Thông tư 05/2002/TT-BTP hướng dẫn chuyển giao một số việc trong thi hành án cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành
Số hiệu: 05/2002/TT-BTP Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Nguyễn Đình Lộc
Ngày ban hành: 27/02/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 14/05/2002 Số công báo: Số 21
Lĩnh vực: Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2002/TT-BTP

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 05/2002/TT-BTP NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHUYỂN GIAO MỘT SỐ VỤ VIỆC TRONG THI HÀNH ÁN CHO UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRỰC TIẾP ĐÔN ĐỐC THI HÀNH

Để thi hành Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11.9.2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; sau khi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện việc cơ quan thi hành án giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) trực tiếp đôn đốc thi hành như sau:

I. NHỮNG VỤ VIỆC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN CHUYỂN GIAO CHO UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ ĐÔN ĐỐC THI HÀNH

1. Cơ quan thi hành án ra quyết định chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành đối với những trường hợp sau đây:

a. Vụ việc mà số tiền, trị giá tài sản đương sự phải thi hành không quá 500.000 đồng hoặc lớn hơn 500.000 đồng nhưng trước đó cơ quan thi hành án đã thi hành và số tiền, trị giá tài sản còn lại phải thi hành không quá 500.000 đồng.

b. Vụ việc thi hành theo định kỳ mà số tiền, trị giá tài sản thi hành theo từng kỳ không quá 500.000 đồng.

c. Thi hành quyết định phạt tiền của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án.

d. Các khoản tiền chi phí cưỡng chế thi hành án không qúa 500.000 đồng trong trường hợp cơ quan thi hành án chưa thu được hoặc không có điều kiện khấu trừ vào số tiền bán tài sản để thi hành án.

2. Sau khi ra quyết định thi hành án (kể cả các trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa thi hành hoặc thi hành dở dang), thì Đội trưởng đội thi hành án ra quyết định chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành.

Những loại việc trên nếu thuộc thẩm quyền thi hành của Phòng thi hành án, thì Trưởng phòng thi hành án uỷ thác cho Đội thi hành án để chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành.

II. THỦ TỤC RA QUYẾT ĐỊNH, LẬP VÀ GIAO NHẬN HỒ SƠ CHUYỂN GIAO CHO UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ

1. Ra quyết định chuyển giao

a. Đội trưởng đội thi hành án ra quyết định chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, nơi có tài sản của đương sự đôn đốc thi hành. Quyết định chuyển giao phải ghi rõ những nội dung đôn đốc thi hành.

b. Trong trường hợp cần thiết, Đội trưởng đội thi hành án đã ra quyết định chuyển giao có thể thay đổi hoặc bổ sung nội dung quyết định chuyển giao

c. Quyết định chuyển giao phải được gửi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

2. Lập hồ sơ chuyển giao

a. Cùng với việc mở sổ sách theo quy định tại Thông tư số 67/TT-THA ngày 5.7.1996 của Bộ Tư pháp, Đội thi hành án phải mở thêm "Sổ giao nhận hồ sơ và theo dõi kết quả thi hành án đối với các việc chuyển Uỷ ban nhân dân xã, phường".

Uỷ ban nhân dân xã phải mở "Sổ theo dõi việc đôn đốc thi hành án".

b. Hồ sơ chuyển giao gồm:

- Quyết định chuyển giao;

- Bản sao bản án, quyết định của Toà án (bản phô to, có xác nhận của cơ quan thi hành án);

- Bản sao quyết định thi hành án;

- Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể, hồ sơ chuyển giao cần có: Quyết định phạt tiền, quyết định về việc thu các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, các tài liệu cần thiết liên quan (nếu có).

3. Thủ tục giao, nhận:

a. Sau khi ra quyết định chuyển giao, thì chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành vụ việc phải lập và chuyển đầy đủ hồ sơ, cung cấp biên lai thu, chi tiền thi hành án cho Uỷ ban nhân dân cấp xã. Việc giao nhận hồ sơ được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cơ quan bưu điện, nhưng phải ký nhận, ghi rõ thời gian vào "Sổ giao nhận hồ sơ và theo dõi kết quả việc thi hành án đối với các vụ việc chuyển Uỷ ban nhân dân xã, phường" (nếu gửi trực tiếp ) hoặc có phiếu gửi (nếu chuyển qua đường bưu điện) nhưng phải lưu phiếu gửi có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã đã nhận hồ sơ.

b. Cán bộ Uỷ ban nhân dân cấp xã được phân công khi nhận hồ sơ phải ký nhận vào Sổ giao nhận hồ sơ (nếu nhận trực tiếp) hoặc ký nhận vào phiếu gửi và chuyển lại Đội thi hành án.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Đội thi hành án và Uỷ ban nhân dân cấp trên trong việc đôn đốc thi hành án tại địa phương mình; phân công cán bộ thuộc Ban Tư pháp trực tiếp đôn đốc thi hành án và thông báo cho Đội thi hành án biết; đảm bảo việc đôn đốc thi hành án tuân thủ đúng pháp luật; tổ chức tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo về thi hành án.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã kịp thời báo cáo để Đội thi hành án chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.

2. Ban Tư pháp xã giúp chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đôn đốc thi hành án có trách nhiệm:

a- Mở sổ sách, thụ lý, lưu giữ, chuyển trả hồ sơ theo quy định;

b-Thực hiện nội dung đôn đốc thi hành án theo hướng dẫn của Đội thi hành án và chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;

c-Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thực hiện công tác hành chính-tài chính trong việc đôn đốc thi hành án.

3. đối với các loại việc thi hành án được chuyển giao, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cán bộ uỷ ban nhân dân cấp xã được phân công nhiệm vụ phải thực hiện các công việc sau:

a. Tống đạt các quyết định, thông báo về thi hành án;

b. Báo gọi đương sự đến trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã để giải quyết thi hành án;

c. Giáo dục, thuyết phục, tổ chức hoà giải, thoả thuận để các bên đương sự tự nguyện thi hành án;

d. Xác minh điều kiện thi hành án của đương sự;

đ. Thu tiền, tài sản thi hành án theo hướng dẫn của Đội thi hành án. Khi phát hiện người phải thi hành án có tài sản, thu nhập, thì yêu cầu đương sự nộp tiền, tài sản để thi hành án; nếu đương sự không tự nguyện thi hành án, thì đề nghị cơ quan thi hành án ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ, phối hợp các tổ chức, đoàn thể địa phương để bảo vệ, hỗ trợ việc cưỡng chế thi hành án.

Nếu đương sự có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án, thì đề nghị chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định phạt tiền theo quy định của pháp luật;

e. Phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án. Trong trường hợp tài sản thu được thuộc loại mau hỏng (như rau quả, thực phẩm tươi sống...), để tránh thiệt hại, thì lập biên bản ghi rõ tình trạng tài sản và tổ chức bán, đồng thời thông báo cho cơ quan thi hành án biết;

g. Lập biên bản về việc thi hành trực tiếp giữa các đương sự với nhau về các khoản tiền, tài sản theo hướng dẫn của Đội thi hành án; chi tiền thi hành án cho đương sự khi được cơ quan thi hành án uỷ quyền.

Việc quản lý tài chính đối với các việc thi hành án đã chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 8.2.2002 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN

1. Đội thi hành án có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc mở sổ sách, lập hồ sơ thi hành án và thực hiện thủ tục đôn đốc thi hành án; đáp ứng kịp thời đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành án.

2. Đội thi hành án có trách nhiệm lập và chuyển đầy đủ hồ sơ, cung cấp biên lai thu, chi tiền thi hành án cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.

3. Giải quyết khiếu nại liên quan đến việc đôn đốc thi hành án của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục quản lý thi hành án dân sự giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư này cho các chấp hành viên, cán bộ thi hành án của Phòng thi hành án, Đội thi hành án thuộc địa phương mình; chỉ đạo Phòng Tư pháp, Đội thi hành án tổ chức tập huấn cho cán bộ của Uỷ ban nhân dân cấp xã được phân công nhiệm vụ đôn đốc thi hành án.

3. Trưởng phòng thi hành án, Đội trưởng Đội thi hành án tổ chức rà soát, phân loại, lập kế hoạch chuyển giao các vụ việc cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành án; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đó.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc các địa phương cần báo cáo về Bộ Tư pháp để hướng dẫn kịp thời.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

 

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)