Thông báo 59/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014, phương hướng và nhiệm vụ năm 2015
Số hiệu: | 59/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Khắc Định |
Ngày ban hành: | 14/02/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO NĂM 2014, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2015
Ngày 05 tháng 02 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014, phương hướng và nhiệm vụ năm 2015. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, các Ủy viên Ban Chỉ đạo, đại diện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo, phát biểu của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện có trách nhiệm công tác giảm nghèo năm 2014 đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Tại nhiều địa phương cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáng tạo nên công tác giải nghèo có chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách giảm nghèo đã được các Bộ, ngành Trung ương phối hợp rà soát, làm cơ sở cho việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giảm nghèo ở một số nơi còn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo thuộc các huyện nghèo còn lớn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số chính sách giảm nghèo còn trùng chéo, khó thực hiện; nguồn lực huy động chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả sử dụng chưa cao; có nơi nhận thức về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững còn hạn chế nên chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác quan trọng này.
2. Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015
Các Bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4%, phấn đấu đạt kết quả cao hơn.
- Nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác giảm nghèo bền vững. Các địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong phát triển bền vững. Các cấp ủy, chính quyền cần lấy hiệu quả, kết quả của công tác giảm nghèo bền vững làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương mình.
- Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững cần bảo đảm nguyên tắc: đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, tập trung vào những vùng khó khăn hơn, nhất vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vừa hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa hỗ trợ có hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản:
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;
+ Tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo, các địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, nhất là người thuộc hộ nghèo;
+ Hỗ trợ việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, trước hết là nhà ở, học hành, chăm sóc sức khỏe; đáp ứng nhu cầu về thông tin, nước sạch, cải thiện cơ sở hạ tầng,...
- Về huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực:
+ Các địa phương cần ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn cho công tác giảm nghèo bền vững với các chương trình, đề án khác trên từng địa bàn;
+ Khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng quan tâm góp công, góp sức, tăng thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững;
+ Tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và ý nghĩa của công tác giảm nghèo bền vững, cộng đồng trách nhiệm, vươn lên thoát nghèo, phấn đấu làm giàu;
+ Điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Ngân hàng này có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn, hiệu quả hơn cho công tác giảm nghèo bền vững; tập trung cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
- Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương chuẩn bị tốt việc tổng kết chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 làm cơ sở để xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với các yêu cầu cao hơn, xây dựng chuẩn nghèo mới với các tiêu chí tiếp cận đa chiều, cả về thu nhập, việc làm và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |