Thông báo số 55/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: 55/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 20/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 55/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH THANH HÓA

Ngày 13 tháng 02 năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Cùng tham dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2009; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Thanh Hóa đang có cơ hội phát triển mới với những lợi thế đặc thù, có tiềm năng để phát triển công nghiệp; có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, Thanh Hóa có nguồn nhân lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Tỉnh và bổ sung lực lượng lao động cho các tỉnh, thành phố khác.

Năm 2008, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng với tinh thần đoàn kết, nhất trí, Thanh Hóa đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, đạt được nhiều kết quả: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,3% (mức cao nhất từ trước đến nay); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; xuất khẩu tăng 36,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 28,5%; lượng khách đến du lịch tăng 23,1%, khách quốc tế tăng 42,9%; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 43,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 43,1%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 7,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ: Giáo dục chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, mở rộng và nâng cấp; số trường đạt tiêu chuẩn quốc gia tăng nhanh; đào tạo nghề tăng 12,6%; giải quyết việc làm cho người lao động tăng 9,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,2%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Những kết quả Tỉnh đạt được trong năm 2008 đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước bảo đảm tăng trưởng bền vững và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên hiện nay, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21,5%); thu nhập bình quân đầu người thấp so với mức trung bình cả nước; sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động xúc tiến đầu tư và môi trường đầu tư chưa được cải thiện; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều tồn tại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án còn chậm; ô nhiễm môi trường chậm khắc phục; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI:

Nhiệm vụ năm 2009 là rất nặng nề, Tỉnh cần có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo cụ thể để chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trước mắt cần thực hiện tốt, đồng bộ những công việc sau:

1. Chỉ đạo triển khai ngay và có hiệu quả các giải pháp, chính sách kích cầu, hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích và thu hút mạnh đầu tư trên địa bàn, nhất là vào Khu kinh tế Nghi Sơn.

2. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp.

3. Sớm hoàn chỉnh các quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai và tài nguyên môi trường; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Đối với thành phố Thanh Hóa cần chú trọng quy hoạch theo hướng mở rộng không gian phát triển, có tầm nhìn kết nối các đô thị vệ tinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tỉnh.

4. Giảm nghèo ở Thanh Hóa là nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh cần khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Như Xuân, Bá Thước.

5. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho nông dân; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính; nâng cấp hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Đồng ý về chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa, Nghệ An - Kỳ Anh Hà Tĩnh. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập Dự án đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Về đầu tư tuyến đường ven biển từ Nga Sơn (Thanh Hóa) đến Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An); Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, lập, thẩm định và phê duyệt Dự án theo quy định, bảo đảm kết hợp phát triển giao thông với đê biển. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn để thực hiện.

3. Về nâng cấp cửa khẩu Bát Mọt thành cửa khẩu Quốc gia: Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, lập và trình duyệt Dự án theo quy chế cửa khẩu.

Đồng ý về nguyên tắc đầu tư, nâng cấp tuyến đường Thường Xuân - Bát Mọt. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt Dự án theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất, bố trí vốn.

4. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ vốn để thực hiện đúng tiến độ các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Đối với các dự án Tỉnh đề nghị bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa rà soát, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

5. Đồng ý Bộ Giao thông vận tải lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 48 từ thị trấn Yên Cát đến Bù Cẩm (tỉnh Nghệ An).

6. Đối với vốn đầu tư dự án nâng cấp và mở rộng cảng cá Lạch Bạng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, thực hiện bảo đảm hoàn thành trong năm 2010; các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thực hiện theo tiến độ.

Về vốn đầu tư, xây dựng các khu tránh, trú bão tàu cá: trước mắt sử dụng vốn đã bố trí của kế hoạch năm 2009 để thực hiện. Trường hợp vốn đã bố trí năm 2009 sử dụng hết thì Bộ Tài chính ứng vốn năm 2010 để thực hiện.

7. Tỉnh Thanh Hóa làm việc cụ thể với Bộ Tài chính về vay vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước để đầu tư một số dự án quan trọng; đối với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị, Tỉnh sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng ADB và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

8. Đồng ý về nguyên tắc ứng vốn kế hoạch năm 2010 cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện các dự án cấp bách đáp ứng yêu cầu bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, huyện Mường Lát; phân lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng huyện Thạch Thành; các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết theo tiến độ và khối lượng thực hiện cụ thể.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn theo kế hoạch hàng năm để Tỉnh triển khai dự án trồng mới và cải tạo rừng sản xuất giai đoạn 2008-2015.

10. Về xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã: Tỉnh ưu tiên triển khai tại 7 huyện nghèo trước.

11. Về việc tái định cư một số hộ dân sống trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung yếu vùng lòng hồ sông Mực: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lập Dự án báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ.

12. Về việc xử lý nợ các hộ dân vay của dự án trồng cà phê chè ( vốn vay AFD): Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có biện pháp xử lý tổng thể để giải quyết dứt điểm tồn tại của Dự án trên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số: 7754/VPCP-KTN ngày 11 tháng 11 năm 2008, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2009.

13. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tỉnh Thanh Hóa khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn để hoàn thành trong năm 2010.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT;
- Các Vụ: TKBT, TH, KTTH, KTN, ĐMDN, KGVX, QHQT, NC;
- Lưu: VT, ĐP (5)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.