Thông báo số 93/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2008 và phương hướng năm 2009
Số hiệu: | 93/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 23/03/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM NĂM 2008 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NĂM 2009
Ngày 4 và 5 tháng 03 năm 2009, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia: Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế và Hà Thị Liên, Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2008 và phương hướng năm 2009.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Ban, ngành Trung ương, các thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đại diện Ủy ban nhân dân các Sở: Y tế, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện 27 Tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Công an, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện các Tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán tại Hà Nội và ý kiến thảo luận của các đại biểu theo chuyên đề phòng, chống ma túy, phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
1. Năm 2008, hoạt động của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm rất tích cực, đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ, nhiều hoạt động mới so với những năm trước đây đã được triển khai, tạo điều kiện huy động được sự đóng góp tích cực hơn, trách nhiệm hơn của các thành viên Ủy ban Quốc gia như: tham gia vào công tác tổng kết, đánh giá và ban hành các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
- Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06/CT-TƯ của Ban Bí thư về phòng, chống ma túy; ban hành Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác này.
- Sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS;
- Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy và 5 năm thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội, trên cơ sở đó Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy;
Phân công các thành viên Ủy ban Quốc gia kiểm tra, đánh giá thực trạng tình hình công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đánh giá các mô hình cai nghiện đa dạng, có hiệu quả như cai nghiện tại Công trường 06 của tỉnh Tuyên Quang, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng của tỉnh Nam Định và chỉ đạo điểm về phòng, chống ma túy tại tỉnh Sơn La…
Trong năm qua, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của tệ nạn này, nhất là các hoạt động về giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Vì vậy, năm 2008 đã có 42/63 tỉnh, thành phố báo cáo có số người nghiện ma túy giảm; kết quả điều tra, bắt giữ và xử lý tội phạm ma túy đạt cao hơn so với năm 2007; tăng 32% số vụ với 41% số đối tượng phạm tội bị bắt giữ…
Về công tác phòng, chống AIDS: bước đầu đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, số trường hợp nhiễm HIV mới có xu hướng giảm, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do AIDS giảm, nhưng số địa bàn quận, huyện, xã phường có người nhiễm HIV lại tăng lên (tăng 3 quận, huyện và 337 xã, phường) so với năm 2007, đây là vấn đề cần phải quan tâm để đề xuất các giải pháp phù hợp.
Về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đã có nhiều cố gắng trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; ban hành các quy định và chế tài xử phạt đồng bộ và hiệu quả hơn, vì thế đã giảm được các hình thức mại dâm nơi công cộng, nhức nhối như những năm trước đây.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót cần được làm rõ để khắc phục trong thời gian tới như: trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số Bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn cho đây là trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách, dẫn đến tình trạng chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết; việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy còn chậm so với thời điểm luật có hiệu lực; công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của mô hình cai nghiện và rút kinh nghiệm chưa tốt; một số cơ quan, đơn vị mặc dù là thành viên Ủy ban Quốc gia nhưng hoạt động còn mờ nhạt như: có đến trên 70% số người nghiện ma túy ở độ tuổi thanh, thiếu niên nhưng Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động chưa tích cực, chưa có các biện pháp hiệu quả; về thực trạng của tình hình chưa đánh giá được sâu về bản chất, về số liệu thống kê thiếu chính xác nên các hoạt động can thiệp còn hạn chế, nhiều mục tiêu của chương trình phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy chưa đạt so với yêu cầu đề ra trong các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt như: chỉ tiêu về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, chỉ tiêu về giảm người nghiện ma túy mới, chỉ tiêu về xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy… Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong nhiệm vụ xóa bỏ cây có chứa chất ma túy chưa tốt do phân công nhiệm vụ chưa phù hợp với khả năng của từng đơn vị; công tác quản lý tiền chất còn bất cập, một số tiền chất đã được Chính phủ quy định nhưng chưa có cơ quan quản lý, còn bỏ ngỏ…đây là những việc phải khẩn trương rút kinh nghiệm, cần phân công cụ thể, rõ ràng để các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.
2. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong năm 2009, cần tập trung làm tốt một số công việc sau:
a) Bộ Y tế:
+ Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS ở Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” và các chương trình hành động của Chiến lược;
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” thành chương trình mục tiêu quốc gia riêng;
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính hoàn thiện đề án “Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS:” trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2009;
+ Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả chương trình thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng mathadone tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm và phức tạp về tệ nạn ma túy.
b) Bộ Công an:
+ Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 21/CT-TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, chuẩn bị sơ kết, đánh giá 1 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này;
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và đôn đốc các cơ quan chủ trì các Đề án và Tiểu đề án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010 triển khai thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng và hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2009;
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng và hoàn thiện việc xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy trong Quý I năm 2009;
+ Chủ trì, phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy chuyên trách của các Bộ: Quốc phòng và Tài chính nghiên cứu cơ chế phối hợp để tăng cường hợp tác với các nước, các Tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn lực và kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là việc phối hợp kiểm soát ma túy trên các khu vực giáp biên giới và trên biển.
c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy trong tháng 4 năm 2009.
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu chủ trương, chính sách vừa phù hợp với đạo lý của dân tộc, vừa phù hợp với tình hình hiện nay để đề xuất các giải pháp phòng, chống hiệu quả hơn, đặc biệt là việc buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm: đánh giá các mô hình hiệu quả về công tác hỗ trợ và giúp đỡ những người lầm lỡ trở về hòa nhập cuộc sống cộng đồng để nhân rộng.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí để các Bộ, ngành thực hiện các Đề án và Tiểu đề án (đã được các Bộ, ngành phê duyệt theo thẩm quyền nhưng chưa được phân bố kinh phí năm 2009) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010; cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ứng vốn hỗ trợ có mục tiêu của năm 2010 để triển khai thực hiện trong năm 2009; kết quả báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trong tháng 4 năm 2009.
đ) Các Bộ, ngành là Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
e) Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác năm 2009 đã được thông qua tại Hội nghị này; căn cứ vào đặc điểm, điều kiện, tình hình AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa phương để đầu tư nhân lực và kinh phí phù hợp, tạo điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chú trọng công tác giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy; định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về các Bộ: Y tế, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành các thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |