Thông báo 76/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước
Số hiệu: | 76/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Lê Mạnh Hà |
Ngày ban hành: | 09/05/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI DOANH NGHIỆP 2016 DOANH NGHIỆP VIỆT NAM - ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA ĐẤT NƯỚC
Ngày 29 tháng 4 năm 2016, tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016. Các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cùng chủ trì với Thủ tướng Chính phủ. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại diện lãnh đạo: Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước tham dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế, Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban dân tộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 35 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, 7 hợp tác xã, 350 công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và 40 doanh nghiệp có vốn nhà nước là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần hóa. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu địa phương của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.
Sau khi nghe Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp; phát biểu của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Khoa học và Công nghệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ý kiến các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, chứng kiến lễ ký cam kết về tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và quyết tâm vượt khó vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước; đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, có nhiều hoạt động hỗ trợ gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, bão lụt.
Doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, cần thiết; hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng phát triển lớn mạnh. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, nền kinh tế đã chuyển từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cạnh tranh. Hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Các thủ tục hành chính gây cản trở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được nhận diện và từng bước loại bỏ.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, môi trường đầu tư, kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.
Luật ban hành và chỉnh sửa còn chậm so với thực tế, có trường hợp các luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Chưa có cơ chế hiệu quả nhằm khuyến khích doanh nghiệp tìm các giải pháp đột phá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp có chiều hướng giảm. Công tác cổ phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế. Tuy đạt 93% số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (giai đoạn 2011 - 2015) nhưng số vốn hóa ra thị trường chưa tới 10% tổng vốn nhà nước. Thực trạng các doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi về quy mô; thiếu hụt lực lượng, doanh nghiệp có quy mô vừa có 1,8%, quy mô lớn có 2%. Chỉ số về khả năng thanh toán ít được cải thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, hiệu suất sinh lời giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,6% năm 2014.
Khả năng kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tiêu cực. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 chưa có nhiều thay đổi rõ nét, trong đó có nhiều bộ, nhiều địa phương chưa tập trung triển khai thực hiện một cách đầy đủ Nghị quyết này.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn vừa qua khá tích cực nhưng chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế thấp hơn nhiều so với mặt bằng khu vực. Chính sách của Chính phủ có nhiều nhưng còn cắt khúc, manh mún, chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc trong thực thi.
Thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt, chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách hành chính và năng lực tạo dựng các thể chế để bảo đảm cho doanh nghiệp tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế.
Cần thực hiện các nội dung sau nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước:
I. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
1. Kiến tạo môi trường kinh doanh, công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, trước mắt rà soát, giải quyết triệt để những vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật liên quan.
- Tập trung xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chất lượng.
- Giải quyết triệt để các vấn đề phát triển, phát sinh liên quan tới thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp với nhiều hình thức mà Nhà nước, các địa phương cần phải quan tâm. Các tỉnh đều phải làm khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã thành công rồi phải tiếp tục khởi nghiệp. Năm 2016 là năm khởi nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam. Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng, góp vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
2. Cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh
- Rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ở các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thực hiện công bố công khai để doanh nghiệp hiểu và thực hiện.
- Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
- Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền về điều kiện kinh doanh.
- Đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, theo tinh thần doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, chuyển từ hình thức xin - cho sang áp dụng cấp phép tự động và thực hiện hậu kiểm..
- Rà soát, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các sản phẩm và chất lượng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra
Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không trùng lắp, hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. Không kiểm tra khi không có lý do chính đáng. Đặc biệt là công tác kiểm toán thuế cần minh bạch hơn, chống tiêu cực trong nội bộ ngành thuế, hải quan.
4. Ổn định, không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng và nghiên cứu giảm lãi suất vay. Thống nhất giảm 1% trong trung dài hạn và lĩnh vực ưu tiên. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu 1 gói hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đầu tư khoa học công nghệ.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Quản lý Nhà nước phải đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào khâu hậu kiểm. Rà soát lại các thủ tục để quyền lợi và giá trị tài sản của công dân cùng doanh nghiệp được bảo đảm.
6. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong cả nước định kỳ hằng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, với doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Tất cả các địa phương phải thành lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính cao hơn theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan quán triệt tới từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, chống tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ theo tinh thần phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình, các cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
7. Sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương thực hiện ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tất cả các địa phương cần xây dựng và triển khai đề án chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp. Công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử, tiến tới thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mà không cần sự can thiệp trực tiếp của công chức. Cơ quan quản lý có thể theo dõi quy trình, thời gian, kết quả xử lý thủ tục hành chính trực tiếp trên hệ thống mạng. Tất cả địa phương triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 mới ký ngày 28 tháng 4 năm 2016.
8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
II. Giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với từng kiến nghị của doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp chuyển đến hoặc doanh nghiệp gửi trực tiếp và kiến nghị tại Hội nghị về các vấn đề: đăng ký, gia nhập thị trường; tiếp cận vốn, tín dụng; đất đai, xây dựng, môi trường; thuế, hải quan; chi phí kinh doanh; thanh tra, kiểm tra; báo chí, truyền thông; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; hợp quy, hợp chuẩn, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; quy định về giao dịch bảo đảm; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trước ngày 15 tháng 5 năm 2016. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
III. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Chính phủ tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, làm đúng vai trò, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam giữ vai trò và vị trí rất quan trọng. Doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, lớn mạnh, có khả năng vươn tầm quốc tế là nền móng quan trọng nhằm bảo đảm vị thế quốc gia và chỗ đứng của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ gìn an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia ở một nền quốc phòng mạnh đòi hỏi một nền tảng kinh tế tiến bộ, bảo đảm nguồn lực được góp phần xây đắp bởi các doanh nghiệp. Muốn một nền an ninh quốc gia tốt, quốc phòng tốt, doanh nghiệp phải phát triển.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, nói không với trốn thuế, lậu thuế, gian lận thương mại; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng lên án và cương quyết xử lý đúng pháp luật những kẻ đội lốt doanh nghiệp, làm ăn bất lương, bất chính, bất chấp lợi ích quốc gia, vô cảm trước sức khỏe của đồng bào.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2020 về phê duyệt Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc giữa các thành viên ASEAN và Trung Hoa Ban hành: 28/02/2020 | Cập nhật: 04/03/2020
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018 về thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 07 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Ban hành: 23/03/2018 | Cập nhật: 26/03/2018
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 Ban hành: 12/03/2015 | Cập nhật: 13/03/2015
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Ban hành: 18/03/2014 | Cập nhật: 19/03/2014
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Bắc Giang Ban hành: 07/02/2013 | Cập nhật: 19/02/2013
Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2010 thành lập thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng Ban hành: 08/04/2010 | Cập nhật: 10/04/2010
Nghị quyết số 19/NQ-CP về việc xác lập địa giới hành chính xã Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai; các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Thạch Thất; huyện Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội; thành lập quận Hà Đông và các phường trực thuộc; chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc thành Hà Nội Ban hành: 08/05/2009 | Cập nhật: 12/05/2009
Nghị quyết 19/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2021 Ban hành: 10/02/2021 | Cập nhật: 11/02/2021