở xã hội tại đô thị phải là nhà chung cư được thiết kế bảo đảm những tiêu chuẩn chung của pháp luật về xây dựng và có số tầng theo quy định sau đây:

a) Tại đô thị loại đặc biệt phải là nhà năm hoặc sáu tầng;

b) Tại các đô thị loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5 phải là nhà không quá sáu tầng.

2. Diện tích mỗi căn hộ không quá 60m2 sàn và được hoàn thiện theo cấp, hạng nhà ở nhưng không thấp hơn 30m2 sàn.

...

4. Ngoài các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này, khu vực khác có điều kiện thuận lợi về đất đai thì có thể xây dựng nhà chung cư thấp tầng hoặc nhà ở riêng lẻ nhưng phải bảo đảm chất lượng xây dựng tương ứng với nhà cấp ba trở lên và các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 7. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội

1. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:

...

b) Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là nhà chung cư thì tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2, tối đa không quá 70 m2, không khống chế số tầng nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 70 m2, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Xem nội dung VB
Điều 9. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

1. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội là người sở hữu vốn hoặc người được giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó, bao gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở của Trung ương và địa phương; Ban quản lý dự án được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án.

b) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án; doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động của doanh nghiệp đó.

2. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các dự án có từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và khoản chi phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng (nếu có), việc lựa chọn chủ đầu tư dự án, nhà thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở.

4. Trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 của Nghị định này thì chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đó đồng thời đảm nhận làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.

5. Trường hợp nhà đầu tư đã có quỹ đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở mà có nhu cầu thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội thì nhà đầu tư đó được làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội.

6. Ban Quản lý khu công nghiệp của địa phương hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội gắn với khu công nghiệp đó. Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội, Chủ đầu tư cấp I có thể tự đảm nhận đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển giao đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đó hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là chủ đầu tư cấp II) đảm nhận việc thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

7. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

8. Đối với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng thì hộ gia đình, cá nhân đó thực hiện việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng.

Xem nội dung VB
Điều 9. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

...

2. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các dự án có từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên, trong đó không bao gồm tiền sử dụng đất và khoản chi phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng (nếu có), việc lựa chọn chủ đầu tư dự án, nhà thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB
Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

...

4. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một số địa bàn trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Tổng công ty nhà nước có chức năng và kinh nghiệm về kinh doanh nhà ở, triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn, có hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông công cộng nhằm bảo đảm cải thiện nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Xem nội dung VB
Điều 6. Quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội

...

2. Quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT và hình thức BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án).

b) Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì ngoài hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao để Nhà nước sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhằm bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở của địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Xem nội dung VB
Điều 6. Quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội

...

2. Quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT và hình thức BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án).

b) Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì ngoài hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao để Nhà nước sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhằm bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở của địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội

...

4. Quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên dự án (dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20%);

- Tên chủ đầu tư;

- Mục tiêu đầu tư và hình thức đầu tư;

- Địa điểm dự án; diện tích và ranh giới sử dụng đất, quy mô dân số;

- Tổng mức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư của dự án;

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng hiện hành;

- Tổng diện tích sàn nhà ở của toàn bộ dự án, diện tích sàn của từng loại nhà ở, kể cả nhà ở thương mại (nếu có); số lượng căn hộ từng loại nhà ở trong phạm vi dự án;

- Diện tích sử dụng công cộng, gồm: Chỗ để xe, khu vực sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh dịch vụ (nếu có);

- Phương án tiêu thụ sản phẩm, gồm: Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; số lượng và diện tích nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm của chính quyền địa phương; các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mà dự án được hưởng;

- Thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội

...

4. Quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên dự án (dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20%);

- Tên chủ đầu tư;

- Mục tiêu đầu tư và hình thức đầu tư;

- Địa điểm dự án; diện tích và ranh giới sử dụng đất, quy mô dân số;

- Tổng mức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư của dự án;

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng hiện hành;

- Tổng diện tích sàn nhà ở của toàn bộ dự án, diện tích sàn của từng loại nhà ở, kể cả nhà ở thương mại (nếu có); số lượng căn hộ từng loại nhà ở trong phạm vi dự án;

- Diện tích sử dụng công cộng, gồm: Chỗ để xe, khu vực sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh dịch vụ (nếu có);

- Phương án tiêu thụ sản phẩm, gồm: Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; số lượng và diện tích nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm của chính quyền địa phương; các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mà dự án được hưởng;

- Thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội

...

4. Quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên dự án (dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20%);

- Tên chủ đầu tư;

- Mục tiêu đầu tư và hình thức đầu tư;

- Địa điểm dự án; diện tích và ranh giới sử dụng đất, quy mô dân số;

- Tổng mức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư của dự án;

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng hiện hành;

- Tổng diện tích sàn nhà ở của toàn bộ dự án, diện tích sàn của từng loại nhà ở, kể cả nhà ở thương mại (nếu có); số lượng căn hộ từng loại nhà ở trong phạm vi dự án;

- Diện tích sử dụng công cộng, gồm: Chỗ để xe, khu vực sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh dịch vụ (nếu có);

- Phương án tiêu thụ sản phẩm, gồm: Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; số lượng và diện tích nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm của chính quyền địa phương; các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mà dự án được hưởng;

- Thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội

1. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này):

...

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng đối với các trường hợp sau đây:

- Dự án thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha (trừ dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương quy định tại Điểm a Khoản này);

- Dự án thuộc mọi nguồn vốn (trừ dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương quy định tại Điểm a Khoản này) có diện tích đất dưới 20 ha, nhưng có quy mô từ 2.500 căn hộ trở lên.

Xem nội dung VB
Điều 11. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án và đối với dự án phát triển nhà ở xã hội

...

4. Quyết định chấp thuận đầu tư quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên dự án (dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc dự án phát triển nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20%);

- Tên chủ đầu tư;

- Mục tiêu đầu tư và hình thức đầu tư;

- Địa điểm dự án; diện tích và ranh giới sử dụng đất, quy mô dân số;

- Tổng mức đầu tư và các nguồn vốn đầu tư của dự án;

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng hiện hành;

- Tổng diện tích sàn nhà ở của toàn bộ dự án, diện tích sàn của từng loại nhà ở, kể cả nhà ở thương mại (nếu có); số lượng căn hộ từng loại nhà ở trong phạm vi dự án;

- Diện tích sử dụng công cộng, gồm: Chỗ để xe, khu vực sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh dịch vụ (nếu có);

- Phương án tiêu thụ sản phẩm, gồm: Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; số lượng và diện tích nhà ở xã hội dành để bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ đầu tư và trách nhiệm của chính quyền địa phương; các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi mà dự án được hưởng;

- Thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Xem nội dung VB
Điều 16. Miễn, giảm tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

...

2. Đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở bao gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Thân nhân liệt sĩ;

d) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng;

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

...

3. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8 m2 sàn/người hoặc là nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát mà chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

...

3. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

...

b) Trường hợp mua nhà ở thì phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú nhưng phải đóng bảo hiểm xã hội từ 01 (một) năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án phát triển nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

1. Nhà ở xã hội được dành để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng sau đây:

a) Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng;

b) Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

c) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp (bao gồm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ là quân nhân chuyên nghiệp) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

d) Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại các khu công nghiệp, gồm: Công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề;

Xem nội dung VB
Điều 12. Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

1. Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định sau đây:

...

đ) Được hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước); được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án theo điều kiện của địa phương.

e) Được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành; được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các phần việc tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước).

...

h) Được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó.

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

1. Nhà ở xã hội được dành để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng sau đây:

...

g) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ;

...

i) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

Xem nội dung VB
Điều 16. Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

1. Việc mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải được lập thành văn bản theo đúng hợp đồng mẫu do Bộ Xây dựng quy định và ban hành.

2. Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội theo dự án được ký giữa chủ đầu tư với người mua, thuê mua tính từ thời điểm xây dựng xong phần móng; bên bán nhà ở được huy động tiền ứng trước của khách hàng theo thỏa thuận, nhưng tối đa không vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng; hợp đồng, thuê nhà ở xã hội thì có thể được ký giữa chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp được chủ đầu tư ủy thác quản lý, vận hành nhà ở với người thuê nhà ở.

3. Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì bên cho thuê nhà chỉ được ký hợp đồng thuê nhà ở sau khi đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và bàn giao đưa nhà ở vào sử dụng; hợp đồng thuê nhà ở xã hội được ký có thời hạn tối đa là 05 (năm) năm.

4. Hợp đồng thuê nhà ở xã hội chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn thuê nhà ở mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp;

b) Chấm dứt hợp đồng thuê nhà theo thỏa thuận của hai bên;

c) Bên thuê nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn;

d) Bên thuê nhà vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng mà thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn;

đ) Chấm dứt hợp đồng thuê nhà theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Trường hợp hết hạn hợp đồng mà bên thuê vẫn thuộc đối tượng và đủ điều kiện được thuê nhà ở xã hội thì các bên thỏa thuận để ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở; trước khi hết hạn hợp đồng thuê ba tháng, nếu bên thuê vẫn còn nhu cầu thuê nhà ở và không vi phạm các trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà đã ký thì được quyền ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở mới hoặc được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 15. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

...

4. Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 06 (sáu) tháng, tối thiểu không thấp hơn 03 (ba) tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà.

Cho phép bên cho thuê và bên thuê nhà ở xã hội được thỏa thuận khoản tiền đặt cọc cao hơn mức nộp quy định tại Khoản này, nhưng khoản tiền đặt cọc này không vượt quá 50% giá trị của nhà ở cho thuê. Trong trường hợp bên thuê nộp khoản tiền đặt cọc theo quy định tại Khoản này thì được giảm giá cho thuê nhà ở hoặc không phải đóng tiền thuê nhà ở trong một thời hạn nhất định do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng quy định tại các Điểm a, e và h Khoản 1 Điều 14 của Nghị định này thì không bắt buộc phải nộp tiền đặt cọc khi thuê nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 15. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

...

2. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được xác định theo nguyên tắc:

a) Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Trường hợp dự án có giá bán thấp hơn suất đầu tư xây dựng nhà ở cùng loại do cơ quan có thẩm quyền công bố tại cùng thời điểm thì được phép tính tỷ lệ lợi nhuận định mức trong giá bán không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư.

b) Giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án tự xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư; không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 12 của Nghị định này vào giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; thời hạn thu hồi vốn đối với nhà ở xã hội cho thuê tối thiểu là 15 (mười lăm) năm, kể từ ngày ký hợp đồng.

Trường hợp cho thuê mua nhà ở xã hội thì bên thuê mua phải nộp lần đầu 20% giá trị nhà ở và nộp phần còn lại theo định kỳ do bên cho thuê mua và bên thuê mua thỏa thuận, tính từ thời điểm bàn giao nhà ở đó; thời hạn thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ ngày bên cho thuê mua bàn giao nhà ở cho bên thuê mua.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên phạm vi địa bàn.

3. Đối với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê, cho thuê mua hoặc bán do chủ đầu tư tự xác định giá nhưng không được cao hơn khung giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Xem nội dung VB
Điều 12. Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

1. Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định sau đây:

...

l) Chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội mà phương án quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Phần kinh doanh thương mại quy định tại Khoản này phải được hạch toán chung vào toàn bộ dự án phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm nguyên tắc lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 15. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

...

2. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được xác định theo nguyên tắc:

a) Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Xem nội dung VB
Điều 15. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

...

2. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được xác định theo nguyên tắc:

...

b) Giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án tự xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư; không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 12 của Nghị định này vào giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; thời hạn thu hồi vốn đối với nhà ở xã hội cho thuê tối thiểu là 15 (mười lăm) năm, kể từ ngày ký hợp đồng.

Trường hợp cho thuê mua nhà ở xã hội thì bên thuê mua phải nộp lần đầu 20% giá trị nhà ở và nộp phần còn lại theo định kỳ do bên cho thuê mua và bên thuê mua thỏa thuận, tính từ thời điểm bàn giao nhà ở đó; thời hạn thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ ngày bên cho thuê mua bàn giao nhà ở cho bên thuê mua.

Xem nội dung VB
Điều 12. Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

1. Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại quy định tại Điểm 1 Khoản này) đã được phê duyệt;

Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất; đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% thì được Nhà nước hoàn trả lại hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

c) Được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

d) Được hỗ trợ ưu đãi từ các nguồn:

- Vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và định chế tài chính được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

- Vay vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, Quỹ phát triển nhà ở và các nguồn vốn vay ưu đãi khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

đ) Được hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước); được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án theo điều kiện của địa phương.

e) Được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành; được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các phần việc tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư bằng ngân sách nhà nước).

g) Đối với doanh nghiệp, sản xuất có sử dụng người lao động trong khu công nghiệp nếu tự đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở cho người lao động của đơn vị mình nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và các doanh nghiệp thuê nhà để bố trí cho người lao động ở thì chi phí xây dựng, mua nhà ở hoặc chi phí thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

h) Được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó.

i) Được phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu.

k) Được hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư (nếu có).

l) Chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội mà phương án quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.

Phần kinh doanh thương mại quy định tại Khoản này phải được hạch toán chung vào toàn bộ dự án phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm nguyên tắc lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

2. Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách chỉ để cho thuê thì ngoài các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì còn được hỗ trợ theo quy định sau đây:

a) Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án từ nguồn ngân sách địa phương;

b) Đối với quỹ nhà ở xã hội dành để cho thuê thì sau thời gian cho thuê tối thiểu là 05 (năm) kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê, chủ đầu tư dự án được phép bán quỹ nhà ở này cho người đang thuê (nếu có nhu cầu) theo giá bán nhà ở xã hội tại thời điểm bán nhà ở đó.

3. Hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội được hỗ trợ, ưu đãi theo quy định sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang xây dựng nhà ở xã hội.

b) Được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác liên quan đến hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về thuế.

c) Được hỗ trợ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

d) Được sử dụng nhà ở hình thành trong tương lai để làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

1. Nhà ở xã hội được dành để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng sau đây:

a) Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng;

b) Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

c) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp (bao gồm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ là quân nhân chuyên nghiệp) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

d) Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại các khu công nghiệp, gồm: Công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề;

đ) Người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị;

e) Đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa;

g) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ;

h) Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập;

i) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

2. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

3. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8 m2 sàn/người hoặc là nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát mà chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.

b) Trường hợp mua nhà ở thì phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú nhưng phải đóng bảo hiểm xã hội từ 01 (một) năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án phát triển nhà ở xã hội.

c) Trường hợp thuê mua nhà ở thì phải thanh toán lần đầu bằng 20% giá trị của nhà ở và phần giá trị còn lại theo Hợp đồng đã ký kết.

d) Người thu nhập thấp quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều này là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; người thuộc diện hộ gia đình nghèo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều này là đối tượng nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn nơi cư trú; đối tượng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều này chỉ được phép giải quyết chỗ ở theo hình thức cho thuê.

4. Trường hợp đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để ở quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mà không phải áp dụng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng là các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này, có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 14. Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở xã hội

1. Nhà ở xã hội được dành để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng sau đây:

a) Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng;

b) Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

c) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp (bao gồm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ là quân nhân chuyên nghiệp) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu;

d) Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại các khu công nghiệp, gồm: Công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề;

đ) Người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị;

e) Đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa;

g) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ;

h) Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập;

i) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

2. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

3. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8 m2 sàn/người hoặc là nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát mà chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.

b) Trường hợp mua nhà ở thì phải có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú nhưng phải đóng bảo hiểm xã hội từ 01 (một) năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án phát triển nhà ở xã hội.

c) Trường hợp thuê mua nhà ở thì phải thanh toán lần đầu bằng 20% giá trị của nhà ở và phần giá trị còn lại theo Hợp đồng đã ký kết.

d) Người thu nhập thấp quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều này là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; người thuộc diện hộ gia đình nghèo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều này là đối tượng nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn nơi cư trú; đối tượng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều này chỉ được phép giải quyết chỗ ở theo hình thức cho thuê.

4. Trường hợp đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để ở quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mà không phải áp dụng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng là các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này, có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội.

Xem nội dung VB
Điều 15. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội

...

2. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được xác định theo nguyên tắc:

a) Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Trường hợp dự án có giá bán thấp hơn suất đầu tư xây dựng nhà ở cùng loại do cơ quan có thẩm quyền công bố tại cùng thời điểm thì được phép tính tỷ lệ lợi nhuận định mức trong giá bán không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư.

Xem nội dung VB
Điều 13. Quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội

...

5. Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho người khác thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó (đối với nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở), tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán lại nhà ở.

Xem nội dung VB
Điều 13. Quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội

...

5. Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 05 (năm) năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho người khác thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó (đối với nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở), tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán lại nhà ở.

