Thông báo 89/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thanh tra (sửa đổi)
Số hiệu: | 89/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Kiều Đình Thụ |
Ngày ban hành: | 25/03/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC TIẾP TỤC CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)
Ngày 18 tháng 3 năm 2010, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thanh tra (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải; Tổng thanh tra Trần Văn Truyền, Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương.
Sau khi nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật thanh tra (sửa đổi), ý kiến của các Phó Thủ tướng và của lãnh đạo các cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
1. Những đề xuất của Thanh tra Chính phủ về việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thanh tra (sửa đổi) lần này đã quán triệt và thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2010. Chất lượng của dự án Luật đạt được một bước tiến tốt hơn;
2. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra là làm rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, phạm vi đối tượng thanh tra, sự phối hợp của các cơ quan thanh tra, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giúp Thủ trưởng cơ quan hành chính ở các ngành, các cấp thực hiện tốt chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
3. Về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật:
a) Sửa đổi, bổ sung nội hàm của các khái niệm thanh tra, thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới một bước công tác thanh tra;
b) Làm rõ 2 chức năng của Thanh tra Chính phủ: chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước; chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thanh tra Chính phủ kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của các kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiến hành thanh tra lại;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ trưởng) thực hiện việc thanh tra đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; khi có các vụ việc phức tạp, Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Thanh tra Bộ) giúp Bộ trưởng xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, điều hoà, phối hợp các hoạt động thanh tra, bao gồm cả hoạt động thanh tra của Tổng cục, Cục trực thuộc; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được phân công.
Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với những ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trừ những ngành, lĩnh vực, những nhiệm vụ công tác đã phân công cho Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ mà Tổng cục, Cục này có cơ quan thanh tra để giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của các kết luận thanh tra chuyên ngành, quyết định xử lý sau thanh tra chuyên ngành của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với những vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể kiến nghị Bộ trưởng cho tiến hành thanh tra lại. Sau khi có kết quả thanh tra lại, nếu Chủ tịch UBND cấp tỉnh có ý kiến khác với Bộ trưởng thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục được thành lập ở một số Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành .đối với ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ công tác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục, Cục được phân công.
đ) Đối với các Chi cục, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của Chi cục và tăng cường thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chi, cục trưởng đối với các vi phạm pháp luật. Trường hợp Chi cục có phạm vi đối tượng quản lý rộng, phức tạp, nếu cần thiết thì có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Thanh tra Chi cục để thực hiện việc thanh tra chuyên ngành.
4. Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |