Thông báo 89/TB-VPCP năm 2014 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững
Số hiệu: | 89/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Viết Muôn |
Ngày ban hành: | 05/03/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NGÀY 20 THÁNG 02 NĂM 2014
Ngày 20 tháng 02 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về các báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013, nhiệm vụ và giải pháp năm 2014.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày tóm tắt các báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
Hoan nghênh các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tham gia có trách nhiệm với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chuẩn bị tốt các báo cáo trên. Đặc biệt, đã kịp thời báo cáo, tranh thủ ý kiến của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cơ bản đồng tình với kết cấu, nội dung các báo cáo, kiến nghị đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Về báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012
- Được chuẩn bị chu đáo, toàn diện, phản ánh đầy đủ việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn 10 năm qua;
- Đã nêu đầy đủ từ khâu tổ chức quán triệt nghị quyết của Quốc hội, chủ trương của Đảng, đến khâu nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách về xóa đói, giảm nghèo và việc triển khai thực hiện tại các địa phương; hệ thống cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ, bao phủ được các đối tượng. Trong quá trình thực hiện, đã kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế;
- Đánh giá được kết quả thực hiện chương trình chung về xóa đói, giảm nghèo và một số chương trình, nội dung cụ thể;
- Rút ra được bài học kinh nghiệm. Chỉ rõ những nơi, địa phương quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, chủ động bố trí ngân sách, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện thì có kết quả giảm nghèo cao hơn;
- Nêu rõ những tồn tại về cơ chế, chính sách, nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện. Đồng thời đưa ra được định hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội và Chính phủ, nhất là phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Về báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013, nhiệm vụ và giải pháp năm 2014
Báo cáo đã đánh giá toàn diện kết quả theo chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và theo chương trình làm việc của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ năm 2013;
Cơ bản đồng ý với các nội dung đánh giá mặt được, tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại; phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của công tác giảm nghèo thời gian tới. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm một số nội dung như sau:
a) Kết quả nổi bật:
- Chính sách giảm nghèo nói chung đã ban hành tương đối đầy đủ, đi vào cuộc sống; được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ;
- Phần lớn các mục tiêu Chương trình đề ra đã đạt được, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%, vượt kế hoạch đặt ra là 4%. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, chính xác hơn kết quả này.
b) Về tồn tại:
- Chính sách nhiều nhưng chưa đồng bộ, hệ thống, còn phân tán, mang tính cào bằng; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc thù một số nơi;
- Tỷ lệ giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc ở một số vùng; các vùng cao, dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao;
- Một số địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo điều hành; nguồn lực còn hạn chế.
c) Nhiệm vụ thời gian tới:
- Về cơ bản, thống nhất với đề xuất thiết kế cơ chế, chính sách theo hướng kế thừa, giảm nghèo bền vững, khuyến khích thoát nghèo, tập trung cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong đó, cần lưu ý một số điểm như sau:
+ Phân loại đối tượng làm căn cứ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hạn chế tái nghèo như: hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo; trong đó ưu tiên nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo ít ưu tiên hơn;
+ Xác định rõ đối tượng nào trong hộ mà Nhà nước có chính sách cho không; đối tượng nào cho vay để tự tạo việc làm, học nghề; đối tượng nào là đối tượng bảo trợ xã hội. Lưu ý việc nghiên cứu tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi chính sách giảm nghèo bền vững để có chính sách riêng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước;
+ Thiết kế chính sách cho vay với các mức lãi suất khác nhau theo từng đối tượng cụ thể;
+ Khuyến khích vươn lên thoát nghèo thông qua tạo điều kiện về vốn sản xuất, đào tạo nghề và định hướng, hướng dẫn sản xuất, tự tạo việc làm và tìm việc làm phù hợp;
+ Phân loại các vùng có tỷ lệ hộ nghèo khác nhau, thiết kế cơ chế, chính sách ưu đãi, tập trung hơn cho các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
- Về rà soát, xây dựng chính sách:
+ Yêu cầu tất cả các Bộ, ngành đều phải tham gia. Trên cơ sở rà soát các chính sách, chủ động đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.
Trước mắt, thực hiện rà soát, hệ thống các chính sách có tính chất giống nhau vào thành một số văn bản chung để dễ hướng dẫn, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
+ Trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, các Bộ, ngành cần lưu ý: rà soát, nắm chắc đối tượng để tránh phát sinh kinh phí trong quá trình thực hiện; phối hợp tốt với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để bảo đảm cân đối nguồn lực phù hợp; thực hiện tốt chủ trương lồng ghép giữa các chương trình.
- Về nguồn lực: thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá, cân đối vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo trung hạn.
- Về tổ chức thực hiện:
+ Tiếp tục yêu cầu các địa phương quán triệt, vào cuộc mạnh mẽ, chủ động, sáng tạo;
+ Tiếp tục vận động, khuyến khích, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua phong trào “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; xây dựng “Quỹ khuyến học”.
3. Về kiến nghị, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đồng ý với 06 nội dung kiến nghị, đề xuất nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý:
- Việc thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác giảm nghèo ờ cấp tỉnh cần tận dụng bộ máy hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế;
- Về chuẩn bị báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội: giao các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư thống nhất số liệu, thống kê đầy đủ, thống nhất các mục chi; nghiên cứu, bổ sung thêm mục chi gián tiếp.
4. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành về việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan; bố trí để Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo họp cho ý kiến trước khi đưa ra lấy ý kiến các địa phương tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp đầu tiên năm 2014.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |