Thông báo số 94/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008
Số hiệu: 94/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 23/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 94/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2008

Ngày 19 tháng 3 năm 2009, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã tổ chức giao ban trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:

1. Công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008:

Đồng ý với nội dung các báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

a) Về thiên tai, lụt, bão năm 2008:

Năm 2008 có 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 4 đợt lũ lớn trên các sông suối thuộc Bắc bộ, và Trung bộ. Đặc biệt là đợt mưa lớn ngoài quy luật vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở các tỉnh thuộc Bắc bộ và Bắc Trung bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Thiên tai năm 2008 có nhiều điểm bất thường: rét đậm kéo dài nhất, mưa lũ đặc biệt lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 6; lượng mưa lớn nhất trên diện rộng thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, triều cường cao nhất ở khu vực Nam bộ.

Thiên tai lụt, bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản: 473 người chết; 64 người bị mất tích; 404 người bị thương; 404 căn nhà bị đổ, sập, trôi, 338.503 căn nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 473.403 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 7.472.664 m3 đất đá bị sạt lở. Thiệt hại ước tính khoảng 13.300 tỷ đồng, gần bằng 1% GDP.

b) Những cố gắng và kết quả đạt được trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008;

- Trong những năm qua, Nhà nước đã giành vốn đầu tư xây dựng tu sửa, nâng cấp các công trình phòng, chống lụt bão như hệ thống đê, kè, cống, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền, công trình chống sạt lở, di dân tái định cư vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là hệ thống đê biển từng bước đã được đầu tư nâng cấp vững chắc hơn; triển khai chương trình trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn tham gia cắt giảm lũ cho hạ lưu.

- Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo quyết liệt và kịp thời công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Khi thiên tai xảy ra, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. Các tổ chức xã hội, đồng bào trong cả nước đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, quyên góp tiền hàng giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại.

- Công tác dự báo đã được tăng cường. Đã đưa vào nghiệp vụ dự báo bão 72 giờ, nhận định cường độ bão, gió giật sau 24, 48, 72 giờ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát hiện và cảnh báo sớm tất cả cơn bão, áp thấp nhiệt đới ngay từ khi còn là vùng áp thấp hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương và trên Biển Đông; cảnh báo sớm tình hình lũ quét, sạt lở đất.

- Về Lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn: đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các đơn vị của Trung ương với địa phương. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đã cứu được 6.118 người. Bộ đội Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thông báo, hướng dẫn, kêu gọi, tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.

- Các địa phương đã làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Nhiều địa phương đã tổ chức tốt công việc thu quỹ phòng chống lụt bão. Đặc biệt các tỉnh, thành phố ven biển đã có tiến bộ trong việc quản lý tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển.

c) Các mặt còn tồn tại, yếu kém cần rút kinh nghiệm:

- Công tác dự báo đã có cố gắng trong việc dự báo sớm, song còn hạn chế về độ chính xác. Việc đầu tư thiết bị, nâng cao năng lực dự báo đã triển khai theo các dự án nhưng tiến độ còn chậm, chưa phát huy được hiệu quả. Còn nhiều hạn chế trong dự báo, cảnh báo một số loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc …

- Việc bố trí cơ sở vật chất theo phương châm 4 tại chỗ ở một số địa phương chưa đảm bảo, nhất là việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men … Phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ban đầu thường bị thiếu do phải chờ điều động từ xa tới. Một số địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ, bão nhưng cán bộ chưa thật sự phát huy tinh thần trách nhiệm, đã để xảy ra tình trạng chết người đáng tiếc, nhiều trường hợp do các nguyên nhân đã được cảnh báo trước như việc đi lại qua các ngầm giao thông, đò ngang qua sông …..

- Công tác quản lý tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển của một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa nắm hết số tàu thuyền trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, việc tổ chức neo đậu tàu thuyền trong khu tránh, trú bão ở một số địa phương làm chưa tốt, nhiều tàu thuyền bị đắm ngay trong khu neo đậu.

- Công tác lập quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai chưa tổng thể, thiếu đồng bộ, thể hiện rõ nhất là hệ thống tiêu thoát nước, tiêu úng cho thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Công tác đảm bảo an toàn hồ chứa đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều hồ chứa xây dựng đã lâu nay đã xuống cấp trong tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn chưa được tu bổ, nâng cấp, luôn là mối nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Hầu hết các hồ chứa chưa có thiết bị quan trắc tự động, khi có mưa lũ thường thiếu thông tin cho việc chỉ đạo vận hành kịp thời, nhiều hồ xả lũ trong tình trạng bị động, gây nguy hiểm cho vùng hạ lưu.

- Vấn đề tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai và phương pháp phòng, tránh còn nhiều hạn chế, tuy đã có nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng, biên soạn thành tài liệu hướng dẫn … nhưng hiệu quả chưa cao. Số đông đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xảy ra thiên tai lũ, bão chưa được tiếp cận đầy đủ với việc phổ biến kiến thức phòng tránh, nên bị động khi thiên tai xảy ra, dẫn đến thiệt hại về tính mạng và tài sản.

2. Phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009

- Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão năm 2008 của ngành, địa phương mình, trên cơ sở đó rà soát, xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai lụt, bão cho năm 2009 có hiệu quả hơn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và có hệ thống từ tỉnh xuống đến huyện, xã, đặc biệt đối với các vùng trọng điểm, xung yếu.

Các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương xây dựng Chương trình hành động quốc gia thực hiện chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cho cộng đồng thông qua tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và giảng dạy trong các trường phổ thông, ban hành sổ tay hướng dẫn, thực hiện qua các khóa đào tạo để mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm và biết cách tự cứu mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tăng cường năng lực dự báo cho Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương. Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tu bổ, nâng cấp các công trình phục vụ phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai, các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền.

3. Về đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương

- Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ các khó khăn trong thủ tục triển khai xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nói chung, đặc biệt là các dự án tu bổ nâng cấp hệ thống đê, kè, đường giao thông. Các Bộ, ngành và địa phương chủ động hoàn thành các thủ tục đầu tư, khi có vốn có thể triển khai ngay.

- Đồng ý việc xây dựng Nghị định về xử phạt hành chính trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan soạn thảo, trình Chính phủ.

- Các Bộ, ngành và địa phương quản lý các hồ chứa nước tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành, nhất là nhiều hồ chứa cùng ảnh hưởng đến hạ lưu, phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ để chủ động điều tiết tham gia cắt giảm lũ, tránh tình trạng xả lũ bị động làm trầm trọng thêm áp lực lũ ở hạ lưu.

- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Dự án xây dựng Trung tâm chỉ huy phòng, chống thiên tai lụt, bão khu vực miền Trung đặt tại thành phố Đà Nẵng; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án cấp bách nâng cao năng lực dự báo khí tượng, thủy văn, trình Thủ tướng Chính phủ.

- Về công tác tìm kiếm cứu nạn: đề nghị khẩn trương hoàn thành mua thêm máy bay trực thăng phục vụ tìm kiếm cứu nạn trong kế hoạch 2008: Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí tăng nguồn vốn 2009 để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu phục vụ tìm kiếm cứu nạn cấp cho các tỉnh ven biển. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong vụ khắc phục sự cố tràn dầu do đắm tàu Đức Trí.

- Đồng ý về chủ trương bổ sung nhà trẻ vào Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và lồng ghép thực hiện các Chương trình cụm, tuyến dân cư chống lũ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn để Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TH, KTTH, NC, ĐP, KGVX;
- Lưu VT, KTN (4).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.