Thông báo 43/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Số hiệu: | 43/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 04/03/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2010, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2011 CỦA BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC
Ngày 15 tháng 02 năm 2011, tại Tuyên Quang, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh trong Vùng.
Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2010, mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 và ý kiến tham gia của các đại biểu dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2010, kinh tế nước ta bước đầu hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Vùng Tây Bắc là vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, sự chống phá của các thế lực thù địch... Song, sau một năm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối kết hợp của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế giữ được ổn định và có bước tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng năm 2010 đạt 12,55%, tăng 3,17% so với năm 2009 và vượt mục tiêu Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm 0,83%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,79%, dịch vụ tăng 0,04% so với năm 2009. GDP bình quân đầu người đạt 11,75 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2009. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 12.207,9 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009. Chương trình phát triển cây cao su, kinh tế rừng, trồng rừng tại một số tỉnh trong vùng được tập trung triển khai và đạt kết quả khá; chăn nuôi, thủy sản phát triển ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng khá. Xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao. Các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủy điện, du lịch và lợi thế về cửa khẩu được tập trung khai thác. Sản xuất công nghiệp được phục hồi và có bước phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 17,1% so với năm 2009. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa được đẩy mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường một bước. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,77%, giảm 3,85% so với năm 2009. Công tác an sinh xã hội được chú trọng; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 43 huyện nghèo trong vùng được triển khai khá đồng bộ. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, việc thực hiện chủ trương hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện đạt kết quả tốt...
Tuy nhiên, tình hình vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, một số tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp. Việc huy động nguồn lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng chưa tương xứng. Thu nhập của người lao động vẫn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao gấp đôi bình quân của cả nước, trong đó diện cận nghèo có nguy có tái nghèo còn lớn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện mạnh mẽ. Trình độ học vấn và mặt bằng dân trí còn thấp. Năng lực tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, tổ chức sản xuất hàng hóa còn rất hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước cải thiện, nhưng vẫn còn cách xa so với yêu cầu phát huy nguồn lực, thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển so với mức trung bình của cả nước. Tình hình tôn giáo, nhất là đạo Tin lành vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lợi dụng để kích động, chống phá. Tệ nạn xã hội và tội phạm về buôn lậu, ma túy, mại dâm... còn nhiều bức xúc.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2011
Năm 2011 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 2011, các địa phương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành cần chú trọng một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Đối với các tỉnh trong vùng:
- Tập trung quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa thành Chương trình hành động thiết thực; triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
- Tăng cường cơ sở vật chất trường học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề cho lao động nông thôn. Mở rộng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số. Huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo, nhất là đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
- Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác thế mạnh ở mỗi tiểu vùng; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với quy mô thích hợp, đạt hiệu quả bền vững. Triển khai có hiệu quả các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái.
- Huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Chú trọng việc kết nối các tuyến giao thông huyết mạch, các công trình đầu mối để nâng cao hiệu quả vận tải. Phát triển thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư tại địa bàn vùng cao. Thực hiện tốt các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật. Đấu tranh mạnh mẽ để kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, nhất là tệ nạn ma túy, HIV-AIDS.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư. Rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch ngành, quy hoạch theo địa phương và quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Giải quyết tốt các vấn đề về quyền sử dụng đất đai, quản lý khai thác và chế biến tài nguyên, khoáng sản, tạo căn cứ pháp lý ổn định để đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng.
2. Đối với các Bộ, ban, ngành Trung ương:
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cần cụ thể hóa các nhiệm vụ năm 2011 thành chương trình công tác để thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng nghiên cứu đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là tham mưu, đề xuất bố trí, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách về hợp tác liên kết phát triển kinh tế vùng giữa các địa phương; đồng thời sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020", "Một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực nhiều tiềm năng đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2015".
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách đặc thù về phát triển cây cao su và phát triển rừng kinh tế trên địa bàn vùng Tây Bắc; đề xuất Thủ tướng Chính phủ về phương án hỗ trợ cho các địa phương vùng Tây Bắc thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
3. Đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc:
- Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì phối hợp với Bộ, ban, ngành liên quan đề xuất chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, các cơ chế, chính sách đặc thù, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong giai đoạn tiếp theo.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình cải cách thủ tục hành chính; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; các dự án giao thông trọng điểm; dự án di dân, tái định cư các công trình thủy điện lớn; chủ trương hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện; mở rộng hợp tác trên tuyến biên giới Việt-Trung; một số công tác đối với đạo Tin lành...
- Tổ chức sơ kết, tổng kết một số chuyên đề: đánh giá 5 năm thực hiện Chủ trương hợp tác, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển toàn diện; 5 năm thực hiện chủ trương, chỉ thị về công tác tôn giáo trên địa bàn Tây Bắc. Tổ chức tốt các hội nghị: Đánh giá kết quả triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị "Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc"; bàn giải pháp phát triển chăn nuôi, thủy sản tại tại các địa phương trong vùng; Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác giữa 3 Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ năm 2011; Hội nghị trao đổi công tác giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng...
- Chỉ đạo và tổ chức phối hợp tốt các lực lượng, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương xử lý các tình huống đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trấn áp tội phạm trên địa bàn.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức; tăng cường phối hợp giữa các Thành viên Ban Chỉ đạo, cải tiến công tác thông tin giữa cơ quan chuyên trách Ban Chỉ đạo với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |