Thông báo 89/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Số hiệu: | 89/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 13/03/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Ngày 07 tháng 3 năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tham gia cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.
Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia sử dựng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và kế hoạch triển khai năm 2012 và cả giai đoạn 2011 - 2015; ý kiến của đại biểu dự họp; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Thống nhất với báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến bổ sung của các đại biểu tại cuộc họp; Chương trình đã được triển khai tích cực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi cả nước; các nhóm nội dung theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện và đạt được kết quả tương đối tốt, nổi bật là: Đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tại hầu hết các địa phương đã xây dựng được các chương trình tiết kiệm năng lượng và có các Trung tâm tiết kiệm năng lượng, thực hiện tốt công tác xã hội hóa; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn được nhiều tài liệu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đưa vào chương trình giảng dạy đối với các cấp học; công tác tuyên truyền đã thực hiện tốt, có nhiều chương trình về tiết kiệm năng lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phong trào tiết kiệm năng lượng đã có sự tham gia của nhiều tổ chức chính trị - xã hội, như: Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên,...; các Tập đoàn lớn trong ngành năng lượng đã tích cực tham gia và hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Với số vốn không nhiều, nhưng qua quá trình thực hiện chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của chương trình còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu, các trang thiết bị có hiệu suất thấp bị loại bỏ không nhiều, bóng đèn tròn vẫn còn được sử dụng nhiều trong chiếu sáng; chất lượng thiết bị tiết kiệm năng lượng sản xuất trong nước, nhất là đèn compact, còn thấp. Chưa kết hợp được các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ với các biện pháp quản lý bắt buộc nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Các tồn tại này cần được rút kinh nghiệm để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình trong giai đoạn tới.
2. Nhiệm vụ chính của các Bộ, ngành
Thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về kế hoạch triển khai Chương trình năm 2012 và cả giai đoạn 2011 - 2015. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng mục tiêu điều chỉnh của Chương trình và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể để có thể đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện Chương trình: chuyển dịch cơ cấu sử dụng năng lượng; giảm cường độ năng lượng, hệ số đàn hồi,...
- Đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí cho xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng, trong đó có các thông tin chính về: cơ cấu tiêu thụ năng lượng, cường độ năng lượng của các ngành, các sản phẩm chủ yếu; cơ cấu phát thải của các dạng năng lượng, các ngành năng lượng; so sánh các chỉ tiêu năng lượng chủ yếu của Việt Nam với các nước trong khu vực trên thế giới;...
- Tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng để nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản liên quan và ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng năng lượng, như: cơ chế giá năng lượng, điện mặt trời, điện sử dụng rác thải,...
- Ban hành và đôn đốc các Bộ có liên quan ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn các thiết bị sử dụng năng lượng, phương tiện giao thông vận tải, vật liệu, công trình xây dựng, các tòa nhà,... liên quan đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Phối hợp với các địa phương để tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở hỗ trợ việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trên địa bàn, các cơ sở kiểm toán năng lượng, tiến tới thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định.
- Xây dựng lộ trình thay thế đèn sợi đốt; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn sợi đốt có công suất lớn hơn 60W; chuẩn hóa chiếu sáng trên các đường phố; lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng đường phố, hạn chế xe máy trong các thành phố lớn.
- Thúc đẩy lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục các thiết bị cần dán nhãn năng lượng bắt buộc.
- Xây dựng mô hình sử dụng năng lượng mẫu của các hộ gia đình tại các khu vực (nông thôn, đô thị) làm cơ sở cho công tác vận động, tuyên truyền; đưa ra các mục tiêu về tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hộ gia đình sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng (dàn đun nước sử dụng năng lượng mặt trời, đèn compact,...) để có cơ sở chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện.
- Lồng ghép Chương trình tiết kiệm năng lượng với các chương trình khác: chống biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới,... do các Bộ có liên quan chủ trì.
- Đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá việc sử dụng năng lượng tại các cơ quan, địa phương, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm,... để có cơ sở đánh giá việc sử dụng năng lượng của các ngành, địa phương; thực hiện cảnh báo khi các ngành, địa phương sử dụng năng lượng không hiệu quả.
- Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất các thiết bị điện, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các địa phương,... làm cơ sở kiểm điểm, tổng kết việc thực hiện Chương trình.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |