Thông báo số 44/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh trọng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2008 của Ban chỉ đạo Tây Bắc
Số hiệu: | 44/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 11/02/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2008 CỦA BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC
Ngày 15 tháng 01 năm 2009, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong Vùng là thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 của Ban Chỉ đạo và ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2008
Năm 2008, các địa phương vùng Tây Bắc, gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, giá vật tư, hàng hoá tăng cao. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, các địa phương trong Vùng đã đạt được các kết quả khá toàn diện. Kinh tế giữ được ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân các tỉnh đạt trên 11 %, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống đồng bào các dân tộc cơ bản ổn định; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng được quan tâm thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại được tăng cường và phát triển.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo có bước chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên, nhất là chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc có hiệu quả, chú trọng đến các địa bàn xung yếu, nhiệm vụ trọng điểm và quan hệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong Vùng tốt hơn.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, cụ thể là:
- Chưa phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Vùng, chưa tạo được các bước đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng công nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở các địa phương giảm; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là hệ thống đường giao thông, thuỷ lợi
- Tình trạng dân di cư tự do, truyền đạo trái phép, tội phạm về ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
- Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng cao, biên giới còn nhiều bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ; tình hình an ninh nội địa và trên tuyến biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định về an ninh, chính trị.
- Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, dự án liên quan đến Vùng của Ban Chỉ đạo Tây Bắc chưa thường xuyên và hiệu quả đạt được chưa cao; Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ở một số tỉnh hoạt động chưa thường xuyên và chưa có hiệu quả rõ rệt.
II. VỀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2009
Cơ bản nhất trí với mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Đối với các tỉnh trong Vùng:
- Phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả năm nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP , ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Chú trọng khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản, thuỷ điện, du lịch và lợi thế về cửa khẩu; huy động và sử dụng tốt các nguồn lực, nhất là nguồn nội lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.
- Tập trung các nguồn lực, giải pháp để ổn định và cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; triển khai tích cực, có hiệu quả các nội dung chương trình giảm nghèo, nhất là 41 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, chú trọng tính bền vững của công tác xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện tốt các dự án ổn định dân cư, đưa dân trở lại biên giới, lập phương án cụ thể và chỉ đạo sâu sát công tác phòng chống bão, lũ giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt phòng chống lũ quét và sạt lở đất, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
- Đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến về công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, cho thanh niên dân tộc, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các âm mưu lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, gây mất đoàn kết dân tộc.
- Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh. Nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy và tái trồng cây thuốc phiện. Các địa phương biên giới tăng cường hoạt động hữu nghị, hợp tác kinh tế với các địa phương nước bạn.
- Tiếp tục quan tâm xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là tạo chuyển biến trong việc "làm theo". Làm tốt công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
2. Đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo:
- Bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương; Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP , ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ; việc xây dựng hệ thống chính trị, các chương trình, dự án trên địa bàn; tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
- Đồng ý về nguyên tắc kế hoạch triển khai các Đề án nêu trong Báo cáo. Ban Chỉ đạo cần chủ động phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện khi các đề án được phê duyệt.
- Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác mạnh hơn tiềm năng, thế mạnh của vùng; chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; chính sách quản lý và phân bổ nguồn vốn thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 37-NQ/TW; chính sách hỗ trợ, kích cầu cho các hoạt động kinh tế trong Vùng.
- Tổ chức một số chuyên đề về công tác xây Đảng, công tác cán bộ và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở thuộc phạm vi chỉ đạo; đồng thời tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan Thường trực, Cơ quan chuyên trách theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị.
3. Đối với các Bộ, ngành liên quan:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo số 465-TB/VPTW, ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Văn phòng Trung ương Đảng và các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2005.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong Vùng nghiên cứu đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm khai thác mạnh hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng và tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, thu hút đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có biện pháp giúp các tỉnh tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư cho các địa phương trong vùng, đặc biệt là các nguồn vốn ODA, FDI.
- Đồng ý về nguyên tắc bổ sung 4 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ vào Danh sách các địa phương được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây bắc. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc biết và thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |