Thông báo số 92/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn
Số hiệu: | 92/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 10/04/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TAI XANH Ở LỢN
Ngày 10 tháng 04 năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn. Tham dự họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình, giải pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn và ý kiến phát biểu của đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
1. Dịch xảy ra tại các địa phương vừa qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa đầy đủ, người chăn nuôi có tư tưởng chủ quan, không khai báo khi lợn bị bệnh làm mầm bệnh tồn tại và phát tán. Hệ thống thú ý cơ sở chưa đủ mạnh, không phát hiện bệnh kịp thời. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, chưa được chú trọng thường xuyên. Quan điểm giải quyết xử lý ổ dịch chưa thống nhất. Cơ chế chính sách hỗ trợ còn bất cập, chưa khuyến khích người chăn nuôi khai báo, tích cực hợp tác phòng, chống dịch. Các Bộ, ngành và địa phương cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục ngay trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
2. Dịch bệnh tai xanh có tốc độ lây lan rất nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương phải đặt công tác phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp, chỉ đạo kiên quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động lực lượng để bao vây dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan rộng, trong đó chú trọng các biện pháp sau:
a) Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của người dân về tính nghiêm trọng của dịch bệnh, về chủ trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên môn về thú y.
b) Tăng cường và củng cố hệ thống thú y cơ sở cả về nhân lực và trang thiết bị để bảo đảm khả năng phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh và phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi trong nông nghiệp.
c) Đối với các địa phương có dịch phải chỉ đạo tiêu hủy cả đàn lợn bị bệnh, ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, tránh tình trạng giấu để giữ điều trị hoặc tiêu thụ gây thiệt hại đối với các vùng và địa phương khác. Lập các chốt kiểm soát; nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào vùng có dịch. Đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại, môi trường để tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Đối với địa điểm tiêu hủy phải theo dõi và xử lý kịp thời, không để tình trạng ô nhiễm môi trường, phát sinh thêm dịch khác.
d) Đối với các địa phương chưa có dịch: chỉ đạo giám sát chặt chẽ đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, từng thôn, bản. Khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh dịch phải khai báo và xử lý kịp thời; áp dụng các biện pháp bao vây khống chế xử lý ổ dịch ngay từ đầu. Kiểm soát chặt về thú y đối với lợn, sản phẩm của lợn đưa từ nơi khác đến. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn theo quy định để bảo vệ đàn lợn và giảm thiệt hại do bệnh tai xanh. Bằng mọi biện pháp phải bảo vệ đàn lợn giống, đặc biệt là các cơ sở nuôi giống gốc, giống bố mẹ để cung cấp giống an toàn cho phát triển chăn nuôi sau dịch.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc nhập khẩu vắc xin để tiêm thí điểm bao vây ổ dịch tai xanh; phối hợp với các địa phương sớm xây dựng các đề án: tăng cường hệ thống thú ý cơ sở; kiểm soát vận chuyển lưu thông đối với gia súc, gia cầm; tiêm vắc xin thường xuyên cho đàn gia súc, gia cầm; bảo vệ đàn lợn giống để bảo vệ, phát triển ngành chăn nuôi.
4. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với ngành thú y và các lực lượng khác kiểm tra chặt chẽ việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản phẩm tiêu thụ có nguồn gốc rõ ràng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sản phẩm tiêu thụ có nguồn gốc rõ ràng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh từ đó thực hiện tốt các biện pháp và tích cực hợp tác trong công tác phòng, chống dịch.
6. Để đảm bao công tác phòng chống dịch kịp thời có hiệu quả, Chính phủ quyết định hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức bình quân 25.000 đ/kg lợn hơi, Bộ Tài chính tạm ứng cấp ngay cho các tỉnh số tiền 120 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa 70 tỷ đồng, Nghệ An 15 tỷ đồng, Hà Tĩnh 25 tỷ đồng và Quảng Nam 10 tỷ đồng; các địa phương phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của mình và sử dụng đúng mục đích phần hỗ trợ của Trung ương để phòng chống dịch; xuất dự trữ hóa chất khử trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch khẩn cấp. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |