Thông báo 49/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông
Số hiệu: | 49/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 10/03/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thông tin báo chí, xuất bản, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Ngày 21 tháng 02 năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông tại trụ sở của Bộ. Tham dự buổi làm việc có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả công tác năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2010 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2011
Cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả công tác năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong năm 2010, Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Các lĩnh vực như dịch vụ viễn thông và Internet, truyền dẫn phát sóng, công nghệ thông tin, phát thanh và truyền hình, bưu chính và chuyển phát, quản lý báo chí, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia...đều có bước phát triển mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, việc triển khai thực hiện Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020" là nhiệm vụ có tính chiến lược, xuyên suốt đến năm 2020 của ngành thông tin và truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chuẩn bị tốt việc tổ chức 4 Hội nghị chuyên đề, từ đó hoàn chỉnh kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai Đề án. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm tới trên các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc hình thành các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở tầm khu vực và quốc tế.
3. Tiếp tục chỉ đạo, giải quyết sớm những vấn đề tồn tại, đang gây bức xúc như: trò chơi trực tuyến, di động trả trước và tin nhắn rác, truyền hình trả tiền, báo mạng và thông tin điện tử... Tập trung chỉ đạo quy hoạch hạ tầng viễn thông, sử dụng chung hạ tầng, ngầm hóa cáp viễn thông tại các thành phố lớn...
4. Tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó, cần có quy định cụ thể về việc sử dụng thông tin và trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để khắc phục tình trạng thông tin sai sự thật trên báo chí.
5. Sớm hoàn chỉnh báo cáo về định hướng, quan điểm trong quy hoạch phát triển và quản lý báo chí trong giai đoạn mới (gồm báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử), báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, trước khi trình xin ý kiến Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
6. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, Bộ cần chủ động hơn trong việc hỗ trợ thông tin trên mạng Internet, nhằm định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để dư luận xã hội (đặc biệt là giới trẻ) có thông tin đầy đủ, kịp thời về mặt tốt, tích cực, từ đó lấn át, đẩy lùi thông tin xấu, thông tin tiêu cực trên mạng Internet. Trước mắt, Bộ cần chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng dự án "Hình ảnh Việt Nam qua góc nhìn của thanh niên".
7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù nhằm thu hút, sử dụng và phát huy tốt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
8. Rà soát và đánh giá tổng thể về tình hình cơ sở vật chất hiện nay của Bộ, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
II. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỤ THỂ
1. Về thực hiện chương trình công tác năm 2011: Cơ bản nhất trí. Bộ chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện, nhất là đối với các đề án còn tồn đọng từ chương trình công tác năm 2010.
2. Về việc thành lập mới các đơn vị thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành trực thuộc: Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ các Đề án, gắn với việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, trình Chính phủ nhiệm kỳ mới (khóa XIII).
3. Về việc phân cấp quản lý, điều hành cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bưu chính: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nhiệm vụ chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết theo đúng pháp luật.
4. Về chính sách thuế đối với hoạt động xuất bản: Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoạt động xuất bản vào danh mục nhóm các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa để được hưởng chế độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% theo quy định hiện hành.
Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng có tính ưu đãi trong hoạt động xuất bản (sách chịu thuế là 5%, sách không chịu thuế là 0% hoặc 2 -3% như các nước ASEAN): Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định.
5. Về cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong việc xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển công nghệ phần mềm và nội dung số.
6. Việc tập trung, phối hợp các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả đối với các chương trình, dự án đưa thông tin đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |