Thông báo 44/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị sơ kết 2 năm 1999 - 2000 và triển khai kế hoạch năm 2001 Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa
Số hiệu: 44/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Công Sự
Ngày ban hành: 01/06/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 2 NĂM 1999 - 2000 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2001 CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN MIỀN NÚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA

Từ ngày 10 đến 12 tháng 5 năm 2001, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm 1999 - 2000 và triển khai kế hoạch năm 2001 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện: các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các Tổng Công ty 91, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, các xã điển hình thuộc Chương trình 135; các tỉnh, thành phố được phân công giúp đỡ các tỉnh nghèo, các cơ quan thông tin, báo chí. Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, các ngành các Tổng Công ty 91, các địa phương và ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Thủ tướng Phan Văn Khải có ý kiến kết luận như sau:

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa được đánh giá là một trong những chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng, miền núi, vùng sâu và vùng xa, những địa bàn khó khăn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Chương trình có ý nghĩa to lớn không những về kinh tế mà cả về chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, với tính nhân văn sâu sắc, phát huy được bản chất tốt đẹp của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách bền vững, được nhân dân cả nước đồng tình, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của mình. Qua hai năm thực hiện, chương trình đã thu được kết quả to lớn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc chương trình, rút ra được những bài học bổ ích về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đông thời đề ra phương hướng cho năm 2001 và những năm tiếp theo nhằm tiếp tục giúp các xã thuộc chương trình phát triển nhanh hơn, xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.

1. Về kết quả thực hiện

Chương trình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Cùng với sự ưu tiên dành vốn từ ngân sách Nhà nước trên 1.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 1.400 tỷ đồng, chương trình còn động viên được sự tham gia giúp đỡ tích cực của các Bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh thành phố có điều kiện, các Tổng Công ty 91, với tổng số tiền của các đơn vị đã ủng hộ, giúp đỡ các xã trên 130 tỷ đồng, điển hình là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nhiều đơn vị khác.

Các tỉnh còn huy động được nhân dân đóng góp ngày công xây dựng, vận chuyển vật liệu, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình. Đã có 21 tỉnh cử gần 1.400 cán bộ tăng cường giúp đỡ các xã, điển hình là các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau...

Chương trình còn lồng ghép và phối hợp tốt với tất cả các chương trình, dự án khác trên địa bàn để có thêm vốn thực hiện và từng bước tạo ra những điều kiện để thực hiện xoá đói nghèo một cách bền vững như: dự án định canh, định cư ở 300 xã, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng ở 150 xã, nước sạch đầu tư ở 737 xã, chương trình giáo dục, y tế, các chương trình, dự án quốc tế có mục tiêu của các đoàn thể (như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đều ưu tiên triển khai tại các xã thuộc chương trình.

Kết quả cụ thể là:

- Về xây dựng kết cấu hạ tầng: đã xây dựng được 5.035 công trình hạ tầng, trong đó năm 1999 là 2.220 công trình cho 1.200 xã, năm 2000 là 2.815 công trình cho 1.878 xã, bao gồm: đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nhỏ, cấp nước sinh hoạt, cấp điện, trường học, trạm y tế, chợ. Năm 2000 đã khởi công xây dựng 112 trung tâm cụm xã, đưa số trung tâm cụm xã được khởi công xây dựng từ năm 1996 - 2000 là 330 trung tâm, trong đó 16 trung tâm cụm xã đã hoàn thành. Công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng phần lớn đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân các xã thuộc chương trình, thực hiện được mục tiêu xã có công trình, dân có việc làm, thu nhập và hưởng lợi từ công trình.

- Về công tác đào tạo cán bộ xã, bản làng, phum, sóc; nhiều tỉnh đã mở các lớp đào tạo với nội dung thiết thực, đào tạo cán bộ triển khai Chương trình 135 và các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo về v.v..., để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân dân. Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở của tỉnh Tuyên Quang là một điển hình tốt, các địa phương cần rút kinh nghiệm học tập, các Bộ, ngành cần tổng kết để chỉ đạo nhằm mở rộng nhanh ra các địa phương khác.

- Từ việc triển khai chương trình này, từng bước quy hoạch, sắp xếp lại dân cư những nơi cần thiết. Việc lồng ghép các chương trình trong đó lấy địa bàn của Chương trình 135 là chủ yếu, đã thực hiện được một số dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng, tạo điều kiện ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào nhất là vùng biên giới.

- Trong quá trình thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình tốt, cần được đúc kết để nhân rộng ra các địa phương khác. Đồng thời chúng ta cũng rút ra được một số bài học về sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo, giám sát thực hiện chương trình; sự huy động nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; đưa cán bộ về giúp các xã nghèo; về sự tham gia của cơ sở trong việc thực hiện chủ trương dân chủ cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Chương trình được đánh giá là đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hợp lòng dân, ít tiêu cực nhất, ít thất thoát nhất, về cơ bản không khiếu kiện; chương trình đã gắn được trách nhiệm, tình cảm của nhân dân địa phương với các công trình được Nhà nước nước đầu tư, gây được không khí phấn khởi, vun đắp niềm tin của đồng bào các dân tộc vào đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả trên đây đã góp phần tích cực giúp đồng bào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có hiệu quả hơn, tạo thêm việc làm, tăng cường bảo vệ rừng, môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá để thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giầu.

Tuy vậy, trong quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện vẫn còn những mặt yếu kém. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm khắc kiểm điểm, có biện pháp khắc phục để trong những năm tới việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa, đó là:

- Một số địa phương chưa huy động được các nguồn lực để tạo sức mạnh tổng hợp cho việc thực hiện chương trình; quá trình lập, thẩm định, xét duyệt thiết kế dự toán công trình chậm, dẫn đến tiến độ thi công nhiều công trình không bảo đảm đúng thời gian.

- Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ nội dung công khai, dân chủ chưa được bàn bạc, quyết định, giám sát và trực tiếp tham gia xây dựng công trình, chưa bảo đảm tốt yêu cầu xã có công trình, dân có việc làm, thu nhập và hưởng lợi từ công trình; một số huyện để xảy ra tình trạng phó mặc dự án cho các nhà thầu dẫn đến chất lượng công trình kém; trong quá trình xây dựng vẫn còn tiêu cực, thất thoát; sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa có quy chế quản lý cụ thể nên có nguy cơ công trình bị xuống cấp, hư hỏng.

- Việc triển khai lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn còn lúng túng, trì trệ, do đó chưa khai thác hết các nguồn vốn của các chương trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ xoá đói giảm nghèo, giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

- Tại hội nghị lần này, một câu hỏi đặt ra là: tại sao cùng một chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có tỉnh làm tốt, có huyện, xã làm tốt, nhưng lại có nơi tiêu không hết tiền, hiệu quả thấp, xảy ra tiêu cực thất thoát, chỉ có thể kết luận là: ở những nơi này, chỉ đạo điều hành của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã kém, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên đối với người nghèo chưa cao, thiếu sâu sát, thiếu kế hoạch cụ thể; việc lồng ghép các chương trình trên địa bàn, việc phân công, phân cấp của dự án triển khai chậm, đặc biệt thiếu kiểm tra đôn đốc; công trình chưa được thực sự là công trình của xã, của dân.

- Một số Bộ, ngành được Chính phủ phân công giúp đỡ các tỉnh nghèo, đã qua 2 năm, đến nay vẫn chưa thực hiện hoặc triển khai chậm.

2. Phương hướng, kế hoạch thực hiện Chương trình 135 trong năm nay và các năm tới

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã đề ra “Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, mở mang dân trí... thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, đặc biệt quan tâm đến vùng vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là các căn cứ cách mạng và kháng chiến”... Theo tinh thần đó, nhiệm vụ của Chương trình 135 trong thời gian tới còn rất nặng nề. Từ thực tiễn nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, muốn xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững phải tập trung giải quyết đồng bộ ba nhóm vấn đề lớn đó là xây dựng kết cấu hạ tầng; giải quyết lương thực, thực phẩm cho dân, phát triển sản xuất hàng hoá với cơ cấu phù hợp nhu cầu thị trường; nâng cao dân trí. Do vậy, Chương trình 135 phải phối hợp lồng ghép tốt với chương trình, dự án khác trên địa bán các xã, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nội dung này; trước hết cần chú trọng làm tốt những việc dưới đây:

a. Quy hoạch bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết, gắn việc quy hoạch đất đai, định canh định cư với xây dựng kết cấu hạ tầng. Phải tiến hành quy hoạch khu dân trước, sau đó mới xây dựng các công trình bảo đảm cho dân chuyển đến sinh sống thuận lợi.

Trên cơ sở quy hoạch đất đai, từng xã, từng huyện phải xác định được cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán của đồng bào, khai thác được lợi thế của địa phương, nhanh chóng chuyển sang sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

b. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng tại các xã, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào.

c. Về dự án xây dựng trung tâm xã, cụm xã: phải tập trung làm tốt ở xã, không xây dựng tràn lan, bảo đảm đến năm 2005 làm xong kết cấu hạ tầng ở xã. Đối với các trung tâm cụm xã, cần phải xác định quy mô hợp lý, bảo đảm khai thác có hiệu quả, đặc biệt là tập trung xây dựng trung tâm cụm xã cho các xã biên giới.

d. Đưa cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư về xã, giúp xã hướng đào tạo cán bộ về tổ chức quản lý thực hiện các dự án của xã, về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản để xã có thể tự tổ chức hướng dẫn cho đồng bào thực hiện dự án.

e. Các cấp Uỷ, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể, Quân đội, Công an phải tích cực tham gia thực hiện Chương trình 135, hết lòng phục vụ nhân dân, gắn bó với dân, nắm cho được dân, nhanh chóng xoá đói giảm nghèo cho nhân dân và đem lại cho nhân dân cuộc sống yên bình, hạnh phúc, đẩy lùi những hoạt động tuyên truyền tà giáo trái phép, đập tan các âm mưu của bọn phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc chống phá cách mạng.

g. Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các Tổng Công ty 91, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà từ thiện... tiếp tục dành nhân lực, vật lực đầu tư giúp đỡ các xã thuộc Chương trình 135. Đồng thời phải tuyên truyền vận động nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài có những việc làm thiết thực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.

h. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì các Bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ địa phương là người dân tộc thiểu số. Hướng dẫn các địa phương tổ chức bình xét, đề xuất các hình thức khen thưởng nhằm đánh giá đúng thành tích của từng tập thể, cá nhân, khơi dậy phong trào thi đua trong cả nước nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình 135.

i. Sau hội nghị này, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cụ thể thực hiện Chương trình 135 ở từng ngành, từng cấp nhằm nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của từng chương trình trong thời gian tới.

3. Về một số kiến nghị của các địa phương

a. Đồng ý giữ mức đầu tư 400 triệu đồng/xã nhưng không bình quân, tập trung tăng thêm vốn cho các huyện, xã nghèo nhất, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên, nhưng phải thực hiện theo dự án và đúng quy định hiện hành của Chương trình 135. Ngoài ra, nơi nào làm tốt, có báo cáo, được kiểm tra xác nhận thì ưu tiên tăng thêm vốn đầu tư.

b. Ngoài danh mục 7 công trình hạ tầng đã được lựa chọn như đường giao thông, các công trình thuỷ lợi nhỏ, công trình điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ, đồng ý bổ sung công trình khai hoang vào danh mục này. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Nhà nước có thể đứng ra khai hoang, cải tạo đồng ruộng xong giao lại cho dân sản xuất hoặc nơi nào dân có điều kiện thì trực tiếp đưa vốn cho dân làm.

c. Đồng ý dành thêm khoảng 200 - 300 tỷ đồng/năm đầu tư cho các tuyến đường biên giới, đường liên xã khó khăn nhất thuộc phạm vi Chương trình 135. Giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới thống nhất và sớm xác định các tuyến đường ra biên giới để triển khai vào cuối năm 2001 hoặc chậm nhất là đầu năm 2002.

d. Đồng ý dành 50 tỷ đồng để hỗ trợ (một lần) giống cây trồng, giống vật nuôi cho đồng bào các xã thuộc Chương trình 135, trường hợp nhu cầu hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào vượt mức 50 tỷ đồng thì cũng phải chuẩn bị đủ để hỗ trợ cho các hộ gia đình.

Đối với những hộ ở các xã thuộc chương trình quá khó khăn, nghèo đói, không có nhà cửa, các tỉnh phải giúp cho đồng bào có nhà ở, không để đồng bào đói, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần vốn cho các hộ này để làm nhà.

e. Về nguyên tắc, đồng ý cấp cho 202 huyện có từ 5 xã trở lên trong Chương trình 135, mỗi huyện 01 xe YAZ để phục vụ công tác chỉ đạo thực hiện.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối đủ vốn để thực hiện những nội dung nêu trên của Chương trình 135. Từ năm 2001, khi giao kế hoạch Chương trình 135 cho các địa phương, bao gồm các dự án thành phần của Chương trình được ghi thành một khoản mục riêng trong kế hoạch hàng năm của địa phương theo đúng Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Không được dùng vốn của Chương trình 135 sử dụng cho các mục tiêu khác. Nơi nào lấy vốn của chương trình này dùng vào việc khác phải xử lý kỷ luật nghiêm.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và đơn vị có liên quan biết và thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Công Sự