Thông báo số 82/TB – VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc
Số hiệu: 82/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Công Sự
Ngày ban hành: 12/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/TB–VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2006 

 

THÔNG BÁO 

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG  VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC

Ngày 11 tháng 5 năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá – Thông tin, Thương mại và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch lở mồm long móng và lấy ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1.Dịch lở mồm long móng ở gia súc đã xảy ra ở nước ta nhiều năm qua và diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến nay, bệch dịch xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố, tuy tỷ lệ gia súc nhiễm bệnh nhiễm bệnh và chết còn thấp với tổng đàn nhưng dịch có xu hướng lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, tăng trưởng kinh tế, môi trường du lịch và xuất khẩu một số nông sản. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch và hỗ trợ vắc xin, thuốc sát trùng cho các địa phương; phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006 – 2010 nhằm bao vây dập tắt, tiến tới thanh toán bệnh dịch này ở nước ta.

Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ Bộ đến địa phương chậm, chưa quyết liệt, thiếu cụ thể và tập trung; việc kiểm soát vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch và nhập lậu qua biên giới không chặt chẽ; công tác thông tin tuyên truyền chưa có sự phối hợp giữa các Bộ và còn bị động; người dân, các cấp, các ngành chưa nhận thức rõ và đầy đủ về nguy hại của bệnh dịch đối với phát triển chăn nuôi, nền kinh tế và ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng cuộc sống nhân dân.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rút kinh nghiệm về tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch vừa qua; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/2000/CT – TTg ngày 4 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc. Khi phát hiện có dịch phải thực hiện công bố dịch và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở cấp Bộ và tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về thú y.

Trước mắt, phải tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và huy động lực lượng để bao vây khống chế dập tắt các ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia súc ra khỏi vùng ổ dịch, không để bệnh dịch tiếp tục lây lan. Từng địa phương phải có chương trình, kế hoạch phòng, chống cụ thể đến tận thôn, ấp, bản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hướng dẫn cụ thể và thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch; nhập khẩu đủ vắc xin, đảm bảo chất lượng, chủng loại, giá cả phù hợp, có cơ số dự trữ cần thiết để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp; cử các đoàn đi chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch ở các địa phương.

Đồng thờiphải khẩn trương thực hiện có hiệu quả Chương trình khống chế và thanh toán bệnh lở mồm, long móng giai đoạn 2006 – 2010 đã được phê duyệt và coi đây là một trong các biện pháp để phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện Chương trình này.

3. Các Bộ: Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền các cấp và các lực lượng liên quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về kiểm dịch thú y, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc lưu thông vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm gia súc, đặc biệt ở các vùng có dịch và vùng phụ cận để ngăn chặn dịch lây lan và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

4. Bộ Văn hoá – Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí, phối hợp với BộNông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị và người dân nhận thức rõ và đầy đủ về nguy hại của dịch bệnh này đối với phát triển chăn nuôi, đối với nền kinh tế, từ đó chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Mặt khác, việc đưa tin phải đảm bảo kịp thời, toàn diện và chính xác, không gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người tiêu dùng, thiệthại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đêna các ngành kinh tế khác, kịp thời biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt và phê phán những nơi chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch.

5. Để nhanh chóng dập tắt, không để dịch lở mồm, long móng tiếp tục lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định lượng vắc xin, thuốc sát trùng thuộc mặt hàng dự trữ quốc gia do Bộ quản lý nhằm hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc theo nguyên tắc nhà nước và người chăn nuôi bị thiệt hại cùng chia sẻ rủi ro và phải quan tâm chú ý các hộ nghèo, hộ gia đình chinh sách và các vùng khó khăn, đồng thời chú ý thựchiên các biện pháp phòng, chống dịch của Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm, long móng, phấn đấu đến năm 2010 khống chế và thanh toán bệnh lở mồm, long móng ở nước ta.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

                                                                                                

KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Công Sự

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.