Thông báo số 97/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 tại phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo
Số hiệu: 97/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 26/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 97/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2008 – 2015 TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ BA CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Ngày 06 tháng 3 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký của Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo; ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được những kết quả thiết thực trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành và địa phương.

Để đẩy mạnh hoạt động của công tác này trong thời gian tới, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tổng hợp các kết quả đạt được nói trên, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 4 năm 2009, trong đó làm rõ kế hoạch chỉ đạo, triển khai trong thời gian tới; chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện và định hướng hoạt động đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội tổ chức vào tháng 5 năm 2009.

2. Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động về công tác này, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai và hoàn thành một số công việc sau đây:

- Hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành và địa phương; xây dựng chương trình phát triển nhân lực của ngành, địa phương mình trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 để công bố trước tháng 9 năm 2009. Trong chương trình cần tập trung xác định rõ các nhu cầu về số lượng, chất lượng, trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực; chú ý chọn ra những ngành chủ lực cần tập trung đầu tư, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hiệu quả cao; có định hướng rõ về công tác phát triển, củng cố hệ thống các cơ sở đào tạo; làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực;

- Nghiên cứu, đề xuất cụ thể các cơ chế, chính sách cần bổ sung, sửa đổi, nhằm phục vụ tốt công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, tập trung vào các vấn đề: dự báo nhu cầu; hợp tác và hợp đồng đào tạo giữa các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với các cơ sở đào tạo; cơ chế nhằm phát huy khả năng tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc cho người lao động đối với một số lĩnh vực, ngành nghề.

Việc thành lập, nâng cấp hệ thống các cơ sở đào tạo cần phải gắn với việc xác định các nhu cầu về nhân lực của xã hội để đánh giá vị trí, vai trò và sự cần thiết hình thành, nâng cấp cơ sở đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phối hợp cùng với các cơ sở đào tạo triển khai hoạt động đào tạo nhân lực bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội gồm ngân sách nhà nước, tham gia đóng góp, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, người học và các nguồn hợp pháp khác.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động và Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu, xây dựng quy trình thu thập số liệu và dự báo nhu cầu nhân lực cho ngành giao thông vận tải.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng Chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân;

- Trong tháng 3 năm 2009, hoàn thành việc biên soạn các tài liệu hướng dẫn về công tác xây dựng quy hoạch nhân lực và gửi cho các Bộ, ngành, địa phương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn việc thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học đối với các nhóm ngành trọng tâm; Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học đối với các nhóm ngành trọng tâm; Hội đồng hiệu trưởng các trường chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;

- Ban hành quy định về nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, trong đó có việc làm đầu mối giúp Bộ liên kết với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và phối hợp với các doanh nghiệp triển khai công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội;

- Chuẩn bị báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai thực hiện công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Chính phủ cuối tháng 3 năm 2009;

- Phối hợp với Bộ Xây dựng để thống nhất các tiêu chí sử dụng đất đối với các cơ sở đào tạo, nhằm chuẩn bị nội dung cho buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc dành đất cho các cơ sở đào tạo vào cuối tháng 3 năm 2009;

- Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các tiêu chí xác định trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp trọng điểm, đồng thời có đề xuất cụ thể về danh sách các trường dạy nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Khẩn trương ban hành Danh mục các nghề cần cấp chứng chỉ hành nghề đối với người lao động, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho những lao động đang làm đi bồi dưỡng, học tập để có chứng chỉ hành nghề theo quy định, sau khi quy định có hiệu lực;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ cho các trường trong các doanh nghiệp và chuẩn bị Đề án thực hiện chương trình đào tạo dạy nghề cho một triệu lao động ở nông thôn;

- Đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng đào tạo nhân lực đã ký kết giữa các cơ sở đào tạo và các công ty, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đóng tàu, công nghệ thông tin, du lịch để báo cáo tại Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Bộ, ngành về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội dự kiến được tổ chức trong tháng 5 năm 2009;

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hai Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin về thị trường lao động.

4. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, lựa chọn nhóm các trường đào tạo nhân lực về du lịch làm cơ sở triển khai kế hoạch làm việc với Thụy Sỹ về hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch.

5. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tiêu chí và danh sách các trường đại học trọng điểm của ngành để Chính phủ xem xét đầu tư, nâng cấp.

6. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thông tin về các hoạt động trong khuôn khổ triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ việc làm và dạy nghề cho thanh niên” đã được phê duyệt; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề cho thanh niên.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hoàn chỉnh chiến lược khung về Phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020; xác định kế hoạch bố trí nguồn vốn vay ODA để đầu tư xây dựng bốn trường đại học trình độ quốc tế và nâng cấp, hiện đại hóa một số trường đại học, cơ sở dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chất lượng cao báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 9 năm 2009.

8. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát công tác đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề ở một số lĩnh vực trong ngành do Bộ Tài chính đang thực hiện để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp quy định về việc cấp chứng chỉ trong đào tạo; nghiên cứu khả năng xây dựng xây dựng các trung tâm thực hành ảo phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành.

9. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh chương trình và đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo nhân lực theo nhu cầu trên địa bàn hai thành phố đạt kết quả cao.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc;
- Lưu Văn thư, KGVX (4b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.