Thông báo số 67/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam
Số hiệu: | 67/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Trần Quốc Toản |
Ngày ban hành: | 10/04/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thông tin báo chí, xuất bản, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Ngày 06/03/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam. Tham dự buổi làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, các Bộ, cơ quan: Văn hóa-Thông tin, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bưu chính, Viễn thông, UBND thành phố Hà Nội và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động trong thời gian qua, nhiệm vụ công tác chủ yếu trong thời gian tới và một số kiến nghị cụ thể; ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, các cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua:
a) Trong những năm qua, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sỹ và công nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là các sự kiện lớn của đất nước; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành diễn đàn của nhân dân; thông tin, tuyên truyền đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và một số địa bàn quan trọng trên thế giới được chú trọng. Đài đã quan tâm xây dựng đội ngũ, chủ động ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hóa nội dung và phương thức thông tin, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối nội và đối ngoại.
Đài đã phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu quan trọng trong quy hoạch phát triển đến năm 2010, như: phủ sóng đạt 97,5% dân số cả nước (mục tiêu đề ra là 97%); hoàn thành việc xây dựng 6 hệ chương trình phát thanh, với tổng thời lượng phát sóng gần 200giờ/ngày (mục tiêu đề ra là 160giờ/ngày); chương trình phát thanh tiếng dân tộc và phát thanh đối ngoại đều tăng về thời lượng, phạm vi phủ sóng và số ngôn ngữ.
b) Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả một số chương trình của Đài còn thấp, tính định hướng dư luận xã hội chưa cao; còn ít những tin bài đề xuất, phát hiện vấn đề mới, nhân tố mới; việc đấu tranh chống các luận điệu phản động, quan điểm sai trái còn chậm, chưa sắc bén; chất lượng phát thanh đối với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc còn hạn chế; đầu tư trang thiết bị có những mặt bất cập, hiệu quả chưa cao; trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên tuy đã được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới:
a) Đài Tiếng nói Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và bám sát thực tiễn cuộc sống, không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, nhằm thực hiện tốt nhất chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; góp phần nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và thực hiện dân chủ hóa xã hội; coi trọng việc phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình hay, nêu gương người tốt, việc tốt và hướng dẫn cách làm ăn cho nhân dân; tham gia có hiệu quả việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính và chủ động chống lại các luận điệu phản động, sai trái.
b) Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, giải pháp trong Quy hoạch phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 2010; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thông tin đối nội và đối ngoại, từng bước hội nhập thông tin quốc tế, phấn đấu xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam thành một quốc gia mạnh, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
c) Để hoàn thành mục tiêu phủ sóng, đi đối với nâng cao chất lượng sóng phát thanh, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng duyên hải, Đài cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình địa phương và các ngành: Bưu chính, Viễn thông, Quân đội để tận dụng, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có; tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả mạng truyền thanh có dây và không dây ở cơ sở, đảm bảo phù hợp ở từng địa bàn, đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí.
d) Tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình phát thanh và có cơ chế phù hợp để thực hiện xã hội hóa trong sản xuất các chương trình phát thanh, nhằm tăng hiệu quả và tính định hướng thông tin của Đài. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí, công nghệ đa truyền thông, Đài cần đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa phương thức thông tin, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thông tin, nhất là đối với những địa bàn mà các phương tiện thông tin khác còn hạn chế.
đ) Năm 2007, Đài Tiếng nói Việt Nam cần tập trung thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, trong đó, chú trọng việc phát triển thông tin, tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, đẩy mạnh cải cách hành chính và tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí; thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII bảo đảm dân chủ, đúng luật, an toàn và tiết kiệm; tiếp tục thông tin, tuyên truyền về WTO, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và mọi người dân hiểu đầy đủ, đúng đắn về những khó khăn, thuận lợi khi gia nhập WTO; thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh".
e) Đài cần tập trung củng cố về tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chính trị, có trình độ nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cao, nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, am hiểu thực tiễn, nhạy bén, thích ứng với đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới của đất nước; xây dựng nội bộ vững mạnh, đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
3. Về một số kiến nghị của Đài Tiếng nói Việt Nam:
a) Đài Tiếng nói Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa-Thông tin kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Đài trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị định 83/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Cính phủ và căn cứ vào nhu cầu thực tế, xu thế phát triển của phát thanh trong tương lai... Tiến hành nghiên cứu, xây dựng Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đài theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X).
b) Giao Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan đánh giá toàn diện hiệu quả của các dự án phát thanh, truyền hình đã thực hiện trong thời gian qua, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng, đảm bảo tiết kiệm, tránh đầu tư trùng lắp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phủ sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đến 100% khu vực dân cư vào năm 2008.
Về dự án phủ sóng biển Đông, Đài Tiếng nói Việt Nam lập dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Khi lập dự án, cần lựa chọn công nghệ thích hợp nhằm bảo đảm mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng phát thanh của Đài và hiệu quả đầu tư; đồng thời, phối hợp với các Bộ: Bưu chính, Viễn Thông, Thủy sản, Giao thông Vận tải... thực hiện có hiệu quả Đề án "Tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển" đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì và các dự án khác có liên quan đến đảm bảo thông tin trên biển Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Giao Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan sớm có kế hoạch di dời các cột phát sóng của Đài tại Mễ Trì theo quy hoạch chung của khu Trung tâm Hội nghị quốc gia như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 33/TB-VPCP ngày 27/2/2007 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng ý Đài Tiếng nói Việt Nam tiến hành xây dựng Trung tâm điều hành kỹ thuật phát sóng của Đài tại Mễ Trì trên cơ sở quy hoạch của thành phố Hà Nội và quy hoạch chung của khu Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Trên phần diện tích còn lại do Đài quản lý, đồng ý về nguyên tắc cho xây dựng nhà ở để giải quyết một phần khó khăn về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên theo chế độ, chính sách hiện hành phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Hà nội; Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc với UBND Thành phố Hà Nội để thực hiện theo quy định.
d) Đồng ý về nguyên tắc việc thành lập cơ quan thường trú của Đài tại Mỹ và Nam Phi. Giao Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Thương mại, Nội vụ, Tài chính và các cơ quan liên quan thống nhất đề xuất phương án tối ưu nhất, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
đ) Giao cho Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam nghiên cứu, đề xuất đưa dự án Luật Phát thanh - Truyền hình vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, kết hợp việc xây dựng Luật Phát thanh- Truyền hình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành.
e) Đồng ý Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện thí điểm phát thanh có hình trên cơ sở phát triển công nghệ truyền thông đa phương tiện. Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện theo từng bước chắc chắn, phối hợp sử dụng chung hệ thống truyền dẫn, phát sóng đã có, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
g) Việc quản lý hệ thống truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình tiếp tục thực hiện như hiện nay.
Tuy nhiên, trong xu thế hội tụ viễn thông - công nghệ thông tin - truyền thông, vấn đề xây dựng, quản lý hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình và các loại thông tin khác sao cho có hiệu quả cao nhất, bảo đảm an ninh quốc gia là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Giao Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn Thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Đài Tiếng nói Việt Nam, các Bộ, các cơ quan liên quan và UBND thành phố Hà Nội biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Nghị định 83/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam Ban hành: 18/07/2003 | Cập nhật: 10/12/2009