Thông báo 68/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi thăm và làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc
Số hiệu: | 68/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 29/02/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC
Ngày 13 tháng 02 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Việc tập trung đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương hết sức đúng đắn đã được Đảng, Nhà nước đề ra từ rất sớm, mới đây tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI).
Sau 10 năm xây dựng, với sự hợp tác quốc tế, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản đã hoàn thành, đạt được một số kết quả về công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng được một số hạng mục hạ tầng cơ bản; thu hút được một số dự án đầu tư (đã cấp phép 61 dự án với tổng mức vốn trên 31.000 tỷ đồng và đang xem xét để cấp phép cho khoảng 50 dự án với số vốn khoảng trên 44 nghìn tỷ đồng). Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn chậm xa so với yêu cầu, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và nhiều nguyên nhân chủ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào hoạt động và phát triển đúng hướng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phát triển công nghiệp - công nghệ cao trong giai đoạn 2012 - 2020, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trước hết cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tập trung rà soát, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch chung theo đúng mục tiêu, chức năng của Khu công nghệ cao; khẩn trương phối hợp với đối tác Nhật Bản sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết đối với các khu chức năng.
2. Về giải phóng mặt bằng: Thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1647/TTg-KGVX ngày 16 tháng 9 năm 2011. Phải tập trung nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành công tác giải phòng mặt bằng trong năm 2012, đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính tìm mọi cách cân đối, bố trí đủ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn trong nước và trao đổi, đàm phán với đối tác Nhật Bản. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam trực tiếp đầu tư hệ thống cung cấp điện ổn định cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chủ trì phân định rõ trách nhiệm đầu tư xây dựng đối với các dự án hạ tầng khác (từ ngân sách Nhà nước, ODA, vốn doanh nghiệp), như giao thông nội khu, cấp thoát nước,...
4. Về thu hút đầu tư: Bộ Khoa học và Công nghệ phải rà soát lại các tiêu chí, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc và lập kế hoạch thực hiện cụ thể đến năm 2020 (ngành, lĩnh vực nào, sản phẩm ưu tiên,...) đáp ứng yêu cầu và khả năng của đất nước; phù hợp với phương hướng nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã được phê duyệt. Tổ chức rà soát ngay các dự án đã đăng ký vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nếu không đúng mục đích, tiêu chí, lĩnh vực ưu tiên về công nghệ cao hoặc triển khai quá chậm phải kiên quyết thu hồi giấy phép.
Đối với một số lĩnh vực cụ thể cần lưu ý:
- Về nghiên cứu triển khai: cần lựa chọn những lĩnh vực công nghệ cao thực sự, có ý nghĩa thiết thực đối với đất nước. Các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia hiện có tại các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ cần tập trung phát huy hiệu quả tại chỗ, không đặt vấn đề chuyển vào Khu công nghệ cao.
- Về cơ sở đào tạo: cần rà soát kỹ đối tượng để phục vụ đúng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, ưu tiên trực tiếp đáp ứng nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghệ cao.
- Về lĩnh vực sản xuất: cập nhật thông tin, điều chỉnh làm rõ tiêu chí, lĩnh vực công nghệ cao, sản phảm cụ thể,...để thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất có tính chất làm nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát các chính sách hiện có, từ đó đề xuất bổ sung, điều chỉnh chính sách ưu đãi cụ thể đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo ba nhóm chính sách cơ bản là:
- Cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
- Cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia trình độ cao vào làm việc tại các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc (dựa trên kinh nghiệm và thực tế một số quốc gia).
- Thí điểm thực hiện chế độ phụ cấp, chi phí đi lại đối với cán bộ Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (cả ba nhóm hoặc từng nhóm vấn đề) trong Quý II năm 2012.
6. Về đề xuất thành lập doanh nghiệp kinh doanh và phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ. Trước mắt, cần nghiên cứu, thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đại diện cho chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, phát triển hạ tầng, khi đủ điều kiện sẽ thành lập doanh nghiệp thực hiện việc này.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Công văn 1647/TTg-KGVX năm 2016 điều chỉnh thời gian thực hiện dự án do Hội Nông dân Việt Nam quản lý Ban hành: 20/09/2016 | Cập nhật: 24/09/2016
Công văn 1647/TTg-KGVX vướng mắc trong triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Ban hành: 16/09/2011 | Cập nhật: 07/03/2012