Xem nội dung VB
Điều 74. Bảo hành nhà ở

1. Nhà ở được bảo hành sau khi hoàn thành việc xây dựng đưa vào sử dụng.

2. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung ứng.

Trong trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán thì bên bán nhà ở có trách nhiệm bảo hành trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này. Bên bán nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành nhà ở đó.

3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm khắc phục, sửa chữa, thay thế kết cấu nhà ở, thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết hoặc khi vận hành, sử dụng không bình thường mà không phải do lỗi của người sử dụng nhà ở gây ra.

4. Thời gian bảo hành nhà ở được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu nhà ở để đưa vào sử dụng và được quy định như sau:

a) Không ít hơn sáu mươi tháng đối với nhà chung cư từ chín tầng trở lên và các loại nhà ở khác được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước;

b) Không ít hơn ba mươi sáu tháng đối với nhà chung cư từ bốn đến tám tầng;

c) Không ít hơn hai mươi bốn tháng đối với nhà ở không thuộc diện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Xem nội dung VB
Điều 66. Lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở

...

3. Hồ sơ nhà ở nộp cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau:

a) Đối với nhà ở tại đô thị được tạo lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì hồ sơ nhà ở bao gồm các nội dung: tên và địa chỉ chủ nhà; một trong các giấy tờ quy định tại Điều 15 của Luật này; tên và địa chỉ đơn vị tư vấn, đơn vị thi công (nếu có); bản vẽ thiết kế hoặc bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở (nếu có); hồ sơ hoàn công theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Đối với nhà ở tại nông thôn được tạo lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì hồ sơ nhà ở bao gồm các nội dung: tên và địa chỉ chủ nhà; một trong các giấy tờ quy định tại Điều 15 của Luật này; bản vẽ thiết kế hoặc bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở (nếu có);

c) Đối với nhà ở được tạo lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì hồ sơ nhà ở bao gồm các nội dung: tên và địa chỉ chủ nhà; một trong các giấy tờ quy định tại Điều 15 của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tổ chức, chỉ đạo việc điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu để xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hàng năm, 05 (năm) năm và dài hơn trên phạm vi địa bàn.

2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị của địa phương; thu hồi quỹ đất thuộc các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới nhưng chưa sử dụng để giao cho các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

3. Quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng cách xây dựng thang bảng điểm cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tổ chức quản lý và theo dõi việc bán, thuê, thuê mua nhằm hạn chế triệt để tình trạng trục lợi để kiếm lời.

4. Quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích, ưu đãi để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn; quy chế quản lý việc sử dụng, khai thác vận hành quỹ nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn địa phương mình theo thẩm quyền.

6. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án cho cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương theo định kỳ; tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội của địa phương theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, báo cáo Bộ Xây dựng để tổng hợp

Xem nội dung VB
Điều 11. Quản lý, sử dụng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước

1. Nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước được dùng để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo, nhà ở công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Việc lựa chọn đối tượng được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở và việc quản lý vận hành nhà ở xã hội quy định tại Điều này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

2. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều này được sử dụng các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về thiết kế điển hình, thiết kế mẫu nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp.

3. Phương pháp xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, giá bán, giá cho thuê nhà ở cho người thu nhập thấp.

4. Căn cứ vào hướng dẫn về phương pháp xác định giá của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư xây dựng giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án thẩm định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ trình đề nghị thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định và có văn bản thẩm định gửi chủ đầu tư, trong đó nêu rõ các nội dung đồng ý và nội dung cần chỉnh sửa.

Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn của tỉnh theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư xây dựng. Căn cứ vào văn bản thẩm định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư ban hành giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội để áp dụng đối với nhà ở do mình đầu tư xây dựng.

Nếu quá 30 ngày mà Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không có văn bản thẩm định thì chủ đầu tư được quyền ban hành giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do mình đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh 01 bảng giá do mình ban hành.

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ tổ chức thẩm định và có văn bản thẩm định gửi chủ đầu tư (không thực hiện phê duyệt) về giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp thuộc các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước.

5. Khi thẩm định để cho vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức tín dụng chỉ căn cứ vào nội dung hồ sơ dự án; trường hợp chưa có ý kiến thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì căn cứ vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư xây dựng theo phương pháp xác định giá do Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Xem nội dung VB