Thông tư 01/2021/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường
Số hiệu: 01/2021/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Vũ Thị Mai
Ngày ban hành: 07/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường).

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

Điều 2. Người nộp phí

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thu phí

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện được phân cấp, ủy quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường theo quy định pháp luật thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Mức thu phí

Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường quy định như sau:

1. Tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh:

a) Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke:

- Từ 01 đến 03 phòng: 4.000.000 đồng/giấy.

- Từ 04 đến 05 phòng: 6.000.000 đồng/giấy.

- Từ 06 phòng trở lên: 12.000.000 đồng/giấy.

Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với trường hợp tăng thêm phòng là 2.000.000 đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 12.000.000 đồng/giấy phép/lần thẩm định.

b) Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là 15.000.000 đồng/giấy.

2. Tại khu vực khác (trừ các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này):

a) Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke:

- Từ 01 đến 03 phòng: 2.000.000 đồng/giấy.

- Từ 04 đến 05 phòng: 3.000.000 đồng/giấy.

- Từ 06 phòng trở lên: 6.000.000 đồng/giấy.

Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với trường hợp tăng thêm phòng là 1.000.000 đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 6.000.000 đồng/giấy phép/lần thẩm định.

b) Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là 10.000.000 đồng/giấy.

3. Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu là 500.000 đồng/giấy.

Điều 5. Kê khai, nộp phí

1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí theo tháng và quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.

2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoản chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 50% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiêu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2021 và thay thế Thông tư số 212/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc kê khai, thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân, Cục Thuế, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ CST (CST 5).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

Điều 4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng phí

1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.

Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm:

a) Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

b) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

c) Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.

Xem nội dung VB
Điều 5. Xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí

1. Số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Điều 4 Nghị định này được xác định như sau:

a) Số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại = Số tiền phí thu được x Tỷ lệ để lại.

b) Tỷ lệ để lại được xác định như sau:

Tỷ lệ để lại (%) = Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí / Dự toán cả năm về phí thu được x 100

Trong đó:

- Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xây dựng căn cứ nội dung chi tại Khoản 2 Điều này và căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định.

- Dự toán cả năm về phí thu được do tổ chức thu thực hiện được xây dựng căn cứ mức phí dự kiến và số lượng dịch vụ cung cấp trong năm.

- Trường hợp điều chỉnh mức tỷ lệ để lại, dự toán thu, chi còn căn cứ số liệu thu, chi của năm trước liền kề.

- Tỷ lệ để lại tối đa không quá 100%.

c) Căn cứ tính chất, đặc điểm của các khoản phí và nội dung chi quy định tại Khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí lập dự toán thu, chi và tỷ lệ để lại tại Đề án thu phí; trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật phí và lệ phí quyết định tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí. Trường hợp các khoản phí có tính chất tương tự, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định mức tỷ lệ để lại chung áp dụng thống nhất.

Trường hợp chính sách của Nhà nước thay đổi; số tiền phí được để lại không đủ đảm bảo chi phí cho hoạt động của tổ chức thu phí hoặc tồn dư sử dụng không hết chuyển nguồn qua các năm, cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh tỷ lệ để lại phù hợp.

2. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định này được chi dùng cho các nội dung sau đây:

a) Chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

- Chi thanh toán cho cá nhân thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định).

- Chi phí phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

- Chi sửa chữa thường xuyên tài sản, máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.

- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.

- Trích khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ nguồn thu phí.

- Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.

b) Chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

- Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ nguồn thu phí theo Luật phí và lệ phí).

- Các khoản chi khác có tính chất không thường xuyên liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.

3. Ngoài các nội dung chi tại Khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tiền phí được để lại để chi cho các nội dung khác thì thực hiện chi theo quy định của Chính phủ hoặc quyết định Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, tiền phí để lại được sử dụng theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

4. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí chi cho các nội dung tại Khoản 2 Điều này, đối với cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ.

5. Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Xem nội dung VB