Thông báo 75/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi kiểm tra và làm việc với dự án nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình
Số hiệu: | 75/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 15/03/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI KIỂM TRA VÀ LÀM VIỆC VỚI DỰ ÁN NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHÂN ĐẠM NINH BÌNH
Ngày 08 tháng 03 năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra hiện trường Nhà máy và chủ trì cuộc họp bàn về đẩy nhanh tiến độ và xử lý một số vướng mắc trong quá trình xây dựng dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe Tập đoàn Hóa chất Việt Nam báo cáo tình hình triển khai Dự án, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Phân bón các loại, trong đó có đạm Urê giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Để chủ động nguồn phân bón, trong thời gian qua Nhà nước đã cho phép xây dựng một số nhà máy sản xuất phân đạm như: đạm Cà Mau, đạm Hà Bắc mở rộng, đạm Thanh Hóa, nhưng các dự án đang chậm so với tiến độ đề ra. Do đó, việc bảo đảm tiến độ đưa dự án Nhà máy đạm Ninh Bình sớm vào hoạt động để góp phần chủ động cung cấp phân bón cho nông nghiệp là rất cần thiết.
Từ khi khởi công xây dựng Nhà máy đến nay, Chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền của tỉnh Ninh Bình và Nhà thầu, triển khai tích cực, đạt khối lượng có giá trị khoảng 50% tổng mức đầu tư. Đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thành toàn bộ thiết kế cơ sở, hoàn thành trên 90% thiết kế chi tiết; công tác thi công san đắp mặt bằng, xử lý nền móng, lắp đặt hệ thống ống ngầm đạt 80% khối lượng công việc,... Công tác quản lý chất lượng được đảm bảo, đúng với thiết kế, đúng với các tiêu chuẩn kỹ thuật, qui phạm, thiết kế cơ sở trong Hợp đồng EPC, bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng. Tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường... Tập thể đoàn kết, lao động sáng tạo. Đánh giá cao hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, chỉ đạo của Bộ Công Thương, của các Bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực phấn đấu cao của Chủ đầu tư và Nhà thầu EPC trong việc triển khai dự án trong thời gian vừa qua; yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Chủ đầu tư tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giao ban cùng với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ban Quản lý dự án xử lý những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai Dự án, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm, hỗ trợ dự án trong việc giải phóng mặt bằng, rút ngắn các thủ tục cấp phép lao động nước ngoài và bảo đảm an ninh, trật tự trong và ngoài nhà máy, nhất là khi các vật tư, thiết bị về nhiều trong năm 2010 để lắp đặt, hoàn chỉnh nhà máy.
3. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:
a) Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc để các Nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ đề ra; hàng tháng tổ chức giao ban với Ban Quản lý dự án và các nhà thầu để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
b) Rà soát năng lực của các nhà thầu phụ, nhà thầu nào không đủ năng lực, không đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình thì thay thế nhà thầu khác.
c) Đôn đốc Nhà thầu tư vấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng từng hạng mục công trình.
d) Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề của công nhân kỹ thuật để dự án khi vào hoạt động vận hành được ngay.
đ) Phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tốt người lao động (cả người lao động trong nước và người lao động nước ngoài), bảo đảm an ninh, an toàn lao động trong và ngoài khu vực xây dựng nhà máy.
e) Xử lý tốt những vấn đề Nhà thầu EPC kiến nghị, không được để chậm trễ những vấn đề xử lý thuộc thẩm quyền của Tập đoàn gây ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án.
4. Đối với nhà thầu:
Cần nỗ lực hơn nữa, có biện pháp thi công tối ưu nhất, phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ:
1. Về vốn cho thanh toán xây lắp bằng đồng Việt Nam: Ngân hàng Phát triển Việt Nam bố trí nguồn vốn đáp ứng đủ nhu cầu và tiến độ của dự án theo Hợp đồng đã cam kết.
2. Về cân đối bán ngoại tệ: giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, tạo điều kiện cho Chủ đầu tư mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho Dự án.
3. Về việc vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Eximbank-Trung Quốc thay cho nguồn vốn đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam: đồng ý về nguyên tắc đề xuất của Chủ đầu tư. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc cụ thể với Ngân hàng Eximbank-Trung Quốc và Bộ Tài chính, các Bộ, ngành khác có liên quan để xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về dãn nộp thuế nhập khẩu và miễn thu tiền bảo lãnh đối với các thiết bị, máy móc loại lớn tạm nhập tái xuất dùng cho thi công tại hiện trường của Nhà thầu: Chủ đầu tư giúp Nhà thầu EPC làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về nạo vét của sông Đáy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |