Thông báo 46/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục tại phiên họp Hội đồng ngày 18 tháng 05 năm 2001
Số hiệu: 46/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Trần Quốc Toản
Ngày ban hành: 04/06/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2001

Ngày 18 tháng 5 năm 2001, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia Giáo dục đã họp phiên thường kỳ xem xét, thảo luận về Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2010 và báo cáo về tình hình chuẩn bị và triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở tiểu học và trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và đào tạo trình. Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, các thành viên của Hội đồng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng đã phát biểu ý kiến chỉ đạo:

I. Về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2010 phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Bản Dự thảo Chiến lược lần này đã được chuẩn bị công phu, hoàn thiện hơn, có chất lượng hơn. Đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành. Để hoàn chỉnh văn bản chiến lược, Ban soạn thảo cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Về hiện tượng giáo dục - đào tạo, cần đánh giá đúng những thành tựu của nền giáo dục nước ta để phát huy, những yếu kém để có giải pháp khắc phục. Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất của nhà trường, nhưng vẫn có nhiều bất cập. Các hiện tượng tiêu cực trong ngành còn nhiều nhưng chậm được khắc phục.

Trong những nguyên nhân cơ bản của những bất cập, nguyên nhân hàng đầu là nhận thức của cả hệ thống quản lý giáo dục chưa theo kịp với tình hình mới. Còn biểu hiện trì trệ, chưa có được những chuyển biến rõ rệt.

2. Về các quan điểm chỉ đạo, cần nêu rõ một số tiêu chí cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là: bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp; một nền giáo dục lành mạnh, không có các hiện tượng tiêu cực trong nhà trường; công bằng xã hội trong giáo dục được đảm bảo, “ai cũng được học hành”, ai cũng có cơ hội như nhau để tiếp thu giáo dục phổ thông, để được đào tạo theo ngành nghề phù hợp với năng lực ở mọi trình độ.

3. Về mục tiêu, cần khẳng định khâu đột phá - trọng tâm và xuyên suốt trong các mục tiêu chiến lược là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc đào tạo các nhân tài khoa học công nghệ và quản lý kinh tế xã hội cho đất nước; nhanh chóng nâng cao dân trí của toàn xã hội; khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương, vùng miền có những giải pháp huy động nguồn lực thực hiện nhanh hơn các chất lượng cao hơn; đẩy lùi tiêu cực, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thực hiện các tiêu chí cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa;

4. Về giải pháp, trọng tâm là đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học; cải tiến công tác quản lý giáo dục là giải pháp đột phá. Đặc biệt chú trọng đào tạo những giáo viên có tài, có đức, có đầy đủ năng lực và phẩm chất của một nhà giáo để có thể đảm nhận tốt việc giáo dục thế hệ trẻ cho đất nước. Đổi mới tổ chức hệ thống giáo dục - đào tạo để đảm bảo tính nhất quán, tổng thể trong mục tiêu, yêu cầu, chương trình giáo dục và chuẩn kiến thức. Có mối liên kết chặt chẽ và liên thông giữa các loại hình, giữa các trình độ đào tạo, các phương thức đào tạo. Tăng đầu tư cho giáo dục - đào tạo từ các nguồn tài chính khác nhau, có cơ chế quản lý và sử dụng có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; phát triển các doanh nghiệp trong nhà trường.

Ngành giáo dục - đào tạo cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp cấp bách nhằm khắc phục các bất cập và tiêu cực hiện nay như: đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo, đổi mới cách thi cử, kiểm tra đánh giá, đổi mới giáo dục đại học, đổi mới đào tạo nghề và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo...

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng bằng văn bản tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa chữa, hoàn chỉnh gửi xin ý kiến các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

II. Về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Kể từ năm học 1981-1982, các trường phổ thông trên cả nước đã triển khai dạy và học về cơ bản theo chương trình và sách giáo khoa thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12. Bộ chương trình và sách giáo khoa này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có kết quả nhiệm vụ lịch sử của giai đoạn thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trong phạm vi cả nước, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phổ cập trung học cơ sở, đóng góp vào sự ổn định, phát triển và nâng cao dần chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy vậy, trước những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trước sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của kinh tế xã hội, của khoa học - công nghệ nói chung và khoa học giáo dục nói riêng, chương trình và sách giáo khoa đã được sử dụng trong những năm qua, bên cạnh những mặt tích cực đã bộc lộ rõ những hạn chế và bất cập.

Từ năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xúc tiến việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bao gồm việc tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên, tiến hành thử nghiệm tại một số trường, ở các địa bàn khác nhau trong toàn quốc, bắt đầu là chương trình tiểu học, sau đó là chương trình trung học cơ sở.

Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục - đào tạo, là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng và của hệ thống giáo dục - đào tạo nói chung.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh đề án tổng thể đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 7 năm 2001. Đề án cần nêu rõ và cụ thể những việc cần làm, giải pháp thực hiện, thời hạn cần hoàn thành, kết quả cần đạt được, nguồn lực cần và có thể huy động và quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và cơ quan hữu quan. Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị cho các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan và các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục biết và thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
PHÓ CHỦ NHIỆM - TỔNG THƯ KÝ HĐQGGD




Trần Quốc Toản

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.